Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Những cách thấy (8)

Những cách thấy (8)

John Berger

Thứ Năm 14, Tháng Mười Một 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

Khi truyền thống hội họa trở nên thế tục hóa, các chủ đề khác cũng được tạo ra thêm cho dạng hội họa khỏa thân. Song trong tất cả chủ đề mới này, nhân vật nữ khỏa thân luôn ở trong tình trạng ý thức rằng mình đang được một công chúng nhìn ngắm. Cô ta không trần truồng một cách hồn nhiên Cô trần truồng trước cặp mắt của kẻ nhìn ngắm.

Susanna và các trưởng lão

Tình trạng ý thức về việc cơ thể trần truồng của mình đang được ngắm nhìn – nhất là trong đề tài được ưa chuộng về Susanna và các trưởng lão [1] - thường xuyên là chủ đề trực tiếp của bức tranh. Người xem dường như đang cùng tham gia với các trưởng lão vào vụ rình trộm nàng Susanna tắm, bởi nàng luôn nhìn thẳng vào người xem chúng ta. Trong một tác phẩm cũng về đề tài này của Tintoretto, Susanna không nhìn vào người xem, mà nhìn vào một tấm gương, và qua đó, bản thân nàng, cùng với chúng ta, đều trở thành kẻ đang nhìn ngắm cơ thể trần truồng của nàng.

Tintoretto: Susana và các trưởng lão

Tấm gương luôn được sử dụng với vai trò biểu tượng cho sự phù phiếm của phụ nữ. Tuy nhiên, sự lên giọng đạo đức ở đây (qua việc phán xét sự phù phiếm của phụ nữ) là có tính đạo đức giả [2].

Bạn vẽ một phụ nữ trần truồng bởi bạn thích thú nhìn ngắm cô ta, thế rồi bạn đặt cái gương soi vào tay cô ta và gọi bức tranh của bạn là thuộc dạng hội họa miêu tả các chủ đề phù phiếm, qua đó kết án về mặt đạo đức người phụ nữ ấy, tức người mà thân thể trần truồng của cô ta được bạn miêu tả nhằm phục vụ cho sự thỏa mãn của chính bạn.

Thật ra, chức năng thực của tấm gương ở đây sở hữu một ý nghĩa khác. Nó có mục đích khuyến khích ngầm người nữ coi bản thân, trước hết và đầu tiên, như một thị cảnh.

Sự phân xử của Paris là một chủ đề khác có ngầm ý tương tự về việc một người đàn ông, hay nhiều người đàn ông nhìn ngắm cơ thể trần truồng của người nữ [3].

Sự phân xử của Paris

Song ở đây đã có một yếu tố mới được thêm vào. Yếu tố của sự phân xử. Paris sẽ thưởng quả táo vàng cho người phụ nữ nào mà chàng thấy là đẹp nhất. Bởi vậy, Cái đẹp đã trở nên có tính cạnh tranh (Dị bản hiện đại của cuộc phân xử của Paris ngày nay chính là các cuộc thi sắc đẹp). Người nào không được phán quyết là đẹp thì sẽ không đẹp. Người đẹp sẽ có giải thưởng.

Giải thưởng có được nhờ vào một phán quyết – có thể hiểu là, được nam giới ban ra. Vua Charles đệ nhị đã đặt hànghọa sĩ Lely vẽ một bức tranh bí mật. Đây là một hình ảnh rất tiêu biểu của truyền thống. Về mặt chính danh, tên của nó là Venus and Cupid, song thực chất, đây là chân dung một trong những người tình của nhà vua, Nell Gwynne. Bức tranh thể hiện nàng đang ngượng ngùng nhìn vào người xem, là kẻ giả định đang ngắm nhìn nàng.

Lely: Venus and Cupid

Sự trần truồng này của người mẫu, tuy thế, không hề biểu lộ về cảm xúc của nàng; đây là một thị cảnh về sự tuân phục của cô gái đối với cảm xúc hay đòi hỏi nơi người sở hữu cô ta (là ông chủ của cả bức tranh lẫn người mẫu). Nhà vua trưng bày bức tranh cho người khác xem để chứng minh về sự tuân phục này, và qua đó, làm cho họ ghen tị.

Đáng lưu ý rằng trong các truyền thống phi Châu Âu - trong nghệ thuật Ấn độ, Ba tư, hay tiền Cô-lum-bia – sự trần truồng không bao giờ được miêu tả theo một kiểu ẻo lả như thế này. Và nếu như, trong các truyền thống này, chủ đề của tác phẩm là sự quyến rũ tình dục, nó dường như thích phô bày ra các hành vi tình dục chủ động giữa hai người, và ở đây, phụ nữ cũng chủ động ngang với nam giới. Cả hài đều miệt mài chú tâm vào nhau (không quan tâm tới người xem).

Giờ đây, chúng ta sẽ bắt đầu thấy được sự khác biệt giữa sự trần truồng (nakedness) và sự khỏa thân (Nudity) trong truyền thống nghệ thuật châu Âu. Trong cuốn sách nghiên cứu về khỏa thân, có tên Khỏa thân, Kenneth Clark đã quả quyết rằng, trần truồng chỉ là việc cởi bỏ quần áo, trong khi khỏa thân là một hình thức nghệ thuật. Theo ông, miêu tả sự khỏa thân không phải là mục đích chính của bức tranh. Mục đích chính của nó là làm sao thông qua sự khỏa thân, đạt tới một cách thấy có tính hội họa. Ở một vài góc độ, điều này là đúng – mặc dù cách thấy một sự “khỏa thân” không nhất thiết là cách thấy chỉ thuộc phạm vi nghệ thuật hội họa; bởi còn có cả các bức ảnh khỏa thân, các điệu bộ khỏa thân, các động thái khỏa thân. Thật ra, sự thật ở đây chỉ là việc, sự khỏa thân luôn mang tính quy phạm- và thẩm quyền của những quy phạm ấy được sinh ra từ một truyền thống nghệ thuật nào đó.

Ý nghĩa của những quy phạm này là gì? Có nghĩa là, một sự khỏa thân nói lên điều gì? Rất khó có thể trả lời được câu hỏi này nếu chỉ giới hạn sự khỏa thân trong phạm vi một hình thức nghệ thuật, bởi rõ ràng là nó còn có sự liên quan tới tính dục một cách trực tiếp.

Trần truồng luôn là hành vi tự thân.

Khỏa thân là trần truồng trong mắt người khác, và do đó, không còn là một hành vi tự thân. Một thân thể trần truồng, phải trở nên một đối tượng trong mắt người khác, thì mới được gọi là khỏa thân (Ở đây, sự trần truồng trở nên một thị cảnh, qua đó, trở nên một đối tượng nhìn, và do đó, kích thích người xem thấy sự trần truồng ấy trong vai trò một đối tượng nhìn). Sự trần truồng hướng vào tự thân. Sự khỏa thân luôn có tính trình diễn ra ngoài.

Trần truồng là không bị che phủ bất cứ thứ gì.

Sự trình diễn ra ngoài (của một cơ thể khỏa thân) luôn như thể một sự ngụy trang, với lớp da người khác, mái tóc người khác, dính liền vào với cơ thể đang khỏa thân. Khỏa thân không bao giờ có thể là trần truồng.

Sự khỏa thân là một hình thức của vận trang phục.

(còn tiếp)

Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008


Xem online : Những cách thấy (9)


[1Đây là câu chuyện kể về hai trưởng lão thiếu đạo đức đã đe dọa tố cáo Susanna, người vợ xinh đẹp của một người Do Thái gốc Babylon danh vọng, rằng nếu nàng không ưng chịu họ thì họ tố cáo đã thấy nàng trong vòng tay của tình nhân. Khi bị cự tuyệt, họ đã tố cáo nàng tội ngoại tình, và bằng chứng từ miệng hai nhân chứng này, nàng bị kết án tử hình. Tuy nhiên có một thanh niên tên là Đaniên đã cắt ngang vụ án này và đã tra hỏi riêng lẽ hai nhân chứng này. Chàng yêu cầu từng người đến nhận diện gốc cây mà đã bảo là thấy Susanna và người mà họ cho là tình nhân của nàng. Bị phản cung bởi những câu trả lời không nhất quán của mình, hai trưởng lão tội lỗi này bị kết án tử hình, còn Susanna được thoát chết—ND.

[2Đề tài về vanity, tức về sự phù phiếm, phù du của cuộc đời là một trong những đề tài quan trọng của hội họa truyền thống châu Âu—ND.

[3Theo sử thi Illiad, do bất mãn vì không được mời dự hôn lễ của nữ thần biển Thetis - con gái lão thần biển Nere và chàng Peleus - con trai thần Zeus, nữ thần Bất hoà Eris đã lấy một quả táo vàng trong vườn của các nàng Hesperite, ghi lên đó dòng chữ "Tặng vị nữ thần đẹp nhất" rồi ném nó vào bàn tiệc. Cuộc tranh cãi giữa 3 vị nữ thần, Hera - vợ thần Zeus, Athena - nữ thần trí tuệ và Aphrodite - nữ thần tình yêu, để giành quả táo diễn ra quyết liệt. Cuối cùng, họ phải nhờ đến người phân xử là hoàng tử Paris, con vua Priam của thành Troia. Ba vị nữ thần đưa ra điều kiện như sau: Athena sẽ giúp chàng trở thành chiến binh bất khả chiến bại, Hera sẽ giúp chàng có được quyền lực, còn Aphrodite sẽ giúp chàng có được một người vợ xinh đẹp nhất thế gian. Cuối cùng, Paris đã chọn Aphrodite. Thua cuộc, Hera và Athena thề sẽ tiêu diệt thành Troia, nơi cha của Paris đang trị vì. Aphrodite thực hiện lời hứa bằng cách đánh cắp Helen - vợ vua Menelaus xứ Sparta. Và Chiến tranh thành Troi bắt đầu từ đó—ND.