Trấn áp kẻ chống người thi hành công vụ: Không cần nổ súng

Trong thời gian gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến dự thảo nghị định quy định về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, theo đó cho phép nổ súng trực tiếp vào người có hành vi chống người thi hành công vụ.

Đôi lời mở đầu

Xét về tính pháp lý, nghị định này cần được tham chiếu với Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 25/2012/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được ban hành. Theo ý kiến riêng của tác giả, có lẽ nếu ban hành dưới hình thức thông tư hướng dẫn của Bộ Công an sẽ phù hợp hơn là một nghị định khi Nghị định 25 đã có hiệu lực.

Xét về tính cấp thiết của công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là tại những địa bàn nóng, việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của những lực lượng thực thi pháp luật là điều vô cùng cần thiết. Nhiều ý kiến hiện nay lo ngại việc lạm quyền của công an khi sử dụng súng tuy cũng có cơ sở, nhưng khi là công dân, mọi cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, nếu người nào vi phạm, người nào lạm quyền, người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngoài ra, nếu nhìn rộng ra một số nước trên thế giới, ví dụ tại Liên bang Nga, thì trong 3 năm cho đến 2010 đã xảy ra gần 9 triệu vụ phạm pháp, chỉ có 1.500 vụ trong đó các lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng súng, có 27 vụ gây chết người. Nếu so sánh với những vụ đánh nhau, gây mất trật tự công cộng, những đối tượng côn đồ sử dụng những vật dụng sẵn có trong tay như dao làm bếp, gạch, gậy gộc… thì con số tử vong là hơn 20.000 người.

Tâm lý của người cán bộ thực thi luật pháp (cảnh sát, công an, kiểm lâm, hải quan…) khi được trao quyền, trao vũ khí có khả năng sát thương cũng hết sức căng thẳng khi phải cân nhắc hành động “bóp cò” hay không. Ngoài ra, với một số lực lượng mà môi trường làm việc có tính đặc thù như lực lượng CSGT thường ở các tuyến giao thông đông người, việc cho phép sử dụng súng nhằm vào người chống thi hành công vụ nhưng đôi khi do sơ suất, không làm chủ được tình huống có thể dẫn đến việc “bắn nhầm” vào người tham gia giao thông khác cũng là một bài toán khó cho người được trao quyền, trao vũ khí có khả năng sát thương cao.

Bắt người bằng thiết bị lưới chụp

Cũng cần phải tránh việc nhầm lẫn khái niệm của một bộ phận nhân dân cũng như chính người thừa hành công vụ: Người thừa hành công vụ không phải là “công lý trên đường phố”. Một người có tội hay không có tội phải do cơ quan tư pháp xác định thông qua hệ thống tòa án.

Với lực lượng thực thi pháp luật, nếu như chúng ta xem trong các bộ phim nước ngoài, cảnh sát thường truy đuổi kẻ xấu qua các đường phố, bắn hỏng và đâm đổ nhiều xe cộ, tài sản công, vật dụng... trước khi bắt được nghi phạm. Cũng như vậy, tại Việt Nam, nhiều vụ truy đuổi kẻ phạm tội cũng gây ra nhiều thiệt hại cho chính người truy đuổi như lực lượng cảnh sát, các “hiệp sĩ phòng, chống tội phạm” và khiến cả người dân bị liên lụy.

Phải chăng, để dung hòa giữa trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng thực thi pháp luật với sự an toàn về tính mạng cũng như tài sản của công dân, chúng ta cũng nên học hỏi các lực lượng thực thi pháp luật trên thế giới bằng một giải pháp trung gian, khi tình huống chưa cấp thiết đến mức phải sử dụng súng?

Đi tìm sự lựa chọn thay thế

Một định nghĩa của vũ khí không gây sát thương (Non lethan weapon) là vũ khí, các thiết bị và đạn dược được thiết kế và sử dụng chủ yếu để khống chế đối tượng là người hoặc trang thiết bị, phương tiện ngay lập tức, nhưng giảm thiểu được khả năng thương vong hoặc tử vong cho đối tượng, giảm thiểu những thiệt hại không mong muốn về tài sản, môi trường cũng như con người xung quanh. Nó là sự dung hòa giữa mục tiêu phải khống chế đối tượng và tính nhân văn (con người, tính mạng con người là quan trọng nhất) của lực lượng thực thi pháp luật. Việc áp dụng những loại vũ khí không gây sát thương trong công tác thực thi pháp luật là một cách nhìn nhận và xử lý tích cực cho cả người thi hành công vụ lẫn đối tượng cần bị kiểm soát hành vi.

Một người cảnh sát khi đứng trước đối tượng say rượu, mắc bệnh tâm thần hay người đang bị ảnh hưởng bởi ma túy, chất gây nghiện sẽ hoàn toàn có thể rơi vào thế bị động khi chỉ có còng tay và chiếc dùi cui, thậm chí kể cả khi được trang bị bình xịt hơi cay hay dùi cui điện, vì khi đó đối tượng hoàn toàn không kiểm soát được hành vi cá nhân. Nếu người cảnh sát được trang bị súng, được phép bắn khi những đối tượng đó tấn công quyết liệt theo quy định về “chống người thừa hành công vụ”, chắc chắn họ cũng khó có thể quyết định nổi hành vi “bóp cò” và dễ bị gây thương tích bởi đối tượng đang trong trạng thái “mất nhân tính tạm thời”. Hoặc khi người cảnh sát đứng trước một vụ người trong trạng thái kích động đòi tự tử, nếu chỉ dựa vào những công cụ sẵn có và sự thuyết phục, chưa chắc có thể ngăn chặn được hành vi tự tử của đối tượng.

Khi đó, với hiệu lực của những loại vũ khí không gây sát thương mang tính khống chế hành vi đối tượng, người thi hành công vụ sẽ giảm thiểu được trách nhiệm pháp lý trong các vụ kiện, giảm được áp lực tâm lý khi xử lý vụ việc, giảm thương tích xảy ra cho cả bản thân lẫn đối tượng cần phải khống chế và cải thiện rất nhiều hình ảnh trước cộng đồng cho các cơ quan thực thi pháp luật.

Hiện nay, trong các lực lượng thực thi pháp luật của nước ta đã sử dụng khá rộng rãi một số loại vũ khí không gây sát thương (tạm thời đang được sử dụng dưới tên gọi là công cụ hỗ trợ) như dùi cui điện, bình xịt hơi cay, súng bắn đạn caosu, đạn hơi cay. Tuy nhiên, khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị tác động bởi những loại vũ khí này vẫn có thể xảy ra.

Trên thế giới đã có nhiều tranh cãi về khả năng sát thương cũng như khả năng hiệu dụng của súng sốc điện (dùi cui điện) và bình xịt hơi cay. Theo nghiên cứu của The American Civil Liberties Union, hầu hết các loại vũ khí không gây sát thương được cảnh sát sử dụng dựa trên nguyên tắc gây đau đớn để khuất phục nghi phạm cần phải bắt giữ, tuy nhiên có một số người, đặc biệt là những người bị mắc một số chứng bệnh tâm thần, những người bị mất cảm giác đau thì dùi cui điện hay bình xịt hơi cay hầu như vô dụng. Thống kê sử dụng cho thấy, dùi cui và đạn caosu có hiệu quả với khoảng 70% số vụ việc phải sử dụng, bình xịt hơi cay có hiệu quả trong khoảng 85% số vụ việc phải sử dụng. Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, từ năm 2001 đến 2008 tại nước Mỹ có hơn 460 ca tử vong do nghi phạm bị khống chế bởi Taser (hoặc dùi cui điện).

Súng laser Glare Mout La 9P cho thủy quân lục chiến Mỹ

Trong những năm gần đây, nhiều báo chí trong và ngoài nước đã công bố về một số loại vũ khí không gây sát thương công nghệ cao như: Hệ thống khống chế hành động - Active Denial System (ADS), hệ thống tấn công âm thanh - Acoustic Hailing Devices (AHD) với khả năng gây ra các tổn thương về thính giác cho các nạn nhân; hệ thống phân tán âm thanh và ánh sáng - Distributed Sound and Light Array (DSLA)… Căn cứ vào nguyên lý hoạt động, có thể chia vũ khí không gây sát thương công nghệ cao thành một số loại sau:

Sử dụng xung năng lượng. Nguyên lý hoạt động: Một chùm photon được hoạt hóa mắt thường không nhìn thấy sẽ ion hóa không khí trên đường đi của nó, hình thành một trường có khả năng dẫn điện từ người bắn đến đối tượng. Sau đó, người ta phóng tiếp một xung điện cao áp không đủ làm chết người, nhưng đủ để làm rối loạn hệ thống thần kinh điều khiển các bắp thịt của đối tượng. Hình thức thứ hai là phát ra các xung ánh sáng từ một loạt các bóng đèn led siêu công suất cao khác nhau về màu sắc và thời gian. Hiệu ứng ánh sáng nhấp nháy nhiều màu sắc này sẽ khiến mục tiêu cảm thấy choáng váng và buồn nôn. Khi đối tượng ngã xuống vì sốc, lực lượng an ninh có thể dễ dàng tiếp cận họ và giải quyết tình huống nhanh chóng và an toàn. Hiệu quả: Đối tượng tự nhiên cảm thấy bất lực, không thể điều khiển nổi tay chân và ngã xuống, nằm bất động trong vài giây. Tuy vậy, khi ngừng phóng xung, đối tượng lại cảm thấy bình thường, đi đứng được như mọi người. Ưu điểm của phương pháp này là không để lại bất kỳ di chứng nào.

Sử dụng âm thanh tần số ngoài ngưỡng nghe của người. Nguyên lý hoạt động: Gồm 1 ống kim loại bên trong chứa các đĩa tinh thể áp điện. Khi có dòng điện chạy qua cụm tinh thể này sẽ phóng ra một chùm sóng âm thanh cực mạnh, có tiếng kêu chói tai, tần số từ 6.000 đến 10.000Hz và cường độ có thể đạt đến 140 decibel. Hiệu quả: Đạn âm thanh gây đau đớn cho vùng tai trong, làm đối tượng bị “điếc tạm thời” và loạng choạng, sững sờ trong nhiều phút sau đó. Tuy vậy, do công suất âm thanh có hạn nên vùng tai trong không bị tổn thương kéo dài và cũng không gây nên bất cứ một tác hại nào khác. Các âm thanh này được xem là có tác dụng gây buồn nôn, thậm chí ở cường độ mạnh còn làm cho người ta nôn thốc nôn tháo.

Sử dụng điện từ. Nguyên lý hoạt động: Sử dụng sóng vi ba như lò vi sóng. Hiệu quả: Tạo cho đối tượng cảm giác bị bỏng, giống như khi ta vô ý chạm vào một bóng đèn đang cháy sáng. Nhưng cảm giác này chỉ đơn thuần là tác động của vi sóng vào đầu dây thần kinh cảm nhiệt nằm trong lớp biểu bì ngoài của da mà thôi, còn trong thực tế thì da đối tượng không hề bị bỏng. Thoát khỏi chùm vi sóng, cảm giác đau đớn lập tức biến mất.

Đáng tiếc là đa phần những loại vũ khí không sát thương này đều đang rất đắt tiền và cồng kềnh, thậm chí vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, thường lắp trên các phương tiện cơ giới, không phù hợp với tính chất sử dụng cá nhân cho các lực lượng thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy có một số loại tương đối phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, kể cả về giá thành.

1. Thiết bị bắn lưới sử dụng áp suất cao từ bình khí CO2 16G:

Từ thực tế sử dụng lưới đánh cá chống đua xe của Công an Thanh Hóa, chúng tôi đã tìm hiểu về những thiết bị có tính năng tương đương, nhưng đảm bảo an toàn cho chính người thi hành công vụ không phải lao ra đường ném lưới như trong thời gian vừa qua. Thiết bị này rất “hòa bình”, phù hợp để khống chế hành vi của đối tượng, thậm chí người dân cũng có thể tự trang bị trong nhà để tự vệ mà không gây sát thương, vì hoàn toàn không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hay Nghị định số 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thiết bị Shooting Net rất hữu ích cho lực lượng cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ khi không cần phải sử dụng vũ lực và dễ dàng hơn nhiều để bắt các nghi phạm, hạn chế tối đa những vụ kiện cáo về đánh người gây thương tích. Lực lượng thi hành pháp luật sẽ không cần phải sử dụng đến súng, súng điện hoặc chiến đấu với một cái dùi cui. Thường thì 95% trường hợp những tên trộm sẽ bỏ trốn được nếu như nhân viên bảo vệ hoặc cảnh sát chỉ được trang bị dùi cui, nhưng bây giờ họ sẽ bắt được kẻ trộm bằng thiết bị này mà không làm hại đối tượng.

Phạm vi hiệu quả để bắt đối tượng: 3 – 20m; Phạm vi không gian tác động của lưới: 16m²; kích thước sản phẩm: 118mm (đầu loa chứa lưới) x 48mm (đường kính thân) x 338mm (chiều dài cán); trọng lượng sản phẩm: 1,03kg; kích thước đóng gói: 46cm x 32cm x 20cm; trọng lượng cả bao bì: 4,3kg; số lượng đầu lưới: 4; bình khí CO2 nén 16g; giá bán lẻ: Tại thời điểm tháng 3.2013: Khoảng 800USD.

Giá thành bán lẻ một “viên đạn lưới” khoảng 110USD, tuy đắt hơn một viên đạn K54, K59 hay AK hiện đang được trang bị trong lực lượng thực thi pháp luật ở nước ta, nhưng lại rẻ hơn rất nhiều nếu tính những “chi phí phụ trội” khi một viên đạn sát thương bay ra khỏi nòng súng, như công tác điều tra, giám định pháp y, cứu chữa nạn nhân hoặc các chi phí phát sinh do các hành vi pháp lý khác đem lại. Với độ an toàn của dây, lưới, thậm chí người sử dụng có thể bắt sống được cả lợn rừng.

2. Đèn pin gây choáng, nôn mửa:

Đây là một thiết bị nghiêng về tính chất chế ngự hành vi được phát triển bởi Công ty Intelligent Optical Systems, nó cung cấp một giải pháp làm mất phương hướng đối phương bằng công nghệ phát quang diode với tần số biến thiên. Thiết bị này đem lại hiệu quả chế áp hành vi tương đương mà không gây ra thiệt hại về người như phương pháp sốc điện.

Ông John Farina - giám đốc điều hành của công ty - giới thiệu thiết bị này như một công nghệ mang tính chất quốc phòng, phi sát thương “mục đích của dự án này ngay từ đầu để tạo ra một sản phẩm mang tính chất bất bạo động, không gây chết người. Đối tượng bị tác động sẽ mất phương hướng, nhức đầu, có cảm giác ói mửa nhưng không gây hại cho thị giác”.

Cấu trúc đèn pin gây nôn mửa

Dự án này được Bộ An ninh nội địa của Mỹ tài trợ 1 triệu USD để nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tế. Thiết bị này đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Mỹ dưới tên gọi Incapacitator Led vào ngày 2.11.2007, với mô tả là thiết bị cầm tay có tính năng vô hiệu hóa những đối tượng có hành vi bạo lực bằng ánh sáng diode biến thiên.

Giá bán hiện tại của thiết bị này khoảng 250USD/sản phẩm, nhưng nếu những cơ quan thi hành luật pháp của nước ta muốn nhập khẩu thì phải có chấp thuận từ Bộ An ninh nội địa Mỹ.

3. Vũ khí không gây sát thương sử dụng lasers công suất cao:

Theo nghị định thư về lasers gây mù trong Công ước Liên Hợp Quốc về vũ khí thông thường có nêu: “Việc sử dụng vũ khí laser như một chức năng chiến đấu duy nhất, gây mù vĩnh viễn đối phương đều bị cấm”. Sau khi Mỹ ký phê chuẩn nghị định thư này vào năm 1995 dưới thời Tổng thống Clinton, Lầu Năm góc đã buộc phải hủy bỏ một số chương trình phát triển vũ khí laser công suất lớn nên hiện nay, những loại vũ khí laser đang được sử dụng trong quân đội cũng như lực lượng thực thi luật pháp của Mỹ hoàn toàn được xếp vào diện vũ khí không gây sát thương.

Nhà sản xuất vũ khí laser không sát thương cho quân đội Mỹ là Công ty B.E.Meyer hiện có 4 dòng sản phẩm là Glare Mout, Glare Mout Plus, Glare Enfocer và Glare LA-9/P cung cấp cho các lực lượng từ lục quân cho đến thủy quân lục chiến Mỹ, từ mức công suất output 125mW đến 250mW. Sản phẩm này có hiệu quả ngăn chặn đối tượng có hành vi tấn công bạo lực, làm mất phương hướng tức thời từ phạm vi 300m trong ánh sáng ban ngày và lên tới 4km nếu sử dụng vào ban đêm.

Thiết kế của sản phẩm thường để lắp lên rail 22mm của các loại súng thông thường như là một thiết bị ngăn chặn trước khi lực lượng thực thi pháp luật phải nổ súng, hoặc lắp trên thiết bị đế chuyên dụng như một loại súng laser chuyên biệt. Nhờ có nó, quân đội Mỹ đã hạn chế được rất nhiều thương vong cho dân thường cũng như khống chế những thành phần quá khích trong chiến tranh Iraq hay Libya vừa qua.

Giá bán lẻ của thiết bị này từ khoảng 1.200 – 3.500USD tùy theo công suất và các option cộng thêm. Nếu như các lực lượng thi hành pháp luật của Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu sẽ cần phải có sự chấp thuận từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngoài ra, còn có nhiều thiết bị, vũ khí không gây sát thương khác, phù hợp với thực tế sử dụng của các lực lượng thi hành pháp luật Việt Nam, chúng tôi sẽ đề cập và giới thiệu trong những chuyên đề sau.

Tuy hiện nay Việt Nam vẫn đang vướng mắc với lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ từ năm 1984, nhưng với những thiết bị phi sát thương mang tính chất đảm bảo an ninh trật tự, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể được sử dụng, đảm bảo tính an toàn cho tính mạng của người dân cũng như cho lực lượng thi hành pháp luật; đảm bảo quyền công dân và quyền được xét xử đúng người, đúng tội, chịu trách nhiệm trước pháp luật của những người vi phạm pháp luật.

CTV Nguyễn Hữu Minh (LĐ)