Thanh tao bún thang Hà Nội

Nhắc đến ẩm thực Hà Nội, người ta nghĩ ngay đến phở — vốn là món ăn đặc trưng từ xưa đến nay. Tuy nhiên với những người sành về ẩm thực Hà Thành sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua món bún thang — là món ăn tinh tế và chế biến cầu kỳ bậc nhất, một món bún mang âm hưởng của ngũ sắc được nhiều người yêu thích.

Bát bún thang được trang trí hoàn chỉnh

Bún thang tuy đơn giản nhưng lại rất kỳ công. Nó đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ, cẩn thận và công phu, người ăn phải biết cách thưởng thức, biết cách ăn như thế nào cho ngon, cho đẹp. Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến phần nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang như: Trứng gà tráng mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng. Bún được dùng phải là loại bún mềm sợi nhỏ, khi cho ra bát không được chần lâu. Ngoài ra còn có củ cải khô, nấm hương, hành hoa và rau răm thái nhỏ. Nuớc dùng phải là loại nước trong, ninh từ xương gà và tôm he, nóng chan vừa bát. Các gia vị ăn kèm bún thang như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu... và đặc biệt không thể thiếu chút mắm tôm. Thiếu mắm tôm, sự tinh túy của bún thang đã bị giảm đi đáng kể. Một gia vị nữa không thể không kể đến khi nói về bún thang Hà Nội, cũng là phần đặc biệt nhất: tinh dầu cà cuống, chỉ một chút đầu tăm điểm vào bát bún thang sẽ dậy mùi thơm đặc biệt.

Một bát bún thang đầy đủ sẽ không thể thiếu củ cải ngâm, hay còn được gọi dưới cái tên gốc Tàu là: cà la thầu.

Bún thang còn là một sản phẩm tinh túy của thị giác. Bát bún được trình bày đẹp mắt, tượng trưng cho hình ảnh của âm dương ngũ hành hòa hợp.

Nguyên liệu cho món bún thang

Đó là màu trắng của giò lụa thái sợi cùng những miếng lườn gà được xé nhỏ. Là màu vàng óng ả của trứng được tráng mỏng, thái chỉ tơ, vừa mềm lại vừa có độ dai. Đó là màu đỏ của tôm khô được giã bông như ruốc. Là màu nâu của củ cải thái sợi. Là màu xanh mượt mà của rau dăm, rau mùi, hành hoa, hành củ.

Tất cả những nguyên liệu ấy, màu sắc ấy, được bày lên trên bát bún rối sợi nhỏ, làm nên một món ẩm thực đầy màu sắc và ấn tượng. Mỗi thành phần đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, được chế biến tỉ mỉ và trình bày một cách công phu. Nếu thiếu đi bất cứ một nguyên liệu nào là một sự thiếu sót cực kỳ nghiêm trọng, làm cho người thưởng thức cảm thấy mất ngon. Cũng bởi ở bún thang, người ta không chỉ ăn bằng vị giác mà người ta còn cảm bằng thị giác và khứu giác. Mùi thơm của nước dùng thoang thoảng nhẹ nhàng, vừa thanh tao vừa hấp dẫn. Màu sắc hài hòa kích thích dịch vị của thực khách cùng cảm giác mãn nhãn và hài lòng. Cái tinh tế khi thưởng thức Bún thang là ở chỗ đó.

Điểm đến hấp dẫn được ghi nhận có thể là 144 D2 Giảng Võ, 59 Hàng Lược, 28 Liễu Giai, 32 và 48 Cầu Gỗ, rồi Hàng Hành, Hàng Hòm v.v.. Mỗi quán có một đặc trưng riêng phục vụ nhu cầu của thực khách.

Hà Nội nổi tiếng với 36 phố phường. Người Hà Nội tự hào bởi nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mình. Bên cạnh những món rất riêng của Hà Nội, bún thang tồn tại như một thứ không thể thiếu và không thể trộn lẫn, một hương vị ẩm thực thanh tao như chính bản tính nhẹ nhàng lịch lãm của người Tràng An.