Tranh sơn dầu truyền thống
Những cách thấy (13)
John Berger
Như HuyĐiều phân biệt sơn dầu khỏi mọi hình thức tranh vẽ khác chính là khả năng đặc biệt của nó trong việc miêu tả khối, vẻ đan dệt phức tạp của bề mặt, sự trơn bóng, hay độ cứng rắn của những đồ vật mà nó thể hiện. Nó định nghĩa hiện thực như thể điều gì chúng ta có thể sờ mó.
Mặc dù các hình ảnh được vẽ đều là hai chiều, khả năng tạo ảo giác của nó đem lại cảm giác về ba chiều thật hơn là điêu khắc, bởi nó có thể đem các vật thể có mầu sắc, có các chi tiết đan dệt trên bề mặt, có độ nóng lạnh, lấp đầy một không gian và, nói một cách ẩn dụ, lấp đầy toàn bộ thế giới
Bức tranh Các đại sứ (1553) của Holbein được coi là khởi đầu cho hội họa (sơn dầu) truyền thống, và như điều thường thấy đối với mọi tác phẩm mở ra một thời kỳ mới, đặc tính của bức tranh này là hoàn toàn rõ ràng. Và chính cách nó được vẽ ra sao sẽ cho ta biết về đặc tính của nó.
Vậy nó được vẽ ra sao?
Các đại sứ, Holbein (1497-1543)
Nó được vẽ bằng một kỹ thuật tuyệt vời để tạo ra ảo giác nơi người xem rằng anh ta đang nhìn vào các vật thể và chất liệu thực. Trong phần đầu của cuốn sách, chúng ta đã được biết rằng xúc giác, khi dùng để “thấy” đồ vật, luôn có tính hạn chế và thiếu chủ động. Mọi xăng-ti-mét trên bề mặt của bức tranh này, trong khi vẫn duy trì hoàn hảo các quy luật hình ảnh, vẫn quyến rũ, và khoấy động xúc giác của chúng ta. Đôi mắt người xem di chuyển từ chất liệu lông thú trên áo, tới chất liệu thép, gỗ, len, dạ, cẩm thạch, giấy, và nỉ, và tất cả những gì thị giác của ta thu nhận trên bức tranh, đều được thông dịch thành ra xúc giác. Hai người đàn ông có một sự hiện diện cụ thể, còn các đồ vật thì được họa sĩ sử dụng để biểu tượng các ý tưởng, song chính các chất liệu, các vật liệu xung quanh hai người đàn ông này và trên người họ mới là những gì chi phối toàn bộ không gian hình ảnh của bức tranh.
Chỉ trừ khuôn mặt và đôi tay, không có bất kỳ bề mặt nào trên bức tranh này mà không làm chúng ta ngạc nhiên về việc làm thế nào mà chúng lại được chế tạo khéo léo đến thế bởi các thợ dệt, thợ thêu, thợ làm thảm, thợ kim hoàn, thợ thuộc da, thợ làm tranh gốm, thợ làm lông thú, và kết quả ở đây là một sự phong nhiêu nơi mỗi bề mặt được chế tạo tinh vi và được Holbein tái hiện.
Sự nhấn mạnh này vào việc mô tả chất liệu và kỹ thuật giúp cho việc ấy thành công sẽ được duy trì liên tục trong truyền thống của tranh sơn dầu.
Tác phẩm nghệ thuật vào thời kỳ đầu của truyền thống luôn tôn vinh sự giàu có. Tuy nhiên, sự giàu có kiểu ấy lại là một biểu tượng cho một trật tự ổn định của thần thánh hay của xã hội. Tranh sơn dầu đã vinh danh một kiểu giầu có mới – tức kiểu giàu có có tính năng đông và là kiểu giàu có tìm thấy quyền thiêng liêng duy nhất của nó trong quyền lực mua bán tối cao của đồng tiền. Do đó, bản thân bức tranh sẽ phải thị giác hóa được nỗi khao khát đối với những gì có thể mua được bằng tiền. Và nỗi khao khát được thị giác hóa đó nằm nơi tính chất có thể sờ thấy của nó, nơi khả năng của nó đối với việc tôn vinh sự đụng chạm nơi đôi tay của người sẽ mua nó.
Ở tiền cảnh bức tranh “các nhà đại sứ” của Holbein có một hình thể hình ô-van nằm xéo mà cho tới giờ không ai hiểu lý do tồn tại của nó. Hình thể này tái hiện một chiếc đầu lâu bị bóp méo hoàn toàn. Có vài lý thuyết khác nhau về lý do xuất hiện của nó, và về việc vì sao mà các nhà đại sứ đặt vẽ bức tranh lại muốn có nó ở đó. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng đây là một dạng memento mori: là một sự chơi nghịch với ý tưởng thuộc thời trung cổ về việc sử dụng hình ảnh chiếc đầu lâu để luôn nhắc nhớ chúng ta về sự hiện hữu của cái chết. Tuy nhiên, những gì có ý nghĩa ở đây cho luận cứ của chúng tôi là việc chiếc đầu lâu đã được vẽ theo một chiều thị giác khác hoàn toàn mọi hình ảnh trong bức tranh. Nếu được vẽ cùng chiều với các hình ảnh khác, ẩn dụ siêu hình học về cái chết sẽ không còn nữa: Nó sẽ trở nên một vật thể thường nhật giống mọi vật thể khác, một bộ phận thuần túy trong bộ xương của một ai đó đã chết.
Đây là một nghịch đề hiện hữu dai dẳng trong truyền thống. Khi biểu tượng siêu hình học được giới thiệu (sau này có một số họa sỹ cũng đã vẽ, chẳng hạn như, những chiếc đầu lâu theo kiểu hiện thực để biểu tượng về cái chết) sự biểu tượng hóa sẽ luôn thiếu thuyết phục và thiếu tự nhiên nếu như phương pháp—hội họa mà họa sĩ sử dụng để vẽ các biểu tượng siêu hình đó có tính đơn điệu và mòn cũ.
Chính nghịch đề tương cũng đã làm cho các bức tranh xoàng xĩnh theo kiểu truyền thống về tôn giáo trở nên có tính đạo đức giả. Điều mà đề tài muốn thể hiện ra đã bị làm rỗng bởi chính cách vẽ của họa sĩ. Sơn đã không thể giải phóng bản thân khỏi các tố chất có sẵn của nó để đạt tới sự rung động về mặt xúc giác, qua đó, đem lại cho người chủ của bức tranh một sự thỏa mãn trực tiếp. Ví dụ, dưới đây là bức tranh về Mary Magdalene.
Magdalene đang đọc. Ambrosius Benson
Điểm quan trọng trong câu chuyện về Magdalene là việc nàng đã yêu Ki-Tô đến mức từ bỏ quá khứ, chấp nhận rằng thể xác là hữu hạn còn tâm/linh hồn thì vĩnh cửu.Tuy nhiên, cách vẽ bức tranh lại mâu thuẫn với bản chất của câu chuyện. Nhìn vào bức tranh, chúng ta không hề thấy được sự chuyển hóa nơi cuộc đời nàng sau khi nàng ăn năn hối cải về quá khứ tội lỗi của mình. Phương pháp vẽ tranh đã thất bại trong việc thể hiện được thông điệp mà nàng muốn bày tỏ. Ở đây, nàng chỉ là một con người bình thường, y như mọi con người khác, chứ không giống với một phụ nữ đầy khát vọng và sẵn sàng dâng hiến. Trông nàng chỉ như một vật thể ngoan ngoãn và chiều mắt mà thôi.
Minh họa cho cuốn "Hài kịch thần thánh" của Dante. William Blake (1757-1827)
Ở đây, sẽ rất thú vị để lưu ý tới trường hợp của William Blake. Là thợ thiết kế xây dựng và thợ khắc, Blake từng được dạy dỗ để tuân theo các quy tắc của truyền thống. Song khi vẽ, ông hiếm khi sử dụng sơn dầu và, dẫu vẫn dựa vào các quy phạm truyền thống về việc vẽ nét, ông làm mọi điều có thể để cho các nhân vật ông vẽ mất đi tính vật chất, trở nên trong suốt, chìm nhòa vào nhau, qua đó thách thức luật trọng lực và trở nên những hiện diện không tạo cảm giác khối, song vẫn sinh động và ấm áp mà không cần một bề mặt cụ thể, dẫn đến kết quả là không bị quy giản thành ra các đồ vật đơn thuần.
Ý định của Blake; tìm cách vượt khỏi “đặc tính tạo ảo giác về xúc giác” của sơn dầu được sinh ra từ một thị năng sâu xa vào ý nghĩa và những hạn chế của truyền thống.
(còn tiếp)
Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008