Ông Lý Quang Diệu nói về Trung Quốc bằng giọng khác
Trung HoaCựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã phát biểu về Trung Quốc với sự cảnh báo thận trọng bất ngờ đối với một người như ông.
Nổi tiếng trên thế giới như một chính khách ủng hộ “mô hình hiện đại hóa độc đoán", trong cuộc phỏng vấn gần đây, ông Lý Quang Diệu đã kêu gọi các nước của khu vực đề phòng nỗ lực cường quốc thống trị của Trung Quốc.
Ông Lý Quang Diệu vốn được biết đến rộng rãi bằng những phát biểu khuyến khích kiềm chế trước đặc thù của hệ thống chính trị Trung Quốc, một hệ thống dù "không hoàn toàn" dân chủ, nhưng đảm bảo sự ổn định và thành công các cải cách kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, trong cuốn sách mới các cuộc phỏng vấn với “giáo chủ” sân khấu chính trị Singapore có tựa “The Grand Master’s Insight on China, the United States, and the World” (Nhận thức về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới), ông Lý Quang Diệu đã đưa ra những quan điểm bất ngờ.
Cuốn sách lưu ý rằng, các nước khu vực còn nhớ những kỷ nguyên thống trị của thiên triều và lo ngại hơn hết tham vọng đế quốc, những quan hệ tồn tại từ thời Trung cổ mà Trung Hoa có thể hi vọng khôi phục.
Trong cuốn sách mới các cuộc phỏng vấn với “giáo chủ” sân khấu chính trị Singapore có tựa “The Grand Master’s Insight on China, the United States, and the World”, ông Lý Quang Diệu đã đưa ra những quan điểm bất ngờ. Ảnh: EPA
Ông Lý Quang Diệu khuyên Trung Quốc trong 40-50 năm tới “có thái độ nhỏ nhẹ", "không nhú đầu" và kiềm chế tranh giành ảnh hưởng với Mỹ.
Trung Quốc càng không nên nhào vào cuộc chạy đua vũ trang như Liên Xô cũ.
Tác giả "sự màu nhiệm kinh tế Singapore" cho rằng, Bắc Kinh chắc chắn sẽ thất bại nếu xảy ra xung đột vũ trang với Washington.
Tiếp tục dòng suy nghĩ, ông Lý chia sẻ với các nhà báo phỏng vấn là mặc dù trong vài năm tới Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Mỹ về tổng GDP, nhưng quốc gia "không bao giờ có thể vượt Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ và phát triển ứng nghiệm".
"Tính sáng tạo, kiên trì và tinh thần cách tân sẽ cho phép Mỹ giải quyết những khó khăn hiện tại và lấy lại khả năng cạnh tranh."
Trong khi ở Trung Quốc, sự lạc hậu của nền văn hóa truyền thống và sự chậm tiến của hệ thống chính trị sẽ áp đảo tinh thần sáng tạo và tự do trao đổi ý tưởng.
Ở Trung Quốc, ông Lý Quang Diệu là một nhân vật có uy tín lớn. Dư luận đồn rằng, cuộc cải cách được ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu vào cuối những năm 1970 chịu nhiều ảnh hưởng từ những chuyến đi Singapore và tiếp xúc với Lý Quang Diệu.
Phát biểu đáng ngạc nhiên của bậc thầy chính trị Singapore chưa gây nhiều phản ứng chính thức từ Trung Quốc, nhưng đã tạo âm hưởng trên mạng Internet.
Các blogger cáo buộc Singapore đang biến thành một bàn đạp chiến lược chính của Mỹ trong khu vực.
Như ghi nhận của các nhà quan sát nước ngoài, phát biểu của ông Lý Quang Diệu xảy ra vào đúng lúc hệ thống được chính trị gia xuất chúng dày công gây dựng, bắt đầu vấp phải những trở ngại.
Trước thềm cuộc bầu cử mới đây vào quốc hội, lần đầu tiên đảng cầm quyền đã không thu được thành công.
Các cuộc biểu tình trên đường phố phản đối chính phủ, điều mà trước đây không ai ngờ, đã tập hợp hàng trăm người tham gia.
Thế hệ trẻ Singapore không thua kém các thanh niên cùng tuổi ở Trung Quốc, họ cảm thấy bị kìm hãm trong cơ chế hệ thống chính trị đơn đảng.
Có thể nhận thức những cảnh báo của chính khách Singapore kỳ cựu trong bối cảnh các cơn sóng cảm xúc vượt bậc, liên quan tới các cuộc luận chiến công khai những tháng gần đây về một số tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.
Không khó cảm nhận tính chất kích động của tình hình, khi từ sáng đến khuya, trên mạng Internet tiếng Trung sôi nổi thảo luận những triển vọng xung đột vũ trang với nước này hay nước khác, còn một số tướng lĩnh Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa, được biết đến với "lập trường diều hâu” của họ, thì lập tài khoản trên mạng xã hội để nhân rộng quan điểm.
"Tiếng nói của ông Lý Quang Diệu vang lên trong chính bối cảnh xúc động và đầy lo âu này", nhà khoa học Nga Andrey Karneev nhận xét.
ruvr.ru