Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Nhiều dự án bỏ hoang được gia hạn nhiều lần
Nhiều dự án bỏ hoang được gia hạn nhiều lần
Thứ Hai 11, Tháng Ba 2013
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có tới hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ nằm “chết”, được cấp phép xây dựng nhiều năm mà vẫn bỏ hoang. Tình trạng dự án “chết” tràn lan, trong khi nhu cầu nhà ở và đất trồng cấy còn đó như một nghịch lý nhức nhối.
Số dự án “chết” nhiều phải kể đến huyện Mê Linh. Hiện địa phương này có khoảng 50 dự án “chết”, quy mô lớn nhỏ từ 10 ha đến 100 ha. Các dự án đó đều đã được giao đất nhiều năm, nhưng đến thời điểm này, mặt bằng hầu hết đang là “bãi hoang”.
- Nhiều dự án bỏ hoang
Nhiều dự án tập trung ở các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm với quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha như: Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Phúc Việt, Hà Phong, Tiền Phong, Chi Đông, River land, AIC, Diamond Park New, Cienco 5 ... Hầu hết các dự án được khởi công từ năm 2008 - 2009, nhưng đến nay qua nhiều năm hạ tầng vẫn dang dở.
Điển hình, dự án khu đô thị mới AIC có diện tích rộng gần 100ha, được huyện Mê Linh giao đất từ 2008, nhưng hiện nay mới chỉ giải phóng mặt bằng được 50% diện tích. Trong khi đó, chủ đầu tư mới san lấp được một phần diện tích, chưa triển khai làm hạ tầng, phần lớn diện tích còn lại trong tình trạng hoang hóa, cỏ dại ngập đầu.
Cách đó không xa Khu đô thị mới Cienco 5 (Mê Linh) có diện tích rộng gần 50ha, được khởi công từ năm 2005, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn thành xong hết được hạ tầng. Toàn bộ dãy nhà liền kề, biệt thự chưa được các hộ dân mua đất xây nhà vì vậy vẫn ngổn ngang những bãi đất trống hoang tàn. Thời kỳ “hoàng kim” giá nhà đất tại những dự án này lên tới 40 – 50 triệu đồng/m2, tuy nhiên, sau khi “bong bóng” bất động sản bị vỡ, giá giao bán hiện nay phổ biến ở quanh mức 15 triệu đồng/m2.
Trên khắp các quận, huyện ven nội thành Hà Nội như: Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai... xuất hiện hàng trăm dự án “chết”, cỏ mọc quá đầu người. Dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận do Công ty TNHH Kim Thanh làm chủ đầu tư, diện tích rộng tới 236 ha. Đây là một trong những Khu đô thị sinh thái đầu tiên trên cả nước từ năm 2007. Tuy nhiên, 6 năm đã trôi qua, dự án đô thị sinh thái rộng hàng trăm ha này vẫn là khu đất khá hoang vu. Nhiều hạng mục hạ tầng như đường đi, cống thoát nước thi công dở dang đang xuống cấp nghiêm trọng.
Khu đô thị mới Dầu khí Đức Giang của công ty CP Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt từ năm 2008, với diện tích rộng gần 80 ha, với định hướng phát triển là khu đô thị hiện đại, có không gian sống lý tưởng, thân thiện với môi trường, các dịch vụ công cộng, trường học, mặt hồ, cây xanh, khu vui chơi giải trí... Tuy nhiên, thời điểm hiện tại dự án vẫn bất động, toàn bộ diện tích đất vẫn đang được người dân canh tác trồng lúa.
Cách đó cũng không xa là “đại dự án” Geleximco – Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư, thuộc địa bàn quận Hà Đông và Hoài Đức. Khu Đô thị mới Lê Trọng Tấn nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô, diện tích 135 ha, theo quy hoạch bao gồm: nhà đa chức năng, siêu thị, sân golf, trường học, phòng khám đa khoa, khu tổ hợp thể dục, thể thao, nhà ở, biệt thự, chung cư… Với tổng số vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, và được triển khai xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm, dự án chỉ mọc lên một vài dãy nhà xây thô rồi bỏ hoang, cùng với đó là hàng trăm ha đất tại dự án này chưa xây dựng.
Trao đổi với PV, ông Hà Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, khoảng 50 dự án trên địa bàn huyện đều được phê duyệt theo quyết định của tỉnh Vĩnh Phúc (cũ) trước khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội. Trong xu hướng muốn kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào địa bàn huyện Mê Linh, Chính phủ đã quyết định phê duyệt chiến lược riêng phát triển huyện Mê Linh trở thành đô thị trung tâm.
“Tuy nhiên căn cứ vào thẩm quyền được giao, huyện Mê Linh chỉ có thể đề nghị doanh nghiệp chốt tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ triển khai dự án, để huyện tổng hợp báo cáo thành phố. Nếu thấy dự án triển khai quá chậm so với thời hạn cấp phép, huyện sẽ đề xuất UBND TP Hà Nội xử lý theo quy định.” – ông Quang cho biết.
Sở Tài nguyên và Môi Trường đã trình UBND TP Hà Nội hồ sơ thu hồi đất của 9/11 dự án. Ngoài ra, 30 dự án khác chậm triển khai 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đã bị nhắc nhở và cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án. Có 13 dự án được gia hạn lần 2; 6 dự án được gia hạn lần 3...
Trong khi người dân có nhu cầu nhà ở xã hội vẫn chưa được đáp ứng, nhiều địa phương đang thiếu đất canh tác, sản xuất thì thực trạng đất dự án”chết”, bỏ hoang kéo dài tại Hà Nội từ nhiều năm qua, nếu không có biện pháp kiên quyết xử lý, thu hồi, giao cho các chủ đầu tư có năng lực thực hiện, mà tiếp tục tình trạng gia hạn nhiều lần, gây bức xúc dư luận.
Nguyễn Hiếu (IFN)