Chó, mèo chạy rông, người chịu phạt

Dư luận gần đây đang xôn xao về dự thảo nghị định do Bộ NNPTNT chủ trì về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi”.

Ảnh: Bình An

Mặc dù đang là dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, song theo ghi nhận tại Hà Nội, phần đông người dân đều tỏ ra ái ngại về tính khả thi của một số điều khoản thuộc dự thảo nghị định này.

Nhiều quy định thiếu khả thi

Một số điều khoản trong quy định đang gặp nhiều luồng dư luận khác nhau. Nhiều người dân tỏ ra đồng tình, vì nếu thực hiện được quy định này, trật tự đô thị sẽ được thiết lập, tính mạng người dân sẽ an toàn hơn; môi trường cảnh quan cũng sẽ sạch sẽ, văn minh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, luồng dư luận khác lại cho rằng, dự thảo nghị định quá thiếu khả thi bởi với lượng chó, mèo lớn thả rông hiện nay, sẽ quá khó khăn cho lực lượng chức năng để bắt hết các loài vật bốn chân này và sẽ tìm đâu ra chủ nhân của vật nuôi để... phạt?

Anh Nguyễn Hữu Minh – một thành viên của nhiều diễn đàn yêu động vật tại Hà Nội - chia sẻ: “Chó đắt tiền thì dĩ nhiên chủ nhân sẽ chăm chút cẩn thận không thể để xổng, trong khi đó chó thông thường thì giá mua chỉ cao hơn mức phạt không đáng kể. Nếu bị phạt thì tôi đoán chắc là không ít chủ nhân sẽ... “bỏ của chạy lấy người” thay vì chịu phạt”.

Trong khi đó, chị Bích Liên (ngụ ở Q.Hà Đông - Hà Nội) -một người nuôi mèo - lại cho rằng: “Bản thân tôi vừa bị mất một chú mèo đã gắn bó với gia đình nhiều năm, tìm mãi vẫn chưa được. Việc mất chó, mèo nhiều khi nằm ngoài ý muốn của chủ nhân, nay lại phải chịu nộp phạt nữa thì quả là thiệt thòi”.

Việc cấm nuôi lợn, gà trong thành phố cũng gặp nhiều ý kiến băn khoăn, bởi tại Hà Nội, khu vực ven đô vẫn duy trì việc chăn nuôi quy mô nhỏ. Nghị định nếu thực thi dĩ nhiên sẽ bảo vệ đáng kể môi trường, song lại vô tình gây khó cho nhiều hộ khi đây là nguồn thu không nhỏ cho gia đình.

Cần sự đồng thuận của người dân

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông khẳng định: “Dự thảo nghị định vẫn đang chờ lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, mọi ý kiến chúng tôi đều tiếp thu và sẽ có hướng điều chỉnh hợp lý trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định”. Theo ông Đông, đây là dự thảo lần thứ tư và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Điều kiện cần chính là sự đồng thuận của cả chính quyền lẫn người dân.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia lâu năm trong ngành thú y và chăn nuôi. PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi VN - tỏ ý ủng hộ về các quy định xử phạt, song để làm được thì không thể một sớm một chiều.

“Dù việc xử phạt trước mắt có thể chưa khả thi ngay, nhưng cần có quy định kết hợp với các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp cho người dân hiểu thì thực hiện mới hiệu quả. Việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng cần quy định rõ khái niệm đâu là nội thành, nội thị để có cơ sở xử phạt” - ông Vang nói.

Nguyên Cục trưởng Cục Thú y - ông Bùi Quang Anh - cho biết, việc xử phạt người thả rông chó như quy định trong dự thảo nghị định là hợp lý và nên thực hiện. Với số lượng khủng 6 - 7 triệu con chó hiện nay, nguy cơ bệnh dại từ chó là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, chó thả rông còn là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Nếu làm được, mọi điều trên sẽ được khắc phục, nhưng để tổ chức được việc bắt giữ chó, mèo thì lại là việc khó, đòi hỏi sự vào cuộc ráo riết của chính quyền và các tổ chức.

Theo quy định tại dự thảo nghị định trên, đối với hành vi thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, người sở hữu chó sẽ bị xử phạt từ 300.000 – 500.000 đồng. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong thành phố, khu vực nội thị, nội đô sẽ bị cấm hoàn toàn, hộ nào vi phạm sẽ bị xử phạt với mức phạt “khủng” từ 1 – 2 triệu đồng.

Dương Hà (LĐ)