Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Hội nghị ASEAN 2013: Kinh tế mở, Biển Đông khép

Hội nghị ASEAN 2013: Kinh tế mở, Biển Đông khép

Thứ Sáu 26, Tháng Tư 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

Sau hai ngày làm việc (24 và 25/4), Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 đã bế mạc với những thành tựu về kinh tế nhưng chưa có đột phá trong việc đưa tranh chấp Biển Đông ra bàn đàm phán.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 22 diễn ra tại Brunei

Trên bình diện kinh tế, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tỏ ý lạc quan về kế hoạch đầy tham vọng khi đưa liên minh này thành một khối kinh tế mạnh theo mô hình EU đủ làm đối trọng với những cường quốc kinh tế tại châu Á như Trung Quốc. Nhưng khi liên minh này kêu gọi Trung Quốc sớm đồng ý tiến vào đàm phán một hiệp ước tồn tại trên những quy tắc đảm bảo giảm thiểu xung đột tại Biển Đông thì nước này không đưa ra dấu hiệu rõ ràng, có đồng ý hay không.

AFP ngày 25/4 dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết bước tiến duy nhất về một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN chỉ là “không có tiếng nói bất đồng nào về vấn đề này”.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Hội nghị tiếp tục nhấn mạnh các quan điểm và nguyên tắc chung của ASEAN, cùng kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế. Còn Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đã khẳng định bên lề Hội nghị sẽ có một cuộc họp cấp Bộ trưởng vào cuối năm nay và ASEAN sẽ đàm phán với Trung Quốc với tư cách là một khối thống nhất. Thông tin cụ thể hơn về cuộc họp được Reuters cung cấp, Thái Lan với vai trò điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã kêu gọi các bên cần có các cuộc đám phán trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới đây để kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc.

Không đột phá nhiều trong đàm phán COC là điều đúng như dự đoán của ông Ian Storey - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore chia sẻ trên AP rằng, Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng đàm phán với ASEAN về Biển Đông và ngay cả trong nội bộ ASEAN vẫn còn những bất đồng về vấn đề này. Thậm chí Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long còn cho rằng việc các quốc gia thành viên dù có nhất trí thúc đẩy COC thì điều này cũng không đồng nghĩa với việc vấn đề đã được giải quyết hay toàn bộ các quốc gia thành viên thống nhất quan điểm. Do vậy, giới phân tích cho rằng COC vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, theo AFP.

Tuy nhiên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vẫn được ghi nhận với những thành công bước đầu khi Chủ tịch luân phiên Brunei đang dẫn dắt liên minh theo đúng hướng để trở thành đối trọng tương xứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Myanmar một thành viên “mới nổi” trong khối ASEAN sẽ nhận được những hậu thuẫn tích cực từ các nước láng giềng để tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm sau. Philippines, nước đi đầu trong sáng kiến giải quyết tranh chấp với Trung Quốc cũng tỏ thái độ rất hài lòng với nước Chủ nhà Brunei. Đây là một bức tranh có thêm hai tông màu sáng hơn hẳn so với những gì đã từng xảy ra trong các Hội nghị ASEAN diễn ra vào năm 2012 . Theo tiết lộ của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, gần 80% kế hoạch cho liên minh kinh tế ASEAN đã được hoàn thành.

Chí Đăng (SM)