Trang nhà > Con người > Thực hành > Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội: Sai phạm nhiều, xử lý ít
Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội: Sai phạm nhiều, xử lý ít
Thứ Năm 18, Tháng Tư 2013
Tinh trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH; không kiểm soát, xử lý được các DN cố tình không tham gia BHXH... thực sự là những thông tin nóng và đáng quan ngại được đưa ra trong buổi làm việc giữa Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2012 diễn ra chiều 16.4.
Vi phạm pháp luật về BHXH ngày càng tăng
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, tính đến cuối năm 2012, cả nước có trên 10,577 triệu người tham gia BHXH. Tổng số thu ước đạt 97.799 tỉ đồng, số chi trên 99.949 tỉ đồng. Tổng số dư các quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2012 là 223.412 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2011. Đặc biệt, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH vẫn ở tình trạng đáng ngại.
Tổng số nợ đóng, chậm đóng BHXH và BH thất nghiệp năm 2012 là 4.639 tỉ đồng (trong đó: Nợ BHXH bắt buộc là 4.274 tỉ đồng, nợ BH thất nghiệp là 365 tỉ đồng). Tuy con số này đã giảm 232 tỉ đồng (4,76%) so với năm 2011 nhưng vẫn còn ở mức cao. Trong số này nợ từ trên 6 tháng khoảng 2.300 tỉ đồng, chủ yếu là của các DN bị phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn, DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tác động của suy giảm kinh tế.
Kết quả thanh tra tại 7 tỉnh, thành phố, thanh tra lao động đã phát hiện trên 1.700 trường hợp làm giả, mua bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, trong đó hai TP.Hà Nội và TPHCM số vụ vi phạm được phát hiện nhiều nhất lên tới hàng trăm trường hợp. Theo nhận định của ông Phạm Minh Huân - Thứ thưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số vụ vi phạm pháp luật về BHXH đang có xu hướng tăng. Điều đáng nói là chỉ có một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiến hành khởi kiện ra tòa đối với đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội - nêu ra một loạt các hạn chế trong việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH như: Đối tượng tham gia BHXH có tăng, nhưng tăng thấp; không kiểm soát, xử lý được các DN cố tình không tham gia BHXH; khó khăn khi đăng ký tham gia BHXH...
Lo ngại việc đem tiền quỹ cho ngân hàng vay
Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách BHXH từ trung ương tới địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình - nhận định: Việc xử lý nợ đọng BHXH không mạnh mẽ đã dẫn đến tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài nhiều năm, lo ngại về an toàn quỹ BHXH...
Theo báo cáo của BHXH VN, trong năm 2012 đã đầu tư 199,5 tỉ đồng, thu hồi 148 tỉ đồng, tổng số dư nợ đầu tư đến cuối năm 2012 là 233.611 tỉ đồng. Tăng 52.649 tỉ đồng (29%) so với năm 2012. Cụ thể: Mua trái phiếu chính phủ là: 42.500 tỉ đồng (18,2%); cho ngân sách nhà nước vay: 129.000 tỉ đồng (55,2%); cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội vay: 58.363 tỉ đồng (25%); cho vay đầu tư xây dựng Thủy điện Lai Châu: 3.748 tỉ đồng (1,6%). Các khoản vay này đã có số tiền sinh lời là 18.000 tỉ đồng.
Trước việc đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH, một số đại biểu bày tỏ lo ngại vì mới đây- theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam đã cho Cty cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng NNPTNT (Agribank) vay số tiền lên tới 1.010 tỉ đồng. Tính đến thời điểm 31.12.2011, công ty này còn nợ BHXH Việt Nam 787,5 tỉ đồng tiền gốc (trong đó nợ quá hạn là 357,5 tỉ đồng) cùng 264,5 tỉ đồng tiền lãi không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, để quản lý quỹ BHXH như thế nào cho an toàn hơn và sinh lời nhiều hơn thì cả Bộ LĐTBXH và cơ quan BHXH VN đều chưa tìm ra cách nào tốt hơn.
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng giám đốc BHXH VN - cho rằng, các hạn chế mà BHXH VN đang gặp phải đều do chế tài xử phạt thấp, không hiệu quả. Cơ quan BHXH đi kiểm tra phát hiện sai phạm nhưng không thể xử phạt, phải báo với thanh tra lao động của sở LĐTBXH để xử phạt, vì thế kiểm tra nhiều mà xử lý không được bao nhiêu. Nói về thanh tra xử phạt, Bộ LĐTBXH lại cho rằng cả nước chỉ có 460 thanh tra lao động, bình quân 7,3 cán bộ thanh tra/tỉnh nên không thể làm hết việc.
Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị trong năm 2013 BHXH Việt Nam tăng cường phối hợp với các bộ ngành liên quan đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách BHXH; rà soát tất cả các cơ quan tổ chức DN và cá nhân có thuê mướn lao động, nhất là DN ngoài quốc doanh, từ đó xác định rõ đối tượng bắt buộc tham gia BHXH theo quy định.
Việc quản lý tham gia đóng BHXH không thể để mãi như vậy, cần sớm kết thúc sau khi sửa đổi Luật BHXH. Cần tuyên truyền tích cực chính sách BHXH để người lao động thấy BH hưu trí hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích. Việc giải quyết nợ đọng cần phải có những đề xuất mạnh mẽ. Tới đây, số dư của quỹ BHXH sẽ lớn hơn, do vậy cần nghiên cứu thay đổi cách đầu tư quỹ...
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: DN không đóng BHXH, tại sao lại phạt người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động VN đã làm việc với cơ quan BHXH VN, kiến nghị BHXH VN xem xét lại việc xử lý không tham gia đóng BHXH.
Không thể có chuyện DN nợ đọng BHXH không bị xử phạt mà lại phạt người lao động, không trả chế độ cho người lao động. Trong khi người lao động đóng BHXH đầy đủ nhưng DN không đóng đã đẩy người lao động vào thế bất lợi. Không kiểm soát được số lao động thực tế trong mỗi DN, số tiền mà DN thu của người lao động hoặc DN không đóng BHXH sử dụng vào mục đích kinh doanh... đều không quản lý được. Các DN trưng dụng quỹ BHXH... vẫn chưa bị xử lý.
Chủ nhiệm Uỷ ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai: Tổng Liên đoàn Lao động VN cần đẩy mạnh vai trò của tổ chức công đoàn, tích cực tham gia hỗ trợ người lao động giám sát phát hiện các chủ DN không đóng BHXH hoặc sử dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào mục đích khác. Cần thiết lập mối quan hệ giữa cơ quan BHXH với người lao động chứ không phải quan hệ giữa BHXH với DN. Như vậy, hàng triệu người lao động khi bước vào tuổi nghỉ hưu mới được hưởng lương hưu đầy đủ.
P.N (LĐ)