Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Bạn đọc > Ý kiến > Khoa học đi đâu: cơn ác mộng khi có quá nhiều nhà khoa học?

Khoa học đi đâu: cơn ác mộng khi có quá nhiều nhà khoa học?

Thứ Ba 26, Tháng Ba 2013

Số lượng giáo sư, phó giáo sư cả nước hiện có khoảng 9.000, số tiến sỹ của chúng ta hiện có khoảng 24.000. Có lẽ nhiều nhất Đông nam Á. Biết làm gì với họ bây giờ ?

Biếm hoạ về bệnh lạ. Tác giả: Sa Tế

Khoảng ba năm qua, nhân dân một vùng cao Quảng Ngãi bị một thứ bệnh lạ : da sùi và dày sừng, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Bệnh lạ những vùng núi rừng xa xôi không phải là chuyện mới, chuyện lạ vì nơi rừng thiêng nước độc, xa xôi cách trở nhiều chuyện có thể xảy ra. Nhưng chuyện lạ là như Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam lúc đầu giờ sáng một ngày trong tuần cho biết là trong thời gian ba năm có tới 50 đoàn công tác với hơn 1.000 lượt cán bộ đã về đây nghiên cứu, tìm hiểu. Kết luận : bệnh do ăn gạo từ lúa ủ. Giải pháp : Chính phủ cấp gạo cho dân ăn.

Nay bệnh lại tái phát và các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục khẳng định : Hội chứng viêm da sừng bàn tay, bàn chân (bệnh lạ) là do nấm mốc từ gạo ủ. Kiến nghị : cần tiếp tục theo dõi sát tình hình hội chứng viêm da dày sừng ở Quảng Ngãi (Gia đình và Xã hội, 22/3). Người dân và chính quyền địa phương không tin vào khoa học nữa vì bà con dân tộc từ xưa vẫn ăn loại gạo này và nhiều nơi vẫn ăn gạo này, sao bệnh bây giờ mới có. Nguyên nhân gây bệnh chắc lại phải chờ. Nhưng câu hỏi thì đã có : các nhà khoa học chúng ta đang làm gì thế nhỉ ? Và câu trả lời cũng có ngay: các nhà khoa học đang đi nghiên cứu. Mà nghiên cứu ở nước ta thì rất thích : có tiền nhà nước cung cấp và không nhất thiết phải có kết quả. Thế thì đi nghiên cứu còn oai hơn đi du lịch: vừa được đến vùng đất mới lại vừa được tiếng là làm nghiên cứu khoa học.

Một bệnh mà được nhiều nhà khoa học quan tâm đến thế mà kết quả sau ba năm cũng chỉ đến thế thì khoa học để làm gì ? Vậy mà trong các hoạt động khoa học ở nước ta, ngành y là ngành nghiêm túc nhất do liên quan nhiều đến sự sống của con người.

Các nhà khoa học của Bộ Y tế từng có đề xuất ngực lép không được đi xe máy, bị phản đối mạnh mẽ như ý tưởng gần đây 6 ngón không được lái xe.

Có lẽ, nền khoa học nước nhà đang bận đào tạo tiến sỹ. Chuyên môn khoa học của các tiến sỹ nước ta chắc không cao, cứ nhìn kết quả công bố khoa học quốc tế của Việt nam thì rõ : cả nước 90 triệu dân mà số công bố không bằng một trường đại học Thái Lan. Làm khoa học không được thì đi làm quan vậy : số nhà quản lý Việt Nam có học vị tiến sỹ rất cao. Thậm chí ở nhiều nơi có bằng tiến sỹ là điều kiện bắt buộc để được làm quan chức. Có điều, về bản chất hoạt động khoa học rất khác với hoạt động quản lý : khoa học cần suy nghĩ, cân nhắc, thử trước xét sau trong khi quản lý việc tới thì phải quyết ngay. Thêm nữa, làm khoa học phải tập trung ít nhất 6 tiếng một ngày chỉ nghĩ về vấn đề nghiên cứu, trong khi làm quản lý trung bình 5 phút có một cuộc gọi điện thoại.

“Người dân cần phải đặt cọc một khoản tiền khi đi khiếu kiện nếu thắng kiện thì được hoàn lại, còn kiện không đúng thì bị mất tiền” - Ts. Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN, MT thuộc Quốc hội (20/3/2013)

Vậy nên trong tuần cả nước sốc với phát ngôn của một ông khoa học, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Quốc hội khi ông đưa ra đề xuất rất táo bạo là muốn đi khiếu kiện phải đặt cọc tiền. Ý định của ông có lẽ trong sáng thôi : nhờ đó sẽ giảm được số lượng khiếu kiện hằng hà sa số hiện nay, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đây là cách tư duy của ông quản lý muốn tiện việc cho mình, chứ nếu tư duy khoa học thì sẽ thấy ngay có hai nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện hiện nay : 1.cách tổ chức nhà nước có vấn đề khiến cho nhiều công việc không được, hoặc không thể được, giải quyết thấu tình đạt lý và, 2. nếu đặt cọc thì những người giàu, những nhóm lợi ích lớn sẽ luôn luôn thắng kiện còn những người nghèo, những người luôn bị chèn ép sẽ luôn đứng trước nguy cơ không thể đi kiện, hoặc có kiện cũng sẽ thua.

Nên cứ xem số liệu chưa đầy đủ đã thấy từ năm 2008-2011 số vụ khiếu nại đúng là 19,8%, có đúng có sai là 28%, 2% đơn đúng và 29,6% có đúng có sai. Nếu xét kỹ hơn và độc lập hơn thì số đúng còn có thể cao hơn. Tức là việc nhiều người đi kiện là có lý do chứ không phải tự dưng người dân lành muốn đáo tụng đình làm gì, hà cớ gì lại dựng thêm rào cản cho việc tiếp cận công lý.

Chưa đủ, trong tuần Thường vụ Quốc hội còn phải làm việc với Hội đồng Thi đua Khen thưởng Nhà nước. Có nhiều chuyện cân nhắc nhưng có một chuyện lý thú là Hội đồng đề xuất với Thường vụ Quốc hội cho phép ban hành hai danh hiệu mới : Nhà Khoa học Nhân dân và Nhà Khoa học Ưu tú. Lý do : để khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu khoa học tốt hơn, đóng góp nhiều hơn. Có điều thường vụ có ý kiến ngay. Nên việc bỏ các đề nghị về lập ra các danh hiệu : nhà khoa học nhân dân, nhà khoa học ưu tú là phát biểu của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng và Giáo dục của Quốc hội trước đề nghị của Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Nhà nước hôm 21/3. Ý ông Thi đơn giản thôi : nhà khoa học giỏi đã được tôn vinh qua các giải thưởng rồi, hơn nữa, làm khoa học là hoạt động cá nhân, đâu phải hoạt động cộng đồng để thêm các mỹ từ ‘nhân dân’ vào đó.

May quá, ba năm, 50 đoàn và hơn 1.000 cán bộ khoa học về chưa tìm ra bệnh lạ Quảng Ngãi, nay khuyến khích các nhà khoa học làm việc hơn nữa thì số lần họ về thăm dân sẽ còn nhiều đến đâu ?

Cũng may quá, trong tuần qua 27 trường đại học, học viện tên tuổi trong cả nước vừa bị Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hồi quyết định đào tạo trình độ tiến sỹ ở 57 chuyên ngành. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết. Thật là kỳ lạ : những ngành không có đủ chuyên gia cũng đi đào tạo tiến sỹ. Đã nhiều năm rồi.

Nhưng còn biết bao nhiêu ngành còn trong tình trạng như thế hay gần như thế chưa bị đóng cửa ? Không ai rõ. Và nói chung nền khoa học nước ta đã có khả năng đào tạo trình độ tiến sỹ hay chưa cũng không ai rõ.

Vì đã chẳng có một cuộc đánh giá độc lập nào về trình độ thật của các trường đại học chúng ta trong công tác khoa học và đào tạo chuyên gia khoa học cao cấp. Nên cứ tự phong, tự sướng với nhau thôi. Số lượng giáo sư, phó giáo sư cả nước hiện có khoảng 9.000, số tiến sỹ của chúng ta hiện có khoảng 24.000. Có lẽ nhiều nhất Đông nam Á. Biết làm gì với họ bây giờ ? Thật là khó nói.

Ts Phạm Bích San (SM)