Trang nhà > Quan niệm > Phật giáo > CON ĐƯỜNG HỌC PHẬT Ở THẾ KỶ XX
Cư sĩ Thiều Chửu
CON ĐƯỜNG HỌC PHẬT Ở THẾ KỶ XX
Thứ Năm 3, Tháng Mười 2013, bởi
Lời đầu sách của Nxb TÔN GIÁO
Trong lịch sử 25 thế kỷ tồn tại, Phật giáo từng bị các thế lực thần quyền và thế quyền thống trị xuyên tạc, lợi dụng để phục vụ cho quyền lợi của họ; đồng thời, trong các tín đồ theo Phật cũng xuất hiện những nhận thức sai lệch về tôn giáo của mình. Một sai lầm phổ biến là thần bí hóa Phật giáo, coi Phật là một đấng tối cao có quyền lực vô biên và biết phép thần thông biến hóa, có thể ban phúc hoặc giáng họa cho mọi sinh linh. Mặt khác, một số yếu tố tiến bộ ban đầu của đạo Phật, như yêu cầu thực hành bình đẳng tuyệt đối trong xã hội, không phân chia ngôi thứ, tầng lớp, yêu cầu tăng sĩ thực hiện "không làm thì không ăn", "tự giác và giác tha", "độ sinh" (tức cứu giúp chúng sinh)v.v... dần dần bị coi nhẹ. Các sai lệch trong hoạt động của tín đồ cộng với sự xuyên tạc của tầng lớp thống trị đã làm cho Phật giáo ngày càng xa rời các yếu tố tích cực ban đầu, do đó trở nên suy yếu dần, nhất là trong thế kỷ XX, khi khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, các yếu tố thần bí ngày càng bị vạch rõ là không có căn cứ.
Trước tình hình đó, nhiều Phật Tử đã ra sức chấn hưng Phật giáo, đấu tranh loại bỏ mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, nhằm làm cho hoạt động Phật giáo đi đúng hướng, mang lại lợi ích cho xã hội, tránh để đạo Phật bị đào thải. Trong số các Phật Tử Việt Nam yêu nước và tiến bộ ở nửa đầu thế kỷ XX, nổi bật gương của Cư sĩ Thiều Chửu (http://vi.wikipedia.org/wiki/Thiều_Chửu) (tên thật là Nguyễn Hữu Kha, 1902-1954). Ngay từ buổi đầu tin đạo Phật, Thiều Chửu đã thấy rõ những nhận thức và việc làm sai lầm của các tăng sĩ và tín đồ, đặc biệt là sự phân chia ngôi thứ, không làm mà có ăn, thậm chí hưởng thụ xa xì, không chí tâm làm nhiệm vụ "tự giác và giác tha" của một số tăng sỉ; ông phát nguyện sẽ quyết tâm phấn đấu chấn chỉnh tình trạng đó. Quan điểm này đã được Thiều Chửu nhiều lần bày tỏ trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là trong cuốn Con đường học Phật ở thế kỷ XX xuất bản lần đầu năm 1952.
Nội dung sách gồm hai phần chính. Phần I: Những điểm chân thật thẳng thắn vạch ra các nhận thức và việc làm sai trái của giới tăng sĩ hiện nay, đưa ra các biện pháp chấn chỉnh hoạt động của họ. Phần II: Con đường học Phật đưa ra những chỉ dẫn học tập các quan điểm cơ bản của đạo Phật, nhằm xác lập niềm tin đúng đắn với tôn giáo này và tổ chức hoạt động Phật giáo chân chính.
Cong đường học Phật ở thế kỷ XX được Thiểu Chửu viết trong thời gian Kháng chiến chống Pháp, khi ông trông nom một đoàn trẻ em mồ côi và tăng ni tản cư tại vùng căn cứ kháng chiến ở Việt Bắc. Do từ lâu đã có ý định chấn chỉnh hoạt động Phật giáo, lại thêm mới được biết một số tăng sĩ trong vùng địch tạm chiếm đang cổ súy việc thần bí hóa đạo Phật, tệ nạn lập đàn tràng cúng bái, đồng bóng đang ngày càng lan tràn, làm cho Phật Tử bị mê hoặc và bị bóc lột, có hại cho cuộc Kháng chiến thần thánh của dân tộc, Thiều Chửu đã bắt tay viết sách này và gửi vào vùng địch tạm chiếm để in. Do có uy tín lớn trong giới Phật Tử, nên mặc dù tác giả theo Kháng chiến chống Pháp, nhưng sách của ông vẫn được nhà in Đuốc Tuệ ở Hà Nội in và phát hành rộng rãi. Qua cuốn sách này, ta có thể thấy rõ những quan điểm có tính tiến bộ, tính cách mạng của Thiều Chửu về Phật giáo, đặc biệt là quan điểm Phật giáo Nhân gian và biện pháp chấn hưng Phật giáo của ông đề xuất rất phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người thế kỷ XX.
HỌC ĐỂ THỰC HÀNH
THỰC HÀNH CHO PHẬT GIÁO NHÂN GIAN
HỌC ĐỂ TU TỈNH
TU TỈNH CHO THỰC CHỨNG ĐƯỢC PHẬT PHÁP
PHẢI TẬN HIẾU VỚI NHÂN DÂN
NHÂN DÂN LÀ CHA MẸ BAO KIẾP, LÀ CHƯ PHẬT VỊ LAI
MỞ ĐẦU
Đầu thế kỷ XIX, các học giả ở Âu châu đã biết trước (phỏng đoán) rằng thế kỷ XX thì tôn giáo sẽ hết sạch sành sanh.
Ngày nay chúng ta đang sống ở thế kỷ XX này, chúng ta đã thấy rõ những lời phỏng đoán ấy quả thành ra sự thật rồi. Chúng ta hãy xét lại xem họ bằng cứ vào cái gì mà biết trước được như thế.
— Họ có thuật tiên tri chăng?
— Không phải.
— Thế họ dùng cái ý thức mà ước lượng may ra nó trúng chăng?
— Cũng không phải.
— Thế thì họ bắng cứ vào cái gì?
Họ chỉ bằng cứ vào khoa học. Họ nhận thấy khoa học mỗi ngày một tiến bộ thì bao nhiêu những cảnh trước kia cho là thần bí họ đều khám phá được hết. Rồi họ nhận xét các tôn giáo, thấy lập trường của các tôn giáo phần nhiều là suy tôn một vật không đâu là toàn trí toàn năng để giải thích hết thảy những cái mà họ không hiểu biết được, đồng thời lại lợi dụng cái chỗ mọi người cũng không hiểu biết mà lừa bịp người, để giành lấy cái quyền độc tôn, cái lợi độc chiếm. Như vậy thì đến lúc khoa học sương minh (tức phát triển, phát đạt) đập tan cái đám mây mù từ mấy thế kỷ trước mà lộ cái ánh sáng chói lọi mặt trời trí tuệ ra, thì những tôn giáo mà lập trường ở chỗ thần bí kia còn làm gì có chỗ chen chân vào nữa mà chẳng đổ giấp cho đến mất tích mất tăm.
Thí dụ như giáo Bà La Môn (Một tôn giáo cổ ở Ấn Độ; từ thế kỷ 8 được cải cách và đổi tên là đạo Hin Đu, tức đạo Bà La Môn mới. Dòng Bà La Môn là tầng lớp cao nhất, cai trị toàn xã hội) nói: "Sáng tạo ra trời đất muôn vật là ông trời Phạm Thiên; - Trời thì tròn, đất thì vuông - Sấm sét mưa gió là có một vị thần cai quản cả - Dòng Bà La Môn là do nơi miệng trời Phạm Thiên sinh ra, đáng là dòng họ cao quí nhất ở trên cả các giai cấp mà hưởng cái quyền độc tôn, cái lợi độc chiếm".
Ngày nay khoa học đã phát minh những lẽ đó là vô lý, bằng một cách thực nghiệm đúng cả trăm phần trăm: Tạo thành trời đất muôn vật là do các điện tử, nguyên tử phối hợp mà tổng chỉ huy các năng tử; - Trời tròn mà đất cũng tròn, cung đường chuyển vận nhất định mà có năm, tháng, ngày, giờ; - Thủy hỏa tương tế mà có mưa, không khí động mà có gió, luồng điện khác tính chạm vào nhau mà có sấm chớp; - Người ai học cũng giỏi, người thảy đều theo ngày tháng mà tiến hóa, ai cũng như ai, chẳng ai có quyền lợi hơn ai được.
Như vậy thì lập trường của giáo Bà La Môn kia còn có thể nào tồn tại được nữa không?
Chính vì thế nên thế giới này nay không ai là không tin khoa học. Khoa học có cái lực lượng làm chúa tể cả thế giới, thực cũng là cái lẽ tất nhiên.
Trông người lại ngẫm đến ta. Chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta thử đứng về phương diện khách quan mà xét xem Phật giáo chúng ta có cùng một số phận bị đào thải theo luật tiến hóa của nhân loại không?
Chính không cũng mà có. Sao thế?
Cứ đúng như chân lý thì cái lập trường của Phật giáo trăm phần trăm đúng với cái đích của nhân loại tiến hóa đến tột bực sẽ tới, mà ngày nay thì đang rầm rầm rộ rộ đi tới, lẽ tự nhiên là không bị đào thải, trái lại càng rực rỡ quang vinh. Nhưng xét về phương diện hiện thực của các đệ tử Phật ngày nay đã không hiểu rõ cái lẽ tùy duyên, lại bỏ mất hẳn cái thể bất biến, sai hẳn nguyên tắc của Phật, biến hẳn như các tôn giáo kể trên, nên về hình thức cũng nhất định phải bị đào thải, nếu đệ tử Phật không mau mau lo toan quay đầu trởi lại cái bản lai diện mục của Phật giáo.
Muốn chứng rõ lẽ đó, tôi xin lần lượt trình bày những điểm chân thật và sai lạc như sau, tự khắc thấy rõ chân tướng.
++++PHẦN MỘT
NHỮNG ĐIỂM CHÂN THẬT
... ... ...
Tôi nghĩ, tôi xét, tôi đi quan sát, tôi thấy rõ cái nguyên nhân suy tàn này nó lắm đầu mối mắc míu vô cùng, trừ phi toàn thể Tăng Già cùng giác ngộ ra, cùng tổ chức lại, thì quyết không còn cách nào có thể sửa chữa lại được nữa. Tôi xin bầy rõ những nguyên nhân suy tàn như dưới đây:
1. Chỉ độ bừa đi mà chẳng dạy dỗ
Thầy nhận đồ đệ chỉ để sai khiến chăn trâu cắt cỏ, lao khổ qua ngày, chẳng hề dạy bảo chi cả. Hơn nữa chỉ bắt học truyền khẩu lấy một khóa tụng, một khoa cúng chào, hay hơn nửa cho học mấy đường canh, vài khóa cúng, rồi thự cho giới cụ túc, tôn là sư ông, sư bà, để cho đi ở nhà chùa riêng, hay làm đương gia vơ vét cho chùa, thế đã là ơn nhường trời biển rồi. Vì thế cho nên lắm người xuất gia đã trên mười năm mà ngoài mấy khóa cúng, mấy cuốn kinh thông thường để ứng phó kiếm gạo ra chẳng còn biết tí gì nữa. Ngày nay thì những kinh thường cũng chẵng tụng nổi nữa, có lên tụng kinh thì chỉ ê với a, hay giở cặp díp cho chóng hết. Ôi! Đáng thương cho các thanh niên xuất gia biết nhường nào!
2. Coi rẻ giới pháp mà nuôi ong tay áo nhiều
Lúc Phật pháp toàn thịnh như thời Lý, đời Trần, một người xuất gia tất phải qua một kỳ khảo hạch, lựa chọn rất kỹ lưỡng mới cấp điệp (tức giấy chứng nhận) cho làm Tăng. Từ cuối đời Lê trở về sau bỏ mất phép độ như thế, tùy ý các chùa truyền thụ cho nhau, bề ngoài cũng tam sư, thất chứng, cũng đàn sám, đàn giới, nhưng chỉ là bôi xoa cho xong chuện. Chỉ là một bên có trò cụ giới, một bên được tiền hồi hướng, thế là xong chuyện; còn phẩm hạnh học vấn thế nào chẳng cần hỏi đến, vì thế mà sau khi thụ giới, có ba tâm pháp là đã có một lá bùa hộ mạng, là có vé ăn cơm không mất tiền, mà ngang nhiên ta đây không cần giữ gìn gì nữa. Phật giáo càng nhiều đệ tử như thế, càng làm cho Phật giáo đi mau tới chỗ diệt vong chứ có ích gì?
3. Trọng hình thức, thiếu tinh thần
Xưa kia các Tổ độ chúng, đã lựa chọn kỹ lại chịu khó dạy bảo, bắt buộc đệ tử phải dụng công chân tu thực chứng, niệm Phật tham thiền, ai nấy đua nhau mà giảng cầu đến chỗ chứng thực, mới được liệt vào dạng y bát chân truyền. Trái lại, ngày nay độ chúng thụ đồ thì chỉ là dùng người làm đỡ hay học tập những lề lối cúng vái, thù tạc, cốt sao ở chùa thì đàm đương được công việc trong chùa, mà ra ngoài thì khỏi bị chê là kém hoa đàn canh kệ, thế là đủ rồi. Vì thế nên đã kém ngày càng kém, càng ngày càng sai lạc mãi đi.
4. Chỉ học nhồi sọ mà không biết biến thông
Ngày xưa tu học chia làm bốn bậc: Tín, Giải, Hành, Chứng. Các tông, mỗi tông phát minh ra một phép học riêng, cho nên nghĩ lý rành rẽ, chẳng hiểu lờ mờ, vì thế mà nhiều bậc tài cao học rộng, tự lợi, tự tha. Sau này tập quen lười biếng, không chịu suy xét, chỉ học cho thuộc chú giải rồi khi ra giảng, chứ thế mà lặp lại cho người nghe, hiểu hay không cũng chẵng biết. Tệ hại nhất là cái tập quen chữ vài nghĩa đen, không hiểu rằng văn Tàu nói ngược, tiếng ta nói xuôi, ý chữ nói nghĩa thì chẳng thành câu còn hiểu làm sao được nửa, làm cho người nghe nhức đầu nhức óc muốn bực cả người, chỉ còn một cách là kiếm cớ ra khỏi đàn giảng để thở cái không khí mới mẻ cho đỡ tức hơi. Như vậy mà dạy cho người học, giảng cho người nghe thì còn ai muốn học, muốn nghe nữa không?
Cũng vì thế mà có người học đến 15 hay 20 năm mà không bằng một người học trò theo học lối mới trong năm sáu tháng. Chao ôi! Lối học như thế mà không tìm cách cải tiến ngay đi thì rồi đây Tăng Già còn chen chân vào trong giới học thuật tư tưởng thế nào được.
5. Giữ rịt lối cổ mà không hiểu đại thể.
Giáo lý của đạo Phật bất luận cổ kim, đông tây chẳng bao giờ biến đổi được, nhưng về phần chế độ và cách giáo hóa thì luôn luôn phải tùy theo đất nước dân tình mà thay đổi phương lược, như Ấn Độ khác Tàu, Tàu khác Nhật Bản, Nhật Bản lại khác ta, đó là cái công lệ rất rõ ràng. Nước ta trước kia còn theo chế độ chuyên chế thì công việc xã hội một tay nhà Nho làm cả, mà bọn quân chủ tinh ranh lại lợi dụng cái lối thanh tu ở nơi rừng núi của Phật để cho tiêu mòn bớt cái chí khí kỳ vĩ của các bậc anh hùng hào kiệt đi, cho đỡ sinh lòng sa vọng mà mưu đến cái việc tranh quyền cướp ngôi của họ, vì thế mà cái tinh thần tích cực cứu đời của Đại Thừa Phật giáo không thực hiện ra xã hội được. Cũng vì thế mà số đông Tăng đồ nhà Phật chỉ tu theo lối tiêu cực, có ai nhắc đến công việc hoằng pháp lợi sinh thì cam tậm nhận rằng "Đạo lực chưa đủ" mà đánh bài lảng xa. Nên biết xưa kia khoa học còn kém, nhiều người còn mê tín quỷ thần, chưa nhận rõ được cái năng lực của người thì người thanh tu trong chốn núi rừng còn có người đến cúng dàng; từ ngay khoa học thêm tinh, bao sự huyền bí vạch tỏ gần hết, người ta đã tiến tới chỗ "chỉ có sức người mới giải quyết được việc người". Lại thêm sinh hoạt khó khăn, đối với những phần tử thanh tu mà vẫn ăn mới sống đó, họ cho là một lũ bóc lột đời, tài cách trốn đời, họ không dung nữa, còn ti tín thí cho mà tu. Như vậy mà Tăng đồ không chịu trổ ra làm lấy cái việc tế thế lợi sinh mà xây cái nền tảng Phật pháp vào thân quần chúng thì còn đâu chỗ cho Tăng đồ len chân chung sống nữa?
Luật Tăng kỳ nói: "Hoằng pháp là gia nghiệp, lợi sinh là sự nghiệp". Kinh Đại Nhật nói: "Lòng bồ đề là nhân, đại bi là cỗi rễ, phương tiện là cứu cánh".
Thủ hỏi nếu bỏ qua cái sự nghiệp làm lợi ích cho nhân gian thì còn có cái gì mà gọi là Phật pháp nữa không? Khốc hại thay cho các bậc trưởng lão, sống trong lúc này mà vẫn hồ đồ như thế. Năm sáu mươi năm về trước chỉ tin một chỗ hão huyền rằng: "Phật đã phó chúc cho Quốc vương, Đại thần, việc chi mà vẽ rắn thâm chân" nên chẳng chịu đem Phật pháp về phần Phật tử mà làm các sự thiết thực lợi ích cho nhân gian; trách nào người ta cứ nhiếc Tăng Già là ký sinh trùng, chỉ làm mọt nước hại dân, chẳng sinh lợi mà chỉ chuyên phân lợi, thì chẳng bao lâu nữa sẽ bị họ đả đảo đó mà!
6. Chỉ niệm Di Đà mà đợi cái chết
Phật giáo truyền sang ta tuy cũng có cả Thiền, Luật, những xét kỹ chỉ có một tông Tịnh độ là thịnh hơn cả, nói cho thật đúng thì hoàn toàn chỉ có một tông Tịnh độ. Tông Tịnh độ sở dĩ chiếm được một chiếu thứ nhất trong Phật giáo gần đây là vì bản tính người ta đã lười, nhất là người Tàu, và người ta lại càng trội hơn, lại qua bao nhiêu cơn binh lửa người ta đã cảm thấy sự đời chỉ những khổ là khổ, cho nên khi được nghe cái thuyết Tịnh độ nói rằng chỉ chăm niệm Phật Di Đà thì khi chết đi được về Cực lạc muốn gì có nấy, sung sướng vô cùng, cho nên ai nấy đều đổ xô cả vào Tịnh độ vừa dễ dàng vừa lợi lạc, chẵng cần nghiên cứu, chẵng cần tu trì, mà giải thoát hết khổ, hưởng đủ cảnh sướng, như vậy thì ai mà chẵng thích, chẵng theo. Có biết đâu rằng chính pháp chính nhân được sang Tịnh độ là ở chỗ mở lòng bồ đề mà làm nhiều công đức mà không cầu gì phúc lợi thế gian mới được vãng sinh Cực lạc, chứ có phải chỉ niệm Phật suông thôi mà được thế đâu! Lại không hiểu rõ cái đích của Phật là dùng phương pháp tùy thuận chúng sinh nói ra một cõi sung sướng như thế để khêu gợi cho người dễ mở lòng tu được về Cực lạc cho dễ tu học, khi thành đạo rồi lại quay về với nhân gian mà làm việc lợi sinh mới thành Phật được, chứ có phải sang Cực lạc rồi cứ ở lỳ bên ấy mà hưởng sung sướng được đâu. Thí dụ như ta ở nước ta chưa đủ trường học chuyên môn, chưa đủ thầy hay bạn giỏi thì ta phải sang Âu sang Mỹ mà du học, khi học thành tài tất phải quay về mà làm mọi việc ích quốc lợi dân, chứ cứ ở lỳ bên Âu, bên Mỹ thì còn có thể gọi là con người có căn bản được không? Tăng đồ nước ta, nhiều người không hiểu cái chân lý đó, cứ ngồi lỳ đấy mà lần tràng niệm Phật, đợi ngày thần chết nó đến rồi vãng sinh Tịnh độ. Trong tâm đã ôm ấp một tấm lòng chán cõi đời này, thích cõi đời kia, mà nói cho đúng thì hạng này thì hiếm lắm, chỉ có thể là chán sự làm lụng vất vả, mà thích hưởng thụ phú quí của đời này thôi, như thế thì còn làm gì có lòng làm việc xã hội để lợi sinh nửa?
Nói cho đúng thì thời gian gần đây, cũng hiếm có người niệm Phật bằng một lòng chân thật để cầu vãng sinh, mà số nhiều cũng chỉ giả danh niệm Phật để kiếm cơm, kiếm áo qua ngày, bằng một cách nhàng nhã dễ dàng trong cái cảnh cả thế gian phải đổi bát mồ hôi lấy bát cơm ăn. Hơn nửa kiếm tiền bằng cách buôn Thần bán Phật một cách dễ dàng thì nhàn cư vi bất thiện, lại càng tạo thêm bao sự nhơ bẩn, làm cho người đời phải ghê tởm mà phê bình cho những câu: "Miệng Phật tâm xà", "Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm", "Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối" v.v... đều là những lời phê bình đúng sự thật. Như vậy thì Phật pháp có ích gì cho thế gian mà thế gian mộ Phật nữa nhỉ? Tăng Già còn có ích gì cho thế gian mà thế gian kính Tăng nữa nhỉ? Hơn nữa, trong Phật giáo nếu có ai biết cái nguy cơ của Phật giáo mà kêu gào, mà nhắc nhở thì Tăng Già cũng chỉ trả lời bằng mấy câu: "Mô Phật, chỉ về Cực lạc là xong, chấn hưng mà làm chi!", "Đồ vô đạo, sao dám bới móc Tăng Già như vậy!", "Đồ ngông cuồng chưa ráo máu đầu, đã biết chi mà khua môi múa mép!", "Phật pháp đã có Thiên Long Bát Bộ hộ trì, ai làm gì nổi"... Ôi! Ai người thức giả mà không ôm bụng tức cười không ngớt, còn hơi đâu mà tức giận cho được! Tôi không phài là không tin phép tu Tịnh độ, không phài là bài bác phép niệm Phật đâu. Tôi chỉ xin các đệ tử Phật hiểu cho rõ ràng chính pháp mà tu, thì tự nhiên Phật giáo lại hưng long ngay vậy.
... ... ...
Nói tóm lại, Phật giáo sở dĩ có cái hiện tượng đáng tiếc như ngày nay, tuy có nhiều cớ lắm, nhưng tìm đến cội nguồn thì chỉ là vì không hiểu cái bản ý của Phật là: "Phật pháp xây nền tảng ở nơi quần chúng, nhằm thẳng vào cái đích xã hội hóa, đại chúng hóa (Thống lý đại chúng nhất thiết vô ngại)". Ta cứ xem ngay cái chế độ Tăng Già lúc Phật Tổ ta còn ở cõi đời thì bốn việc: Ăn, mặc, ở, đi lại; cài gì cũng tổ chức theo lối trọng đoàn thể (kính Tăng Chúng hơn thầy Tăng), bỏ cá nhân (một thầy Tăng không làm được pháp sư), bỏ của riêng họp của chung, truyền người hiền, không truyền người thân riêng, nhất nhất qui về thực tế, mưu toan làm sao cho chuyển được cái cõi đời khổ não này hóa ra một cõi đời xum họp vui hòa. Trái lại, Tăng Già nối nghiệp không biết vâng giữ chính pháp, đem Phật giáo nhân gian xoay ra Phật giáo phi nhân gian. Đem Phật giáo độ sinh biến ra Phật giáo độ quỉ, mà có độ được quỉ thực đâu! Đem Phật giáo đại chúng hóa biến ra cá nhân tư kỷ, cũng ăn mặc xa xỉ, cũng xúc tích vàng bạc, cũng ỷ thế khinh người, hễ khoác cái áo nâu vào làm đâm ra lười biếng kiêu mạn, thậm chí chẵng chịu làm một sinh kế chính đáng để nuôi thân, mới phải đâm đầu đi lo lót các kẻ quyền quí để tranh chùa của nhau, lu bù với lũ mọt dân để vênh vang với mọi người, đã chẵng lợi ích gì cho ai, lại vẽ ra đủ mọi trò hề, lợi dụng cái óc mê tín của những người chưa được giác ngộ mà vơ vét cho đầy túi tham, tính oán đã dày; cho nên quần chúng một khi đã giác ngộ ra thì đả đảo ngay. Xuất thân trên cửa giác ngộ mà lại trở về u mê, thực đáng tiếc thay!
++++PHẦN HAI
CON ĐƯỜNG HỌC PHẬT
I. TIN VÀ NGHIÊN CỨU
Xưa nay các Phật tử ai cũng nói rằng: "Chí cốt đầy đủ lòng tin còn sự nghiên cứu lại là phần thứ hai". Phải rồi. Nhưng cái tin đó cũng phải chia chẻ cho thật rõ ràng, theo ý tôi thì có bốn thứ tin: - Chính tín; - Mê tín; - Tự tín; - Tịnh tín.
Chính tín lại chia làm hai: Một là hiểu rồi mới tin; hai là tin rồi sẽ hiểu. Hiểu rồi mới tin là do công nghiên cứu giáo lý biết đích Phật giáo giải thoát được hết sự khổ, được hưởng cái sướng rốt ráo, đã tin tin mãi, quyết định chẳng ngờ. Tin rồi sẽ hiểu, là do công đức tu trước mà nẩy lòng tin, đến lúc đọc kinh, hiểu nghĩa đúng đắn, không bao giờ nghi ngờ nửa, thế là chính tín.
Mê tín là tâm mình không hiểu lẽ đúng đắn, nghe thấy người ta nói hay thì sinh lòng tin, như thế tuy cũng có thể lần lượt tiến lên, nhưng bởi tự mình không hiểu đích xác nghe người nói sao bào hao làm vậy, thì một mai gặp sự chẳng may lại bảo rằng Phật không thiêng, thế chẳng phải là mê tin là gì? Vì thế nên con người học Phật phải ra công nghiên cứu cho đến lúc nước cạn đá phơi, nhận rõ chân tướng, thế mới là đệ tử chân chính của Phật. Trái lại, thì đến lúc bạc đầu cũng vẫn như người loanh quanh ngoài cửa. Sao vậy? Vì rằng nhờ ở sức người khác. Nhờ ở sức người khác thường bị cái hại người khác nói bâng quơ mình cũng nghe bâng quơ, mù lại dắt mù, trách nào mà chẳng lắm kẻ lạc vào con đường ma quỉ. Từ nay phải nghiên cứu cho hiểu lẽ chính rồi mới nên vào.
Tự tín chẳng phải là không có cái công nghiên cứu, chỉ vì chưa biết được hoàn toàn, hay đã hoàn toàn mà chưa sạch ngã-chấp đó thôi. Học chia trước sau, cho cái học trước là phải, tất cho cái học sau là sai, vì thế mà chia rẽ môn phái, ngang trái lẫn nhau, đúng như câu thí dụ anh xẩm sờ voi, đem pháp chính tông của Phật Tổ ta chia năm xẻ bảy, ở sát cánh nhau mà chẳng nhìn nhõi đến nhau nữa, thành ra Phật pháp chỉ cốt phá ngã mà lại hóa ra chấp ngã rất nặng, thế chả phải là cái bệnh tin mình quá đáng đó ư? Từ đây phải thống nhất giáo lý rồi hãy dạy người.
Tịnh tín: Pháp môn Tịnh độ tuy lấy chữ tin làm đầu, nhưng không hiểu rõ thì cũng khác gì mê tín. Như Thiền tông lại càng cần nghiên cứu hơn nữa; nếu không nghiên cứu thì chỉ là Thiền tông mù. Còn các tông khác nếu chẳng nghiên cứu thì không lạc vào lối thần bí, tất gây cái bệnh kiêu rông. Mong rằng các vị chân tu phải nên gắng gỏi!
- Đạo Phật là đạo giác ngộ, đừng có đưa con người vào con đường mê. (Thiện Nhân Pháp sư).
- Chỉ chia hai phần chính và mê cũng đủ. Mê tín có nhiều lớp, đến Phật mới hết hẳn. Chính tín có nhiều lớp, đến Phật mới viên mãn. Con người mới tu cần phải căn cứ vào lời di giáo của Đức Thích Ca làm mẫu mực mà phán đoán mê chính được thôi. (Thái Hư Pháp sư).
- Mê có nhiều lớp, chính có nhiều lớp. Mới tu cần phải y lời di giáo của Phật. Lời Thái Hư Pháp sư thực là viên mãn, nhưng chia làm bốn thứ. Lời Thiện Nhân Pháp sư cũng có lợi cho người mới tu nhiều lắm. (Thiều Chửu).
II. CHẲNG NÊN COI NHƯ THẦN BÍ
Bên Ấn Độ từ xưa theo đạo Bà La Môn, thờ các ông Trời, thờ cả các loài vật, như voi, rắn... thờ cả giống vô tình như nước, lửa v.v..., lúc cúng tế thì hay dùng thi ca âm nhạc. Đến khi đức Thích Ca ra đời mới hết sức hô hào sửa đổi những lối mê tín như thế, vì vậy mà có nghiều người bên ngoại đạo phá hủy các đồ thờ quy y về Phật. Đại cương giáo pháp của Phật lúc đó chỉ cốt giữ giới tính nghiêm, tu tập thiền định, nghe nhiều học rộng, giáo hóa người sau, tịnh không có những lối đàn tràng cúng vái và các món âm nhạc. Đến hồi chính pháp sắp suy, có cái thuyết Ngài Long Mãnh tới ngôi tháp sắt, được Ngài Kim Cương Tát Đóa truyền cho Mật giáo, từ đó mới có đàn tràng cầu cúng, lưu tệ thành ra như thể phường chèo, mà ánh sáng Phật pháp ở bên Ấn Độ từ đó tối dần.
Bên Trung Quốc cũng vậy, lúc Phật giáo mới truyền sang, ai nấy đều chuyên chỉ nghiên cứu kinh điển, tu tập thiền định, chẳng làm việc gì gọi là thần bí cả. Cho đến lúc Mật giáo truyền sang, mới trà trộn lẫn với cái tục thờ cúng nhảm nhí của Trung Quốc vẫn có, mà làm cho Phật giáo thuần túy hóa ra một tông giáo thần bí lạ lùng, nào hổ, nào rắn, nào quỷ, nào ma, chẳng cái gì không thờ. Vì thế mà người ta chẳng nhận thấy rõ mặt chính của Phật pháp nữa. Các nhà tu giả dối cũng vậy. Họ bảo Phật là thần đấy, thần là Phật đấy.
- Than ôi, Hào quang Phật Tổ bị ma che mất, thật đáng thương thay! Nếu chẳng tin lời tôi nói, xin sang các nước Nam phương, xem chỗ nào còn giữ được khuôn phép cũ thì ngoài tượng Đức Thích Ca ra còn có tượng nào nữa không? (Thiện Nhân Pháp sư)
- Bài bác cái tục tin quỷ lẫn thần, quay về Phật Pháp của Phật Tổ, thật là lời bàn rất đúng. Còn như thi ca âm nhạc đối với sự thờ cúng giáo hóa có nhiều lợi ích cho tinh thần, chỉ cần sửa lại cho nhã, cho chính, đừng làm sai lạc chính pháp là hơn. (Thái Hư Pháp sư)
- Đồng ý. (Thiều Chửu)
III. SO SÁNH NỘI NGOẠI
Đức Phật Tổ ta sinh ở Ấn Độ, lại theo ngoại đạo sam cầu sáu năm. Nên đối với giáo lý của ngoại đạo, phần nhiều Ngài sửa lại ngay chỗ họ nói sai mà thành diệu pháp, chứ có phải tự nhiên mà Phật đặt ra, đó là cái lẽ tự nhiên. Nếu không so sánh cho kỹ thì những đoạn như Phật nói liễu sinh tử, chứng Niết Bàn, họ cũng nói thế, thì còn biết đằng nào tà, đằng nào chính nửa. Vì thế ta phải chia chẻ cho rõ ràng cho biết thực giả.
Giáo lý ngoại đạo | Giáo lý nhà Phật |
1. Liễu sinh tử là giải thoát cái chỗ có ngã | 1. Liễu sinh tử là giải thoát tới chỗ vô ngã |
2. Kìm được ý thưc lại tức là liễu sinh tử | 2. Biết rõ sinh tử nguyên như trò rối |
3. Cho sinh Thiên là Niết Bàn | 3. Ra khỏi Tam giới mới là Niết Bàn |
4. Cho cõi Thiên là sướng rồi | 4. Cho cõi Thiên là còn khổ |
5. Thiền định tức là phép kìm ý thức lại | 5. Thiền định để chuyển thức thành trí (chân trí) |
6. Cầu cho thân này chẳng phải trở lại làm người nữa tức là liễu sinh tử | 6. Hiểu rõ cái tâm sinh diệt hiện tiền chẳng khởi tham, sân, si, mạn |
7. Quả sướng ở cõi Chư Thiên hay Vô tưởng Thiên | 7. Quả sướng ở nơi chính trí Tịnh độ |
8. Ngoài tâm có mọi pháp | 8. Hết thảy do tâm tạo ra |
9. Trong nhân là có quả rồi | 9. Trong nhân không có quả sẵn, có duyên mới thành quả |
10. Mọi pháp nguyên vẫn có, có duyên mà tỏ ra, chẳng phải duyên sinh | 10. Mọi pháp không có tự tính, đợi duyên mới sinh |
11. Ba đời: Quá khứ, hiện tại, vị lai là có thực | 11. Ba đời không có tự tính, đều do mọi duyên sinh ra, lưu chuyển luôn luôn là giả danh chứ chẵng có sự thực |
12. Ngã là cái có thực mà là thường trụ | 12. Đối với mọi pháp giả lập có ngã, thực do duyên sinh, không có tướng thực |
13. Mọi phép đều thường trụ có thực | 13. Mọi cái hành tướng thảy đều vô thường, là pháp sinh diệt, bởi duyên khởi lên như thể trò rối, chẳng có gì thực |
14. Mọi nhân trước đã làm ra, chịu hết là hết, không có cái nhân nào mới để lại chịu cái quả sau | 14. Nhân quả ba đời cũng làm duyên sinh cho nhau, chưa trừ sạch hết cốt vọng chẳng thể hết sinh tử được |
15. Hết thảy các cái trnog thế gian có cái hữu biên có cái vô biên | 15. Hết thảy thế gian đúng pháp duyên sinh, tùy nghiệp sai khác không có lượng nào |
16. Các vị Thiên chủ như Tự Tại Thiên hay sáng tạo ra các loài có tính mạng và vạn vật, Thiên chủ là cha, vật có tính mạng và mọi vật đều là con cả | 16. Bởi nhân duyên sai khác mà có muôn vật. Duyên nó họp đến là sinh ra được, chẳng ai làm ra được cả |
17. Chủ tớ giết hại mạng vật cúng tế với con vật bị hại kia đều được sinh Thiên | 17. Mệnh cũng bởi duyên sinh, chẳng thể giết hại mạng vật mà chuyển di được. Giết hại mạng vật cầu được vui sướng chẳng có lẽ nào |
18. Tấm lòng cầu chết chẳng quả quyết, hoang mang sẽ sợ các cảnh giới nó tới | 18. Hết thảy đều bởi duyên sinh có cái gì là cái chết! Tâm đã quyết định, còn ngờ sợ gì |
19. Ngã và thế gian đều không có nhân mà sinh được | 19. Cái pháp duyên sinh cũng y vào nhân mới nổi lên. Làm chi lại có cái lẽ không nhân mà sinh được |
20. Hết thảy mọi pháp chung qui đoạn diệt không làm gì có cả thân sau nữa | 20. Nhân quả cùng ăn nhịp, duyên sinh không mất được |
21. Hết thảy pháp bể tướng đều không, không chúng sinh, không có Niết Bàn | 21. Pháp thể duyên sinh vi diệu, khó nghĩ bàn xiết được, không có tướng thực mà thôi, chứ chẳng phải là không hẳn thực |
22. Chỉ có chủng tính mình là tốt hơn, còn các chủng tính khác đều xấu kém | 22. Bản thể chúng sinh là bình đẳng, căn tính không có hai, tùy duyên hiện sai khác, thực không có hình tướng hơn kém |
23. Ngoài tâm có cái thanh tịnh khác, tùy ý cầu là được | 23. Duyên theo cái tâm sằng bậy mà khởi lên, nghiệp xấu chẳng phải là ở ngoài tâm thể nguyên vẫn thanh tịnh, dẹp hết mối niệm sằng thì sạch hết nghiệp xấu |
24. Cát hung có chủ thể có thể dùng phương pháp mà lánh qua được | 24. Nghiệp quả ăn nhịp nhau, do duyên sinh mà có, hết thảy đều do tâm ra, chẳng phải là kiếm được ở ngoài |
- Xét lại như bảng kê trên, đủ biết Phật học bên Ấn Độ chính đại quang minh biết nhường nào; thế mà cách Phật càng xa, đạo ngày càng kém, cho đến ngày nay chẳng những không làm được đúng Phật pháp mà lại còn kém cả ngoại đạo nữa. Vì thế mà dễ khiến cho người ta trông thấy mà phải thở dài. Song chúng ta đã là Phật tử, trông thấy một ngôi nhà đồ sộ nguy nga kia nó sắp đổ sập mà cứ ngồi lỳ ôm chặt thói cũ, mà chẳng gắng sức làm cho Phật pháp hưng hiển lên, thì cái tội pháp diệt còn đổ cho ai? (Thiện Nhân Pháp sư)
- Chỉ coi trên bảng cũng đủ thấy rõ nền tảng Phật pháp thực là đúng đắn, tiến hóa vô cùng, rộng lớn vô cùng, toàn cậy sức mình, chẳng chút ỷ lại, bình đẳng một mầu, chẳng phân giai cấp, so với các thuyết khác thực khác xa. (Thái Hư Pháp sư)
- Tán thành. (Thiều Chửu)
IV. BẢN TÂM CỦA PHẬT
Bản tâm của Phật Tổ ta có hai nguyên tắc: một là Liễu Sinh Tử, hai là Độ Chúng Sinh. Theo kinh Tiểu thừa, phần nhiều là muốn cho chúng sinh liễu sinh tử ngay để cầu giải thoát, cho nên trong các phép như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Tam thập thất đạo phẩm, nói rất kỹ càng; nhưng theo kinh Đại thừa thì tựa hồ như chẳng cần ở phần liễu sinh tử lắm, mà chỉ cốt ở phần mở lòng bồ đề vô thượng, tu khắp mọi pháp tứ nhiếp, lục độ, vạn hạnh để độ khắp chúng sinh lại là cần kíp hơn hết và lấy sự phá si, giới sát là gấp rút nhất. Vì thế nên giới của Tiểu thừa thì để giới dâm vào thứ nhất, mà Đại thừa thì lại trọng nhất giới sát. Luật Tiểu thừa giói dâm thì thít thật chặt, mà giới sát thì có chỗ thít chỗ nới. Luật Đại thừa khác hẳn. Đã hai ngàn năm qua, bên nào cũng vẫn giữ cái phải của bên ấy; cho đến ngày nay có người nói rằng: "Cách Phật càng xa, chúng sinh khó độ, cần phải độ lấy mình trước". Có người nói: "Tiểu thừa chỉ là một cái hóa thành, cần phải mở rộng cầu đạo Đại thừa mới là cứu cánh". Có người nói: "Cái quả Niết Bàn mầu nhiệm ở cái đời nhơ bẩn này quyết chẳng có được". Có người nói: "Hết thảy chỉ ở tâm tạo ra, nơi nơi đều có Tịnh độ". Thế chả phải mỗi người thấy được một cái hay đó không? Song le, pháp lớn của Như Lai là cái cân đọ biết chúng sinh chìm nổi, nếu cứ để mặc ai nấy theo riêng cái phải của mình thì người tu sau này biết từ chỗ nào mà bắt tay vào được.
Có người hỏi: "Lợi mình, lợi người, chẳng thể kiêm cả được, vậy thời nên độ cho mình trước, hay độ cho người trước?". Kinh Lăng Nghiêm nói: "Chưa độ được mình, đi độ người khác trước, thế là chỗ phát tâm của Bồ tát; tự giác viên mãn rồi, lại giác ngộ cho người là bậc Như Lai ứng thân độ thế". Cứ xét đoạn này tự khắc quyết được. Nếu không ngại phiền, xin nghe tôi nói thêm nữa: "Người ta phá tâm chẳng nên chỉ cầu cho xong một mình, mà cần phải mở tấm lòng đại bi trước đã, mới là đúng với bản tâm của Phật, trái lại tức là cũng như ngoại đạo và Tiểu thừa vậy. Song muốn ra độ người, cần phải dự bị tài năng, nếu không thì vớt người chẳng được lại chết cả mình, hai bên đều bị hại cả. Vì thế nên phải mở lòng cho lớn mà lại phải tu tập cho chuyên thì mới khỏi sự lỡ cả hai bên mà thu được cả hai phần lợi. Nhưng tu tập thế nào, cần phải nói rõ. Nếu chỉ tu trong cảnh tĩnh thì khi vào cảnh náo động tất chẳng làm trò gì được, mà lại quên mất hết cả công tu nữa, cho nên y theo chỗ của mọi người cùng lựa chọn thì khi mới tập thiền định nên ở trong cảnh tĩnh, dần dần tiến lên, tất phải vào chỗ có cảnh náo động mà rèn luyện mới có hiệu nghiệm. Ngoài môn tu định ra, môn nào cũng phải tu trong cảnh động. Nếu chẳng vào trong cảnh động mà mài giũa cho sạch tạp khí thì khó thành tài lớn được. Vì rằng đang khi thực hành ở trong cảnh động, tức là khi bước vào con đường độ người rồi, nên mới không phụ cái bản tâm của Phật Tổ ta vậy.
Lúc mới tu ở chỗ tĩnh, sau phải tu ở chỗ động. Nếu chỉ tu ở chỗ tĩnh, lúc ra chỗ động, tất chẵng làm trò gì được mà mất cả công tu. Tu ở trong cảnh động tức là độ sinh... Rất đúng. Người tu có biết lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc thì mới mong tu chẳng uổng công. (Thiều Chửu)
- Tán đồng. (Thái Hư Pháp sư)
V. TÔN CHỈ CỨU CÁNH CỦA PHẬT
Đoạn trên là nói về trình độ tu của người tu, còn cái tôn chỉ cứu cánh của Phật thì hoàn toàn ở chỗ phá ngã. Đã lấy phá ngã làm tôn chỉ thì còn làm gì có mình; còn phân biệt có mình có người tức là tri kiến của phàm phu rồi. Thanh Văn nhận ngay mình là kẻ khác, Bồ Tát nhận ngay kẻ khác là mình, vì thế cả hai giới này đều được giải thoát. Kẻ phàm phu cố phân nhân ngã (phân biệt mình với người khác), chẳng trừ ngã kiến, đến nỗi trầm luân mãi mãi; vì thế nên chúng ta học Phật cần phải phá ngã, chẳng sinh lòng phân biệt, mới không hao phí quang âm.
Hơn nữa, Phật nghĩa là bậc giác ngộ, có lẽ nào như bọn chán đời. Nếu mà chán đời chẳng thể gọi là Phật được, chẳng thể tôn là bậc Đại giác Thánh nhân được. Vả lại Phật nói cái lý giải thoát là để giải quyết cái cội rễ sinh tử. Giải quyết sinh tử khác với ngoại đạo, chỉ có một cách cầu chứng Niết Bàn mới có thể giải quyết được, mà chỉ cần phá tan hai khối tham si trước. Trong hai khối ấy, khối si lại cần phá trước, vì si tức là căn bản vô minh vậy. Chưa phá được cái căn bản vô minh thì dù được giải thoát cũng chưa rốt ráo. Vì thế nên phép tu thiền định của Phật khác hẳn ngoại đạo, chỉ cốt làm ngừng mối nghĩ, đằng này chỉ cố làm phá khối si. Trừ sạch khối si như cây chặt hết rễ, chẳng cầu liễu mà tự nhiên liễu hết. Vì thế cho nên gọi là bậc giác ngộ, khác bọn chán đời.
Lại nữa, trong tám nỗi khổ, Tiểu thừa coi hai thứ sinh tử là cỗi gốc. Đại thừa lại cho rằng các thứ như: Yêu nhau mà phải biệt ly, mong cầu mà chẳng được v.v… là cái cỗi rễ khổ. Lấy sự yêu nhau mà phải biệt ly làm khổ, tức là si; mong cầu chẳng được làm khổ, tức là tham; oán thù gặp gỡ làm khổ, tức là sân; lấy năm thứ sắc, thụ, tưởng, hành, thức nồng nàn làm khổ, tức là mạn. Những thứ này đều lấy si làm cỗi rễ. Trừ sạch cỗi si, các nỗi khổ đều hết. Vì thế nên Tiểu thừa cho Niết Bàn là cái quả sướng, mà cái quả sướng bên Đại thừa lại cho độ sinh là Tịnh độ, lúc nào cũng sẵn sàng cả, không những chẳng hãy sinh tử mà lại cần thừa nguyện sinh mãi mãi, chúng sinh chưa thành Phật hết, quyết chẳng lên ngôi Phật vội. Xem thế thì biết Đại thừa phá sạch hai thứ si ngã, si pháp, độ hết chúng sinh, là dung tôn chỉ của Phật; còn cách chỉ chuyên tu cho liễu sinh tử, đó là cái phép phương tiện mà thôi.
Xét như mọi lẽ nói trên, hiểu ngay tôn chỉ của Phật hoàn toàn ở chỗ độ sinh và phá si. Nếu chẳng độ sinh phá si thì dù giải thoát cũng chưa được là giải thoát thật. Vì rằng chưa qua cái tầng độ sinh là chưa có cái công rèn luyện vậy. Hễ sơ ý một tý thì chẳng lạc sang ngoại đạo cũng chỉ thành một quả nhỏ thôi vậy. Mong rằng các vị tu sau, lúc mới bắt tay phải nhè chữ “Giác” mà công kinh nghiệm thì phải độ sinh (Thiện Nhân Pháp sư)
- Tán đồng (Thái Hư Pháp sư và Thiều Chửu)
VI. ĐỪNG DÙNG LỊCH PHẬT VỘI
Ai cũng công nhận Ấn Độ là nước văn minh sớm nhất, chỉ vì không chú trọng tới môn sử học nên Phật lịch chẳng biết căn cứ vào đâu. Các nước đông tây có đến trên hai mươi thuyết khác nhau.
Theo thuyết Trung Quốc xưa kia thì cho là Phật sinh vào niên hiệu Chu Chiêu Vương thứ 24. Song xét các sách thì Chu Chiêu Vương chỉ làm vua được có 19 năm, vậy thì cái thuyết năm thứ 24 là sai rồi. Theo thuyết người Tây căn cứ vào sự đào được cột đá của vua A Dục, thì nói ngày Phật sinh trước Gia Tô hơn 400 năm. Song ngoài cột đá ra, cũng chẳng có một chứng cớ gì nữa. Gần đây lại còn nhiều thuyết khác nhau như: theo Chi Na Nội học viện thì năm Bính Dần kỷ nguyên Dân quốc, Phật lịch đã là 2490 năm. Nếu dựa và thuyết của Lý Trường Phòng thì thei ngày Phật diệt vào niên hiệu Chu Khuông Vương thứ 4, thì còn dôi ra đến hơn 34 năm. Vì y theo thuyết của Lý Trường Phòng mà tính thì đến năm Kỷ Tỵ đã là 2459 năm.
Theo thuyết của Ninh Đạt Uẩn nói thì năm Mậu Thìn vừa qua, Phật lịch Xiêm La mới là 2470 năm. Theo thuyết Tiểu thừa thì Phật lịch Xiêm La là ghi theo năm Phật diệt mà Ninh Đạt Uẩn lại lầm là ngày sinh.
Đem thuyết Xiêm La so với Nội học viện thì sai khác nhau đến 100 năm. So với thuyết của Lý Trường Phòng thì còn sai nhau 66 năm. Vậy thì biết theo thuyết nào là dung? Còn phải nghiên cứu nữa mới được.
Lại như ngày mồng 8 tháng Tư nhà Chu thì ngày đầu năm là ngày Tý. Các triều đại sau thì lại lấy ngày đầu năm là ngày Dần. Lịch Tây bây giờ lại cũng là ngày Tý, còn bên Ấn Độ lúc đó thế nào chẳng biết đâu mà xét nữa.
Vì vậy mà đành phải theo cái tập quán từ trước cho khỏi sinh sự lôi thôi. Vì rằng cái ngày ấy chẳng qua chỉ là cái ngày kỷ niệm công ơn sâu dày của Phật cho khỏi quên gốc mà hợp lòng đời, chứ y theo chân đế thì ba đời còn như trò rối, làm gì có thời kỳ ngày giờ chi nữa. Phật nguyên không có sinh, còn ghi chép vào đâu. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Tổ quốc theo lịch nào thì ta theo ngày mồng 8 tháng Tư ấy mà làm lễ kỷ niệm (Thái Hư Pháp sư và Thiều Chửu)
VII. PHẢI PHỤC HƯNG ĐỊNH HỌC
Từ trước tới nay, các bậc tiên đức đều cho Thiền tức là Định.
Tôi từng xét kỹ, từ đời Lục triều trở về trước nguyên không phân biệt Thiền với Định. Từ Lục triều trở về sau đã biến khác đi, thì dụng công mỗi nhà một khác, cũng cần phải nói cho rõ.
Định học là cách gạn trong dần dần. Nội các pháp như Tứ thiền, Cửu định, Lục diệu, Cửu tưởng, cho đến các môn Tam muội như: Sư tử phấn tấn, siêu việt v.v… đều là định học cả. Trong đó tuy có chia ra hữu lậu, vô lậu và lậu vô lậu, mà trong pháp vô lậu lại có pháp đối trị cũng đều thuộc về định học cả, chỉ có phần duyên lý trong pháp vô lậu và phần phi lậu, phi vô lậu mới là thiền học.
Thiền học là môn học siêu việt ngay, cỗi nguồn ở Bát Nhã ra. Sau đó đổi tên thành Thiền nhưng chẳng phải là Pháp thiền định đệ ngũ độ. Thiền định đệ ngũ độ tức là pháp định học đã nói ở trên. Định học chỉ là để gạn sạch mối nghĩ tán loạn, chứ chẳng phải phép sam cho tỏ lý. Vì thế nên thiền với định, dụng công khác nhau. Chỉ có một điều là tập riêng một phép Thiền thì khó vào lắm mà cũng khó nẩy ra tuệ nữa. Vì thế nên công trình tu tập hai pháp này chỉ có phân biệt ở chỗ trước sau, nông sâu, chứ không phải là tiệt nhiên mỗi pháp đi riêng mỗi đường vậy. Ở bên Ấn Độ tất nhiên như thế. Đến khi truyền sang Trung Quốc, lúc mới chỉ tập phép định mà phép thiền cũng lẫn ở trong đó. Sau đó, tông Tam luận mới biến ra một nhà chuyên môn thiền học, vì thế mà chẳng ai hỏi đến phép định nữa. Cũng vì thế nên hàng ngàn năm tới đây, cũng có nhiều bậc đốn ngộ đấy, mà bậc vào nơi Tam muội thêm định như Ngài Tuệ Trì thì sau chẳng thấy có ai nữa. Xét như chính tông của Phật, nguyên lấy Bát Nhã làm mẹ, vậy thì tập riêng một phép thiền, ai bảo là không đúng. Song cái công nẩy nở trí tuệ cỗi nguồn từ nơi định ra, vậy biết định học chẳng thể bỏ được. Bỏ tức là phạm vào cái lỗi liệp đẳng rất là nguy hiểm. Bởi vậy nên ta tuy hết sức chủ trương lấy pháp phá si làm pháp nhanh chóng đúng đắn đấy, nhưng nó vẫn còn có hai sự đáng tiếc: một là phạm lỗi liệp đẳng nguy hiểm, hai là ngoại đạo đông đảo, tràn ngập cả đời, làm cho cả đời rung động, mà chúng ta thiếu Định học, không đủ sức mà phá tan, đến nỗi bao người kém trí tuệ đều mắc vào lưới của họ hết. Nếu chẳng tin lời tôi nói, xin để mắt coi ngay các nhà như luyện đan, phổ độ, phù chú, đồng bóng v.v… kia có phải họ chiếm đến một nửa dân số nước ta rồi không? Ta gánh cái trách nhiệm là đệ tử Phật mà rủ tay áo xem, không cách cứu vãn sau này còn mặt mũi nào mà lạy thấy mặt Đức Thế Tôn ta nữa không? (Thiện Nhân Pháp sư)
- Tán đồng. (Thái Hư Pháp sư)
- Tu định trước rồi mới sam thiền, đó là con đường nhất định, trái lại là thiền mù. (Thiều Chửu)
VIII. ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA ĐỐI CHIẾU
Đại thừa với Tiểu thừa từ xưa đã phân biệt rõ ràng, sao lại còn phải lựa chọn nữa? Vì rằng tuy đã phân biệt rõ ràng rồi đó, nhưng kinh luận bộn bề, người mới học chưa nghiên cứu khắp thì không biết đâu mà phán đoán cho đúng đắn được, nên phải xếp đặt lại thứ tự cho rõ nhận xét. Hơn nữa kinh luận của Đại, Tiểu thừa có chỗ tên thì cùng mà nghĩa lại khác, nếu chẳng chỉ rõ ra thì người mới học lại ngờ mà mâu thuẫn. Vả lại danh tướng bộn bề nghĩa lý riêng biệt nếu chẳng nêu ra thì bể pháp mênh mang, mới học đâu ra sợ sệt cho nên cần phải nói một hai điều để làm mẫu mực.
A. Nhiều chỗ khác nhau
Tiểu thừa | Đại thừa |
1. Chỉ phá ngã si mà pháp si còn nguyên | 1. Phá cả ngã si cùng pháp si mới là cứu cánh |
2. Chỉ nói tâm vương | 2. Nói rõ có tám thức tâm vương |
3. Ba đời có thực hoặc là tạm có | 3. Ba đời do duyên sinh như trò rối |
4. Có cảnh không tâm | 4. Tâm, cảnh đều là duyên sinh |
5. Tuy có phép lục độ mà chẳng làm được rốt ráo | 5. Làm lục độ mà trọng cả hai mặt lý và sự |
6. Có lúc cũng tỏ lộ thần thông | 6. Cấm dùng thần thông |
7. Chỉ độ lấy mình | 7. Lợi mình và lợi người |
8. Vội vã cầu kết quả | 8. Vộ vã tu nhân |
9. Hẹp hòi | 9. Rộng rãi |
B. Bên riêng nghĩa khác
Tiểu thừa | Đại thừa |
1. Các pháp như tứ đế, thập nhị nhân duyên v.v... là có thực, nên hết sức mộ, diệt, tu, đạo, đi ngược lại tiêu diệt nhân duyên | 1. Hiểu rõ chỉ ở tâm tạo ra, lại biết tâm cảnh rỗng lặng, tâm sạch thì đất nước sạch, các pháp do duyên sinh như thể trò rối, cho đến Niết Bàn cũng là do tâm nó tạo ra |
2. Coi thân mình như thân người, nên coi thân là một vật xấu xa | 2. Coi thân người như thân mình, cho nên giữ gìn người hơn giữ gìn mình |
3. Hết thảy đều vô thường | 3. Thường với vô thường đều là đối đãi mà thấy là có |
4. Cho tham, sân, si, mạn là bất định | 4. Cho tham, sân, si, mạn là căn bản phiền não |
5. Trong pháp thiện không có vô si | 5. Trong pháp thiện có vô si |
6. Trong các thứ phiền não không có các thứ bất chính kiến, bất chính tri, và thất niệm tán loại | 6. Trong các pháp phiền não có các thứ bất chính kiến, bất chính tri và thất niệm tán loạn |
- Đem cả hai bên ra so về mặt chân lý thì Đại thừa là cứu cánh, là cao minh; về phần tự tu, Tiểu thừa rất khẩn thiết; về phần lợi người, Đại thừa thật là rộng lớn. Nói về phần giải thoát và chứng quả, Đại thừa lại là rốt ráo (triệt để). Vậy thì ta biết tự tu nên theo Tiểu thừa, mà ngộ lý lợi người và chứng quả thì nên theo Đại thừa. (Thiện Nhân pháp sư)
- Đại đoạn (tức điều chủ yếu) đúng cả, song nói kỹ thì Đại, Tiểu thừa còn nhiều nghĩa khác nhau, khó mà bàn gộp được. Nói Đại thừa cấm dùng thần thông thì chưa đúng hẳn. Trong giới bản Bồ tát nói rõ rằng: “Bồ tát gặp người cần phải dùng thần thông mới độ được, mà không dùng tức là trái phạm”. Vì hiện thần thông thuyết pháp cũng là cái phương tiện để làm việc lợi sinh. Chỉ có Bồ tát thực, mới khéo dùng được. (Thái Hư Pháp sư)
- Dùng về cái đích chân chính lợi tha tức là phương tiện, có dùng được phương tiện mới là Bồ tát. (Thiều Chửu)
IX. GIỚI KHINH CÓ THỂ GIẢM ĐƯỢC
Trong sử có chép: khi Ngài A Nan kết tập xong, Ngài tuyên bố trước đại chúng rằng: “Khi Phật nhập diệt có bảo tôi: Giới luật ta đã định ra là lâm cơ (nắm thời cơ) mà định, bất tất phải giữ tất cả. Điều luật nhẹ, nhỏ, tùy theo sự tình cũng có thể gia giảm được cả”.
Ngài Ca Diếp chất vấn Ngài A Nan rằng: “Những điều luật nào là điều nhẹ, nhỏ, Phật có bảo không?”
Ngài A Nan đáp: “Không”. Lúc đó Ngài Ca Diếp mới mắng Ngài A Nan và bắt sám hối cả đại chúng. Lúc đó có người cho rằng từ bố điều BA LA DI trở ra là những điều giới nhẹ nhỏ. Có người lại cho rằng từ hai điều Bất Định trở ra hoặc là mười điều SA ĐỌA trở ra là những điều nhẹ nhỏ. Mỗi thuyết một khác khó mà giải quyết được. Sau đó Ngài Ca Diếp tuyên bố trước đại chúng rằng: “Thà cứ lấy những điều khi Phật tại thế đã định ra làm phần chứng cứ mà cân nhắc là hơn, bất luận giới nào đều phải vâng giữ cho đúng như khi Phật còn tại thế”. Đại chúng đều tán thành. Vì thế các giáo đoàn Phật giáo đối với giới luật của Phật ai nấy đều theo một chủ nghĩa THỰC HÀNH NGHIÊM NGẶT.
Nay tôi nhắc lại lời Ngài A Nan, tất nhiên có nhiều người theo lối Ngài Ca Diếp mà mắng nhiếc tôi. Song, những điều giới luật nhẹ nhỏ phần nhiều là chế (tức định ra) theo hoàn cảnh và phong tục từng nơi. Nay cảnh khác, tục đổi, còn giữ làm sao được. Thu mà không giữ, biết mà cố phạm, chi bằng chẳng thu, còn tránh được cái tội GIÀ (bưng bít, che đậy). Trái lại thì tung tập chiếu lệ, lại liên lụy chẳng giữ được cả giới trọng nữa. Vì thế nên tôi chắc rằng tất có nhiều người mắng tôi, nhưng vì sự này là một sự trọng đại rất mực, bắt buộc tôi phải phá lề lối củ mà nói toang ra, chỉ là nhằm theo cái đính “Giản” còn hơn “Lạm” vậy.
Tăng luật
Phải giữ nghiêm ngặt
- Luật Sa di gồm: 4 điều trên, điều 5, điều 8
- Luật Tỷ khiêu gồm: Tứ khí, thập tam tăng tàn, nhị bất định, tam thập bát ba dật đề, bách chúng học
Nên khai phóng
- Luật Sa di gồm: Các điều 6, 8, 9, 10 (vì là những luật theo phong tục Ấn Độ)
- Luật Tỷ khiêu gồm: Tam thập xả đọa, ngũ thập nhị ba dật đề, tứ hướng hối, thất diệt tranh (cũng là theo phong tục Ấn Độ)
Còn luật Bồ tát trước vẫn theo Phạm Võng, gần đây có người chủ trương theo Bồ tát giới phẩm trong Du Gia Sư Địa Luận cũng đúng lắm. Về phần riêng tôi, tôi chỉ giữ theo 26 thứ phiền não trong 100 pháp làm ý giới, 5 thứ sát, đạo v.v… làm nhân giới và 4 thứ vọng ngữ làm khẩu giới. Cộng tất cả là 33 điều đã dễ ghi nhớ lại bịt chặt lối tà; so với ý chỉ của Phật, chẳng trái một mảy may nào. Tiếc rằng chưa được qua lời Phật chứng cho, chẳng thể biết ai tin giữ, cho nên chỉ biết tự giữ lấy mình và mách cùng các bạn đồng chí mà thôi. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Đại thể tán đồng, nhưng nên nghiên cứu hết thảy bộ luật và đính chính lại. Theo chủ trương của tôi thì giới xuất gia nên chia làm hai: một là Khúc Vãng Bồ Tát, trước thụ luật Sa di bật sô, khi phát tâm lợi tha lại trụ trì giới Bồ Tát, suốt đời không thụ cũng được; hai là Trực Vãng Bồ Tát thì thụ ngay giới phẩm Bồ Tát. Giới bản nên dùng bộ Du Già Luận. (Thái Hư Pháp sư)
- Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, cái nghĩa mầu nhiệm của Phật cực kỳ viên mãn, chẳng bao giờ chấp trước một bên. Giới theo phong tục thì mỗi tục một khác, sao lại cố chấp một mặt được. Cần phải sửa đổi, mà quyết định thì phải được đại chúng minh luật cùng qui định. (Thiều Chửu)
X. CHẲNG NÊN PHÁN GIÁO
Xét ra từ chỗ Tiểu thừa thiên chấp, ánh sáng Phật pháp mới ngày một tối rầm, sau được Đại thừa ra thống nhất, mới làm cho Phật pháp rực rỡ trang nghiêm hầu khắp cả vũ trụ. Sau vì có sự xích mích mà ít lâu đến mất hẳn, đủ biết cái hại nội tranh nó ác liệt hơn ngoại xâm là nhường nào. Đấy là nói về bên Ấn Độ. Trở lại xét đến các nước phương Đông, tông tuy có 8 mà phái có đến hơn 20. Nếu đem Ấn Độ làm gương, thì cái chỗ chi rẽ nhau đó có nên để nữa hay không? Cũng dễ giải quyết lắm. Cái nào có ích thì ta để lại, cái nào vô vị thì ta bỏ đi. Xin hãy nói các cái vô vị.
Phán thời
Các tông đem các thời đại thuyết pháp của Phật chia ra nào nhất thời, nào tam thời, ngũ thời, cho đến thập thời v.v… xét đến cái chỗ dụng ý của họ, chỉ là đem các kinh của tông khác theo, phán đoán là kinh nói trước, còn kinh của tông mình là kinh nói sau, để nêu tỏ tông mình là rộng lớn cao sâu, cố ý đem cái bí nguyện của Phật làm cái kê chân cho tông mình. Cái bệnh căn ấy nó mọc ở chỗ thượng mạn, ngã si, nếu không bỏ đi phí toi thời giờ của học giả, chỉ làm rối loạn lòng người.
Phán giáo
Các tông phán giáo dữ hơn là phán thời. Riêng một thuyết phán làm nhị giáo đã có đến 7 nhà khác nhau, phán làm ngũ giáo có 3 nhà khác nhau. Như Pháp Lẫm phán là lục tông; Lưu Chi phán là nhất âm; Hiền Thủ phán là thập tông; Hoằng Giáo phán là thập trụ tông. Biết bao nhiêu lối phán giáo như thế, tông nào chẳng vì sự tranh giành, ta hãy bỏ đấy. Duy có tứ giáo của Thiên Thai và ngũ giáo của Hiền Thủ là xây đắp chiến lũy, đào chiến hào, cùng tranh đấu nhau nghìn năm chẳng giỡ, khiến người sau nghe thấy mà chột dạ. Lại như Hoằng giáo thấy Hiền Thủ lập thập tông, hốt nhiên bày ra Thập trụ tông để nhảy vót lên trên Hiền Thủ. Cái lối ranh vặt như thế, thật chỉ khiến cho thức giả chê người, chỉ làm rối loạn tâm trí người học. Theo lệ Thiên diễn hoặc giả có thể để được, nếu học Phật thừa, nên bỏ hết đi cho khỏi rối loạn tri thức người ta; nếu lo học giả chẳng biết sâu nông thì tu đạo Bồ đề đã có từng bậc, các nhà đều công nhận cả; Tứ đế, Lục độ là con đường chung cho cả Tiểu thừa, Đại thừa.
- Nay đã đem cả Tiểu, Đại thừa đúng chung vào một lò thì môn-đình Đại thừa chẳng nên phân biệt mà cũng chẳng nên chia tông phái nữa. Đúng như lời Phật: “Nói pháp bình đẳg không chia cao thấp, thuốc không tốt xấu, khỏi bệnh là hay”. Nếu nay thống nhất như thế, tất lại rạng rỡ như xưa vậy. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Lối phán thời thượng mạn, ngã si, thực nên bỏ hẳn, cái lưu tệ lớn nhất là chỉ tôn trọng phóng đại ông Tổ của Tông mình theo, mà bài bác các tông khác y như một giáo khác vậy. Tệ nữa là chỉ biết tôn một ông Tổ riêng ở trong chùa mình. Truyền pháp như thế thực là chỉ truyền trong một cái chùa, làm cái riêng của một chùa, cho nên kết quả chỉ là Phật giáo của một chùa, mà không có Phật giáo toàn thể nữa. Điều cần cấp cho ngày nay là phải trừ bỏ cái lối chỉ tôn Tổ riêng ấy đi mà qui cả về một vị Giáo Tổ Thích Ca Mâu Ni. Còn lối phán giáo, tức là người học đem cái công phu nghiên cứu được, rồi kết luận lại tỏ cho người khác biết, người mới học có thể nhờ đó mà làm ngọn cờ tiên phong cho sự nghiên cứu của mình. Nhưng đừng có giữ chết lời Tổ mà phải tìm thẳng vào lời Phật. (Thái Hư Pháp sư)
- Giỗ Tổ thì đông đúc đầy chùa, bổ bán ăn uống vui vẻ nhộn nhịp nồng nàn, mà các ngày đản Phật thì thờ ơ nhạt nhẽo, vì thế mà Phật giáo nước ta chóng suy hơn cả Trung Quốc. Chỉ tôn một Đức Thíc Ca thực là đúng lý, còn các Tổ riêng không nên làm cho tôn quá. Phán giáo cũng có ích lợi, đường vào Phật pháp bát ngát mênh mang, không có phương châm thì khó lòng đi đúng. Nhưng đừng vì nhân ngã mà nói quàng. (Thiều Chủu)
XI. CHẲNG THỂ ĐỂ CHO CHIA TÔNG CHIA PHÁI
- Đã rõ cái lầm phán thời, phán giáo, thì chẳng lẽ nào lại còn chia tông chia phái; huống chi tôn chỉ học Phật, hoàn toàn ở chỗ mở rõ trung đạo, chứ có phải như cái nghĩa người đời thường nói “cùng họ khác tông” đâu! Phật giáo chia tông, khác chi người đời; huống chi coi nghĩa các tông bài đi bác lại, thảy là giành lấy mình phải người sai. Vì cớ đó mà cờ xí ngập trùng nghìn năm chẳng nát, trống trận rầm rầm đến giờ vẫn còn điếc cả mang tai. Hơn nữa moi móc tìm các lẽ huyền, huyền mãi, huyền mãi, tối cả chân tướng, che lấp cả ánh sáng của Phật, làm chướng cả lối ngộ của người, cái hại lại càng khốc liệt. Vì thế cho nên biết bao người kêu: “Kinh văn dễ hiểu, chú sớ khó thông…” vì lợi khởi sự binh đao còn có lúc ngớt, vì giáo lý mà tranh đấu, biết bao giờ giải tán được hàng ngũ đấu tranh. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Tông có hai: Một là Hành Tông, mỗi phần theo một kinh, một luận, một môn, một hạnh, để tới cái chỗ chuyên tu; hai là Lý Tông để bao quát mọi lý của các kinh, luận. Qui giáo về Phật cố nhiên lài cái Tổng tông, mà ứng cơ giáo hòa thì chia tông cũng chẳng hề chi, còn như sự chia tông, chia phái để tranh giành nhau thì phài trừ tiệt ngay đi. (Thái Hư Pháp sư)
- Đúng như lời Thiện Nhân Pháp sư nói: “Cứ nghiên cứu kỹ kinh thì dễ hiểu, đưa chú sớ vào lại làm cho người mê man”. Tôi nhờ hào quang Phật Tổ, học Nho, học Phật, đều không nhìn qua chú sớ, chỉ tìm nguyên văn mà đọc, câu nào hiểu được thì hiểu, câu nào không hiểu thì ghi lại để nghiên cứu mãi, có khi hai ba mươi năm sau mới hiểu được, như vậy quả nhiên được hưởng cái thú đệ nhất thầy Mạnh tử nói: “Đọc sách tỏ nghĩa lý là sự sướng nhất trong thiên hạ”. Đến nay tuổi đã 50, mới dám xem các chú sớ chỗ nào phải, chỗ nào sai, tự thấy rõ ràng, quyền mình định đoạt, có ích cho sự tu học rất lớn, mà chẳng bị hại chút gì. Vậy biết: Chia tông, nghiên cứu chuyên môn, quả là đúng lý; mà chia rẽ cãi nhau, xuyên tạc nghĩa kinh, thực là đại hại. Phật học nước ta như mớ xà lách, chẳng thành tông gì, đó thực là một sự thoái hóa. (Thiều Chửu)
XII. ĐỊNH RÕ CON ĐƯỜNG TU HỌC
Trên kia tôi nói: “Chẳng nên phán giáo…, chẳng thể để chia tông phái…”, thế thì các Ngài La Thập, Ngài Huyền Trang chỉ rõ tinh tướng và Pháp Hoa, Hoa Nghiêm làm nêu mốc cho Đại thừa kia, cũng có thể bỏ cả đi ư?
Xin thưa: “Y pháp chẳng y người, y nghĩa chẳng y lời”, nay tôi nêu lên phương pháp lựa chọn, chỉ cần cơ-giáo hợp nhau, còn phần cao sâu rộng lớn thì ai có tâm có chí hâm mộ và có cái trình độ có thể tới được, lẽ tự nhiên phải tiến lên đi! Còn đối với sự cần cấp, theo ý tôi thì trước nhất phải hiểu rõ Thể, Dụng, sau đến đặt vững nền tảng, rồi sau nữa là tu tập thực sự, sau cùng là trông mong quả chứng.
A. Hiểu rõ Thể, Dụng
Cái thể Phật học cốt ở Bát Nhã. Bát Nhã là mẹ cả chư Phật. Hết thảy giáo lý do đó sinh ra; hết thảy tác dụng do đó khởi lên, nếu chẳng hiểu rõ cái đó thì đi lối nào cũng lạc, sự gì cũng hiểu lầm hết. Vì thế nên phải học Bát Nhã trước cho suốt tận gốc đã. Cái công dụng của Phật học có ba phần: Một là phàm, Thánh cùng chung; hai là Bồ Tát; ba là Phật quả.
Nay ta là kẻ phàm phu chỉ học cái phần cả phàm lẫn Thánh cũng được thụ dụng, như loại học Du Già, Thâm Mật, có thể khiến cho sớm tụng sáng thấy, chiều đọc tối hiểu. Vì thế cần phải tu tập các kinh Thâm Mật, Du Già cho chóng có hiệu.
B. Đặt vững nền tảng
Cái nền tảng của Phật học cốt ở giới định. Các điều giới luật đã kể ở trên, cần phải giữ cho nghiêm ngặt. Định học tức là phần chính định, như Tứ thiền, Cửu thứ đệ định, ngoài ra như 37 phẩm trợ đạo của các kinh Đại, Tiểu thừa đã nói rõ đều là phương pháp giữ vững nền tảng, đều phải tập cho thiết thực.
C. Tu tập thực sự
Tu tập thực sự nghĩa là tuy đã tập giới định rồi, nhưng chưa có đủ kinh nghiệm, cần phải y theo các kinh như Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật, Viên Giác v.v… học hạnh Bồ Tát, kỳ cho được phần thụ dụng của Bồ tát. Như phép Tam quán, Lục tức của tông Thiên Thai; Ngũ trùng quán pháp của tông Hiền Thủ v.v… đều có thể chọn lấy một pháp mà tu tập đi.
D. Trông mong quả chứng
Cảnh giới của Phật, phàm phu chẳng thể lường được, duy đọc các kinh như Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, hoặc giả có thể biết trước chút đỉnh, vì thế nên các pháp như Thập huyền, Lục tướng của tông Hiền Thủ, Nhất niệm tam thiên của tông Thiên Thai cũng có thể xem được cả. Song người mới học thì không nên đọc vội, vì những lẽ đó chẳng phải dùng cái trí đo lường mà hiểu biết được vậy.
Bốn phần kể trên, phần A là giáo lý, phần B là hành, phần C là quả. Vì sao phần B chẳng thể đứng đầu mà lại liệt vào hàng thứ hai? Là vị ngộ trước tu sau, hiệu quả khác nhau như so ngày với kiếp, đúng như cái thuyết “Biết khó mà làm dễ vậy”.
- Người ta biết cách tu tập như thế thì phần đại thể quyết nhiên chẳng sai, còn đối với các bộ kinh luận chú sớ, chỉ nên xem qua các chỗ giải danh nghĩa chính văn thôi, còn chỗ họ nói cái ý riêng của họ thì hãy tạm gác đấy. (Thiện Nhân Pháp sư)
Pháp Hoa, Hoa Nghiêm cũng là kinh của các Ngài Huyền Trang, La Thập truyền tập cả. Cái cảnh trình độ nên đổi là nhận rõ cái cảnh tính tướng, còn như hành, quả nên đổi tên như thế này:
Cảnh
1. Nhận rõ tính tướng (Thập huyền, Lục tướng, Nhất niệm tam thiên, Tham cứu bản mạt, cũng là theo cái nghĩa nhận rõ tính tướng cả).
Hành:
2. Đắp nền giới định.
3. Tu tập quán hành (lý quán rõ rồi vào đời trải sự, tu đủ vạn hạnh)
Quả
4. Lượm được quả chứng. (Thái Hư Pháp sư) - Học rồi hiểu rõ, đó phần có tin căn rất sâu, chỉ cần huân trương, còn phần phổ thông thì học rõ thể dụng, theo pháp huân sinh, có chủng tử mới vào sâu được. Thiện Nhân Pháp sư chỉ định đường lối như thế, vừa đúng các cơ phổ thông, vừa hợp phương pháp khoa học. (Thiều Chửu)
XIII. ĐỊNH RÕ CỖI NGUỒN THIỀN GIA
Cỗi nguồn Thiền gia, tương truyền trước từ khi Phật Tổ cầm cành hoa giơ lên, truyền pháp tâm truyền cho Ngài Ca Diếp, nhưng chưa thấy kinh luận nào chép. Kinh Công nói rằng thấy ở kinh Phạm Thiên sở vấn. Sự đó cũng không đủ làm chứng đích xác được, vì các Tổ bên Ấn Độ trừ Thiền gia ra không ai biết cả, mà đến các bài kệ trao truyền tâm pháp của Thất Phát và Liệt Tổ, kinh luận cũng không có cả. Xem hơi văn, hình như do một tay nào viết ra, khó mà tin là thực được. Lại nữa, xét đến lề lối vấn đáp, từ Tổ Hoằng Nhẫn trở về trước, đều có một chuỗi phỏng theo Trung luận, sự đó tôi đã từng bàn rõ ở nguyên cớ ở trong bộ Trung luận thuật nghĩa rồi. Hơn nữa, nhà chép sữ đã tự nêu ra bao câu ngờ vực đối với sự tích Ngài Đạt Ma. Như vậy thì cỗi nguồn thiền gia từ xưa đã truyền lại đó, thực khó theo được. Đành vậy, nhưng có lẽ nào lại không có một chút căn cứ nào nữa ư? Thưa rằng: “Cỗi nguồn thiền gia như trên đã nói, không phải nó là cái nghĩa thiện định ở trong kinh mà cũng chẳng phải là giáo ngoại biệt truyền, mà là cái nghĩa Bát Nhã ở trong kinh. Tôi nghe cái ý chỉ Bát Nhã nó như một lò lửa lớn chẳng còn một mẩu tuyết nào. Thiền gia cũng vậy, chẳng cho nghĩ ngợi một ly; Bát Nhã dùng lối phá để tỏ lộ ra, Thiền gia cũng dùng phép đánh quát làm bờ bến, đó là chỗ đại thể cùng nhau. Còn chỗ khác nhau thì chỉ là một bên cho dùng văn tự phô diễn ra còn một bên cấm hẳn văn tự thôi, xem thế thì ta biết rằng cỗi nguồn Thiền gia là do Bát Nhã thoát thai mà ra, có phải là không có cái hình tích sản sinh hẳn đâu.
Người Trung Quốc đầu tiên theo học Bát Nhã và Thiền định là ngài Đạo An, thứ đến hai vị Đại Đức La Thập và Giác Hiền ở Tây phương sang mà mở mang rộng thêm ra, môn hạ ngài La Thập là ngài Đạo Sinh đã học Bát Nhã của ngài La Thập lai tập cả phép Thiền định của ngài Giác Hiền, đem cả pháp của hai nhà đúc thành một khối, rồi sáng tác ra bộ “Đốn ngộ thành Phật luận” mở rộng Thiền phong. Sau đó các ngài Đạo Du, Thất Lâm, Bảo Chí, đều có cái hình tích truyền tập cả. Cao Tăng truyện còn kia, có thể dùng làm chứng được. Song lúc đó chẳng qua chỉ là có tập mà thôi, còn cái công làm cho được đến chỗ đại thành thì ta không thể không suy tôn ngài Huệ Năng được, vì Ngài tuy chưa đọc sách mà cái động cơ đầu tiên là do nghe được câu “Ưng vô sở trụ” trong kinh Kim Cương, mới dùng ngay cái thủ đoạn duy nhất chém tơ rối, phát dây lan, đâm thẳng một nhát vào luôn, chẳng hề đoái nhìn chi cả. Một cái phương pháp biết tâm suốt bản tâm tuyệt diệu như thế, người ta không thể nào là không quả quyết tin theo, học tập cho được. Song đem phép đó mà dạy kẻ sơ cơ thì không nên lắm. Đã rõ cái công đốn ngộ là cỗi nguồn ở Bát Nhã ra, vậy thì học tập kinh luân và thứ lớp tu định lại là việc cần trước nhất, chẳng thể nhãng qua được vậy. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Đại thể tán đồng. Tông này thành lập từ ngài Huệ Năng. Nhưng sau ngài Huệ Năng, phần nhiều đã làm sai rồi, phải lấy tính tướng mà lựa. (Thái Hư Pháp sư)
- Vạch rõ chỗ lầm về phép truyền tâm cùng các bài kệ truyền pháp, thật là có con mắt khác đời, chỉ rõ nguồn gốc Thiền gia là ở Bát Nhã, thật là chỉ con người thấy ngay được con đường cái lớn thênh thang, hết sự hiểm nghèo. (Thiều Chửu)
Kinh luận khác hẳn sách đời, nội cái gì mà loài người coi thường, đều đem ngay những sự thực trong hoàn cảnh thông thường đều tin, làm ra các câu thí dụ, tả rõ tình trạng của một pháp ấy ra. Nhà kết tập cứ theo lối cũ, nhà phiên dịch cứ dịch y nguyên, vì thế mà pháp với dụ bền chặt với nhau chẳng gỡ ra được; cứ dùng theo đó mà chẳng biết là thế nào. Sự đó nguyên lai chỉ có bậc Thánh mới có thể biết được, còn kẻ phàm phu thì chẳng thể lường được.
Ngày nay tục khác, cảnh khác; kẻ mê hoặc hiểu ra một lối như câu thần thoại. Theo ý tôi, Phật nói chẳng xằng, lẽ nào lại dối ta ư? Chỉ vì trình độ chúng ta chưa tới, chính cái hiểu biết sai lầm của ta lại làm mê ta, nên chẳng thấy rõ đó thôi. Nay muốn bịt chặt cái mối chê dèm là thần bí đó, thế tất phải đem cái hiểu biết của kẻ phàm phu mà suy lường lời dụ của Thánh trí. Tam giới là gì? Một là Dục giới, tức là nói về những thứ tính dục ham thích các pháp; Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v… Hai là Sắc giới, tức là nói về hạng tu thiền định. Hãy còn lưu luyến các thứ sắc chất, còn có tính vướng mắc vậy. Ba là Vô sắc giới, tức là nói về hạng tu tứ không định, cố chấp các cái rất vi tế không chất ngại như có tướng, chẳng phải có tướng, như có, chẳng phải là có v.v…
Trong Tam giới này đều là cái cảnh người ta, luôn luôn ôm ấp chẳng chịu rời ra, mà Phật thì quyết định muốn cho người ta buông ra, rời ra, bỏ đi vứt đi, cho đến chẳng còn một mảy trần nữa mới thôi. Tu La, tức là một loài động vật như loài Đại lực quỉ vậy. – Địa ngục, quỉ đói tức là loài sinh hoạt hèn hạ, khổ sở cùng cực vậy. – Kinh Hoa Nghiêm lấy ở Long cung, tức là cái cung Tâm ở trong bể Tính vậy. – Luận Du Già thỉnh ở cung Đâu Xuất, tức cõi Từ vô lượng trong cảnh định Tri túc vậy. – Đại Nhật Như Lai mở cái tháp sắt ở Nam Thiên Trúc, tức là mở cái kho vô minh kiên cố vậy. – Số kệ nhiều bằng số bụi nhỏ trong một phần tư thiên hạ, tức là nói về cái tinh trời lưu lộ ra, lấy nước bể làm mực viết cũng chẳng hết vậy. – Liên Bang là nói thí dụ như cái hoa sen ở trong bùn mà chẳng dây bùn, nhân quả cùng một núm vậy. Song le, ta ở loài người chỉ biết việc người, Phật ở nhân gian hiện thân Tỳ khiêu, lẽ tự nhiên phải nhận cái thân trượng sáu làm bằng. Còn như cái thân cao rộng lớn lao thì chỉ có Bồ Tát mới hay thấy được. Ta chẳng là Bồ Tát, dương hai con mắt thịt, chẳng dám bàn xằng vậy. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Đại thể tán đồng. (Thái Hư Pháp sư)
- Phát huy cái nghĩa Phật giáo nhân gian thực là đúng đắn, thực là một sự phát minh cái nghĩa mầu nhiệm rất lớn lao, công Pháp sư thật là vô lượng; cái nghĩa Tam giới giải thích ở ngay nhân gian này, cũng là sự khám phá rất quan trọng; một người chân tu trên bước đường tiến, trước thoát Dục giới, đến Sắc giới, rồi đến Vô sắc giới, rồi liễu hết sắc pháp mà tiến mãi lên, ai có công phu chân tu mới hiểu lẽ đó là đúng vậy. (Thiều Chửu)
XV. NGUYÊN TẮC ĐỘ SINH
Cái tôn chỉ căn bản học Phật có hai nguyên tắc: Một là liễu sinh tử, hai là độ chúng sinh. Liễu sinh tử, theo nghĩa Đại thừa tức là hiểu suốt nguyên lai không có sinh tử, chứ chẳng là liễu thoát sinh tử. Liễu thoát sinh tử là cái mục đích của Tiểu thừa, Đại thừa chẳng thể lấy chổ hiểu suốt làm cái đích chính. Độ chúng sinh xưa có hai thuyết, một là độ các chúng sinh của tự tính, hai là độ các chúng sinh khác. Độ các chúng sinh của tự tính cũng cùng một nghĩa như liễu sinh tử. Đây chẳng cần nói thêm cho rườm. Còn như độ các chúng sinh khác, lẽ tất nhiên là độ cho tất cả quần chúng có sinh hoạt. Nhưng độ khắp quần chúng sinh hoạt mà muốn cho đều được yên vui cả, chẳng còn khổ và chết nữa, thời lòng muốn của họ không bến không bờ, làm sao mà khiến cho họ đều thỏa mãn cả được! Dù cho được nữa, mà chỉ sống thoi thóp qua ngày đoạn tháng, rút cục vẫn không tránh khỏi các cái khổ sinh-già-ốm-chết; như vậy thì sao gọi là độ được! Hơn nữa trong vũ trụ này sinh sinh hóa hóa vô cùng, vô tận, sao mà độ cho hết được! Vì có biết bao nhiêu sự ngờ khó giải quyết như thế, cho nên mới có người giải nghĩa là chỉ độ cho cái tự tính của mình, không phải là không có duyên cớ vậy. Song le, Phật độ chúng sinh, chẳng phải chỉ là làm cho mãn ý mong cầu sinh hoạt tạm thời trong cái cảnh đời thoi thóp qua ngày, mà là ở chỗ phá sạch tham, sân, vạch cho biết rõ cái cảnh sinh hoạt vô tận, duyên sinh vô tính, nguyên lai chẳng có chết kia. Vì rằng chẳng phá tan được tham, sân thì chẳng hết được cỗi khổ, chẳng ngộ nguồn gốc, rồi vẫn cuốn theo duyên khởi, còn sự vũ trụ sinh sinh hóa hóa vô cùng vô tận thì cái bi nguyện của Phật Tổ ta, chính đã nhằm tới, nên Ngài đã nguyện rằng: “Hư không có lúc hết, nguyện ta vẫn vô cùng”.
Sinh thì cứ sinh hoài, chết chẳng phải chết hẳn, pháp tinh nguyên lai yên trụ, như như bất động; Phật Tổ chẳng qua chỉ là vạch cho ai nấy biết mình tự giác ngộ lấy mình, khỏi chịu cái đau khổ oan uổng mà thôi. Thế là độ chúng sinh, thế là độ khắp quần chúng sinh hoạt vậy. Có người nói: “Nếu như thế thì giới sát, tu thiện cũng là công toi à!” Thưa rằng: “Không phải thế, tu các hạnh đó, chính là tăng thêm tấm lòng từ bi, nuôi thêm cái mầm phúc thiện, vun trồng cái cỗi công đức, làm tròn cái đạo làm người; đó là những sự nghiệp phải có đủ cả, mới độ sinh được. Còn như nói đến chỗ rốt ráo thì hoàn toàn cốt ở chỗ phá tan tham, sân,si, mạn, chỉ cho rõ cái lẽ nguyên lai chẳng chết, mới là cái đạo trung chính vậy”. (Thiện Nhân Pháp sư)
- Hay thay! Hay lắm thay! Thực là đạo chân chính giác ngộ cùng tột. (Thái Hư Pháp sư)
- Cái nghĩa độ tận chúng sinh, giải thích đến thế này mới là tuyệt diệu. Tôi cũng xin chắp tay tán thán: “Hay thay! Hay lắm thay! Thực là đạo chân chính giác ngộ cùng tột”. (Thiều Chửu)
... ... ...