Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Những cách thấy (7)
Những cách thấy (7)
John Berger
Thứ Tư 13, Tháng Mười Một 2013, bởi
Tác phẩm “Nghỉ ngơi và thèm muốn” của Felix Trutat (1824-1848)
Theo những cách sử dụng và định niệm cũ, tức những gì rốt cuộc đã bị đưa ra khảo sát, song chưa bao giờ được giải quyết rốt ráo, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ không giống với sự hiện diện ấy của nam giới. Sự hiện diện xã hội của một nam giới phụ thuộc vào lời hứa hẹn quyền lực mà anh ta có thể đưa ra. Nếu hứa hẹn này là lớn lao và khả tín, sự hiện diện của anh ta sẽ trở nên nổi bật. Nếu nó nhỏ nhoi và đáng nghi ngờ, sự hiện diện ấy sẽ chìm nghỉm. Quyền lực được hứa hẹn ấy có thể là bất cứ thứ gì, về luân lý, vật lý, tính khí, tài chính, xã hội, hay tình dục- song nó luôn hướng ra phía ngoài. Sự hiện diện của một nam giới sẽ tỏ ra cho thấy rằng anh ta có thể làm những gì đối với bạn và cho bạn. Sự hiện diện ấy có thể có tính ngụy chế, theo nghĩa anh ta giả vờ có khả năng làm được điều gì đó mà thật ra là không thể. Song sự giả vờ này luôn là sự giả vờ về một quyền lực để thực thi lên kẻ khác
Trái lại, sự hiện diện xã hội của một phụ nữ luôn thể hiện thái độ của cô ta với bản thân (có tính nội chiếu), và cho thấy mong muốn của cô ta về việc người khác nên đối xử với cô ta thế nào. Sự hiện diện của phụ nữ thể hiện rõ trong động tác, giọng nói, quan điểm, sự biều lộ, trang phục, các đồ vật cô ta lựa chọn, hay khiếu thẩm mỹ của cô ta. Dù có làm bất cứ điều gì đi nữa, những điều ấy đều đóng góp vào sự hiện diện của cô ta. Sự hiện diện kiểu này của một phụ nữ là không thể tách rời với nhân cách nữ, tức cái nhân cách mà nam giới luôn có xu hướng hình dung về nó như thể một phong vị có thật, một kiểu hơi (hơi đàn bà), mội mùi (mùi đàn bà) hay một bản chất.
Sinh ra là một phụ nữ, cũng có nghĩa rằng sinh ra trong một không gian được phân khu và giới hạn do nam giới bảo quản. Và rồi sự hiện diện xã hội của phụ nữ đã phát triển thành kết quả là khả năng tinh tế (đón ý) của họ khi sống dưới sự giám hộ của nam giới trong một không gian hạn hẹp như thế. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho điều này là việc bản ngã của phụ nữ bị chia làm hai. Một phụ nữ sẽ luôn phải hình dung về bản thân. Cô ta sống mà luôn phải ý thức về hình ảnh của chính mình. Cô ta luôn nhớ đến hình ảnh ấy, thậm chí khi đi ngang qua căn phòng, hay khi khóc lóc trước sự qua đời của người cha. Từ những ngày thơ dại , cô đã được dạy và được thuyết phục rằng mình phải luôn quan sát bản thân
Và như thế, cô tiến đến việc coi kẻ quan sát và kẻ bị quan sát tồn tại trong chính bản thân cô như thể hai yếu tố, tuy luôn trái nghịch về chức năng, song lại cùng nhau cấu thiết nên căn tính phụ nữ của cô.
Cô phải quan sát mọi điều trong đời sống của cô, mọi điều cô làm bởi việc cô xuất hiện ra sao trong mắt người khác, và quan trọng nhất, trong mắt nam giới, là việc tối quan trọng và sẽ có ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại theo cách mọi người thường suy nghĩ, cho cuộc đời của cô. Cảm thức của cô về tồn tại của chính mình được nuôi dưỡng nhờ vào một cảm thức về chính cái tồn tại ấy, song được tạo hình hài trong mắt người khác.
Nam giới quan sát phụ nữ trước khi biết nên đối xử ra sao với họ. Hậu quả là việc một phụ nữ xuất hiện ra sao trước mắt nam giới có thể xác định việc cô ta sẽ được đối xử ra sao. Để phần nào làm chủ được việc mình được đối xử ra sao, phụ nữ sẽ phải chấp nhận và nội hóa quá trình quan sát này. Và như thế, cái bán-ngã quan sát của một phụ nữ sẽ thao tác với cái bán-ngã bị quan sát của họ sao cho người khác có thể thấy được bản ngã tổng thể của cô ta đang mong mỏi được đối xử ra sao. Và sự thao tác tập huấn này giữa bản thân phụ nữ với chính họ đã thiết tạo nên hiện diện của cô ta. Mọi sự hiện diện của phụ nữ đều tuân thủ theo logic của việc điều gì được và không được ‘cho phép”. Mỗi hành động của cô ta- bất kể với mục đích hay động cơ gì – đều được đọc như thể dấu chỉ cho việc cô ta muốn bị đối xử ra sao. Nếu một phụ nữ bực quá tung hê cả một mâm cơm đi, điều này sẽ tự động trở nên ví dụ trong mắt người khác về việc cô ta xử lý với cơn giận giữ của bản thân ra sao, và như thế, của việc mong muốn người khác ứng xử với chính cơn giận dữ ấy của cô ra sao. Nếu một gã nam giới điên tiết đập phá nhà cửa, hành động này sẽ chỉ được coi là sự thể hiện cơn giận dữ của gã mà thôi. Nếu một phụ nữ kể một câu chuyện cười hay ho, điều đó sẽ tự động trở nên ví dụ cho thái độ của cô ta với bản thân, và qua đó, cho việc, trong vai trò một phụ nữ-vui tính, cô muốn mọi người cư xử với mình ra sao. Chỉ nam giới mà thôi, mới có thể kể một câu chuyện cười chỉ để pha trò thuần túy.
Ta có thể diễn nôm điều này qua việc nói rằng: nam giới hành động, còn phụ nữ tỏ ra. Nam giới nhìn vào phụ nữ. Phụ nữ quan sát bản thân mình đang được nhìn vào. Điều này không chỉ xác định hầu hết các mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ, mà còn mối quan hệ giữa phụ nữ với bản thân họ. Cái bán-ngã quan sát tồn tại bên trong một người phụ nữ là giống đực, còn cái bán-ngã được quan sát sẽ là giống cái. Chính vì vậy, phụ nữ biến đổi bản thân thành một đối tượng- một đối tượng cụ thể nhất của thị năng: tức một thị cảnh.
Trong khu vực tranh khỏa thân của hội họa sơn dầu châu Âu, đề tài phụ nữ chưa bao giờ ngừng là một đề tài quan trọng nhất. Trong các bức tranh khỏa thân của hội họa châu Âu, chúng ta có thể khám phá một số tiêu chuẩn và quy phạm mà khi bị rơi vào trong đó, phụ nữ luôn bị quy giản để chỉ còn là các thị cảnh.
Những cảnh khỏa thân đầu tiên của truyền thống hội họa châu Âu là để mô tả về Adam và Eve. Ở đây, có lẽ ta nên cùng nhau đọc lại câu chuyện về sự khỏa thân như được chép trong kinh Cựu ước : Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân…Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu”? Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”…
Với người đàn bà, Chúa phán:"Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi."
Điều đáng lưu ý thứ nhất trong đoạn này là việc, sau khi ăn quả táo theo lời dụ dỗ của con rắn, Adam và Eve đã phát hiện ra sự trần truồng của người kia. Như thế, sự trần truồng, ngay từ lúc nguyên khởi, đã được tạo ra trong tâm trí của kẻ nhìn.
Điều đáng lưu ý thứ hai là việc người phụ nữ bị nguyền rủa và nhận hình phạt bị nam giới thống trị. Trong mối quan hệ với phụ nữ, nam giới đã trở nên kẻ đại diện cho Chúa
Trong truyền thống Trung cổ câu chuyện này luôn được minh họa theo một bộ tranh nhiều tấm, tuần tự hết tấm này tới tấm khác.
Tác phẩm “Sa ngã và bị đuổi khỏi thiên đàng” của Anh em nhà Limbourg (Đầu thế kỷ 15)
Trong thời Phục hưng, dạng chuyện kể tuần tự đã biến mất, và khoảnh khắc được chọn vẽ trong cảnh này chính là khoảnh khắc của sự ngượng ngùng. Cặp đôi Adam và Eve luôn xuất hiện với hai chiếc lá vả, hoặc đang lấy tay che đi chỗ kín. Song điều đáng lưu ý ở đây là việc; sự xấu hổ trong các bức tranh Phục hưng, không chỉ là giữa Adam và Eve với nhau, mà còn là giữa họ với người xem tác phẩm.
Tác phẩm “Adam và Eve” của Mabuse (Đầu thế kỷ 16)
Về sau, chính khoảnh khắc này sẽ trở thành một tư thế xuất hiện.
Ảnh quảng cáo đồ lót
(còn tiếp)
Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008
Xem online : Những cách thấy (8)