Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Tạo hình > Những cách thấy (16)

Chủ đề Phong cảnh

Những cách thấy (16)

John Berger

Thứ Ba 19, Tháng Mười Một 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

Trong toàn bộ các khu vực đề tài của hội họa sơn dầu, tranh phong cảnh là đề tài mà các luận cứ nói trên của chúng tôi ít áp dụng được vào nhất.

Tranh phong cảnh của Ruisdael (1628/9-1682)

Trước khi có những mối quan tâm gần đây đối với sinh thái học, thiên nhiên chưa được coi là đối tượng cho các hành động của chủ nghĩa tư bản; Hơn thế, nó được coi là một địa bàn mà cả chủ nghĩa tư bản, cả đời sống xã hội, cả đời sống cá nhân cùng chia sẻ. Các khía cạnh nào đó của thiên nhiên có thể là đối tượng của các nghiên cứu khoa học, song thiên-nhiên-như-một-tổng-thể thì không ai có thể chiếm hữu được.

Tranh phong cảnh của Van Goyen (1596-1656)

Có thể nói một cách đơn giản hơn về việc này. Bầu trời không hề có một bề mặt theo kiểu vật chất, và do đó, nó không tạo ra cảm giác về xúc giác; Chính vì thế, nó không thể bị chuyển hóa thành vật thể hay bị nhân lên thành nhiều vật thể. Một bức tranh phong cảnh phải đối mặt đầu tiên với vấn đề làm sao mô tả bầu trời và khoảng cách.

Bức tranh phong cảnh thuần túy đầu tiên – được vẽ tại Hà-Lan vào thế kỷ 17 – không nhằm phục vụ bất kỳ nhu cầu xã hội nào và kết quả là Ruysdael đã chết đói còn Hobbema đã phải ngưng việc vẽ phong cảnh [1]. Các bức tranh phong cảnh, từ lúc khởi đầu, thường là một công việc khá riêng tư của nghệ sĩ. Các họa sĩ vẽ phong cảnh kế thừa một cách tự nhiên, và tới một cấp độ lớn hơn, bị thúc đẩy để tiếp tục các phương pháp và quy phạm của truyền thống. Song truyền thống tranh sơn dầu vào mỗi thời kỳ đều có những sự thay đổi. Và tranh phong cảnh chính là sự thay đổi đầu tiên của truyền thống. Từ thế kỷ 17 về sau, các sự cách tân nằm ở việc miêu tả viễn cảnh, và bởi vậy, ở kỹ thuật. Những nhà cải biến sáng tạo nhất thời đó là Ruysdael, Rembrandt (cách sử dụng ánh sáng trong những tác phẩm thời kì sau của ông là được rút ra từ các bức vẽ nghiên cứu phong cảnh), Constable (trong các phác thảo), Turner và, vào cuối thời kỳ này là Monet cùng các nhà ấn tượng. Thêm vào đó, các sự cách tân của họ giúp hội họa sơn dầu dần dần từ bỏ việc miêu tả vật chất và tính xúc giác để tiến tới việc miêu tả những thứ không xác định và không tạo ảo giác về xúc giác.

Tuy nhiên mối quan hệ đặc biệt giữa tranh sơn dầu và tài sản vẫn sắm vai trò nào đó trong sự phát triển của hội họa sơn dầu. Hãy xem xét thử bức tranh nổi tiếng Ông bà Andrews của Gainsborough.

Ông bà Andrews. Gainsborough (1727-1788)

Kenneth Clark đã viết về Gainsborough và bức tranh này như sau:

Ngay vào lúc khởi đầu sự nghiệp, sự mãn nhãn trước phong cảnh đã tạo cảm hứng cho ông đưa vào phần nền sau của bức tranh một điều gì mà nếu quan sát kĩ, chúng ta sẽ nhận ra là một cánh đồng ngô. Tác phẩm tuyệt vời này đã được vẽ bằng một tình yêu và kĩ thuật bậc thầy tới mức người ta có thể nhìn thấy qua đó một tương lai xán lạn đang chờ đợi họa sĩ nếu ông vẫn đi theo phong cách vẽ phong cảnh như thế; Tuy nhiên, ông đã từ bỏ nó và lựa chọn phong cách tạo nên bức tranh một cách chiều mắt, tức điều tạo nên danh tiếng cho ông, như chúng ta vẫn biết lâu nay. Các nhà nghiên cứu tiểu sử của ông gần đây đã cho rằng công việc vẽ chân dung kiếm tiền đã không cho ông còn thời gian để nghiên cứu thiên nhiên, và họ đã trích một lá thư nổi tiếng của ông nói về việc “phát bệnh với các bức tranh chân dung và chỉ muốn vác cây đàn Viol de Gamba, đi tới một ngôi làng thơ mộng nào đó để vẽ những bức tranh phong cảnh” –nhằm ủng hộ cho quan điểm rằng, nếu có cơ hội, lẽ ra ông đã có thể trở nên một họa sĩ vẽ phong cảnh thiên nhiên. Tuy nhiên lá thư này chỉ minh họa cho việc họa sĩ yêu thích học thuyết của Russeau mà thôi. Các quan điểm thực sự của họa sĩ về đề tài hội họa phong cảnh chính ra lại được viết trong một lá thư trả lời một nhà bảo trợ, tức người đã đơn giản đề nghị ông vẽ cho mình một bức tranh mô tả khu vườn của ông ta: “Ngài Gainsborough bầy tỏ niềm kính trọng to lớn tới quận công (lord) Hardwicke, và luôn cảm thấy vinh hạnh khi được quận công sử dụng cho bất kỳ công việc gì; Song họa sĩ cho rằng trong khắp đất nước này, không có bất kỳ một nơi chốn nào có thể trở nên một chủ đề hội họa xứng đáng– qua đó, trình bày ra được hình ảnh đích thực về Thiên Nhiên sáng ngang được với, kể cả là những bức tranh kém nhất về thiên nhiên của Gaspar [2] hay Claude [3]”.

Tại sao quận công Hardwicke lại muốn có một bức tranh vẽ khu vườn nhà mình? Tại sao Ông bà Andrews lại đặt vẽ bức chân dung họ kèm với một phong cảnh dễ nhận ra là khu đất của họ ở phía sau nền tranh?

Họ không hề là một cặp đôi trong Thiên nhiên theo khuôn mẫu cái thiên nhiên mà Russeau tưởng tượng ra. Họ chính là các chủ đất và thái độ có tính sở hữu của họ hướng về những gì xung quanh họ đã được thể hiện rõ ràng trong cái nhìn và vẻ mặt của họ.

Giáo sư Lawrence Gowing đã phản đối lại một cách đầy phẫn nộ luận cứ của tôi về việc Ông bà Andrews bầy tỏ thái độ hứng thú đối với của cải và tài sản:

Trước khi John Berger tìm cách, một lần nữa, chen ngang vào giữa chúng ta và cái ý nghĩa đã rành rành của một bức tranh đẹp, có lẽ tôi nên nêu ra bằng chứng để xác nhận rằng hai ông bà Andrews của Gainsborough tỏ ra quan tâm tới sức mạnh của đất đai hơn là việc họ chỉ quan tâm tới việc sở hữu đất đai. Các chủ đề tranh minh bạch và cách bố trí nhân vật tương tự với tác phẩm của Gainsborough của một người cùng thời với họa sỹ, Francis Hayman-người cũng là cố vấn thân cận (mentor) của họa sỹ đã cho thấy rằng những con người xuất hiện trong các bức tranh dạng này thật ra sở hữu niềm hân hưởng mang tính triết học với “nguyên tắc tối cao …ánh sáng thuần khiết của Thiên Nhiên đích thực và thuần túy”.

Luận cứ của giáo sư rất đáng được đưa ra để chúng ta suy ngẫm ở đây bởi nó chính là sự minh họa không thể rõ ràng hơn cho hành vi đánh tráo khái niệm khi tiếp cận với khía cạnh đề tài của lịch sử nghệ thuật. Lẽ dĩ nhiên có thể là ông bà Andrews cũng sở hữu niềm hân hưởng mang tính triết học đối với Thiên Nhiên đích thực. Song điều này hoàn toàn không xung đột với việc cùng lúc họ tự hào về tài sản đất đai của họ. Thậm chí, trong mọi trường hợp, việc sở hữu đất chính là tiền điều kiện cho niềm hân hưởng triết học nói trên, tức niềm hân hưởng không lạ lùng gì với tầng lớp chủ đất. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là niềm hân hưởng triết học của họ đối với “Thiên Nhiên đích thực và thuần túy” chỉ là niềm hân hưởng đối với cái thiên nhiên mà họ sở hữu mà thôi. Thời đó, việc săn bắn hay câu trộm sẽ bị kết án đến mức lưu đày biệt xứ. Nếu ăn trộm dù chỉ một củ khoai tây, kẻ trộm sẽ bị đánh roi công khai theo lệnh của một quan tòa, cũng là một chủ đất. Rõ ràng là có tồn tại các giới hạn rất chặt chẽ giữa đất đai tài sản riêng tư và cái gọi là thiên nhiên.

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là, khi miêu tả ông bà Andrews, người vẽ chân dung họ, Gainsborough, đã miêu tả luôn nỗi thỏa mãn của ông bà Andrews khi họ thấy bản thân mình được nhìn nhận trong vai trò là các chủ đất, và nỗi thỏa mãn này đã được nâng cao nhờ vào khả năng của sơn dầu trong việc thể hiện đất đai của họ với toàn bộ hiệu ứng vật chất và xúc giác của nó. Và đây chính là một kiểu quan sát mới mà từ giờ chúng ta cần phải khám phá, bởi từ trước tới nay, chúng ta đã luôn bị dạy dỗ bởi một dạng lịch sử văn hóa lừa dối chúng ta rằng kiểu quan sát đó là một kiểu quan sát không xứng hợp khi dành cho nghệ thuật.

(còn tiếp)

Như Huy dịch từ: Ways of Seeing, John Berger, Peinguin Books published 2008


Xem online : Những cách thấy (17)


[1Ruysdael và Hobbema là hai họa sĩ Hà-Lan nổi tiếng về tranh phong cảnh vào thế kỉ 17—ND.

[2Gaspar Dughet - họa sỹ vẽ phong cảnh người Pháp, thế kỷ 17—ND.

[3Claude Lorrain - họa sỹ vẽ phong cảnh người Pháp, thế kỷ 17—ND.