Thâm nhập lãnh địa vàng “thổ phỉ” Pác Lạng (Bài 2)

Núi vàng Pác Lạng liên tục bị khai thác trái phép. Nó diễn ra lúc rầm rộ, khi lại âm thầm lặng lẽ. Cứ vậy, suốt hơn 20 năm qua và xuyên qua hai thế kỷ, chẳng hiểu vì sao chính quyền được trang bị lực lượng hùng hậu, pháp luật đầy túi mà vẫn thua… “ vàng tặc”?

Những bao quặng khai thác trái phép tại mỏ vàng Pác Lạng

Bài 2. Tài nguyên bị bòn rút?

Những ai đã từng đi làm vàng ở miền Bắc, thậm chí mãi tận miền Nam đều nghe những câu chuyện li kỳ về mỏ vàng Pác Lạng (tên gọi của dân làm vàng là bãi vàng Ma Nu) nằm trên địa bàn hai xã: Đức Vân, Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Chẳng biết có nhiều vàng như lời đồn thổi, nó đã hút hồn hàng vạn lượt người vào cuộc tìm kiếm vận may rủi nơi đây…

Liên tiếp bị đào bới

Năm 1990 của thế kỷ trước, mỏ vàng Pác Lạng thuộc huyện Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn (trước năm 1997 thuộc tỉnh Cao Bằng) đã phát lộ rực lửa. Lời truyền miệng rằng, có những người làm vàng ở Pác Lạng đã trúng tới vài chục kg, thậm chí vài tạ vàng. Tin trúng vàng ngày đó cứ truyền tai nhau làm cho các bưởng vàng khắp nơi huy động đông đảo phu vàng đổ về đây khai thác .

Vàng lộ thiên nhiều, người đến hôi của trời cho cũng đông như kiến. Các cuộc thị uy, tranh giành lãnh địa liên tục diễn ra, thậm chí cả cướp, chém giết lẫn nhau cũng đã xảy ra. Trước sự hỗn loạn đó, buộc chính quyền tỉnh Cao Bằng phải dùng đến lực lượng quân đội làm công tác giải toả và bảo vệ mỏ Pác Lạng, sau đó bàn giao cho một Công ty phía quân đội vừa làm nhiệm vụ bảo vệ, vừa thăm dò đánh giá trữ lượng (gọi là Cty 392). Tuy nhiên, việc thăm dò suốt 7 năm công tác bảo vệ được gác trực thường xuyên, nhưng địa bàn rộng, rừng rậm rạp, “vàng tặc” vẫn lén lút khai thác. Sau thời gian thăm dò không hiệu quả, Cty 392 thả buông, bàn giao lại cho tỉnh Bắc Kạn quản lý. Cũng là lúc các bưởng tự do “oanh tạc” mạnh hơn, càng làm cho tài nguyên bị thất thoát nghiêm trọng.

Đến năm 1997, khi tỉnh Bắc Kạn được tái thành lập, mỏ vàng Pác Lạng được chuyển về tỉnh Bắc Kạn theo chỉ giới hành chính, lúc giao thời, nạn khai thác thổ phỉ vốn dĩ tồn tại từ thời còn Cty 392 lại được đà bùng phát mạnh mẽ. Các hang hố tiếp tục được mở thêm chi chít trên sườn núi. Các bể chứa nước ngâm quặng vàng được be đắp từ chân núi lên đến gần đỉnh núi phục vụ công việc dùng hoá chất tuyển vàng. Nạn vàng thổ phỉ gia tăng, chính quyền lại một lần “lép vế”, vì lực lượng truy quét ra về, chúng lại tiếp tục dựng lán lắp máy nghiền. Thấy quá tốn kém và không hiệu quả, chính quyền Bắc Kạn đành tạm giao cho Tổ hợp khai thác vàng Ma Nu do ông Trường làm Tổ hợp trưởng. Tổ vàng này có nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh tại khu vực mỏ, được phép tận thu khoáng sản vàng và trách nhiệm thu phí các lán khai thác vàng tại Pác Lạng để nộp thuế, phí tài nguyên cho tỉnh Bắc Kạn theo mức ấn định hàng năm.

Chỉ trong mấy năm thực hiện, Tổ hợp này đã không thể làm được công tác thu nộp thuế tài nguyên và đảm bảo an ninh trật tự. Đến năm 2001, mỏ Pác Lạng được tỉnh Bắc Kạn tạm thời chuyển giao cho Cty TNHH Thanh Bình tổ chức tận thu khoáng sản và thu nộp thuế tài nguyên cho nhà nước, mô hình này được tồn tại ổn định đến cuối năm 2006 đã chấm dứt, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có thông báo giao mỏ vàng Pác Lạng cho một Công ty nước ngoài đến thăm dò.

Lán trại dựng ngay trong mỏ vàng Pác Lạng để khai thác trái phép

Nhìn chung, từ khi mỏ vàng Pác Lạng được phát lộ đến nay đã hơn 20 năm. Suốt thời gian dài thế nhưng, mỏ vàng Pác Lạng luôn trong tình trạng bị khai thác, bòn rút khoáng sản trái phép. Lúc đông đến hàng nghìn người, lúc ít thì vài chục, vài trăm người. Việc xua đuổi và truy quét hàng năm của chính quyền các cấp từ thời còn là tỉnh Cao Bằng cho đến khi chuyển sang tỉnh Bắc Kạn đã rất nhiều lần, tiêu tốn quá nhiều tiền của, nhưng không hiệu quả. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Ngân Sơn, mỏ Pác Lạng chỉ tạm thời bình yên từ giai đoạn năm 2001 đến 2006, do Cty TNHH Thanh Bình quản lý. Tức là việc thu nộp ngân sách được diễn ra đều, đủ với mức khoán đã ấn định theo từng năm, tình hình an ninh trật tự tạm ổn định, các tai tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm hạn chế. Mặc dù trong thời gian 5 năm, Cty Thanh Bình chỉ nộp ngân sách nhà nước được hơn 7 tỷ đồng, nhưng góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn nghìn lao động và giảm thiểu nạn khai thác thổ phỉ. Còn những năm trước và sau đó, giao mỏ cho các đơn vị làm thăm dò, thì Pác Lạng đã bị đục khoét tan tác. Phía Nhà nước chẳng thu được đồng nào, còn các tai tệ nạn xã hội phát triển như nấm sau mưa trong bãi vàng này. Một chủ bưởng ở mỏ Pác Lạng giải nghệ cho biết, suốt hơn hai chục năm qua, ông liên tục tham gia khai thác, đã cho hay; Người dân đã đào rỗng ruột ngọn núi của mỏ vàng Pác Lạng, cả những thân quặng lớn ở tầm nông đã bị khai thác hết, lòng núi đã quá rỗng và không còn an toàn, chẳng biết khi nào sẽ bị đổ ụp.

Vàng rất khó giữ

Suốt 20 năm, Pác Lạng oằn mình chịu trận khai thác vừa trái phép, lúc thì có cả giấy phép tận thu. Thế nhưng, số tiền thuế nhà nước thu về ngân sách chỉ có mấy tỷ đồng, chẳng thấm gì so với sức tàn phá môi trường, nguồn nước, hệ sinh thái rừng phòng hộ. Hệ quả nặng nề để lại chính là các bể ngân hoá chất tách vàng trong sỏi đá. Nó sẽ ngấm chảy xuống các con suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cư dân sống nơi hạ lưu. Chưa ai biết nó độc hại ra sao, nhưng khoẻ như con trâu, bò hễ uống phải nước làm vàng cũng lăn đùng ra chết. Còn người dân khu vực Khau Liêu và Ma Nòn xã Thượng Quan thì từ người già đến trẻ em đều biết tránh những dòng nước độc hại đó. Họ nhìn vào nước là biết từ khe nào chảy xuống, và cũng từ đó mà biết tránh những khe nước ở phía trên có các hang đào vàng.

Về địa lý, mỏ vàng Pác Lạng rộng 35,6 km2 bám theo phía Đông sườn núi Ma Nu. Về mặt hành chính, Pác Lạng nằm trên địa bàn 2 xã Đức Vân, Thượng Quan, huyện Ngân Sơn. Những năm 1990, người dân phát hiện ra mỏ vàng này, ngay lập tức nó được Cty 392 nhận bảo vệ và làm công tác thăm dò trữ lượng.

Sau khi chuyển giao cho Tổ hợp khai thác khoáng sản Ngân Sơn tiếp quản, rồi tiếp tục chuyển sang Cty TNHH Thanh Bình quản lý từ 2001 đến 2006. Tiếp đến ngày 30/8/2007, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có công văn số 1301/GP-BTNMT cho phép Công ty Archipelago Resources PLC của nước Anh (gọi tắt ARP) phối hợp với Tổng Công ty khoáng sản Vinacomin và Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn thực hiện thăm dò quặng vàng trên diện tích 35,6 km2 trong hai năm. Đến 2010, Liên danh này lại tiếp tục được giấy phép gia hạn thêm 2 năm nữa, nhưng phạm vi hẹp hơn, chỉ còn 24,87 km2. Khi nhận bàn giao thăm dò, Cty ARP và Liên danh đã thuê một công ty có chức năng bảo vệ làm việc giải toả nạn khai thác trái phép. Thế nhưng nạn khai thác trái phép vẫn lén lút diễn ra, thậm chí số người xin tạm trú ở thôn Khau Liêu để hợp thức việc khai thác quặng vàng trái phép còn tăng lên.

Sau 4 năm thăm dò, Cty ARP không đánh giá được trữ lượng, đã trả lại kết quả thăm dò mỏ Pác Lạng cho Bộ TN&MT. Để đảm bảo theo quy định, Bộ TN&MT đã giao cho tỉnh Bắc Kạn thực hiện quản lý khu vực mỏ theo quy định. Tuy nhiên, suốt thời gian thực hiện thăm dò, nạn khai thác trái phép vẫn diễn ra nhỏ lẻ quanh khu vực thăm dò. Việc thực hiện truy quét của Chính quyền cũng chỉ như muối bỏ bể, vì chẳng thể đuổi mãi được. Thậm chí vấn nạn khai thác trái phép còn gia tăng ngay từ trước lúc bàn giao về tỉnh Bắc Kạn quản lý.

Ông Dương Thanh Bình, người có gần 20 năm gắn bó với mỏ Pác Lạng, từ lúc còn tham gia khai thác thổ phỉ, đến khi làm Giám đốc Cty TNHH Thanh Bình, được tỉnh Bắc Kạn giao quản lý mỏ hơn 5 năm cho rằng: “Muốn quản lý được mỏ vàng Pác Lạng, phải cấp cho doanh nghiệp tổ chức khai thác, vừa tận thu được tài nguyên, nộp ngân sách và đảm bảo an ninh trật tự. Riêng chính quyền sẽ khó khăn trong công tác bảo vệ, vì khi ta đuổi, họ chạy vào rừng, khi ta rút về họ lại đến. Cách truy quét như hàng năm vẫn làm chỉ tốn tiền Nhà nước”

Âu Vượng (còn nữa)