Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Tư duy > Dự báo > Nguy cơ đại dịch cúm A H7N9

Nguy cơ đại dịch cúm A H7N9

Chủ Nhật 28, Tháng Tư 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

“Virus cúm A H7N9 nguy hiểm hơn H5N1”, đó là khẳng định của cơ quan chuyên môn, bởi chủng cúm gây tỉ lệ tử vong cao, nhiều nơi tỷ lệ tử vong lên đến 70- 80%.

Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiền – Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ trung ương: “Virus H7N9 vốn là virus gây cúm trên đàn gia cầm và đây là lần đầu tiên cúm A H7N9 gây biến chứng nặng ở người”.

Mối nguy hại cận kề

Từ ngày 1-4 đến nay, WHO luôn cập nhật tình hình diễn biến cúm A H7N9 và cho biết số ca bệnh và tử vong tăng lên. Tại Trung Quốc, tình hình vẫn rất phức tạp. Hầu hết những người được xác nhận nhiễm virus cúm A (H7N9) tại Trung Quốc đều trong tình trạng nặng và chưa phát hiện được yếu tố dịch tễ học liên quan đến bệnh. Các bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 63 tuổi (từ 2 - 89 tuổi), 73% là nam giới và 84% là sống ở đô thị. Trong tổng số 109 trường hợp được xác định nhiễm H7N9 thì đã có 22 trường hợp tử vong được báo cáo cho Tổ chức Y tế thế giới. Đặc biệt trong số đó có 4 bệnh nhân (tuổi trung bình 56 tuổi) đã tiếp xúc với gia cầm từ 3 - 8 ngày trước khi khởi phát bệnh. Đa số bị sốt và viêm phổi tiến triển nhanh chóng mà không đáp ứng với thuốc kháng sinh

Trường hợp cậu bé 4 tuổi bị cúm gia cầm H7N9 hồi phục khỏi dịch bệnh trong khi 6 trường hợp khác đều tử vong đã gây ngạc nhiên cho giới chuyên môn. Được biết bệnh nhân hồi phục sức khỏe sau khi được điều trị bằng Tamiflu. Phác đồ điều trị thành công cho bé trai này đã mở hướng điều trị tích cực cho các bệnh nhân khác. Tại Bắc Kinh cũng đã nghiên cứu phát triển loại vaccine ngừa virus cúm H7N9, tuy nhiên do quy trình phức tạp trong việc phát triển và quá trình sản xuất nên có thể sẽ phải mất từ 6 đến 8 tháng trước khi vaccine được đưa ra ứng dụng.

Ở các nước khác trên thế giới hiện chưa thấy xuất hiện dịch cúm.

Nguy cơ lây lan và biện pháp phòng tránh

Dịch bệnh đang diễn ra ở Trung Quốc với xu hướng gia tăng như hiện nay thì nguy cơ xâm nhập vào VN là rất lớn. Đặc biệt virus cúm A H7N9 cũng có khả năng lây lan sang VN qua các loại động vật hoang dã như chim vì các nghiên cứu đã phát hiện các virus trên có trong chim bồ câu. Hơn nữa, cúm A H7N9 hiện nay vẫn chưa rõ đường dây lây lan nên chưa có các biện pháp phòng chống cúm cụ thể. hơn hẳn các năm trước.

Những diễn biến trên thực tế cũng đã phản ánh chính xác kết quả giám sát này khi mà số lượng bệnh nhân nhập viện vì nhiễm virus cúm cũng tăng cao đột ngột.

Ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm 2013 cho thấy trong số gần 1.000 mẫu thu thập đã phát hiện 119 mẫu dương tính với virus cúm (chiếm 12,4%).

Tại bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm A/H1N1 – loại bệnh mà trong vòng khoảng hơn 2 năm trở lại đây hầu như không còn người mắc kể từ sau đại dịch năm 2009.

Tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, ca bệnh H1N1 mới nhất đã tử vong sáng 23/4. Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã có 1 trường hợp bệnh nhân ở Yên Bái tử vong vì nhiễm virus cúm này.

Trong khi đó, dịch cúm gia cầm H5N1 cũng đang bùng phát trở lại, đặc biệt diễn biến phức tạp trên đàn chim yến ở Ninh Thuận. Đây là loại virus cúm có thể lây dễ dàng từ động vật sang người và nguy cơ tử vong cao.

Hiện nay, Việt Nam chưa có ca nào nhiễm cúm H7N9 nhưng nguy cơ bị xâm nhiễm rất cao.

Do đó các biện pháp chủ yếu là tăng cường năng lực của các cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế, nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các công tác chuẩn bị như tập huấn, rà soát lại trang thiết bị phòng chống dịch và đẩy mạnh giám sát chung trong hệ thống.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các bệnh viện trong toàn quốc phải đảm bảo các điều kiện và chủ động đối phó với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra trong dịp nghỉ lễ, đặc biệt là cúm A/H1N1, H5N1 và H7N9.

Cục cũng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị tốt công tác dự phòng, thu dung, cấp cứu và điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các quy định hiện hành về phòng chống dịch, không để dịch lây lan.

Theo ông Trần Như Dương, cúm H1N1 lưu hành như một cúm mùa thông thường nhưng người dân không nên chủ quan. Bản chất của cúm là bệnh nghiêm trọng, có thể gây tử vong.

Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250-500.000 ca tử vong vì cúm.

Bộ Y tế, các cơ quan chuyên trách cần chỉ đạo tuyên truyền nhiều hơn nữa đến người dân về nguy cơ tiềm ẩn của bệnh cúm, tác hại, cách phòng trách. Bên cạnh đó người dân khi mua gia cầm giống từ các cơ sở kinh doanh phải có uy tín, nguồn gốc rõ ràng và có giấy kiểm dịch vận chuyển.

Y TẾ