Ma Văn Kháng

Chuyện của Lý

Ma Văn Kháng

Tiểu thuyết (trích)

Chương XVI

Cùng đi chuyến ô tô khách lên Phong Sa hôm ấy, còn có một người khách nữa. Anh đã có lần gặp bà cụ Quế, nhưng khi ô tô sắp chạy mới lên xe và ngồi ở hàng ghế cuối cùng, nên bà cụ không biết. Đó là một anh bộ đội vừa xuất ngũ. Xuống ô tô, đeo chiếc ba lô con cóc bạc màu, chân xỏ trong đôi dép râu, anh đi thoăn thoắt. Chẳng cần hỏi han đường xá gì, anh cứ rẽ ngang rẽ dọc, tự nhiên như người bản địa. Trời tối lòa nhòa. Sương từ các khu rừng tỏa ra lành lạnh. Anh kéo quai mũ xuống, rồi lại cắm cúi bước. Lát sau anh đến trước cổng cơ quan Huyện ủy. Đẩy cửa, anh đi thẳng vào. Tầng một căn nhà hai tầng của cơ quan có hai cậu nhân viên đang đánh bóng bàn, tiếng quả bóng nhựa nẩy lọc cọc trên bàn.
- Anh gì ơi, hỏi ai đấy? —Một cầu thủ vừa ngửa người đỡ quả bóng đối phương tiu, vừa ngoái ra nhìn anh, hỏi. Anh giơ tay:
- Cứ chơi tiếp đi. Tôi gặp người quen. —Rồi anh đi thẳng vào gian nhà phía sau.

Ngủ một giấc trong căn buồng trán cửa có gắn tấm biển in ba chữ: Phòng Bí thư, sáng sau trở dậy, anh đi xuống nhà bếp, gặp cô cấp dưỡng, nói: Tôi là Dương, Bí thư Huyện ủy. Mấy ngày nữa lĩnh lương tôi sẽ đóng tiền ăn cả tháng. Từ trưa nay cho tôi ăn một suất cơm như mọi người. Tiếp đó, anh về phòng, nhấc điện thoại, gọi đến từng ủy viên, triệu tập cuộc họp đầu tiên của ban thường vụ Huyện ủy Phong Sa.

Dương đã trở về Phong Sa sau mấy năm chiến tranh gian khổ trên chiến trường Khu 6, khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị viên tiểu đoàn, đặc phái viên của Bộ Quốc phòng. Dương đã trở về Phong Sa theo sự bổ nhiệm của ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoàng Liên và ban Tổ chức Trung ương. Trở về như lời tiên báo của bố Khánh trong giấc mơ của Lý. Trở về theo nhắn nhủ thiết tha của Khánh. Trở về theo tiếng gọi của con tim. Trở về như chịu sự chi phối của định mệnh, như quy tắc của nghệ thuật tiểu thuyết: nhân vật phải đi hết vòng đời của nó, chứ không được nửa đời nửa đoạn.

Tuy nhiên ở chuyện này điều đáng chú ý còn là, dẫu hôm nay mới chính thức có mặt ở Phong Sa, nhưng Dương thật sự đã bắt tay vào công việc bằng những thao tác tiên đề, đã cả tháng nay rồi. Trước hết, từ Khu 6 ra, về đến tỉnh, sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, anh để một tuần liền làm việc với các phòng ban chức năng, các sở ty chuyên môn của tỉnh. Tại các nơi này, anh đặt ra các mối liên hệ và đề xuất các yêu cầu về nghiệp vụ, nhân lực, tài lực để họ giúp đỡ. Việc này không có gì là khó khăn, vì thời gian làm việc ở văn phòng tỉnh ủy, anh đã quen thân và có cảm tình với hầu hết những người đứng đầu các đơn vị này.

Vào tuổi ba mươi lăm, tích lũy tri thức và kinh nghiệm đã đến độ tự tin, cùng một thể chất tráng kiện, lại đã kinh qua thực tiễn chiến tranh, Dương tiếp nhận ví trí công tác mới, trong tinh thần một kẻ dấn thân nhập cuộc, với niềm hứng khởi tràn trề. Hiểu rất rõ nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là phải làm tốt công tác quản lý, điều hành, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà, để vừa phục vụ tốt yêu cầu của chung, vừa để đồng bào thoát dần khỏi cảnh đói nghèo, anh dành một thời gian dài để nghiên cứu các đề án, kế hoạch do Trung ương và Tỉnh sau nhiều năm nghiên cứu đã vạch ra cho huyện. Tiếp đó, gần như bí mật, anh trở về Phong Sa bằng đôi chân trần của mình, trong vai một khách du. Phong Sa có hai mươi tám xã. Thoạt đầu anh đi một vòng qua các xã vùng giữa như Nấm Lư, Phú Nhuận, Bản Sen... của dân tộc Dao. Tiếp đó anh leo lên đủ tám xã vùng cao của đồng bào Mông và Hà Nhì, như Hồng Ngài, Sín Chéng... kể cả xã Y Tinh, A Lù được mệnh danh là mái nhà của huyện, nơi một năm chỉ có hai mùa, thu non và đông già. Sau cùng, anh vòng xuống mấy xã vùng thấp, ven bờ sông Chảy, vùng trọng điểm lúa của huyện, nơi cư trú của đồng bào Giáy và Tày. Đặc biệt anh dừng lại làm việc khá lâu với các cơ sở kinh tế trọng điểm, như vùng trồng thảo quả ở Ngài Thầu, vùng mận tam hoa Bản Sen, vùng trồng thí điểm lúa mì ở Hồng Ngài... Phong Sa có hai mươi tám xã, tám mươi tư thôn, bằng đôi chân của mình, sau một tháng trời Dương đã đi tới đủ một trăm phần trăm thôn bản trong toàn huyện, nghĩa là không bỏ sót một xóm nhỏ, một thôn ba nhà nào. Chuyến đi khảo sát tình hình mang màu sắc thẩm mỹ của một cuộc du hành đem lại cho cảm giác vui vẻ và củng cố thêm niềm tin của anh vì từ đây anh đã có đủ các dữ kiện cần thiết để định liệu mọi công việc của mình. Nhất là sau đó, anh còn trở về Hà Nội để tham khảo thêm ý kiến của ban Tổ chức Trung ương, nơi đã có nhã ý giao phó cho anh chức trách này.

Cuộc họp đầu tiên của ban thường vụ Phong Sa có thể gọi là một sự kiện lịch sử. Nó kéo dài suốt một tuần lễ, dưới sự điều hành của bí thư Dương, sau khi chỉ mất có nửa tiếng đồng hồ buổi sáng hôm đầu tiên, làm công tác thủ tục, giới thiệu chức danh Bí thư Huyện ủy mới. Trong một tuần lễ diễn ra cuộc họp, mọi người dành riêng một ngày để rà soát lại công tác cán bộ. Đặc biệt là việc thi hành kỷ luật một số cán bộ phạm tội tham ô, quan liêu, vi phạm đạo đức thời Văn Quyền làm bí thư. Thực ra đây là một đầu việc của ban Thường vụ Huyện ủy tiền nhiệm. Mười cán bộ bị kỷ luật, trong đó ngoài một ủy viên thường vụ bị khai trừ đảng đã nhận được quyết định của Tỉnh ủy, còn hai huyện ủy viên bị cảnh cáo, bảy trưởng phó phòng bị khiển trách, trong diện quản lý của cấp huyện, theo kết luận của hội nghị từ cách đây nửa năm, hồi ban Kiểm tra Trung ương về xử lý tội lỗi của Văn Quyền, thì còn chưa có văn bản quyết định. Mà việc ký án kỷ luật này là trách nhiệm của phó bí thư Giàng Thị Chứ. Tuy nhiên nữ đồng chí này đã né tránh và bây giờ đùn đẩy cho Dương bí thư mới. Hoàn toàn có thể từ chối, nhưng nghĩ đến lợi ích chung, cần phải thanh khoản ngay các di sản của quá khứ, tạo nên một không khí sinh hoạt chính trị lành mạnh, mới mẻ, Dương đã chấp nhận việc ký quyết định. Ký, và hiểu rằng, việc này có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối bất lợi cho mình trên cương vị công tác mới.

Đầu tuần sau, một chương trình công tác năm , một kế hoạch công tác quý và những việc cần làm ngay trước mắt, cùng thông cáo về việc thi hành kỷ luật chín cán bộ trong diện quản lý đã được đánh máy thành bảy bản, một bản lưu, một bản gửi tỉnh ủy, còn năm bản gửi cho năm ủy viên thường vụ Huyện ủy. Sau đó,nội dung các văn bản nọ đều được công bố trên đài truyền thanh của huyện —một việc làm chưa từng có kể từ ngày thành lập huyện năm 1954. Về những việc cần làm ngay, trong công văn, Dương nhấn mạnh: Cần phải khẩn trương thanh toán các di hại do tên lừa đảo Văn Quyền để lại. Oan sai phải được giải tỏa. Trật tự kỷ cương phải được lập lại. Đồng thời các cấp các ngành cần kiểm tra gắt gao và kiên quyết loại trừ các hiện tượng đầu cơ trục lợi, chuyên quyền, nhũng nhiễu nhân dân trong việc phân chia đất đai nhà cửa ở thị trấn.

Song song với những việc này, Bí thư cũng yêu cầu : ngay lập tức phải huy động toàn hệ thống chính trị và nhân dân vào công việc trung tâm đột xuất: Chống đói rét. Mùa đông đang đến. Bằng mọi biện pháp phải đảm bảo đủ diện tích gieo trồng trong vụ Đông xuân ở các xã vùng giữa và vùng thấp. Với các xã vùng cao, vụ sản xuất này với sèo ba gốc, rau củ quả xứ lạnh là ưu thế phải hết sức tận dụng. Và tuyệt đối không được để tái diễn việc trâu chết cả loạt như mọi năm.

Gia thêm vào công việc chút hương vị phiêu lưu phong trần của một kẻ dồi dào năng lượng vui sống, tràn trề hưng phấn thẩm mỹ, Dương như kẻ nhấp chén rượu đầu, lâng lâng trong khoái cảm ngắm nhìn vẻ đẹp trong các họa phẩm của cuộc đời mà mình là một tác giả góp phần; thành ra cuối cùng, còn một việc ngoài chức trách, một việc riêng, rất riêng, xuất phát từ nhu cầu cá nhân là trực tiếp có mặt tối đa trong mỗi tiến trình của cuộc sống, đã được anh đặt ra; và anh sẽ thực hiện việc đó với một tâm trạng cao ngạo không cần che giấu: Anh sẽ đến trại giam, gặp tên tội phạm Văn Quyền, một mặt để thuyết phục y thành thật khai báo tội lỗi, vì được biết sau khi bị bắt, y rất ngoan cố, lại đã một lần vượt ngục với ý đồ được làm vua thua làm giặc, tập hợp đồng bọn, gây chuyện cướp bóc làm náo loạn một vùng hạ huyện; một mặt nữa là muốn xem tên vô lại gian ác nọ giờ sống trong tâm trạng nào, một trò chơi tâm lý mạo hiểm mà anh rất ưa thích.

Trần mình vào công việc với cả mấy tháng trời lăn lội ở cơ sở, khi thấy công việc đã dần dần ổn định, Dương mới trở về thị trấn. Buổi chiều mùa đông, dừng lại nhìn các dẫy phố chìm trong sương đêm, hắt hiu buồn bã như một cơ thể còn đang trong cơn ốm o, anh như chợt nhớ tới số phận của bao con người đang đắm chìm trong buồn tủi. Tràn trề trong cảm hứng dựng xây, anh nghĩ, có lẽ phải tổ chức lại cuộc sống nơi này cho tưng bừng lên, để xua tan đi cái u ám buồn nản đang như một bóng ma của quá khứ còn lởn vởn đâu đây.

Sáng ấy, Dương từ cơ quan Huyện ủy ra phố. Tình cờ nhận ra từ xa bóng hình Lý, Lý đang đến rủ Bảo em Đam đi học, anh liền lảnh vào một góc phố, cúi xuống chụm hai bàn tay lại như bật lửa hút thuốc, kỳ thực là né tránh nó, vì chưa muốn cho nó, tất nhiên là cả Nhu, nhất là Nhu, biết là anh đã về Phong Sa ba tháng nay.

Chờ cho Lý và Bảo đi khuất, Dương mới thong thả đi vào nhà Đam. Bếp nhà Đam đang đỏ lửa. Đam đang ngồi bên bàn ăn với chai rượu trắng nút lá chuối. Đam, sau khi Quyền bị vạch tội và bắt giam, công an huyện đã tiến hành điều tra lại, nhờ có thêm xác minh trên cơ sở y học cổ truyền của bà Pham, đã được minh oan và ra tù sáu tháng nay. Giờ thì đã rõ, Đam do quan hệ thân thiết với Dương nên bị Quyền tìm cớ dựng chuyện trù dập.
- Ôi, anh Dương. Qua chơi! Rượu suông thôi mà. Anh về lúc nào mà kín tiếng thế? Lại biết cả tên lóng bố tướng mấy tay thiên lôi công an nó đặt cho em.
- Bí thư huyện ủy cái gì cũng phải biết chứ. Mà kín với hở gì ! Bận lu bù. Vì cái thằng cha Quyền mà giờ phải đi hót rác cho nó đấy!
- Anh uống mấy chén cho ấm bụng đi. Nói anh nghe, khi họ đến bắt tôi, tôi còn hát: Anh đây, ba tầng xích sắt cũng coi như lông hồng nhé!
- Biết khí phách của người múa đầu sư tử, biết bài hát ấy của ca sĩ tài tử rồi. Thế bây giờ, nghỉ ngơi xong rồi, Bố tướng bắt tay vào cuộc được chưa?
- Vào cuộc nào?
- Tĩnh lâu lắm rồi. Giờ đến lúc động đi thôi chứ còn gì.

Đam nghiêng nghiêng gương mặt xương xương hình quả trám, rất trẻ trai, chíp chíp làn môi mỏng:
- Anh biết rồi đấy. Dân tình đang còn tan tác. Lòng người đang còn ly tán. Hồi cư về, lão Quyền đã vào tù, nhưng tay chân lão vẫn tác oai tác quái, lấn chiếm đất đai, gây bao chuyện thất nhân tâm, người hiền lành còn chịu nhiều oan ức lắm. Mà anh có biết không, bọn bị anh thi hành kỷ luật rồi công bố trên đài, chúng còn đang hung hăng lắm đấy!
- Là người mà lá gan con thỏ à?
- Đâu có!
- Vậy bây giờ thế này. Những cái tiêu cực nhem nhuốc như cậu nói, có! Và chắc chắn tôi biết những chuyện xấu xa ngoài xã hội ở trong phạm vi tỉnh ta, huyện ta không hề kém cậu, nếu không nói là hơn. Hừ, mấy năm vào chiến trường, giáp mặt với cái chết không biết sợ, chỉ một ý nguyện đánh đuổi giặc đi để dành lấy độc lập tự do hạnh phúc cho mọi người, vậy mà bây giờ trở về thấy gì? Nào lưu manh, trộm cắp côn đồ hoành hoành. Nào tham nhũng, nào hống hách cửa quyền. Nào kẻ giàu bất chấp đạo lý cứ giàu lên mãi. Nào vu oan giá hoạ để tranh công giành quyền! Gặp cảnh lo mà không lo, gặp cảnh buồn mà không buồn, hoạ có là có kẻ không có lương tâm. Nhưng mà, những cái tiêu cực, xấu xa ấy à, còn lâu mới hết, nếu cứ ngồi đấy chờ cho nó hết.
- Tôi hiểu.
- Hiểu thì phải nhập cuộc đi chứ!
- Ôi, anh nói nghe có vẻ đơn giản quá đấy. Anh Dương ơi, pí nuống bỏ lao lai, dền che lao phí toóc. Câu hát ấy anh đã nghe rồi đấy. Anh em không sợ nhiều, hận thù sợ một người.
- Thế thì cậu quên một câu hát khác chính cậu đã giảng cho tôi nghe trong những đêm đi hát ở làng Quang, hả? Sọt rách vứt được, anh em nghèo không bỏ được.
- Chôi rươi vành pắn, pí nuống vành bỏ pắn.
- Ôi trời, chịu tài trí nhớ và đối đáp của thủ trưởng rồi!
- Vậy thì nhập cuộc đi! —Đam nhướng hai con mắt lên cao:
- Nhập cuộc cụ thể là cái gì bây giờ? —Ngả người ra sau, bụng hơi ưỡn lên, Dương cười khề khề:
- Sư tử chết không phải vì đối thủ mà chết còn vì con trùng độc trong lòng nó! Người xưa có câu nói đó đấy. Thế cậu không nhận ra đời sống tinh thần thị trấn ta thiếu thiếu văng vắng cái gì à?
- Thiếu thiếu vắng vắng cái gì? —Hai đầu lông mày trên mặt Đam chụm lại rồi giãn ra cùng lúc với tiếng vỗ tay của Đam:
- Thế thì tôi hiểu rồi.
- Cả Dương cũng thẳng người lên và chính anh cũng vỗ đánh bộp hai bàn tay vào nhau cùng lúc đó.

Cái thiếu thiếu văng vắng ấy là cái gì vậy? Nó là cái kệ sách vắng bóng trong một căn nhà nguy nga, kiến trúc tân kỳ? Nó là cái linh hồn sống động phảng phất ở các vật thể trơ trụi? Nó chính là cái đời sống tinh thần phấn chấn, vui vẻ, lạc quan. Nó là điệu ca tiếng hát. Và với Đam lúc này thì nó chính là đám múa sư tử rộn ràng trong tiếng trống xáo động cả không gian, trong các lễ tiết hội hè. Thị trấn nhỏ miền rừng này một năm có bao nhiêu ngày hội hè làm sao mà Đam không nhớ. Ngày Tết Nguyên đán. Ngày hội xuống đồng. Ngày hội pháo phao. Ngày rước kiệu Đức Thánh Trần. Hội đền Mẫu. Tết Trung Thu. Tết Độc lập. Tết giải phóng tỉnh nhà... Những cuộc quần tụ vui vầy của cộng đồng người, một tập thể đa sắc tộc, đủ cả Kinh, Dao, Mông, Giáy, Xã...
- Bí thư nói thế thì hiểu rồi.
- Đầu sư tử còn không?
- Còn chứ. Nhưng mà...
- Lại còn nhưng mà gì nữa?
- Nhưng mà...có nhẽ phải cho tôi khóc lớn một trận rồi mới có thể cười được.

Đập bàn tay xuống mặt bàn, mái tóc rễ tre như dựng ngược lên, mặt bí thư giãn ra thật trẻ trung và rắn rỏi:
- Rót một chén nữa ra đây. Cạn chén! Cạn chén để từ nay không luẩn quẩn như ma vần đống rơm chuyện oán hờn, buồn bã nữa. Nào!

Đặt chén rượu sau khi đã uống cạn xuống bàn, mặt rạng lên vẻ nam nhi tuấn tú lạ thường, Dương hơi cúi xuống, khe khẽ như nói với chính mình:
- Đam à. Đời người, vui ít buồn nhiều. Điều này thì ai cũng đã biết. Nhưng lúc này mình còn muốn nói với cậu một điều khác nữa, có lẽ còn ít người biết. Đam ơi! Đời người, tiếng thế cũng rộng dài lắm. Có thể ví nó như là một căn nhà mênh mông, có cả trăm gian buồng, có thể chứa được nhiều thứ. Nghĩa là có thể chứa được mọi buồn đau oan khuất, bất hạnh rủi ro. Nghĩa là có thể chịu đựng được tất. Nghĩa là sẵn sàng chấp nhận mọi sự bất thuận, không loại trừ cái khó cái khổ nào hết. Suy cho cùng... nói đến con người là nói đến cách sống, Đam à.

Rồi ngẩng lên, nhận ra hai con mắt Đam long lanh xúc động, giọng Dương như có thêm khí lực và hưng phấn:
- Mà vấn đề không phải chỉ là Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tinh. Thoái nhất bộ, hải khoát thiên không. Không phải chỉ là, nhịn một thời, gió hiền hoà, sóng lặn tăm. Lui một bước, bể rộng mở, trời lặng yên đâu. Mà là con người phải biết tạo ra niềm vui cho mình, phải biết vượt qua những đau khổ buồn phiền của chính mình. Tư thế này cao hơn sự nhẫn nhịn thông thường nhiều, Đam à.

Gương mặt thon thả thanh nhã rất ưa nhìn của chàng trai Giáy tài hoa trong ánh sáng chân lý được chiếu dọi từ Dương, bừng dậy niềm cảm phục không thể che giấu. Anh nhổm dậy, xô sang, nắm tay bí thư Dương, lắc lăc liên hồi, trong khi miệng lắp bắp câu nọ nối câu kia:
- Trời! Đời em từ bảy tuổi đã được theo các bậc sư, học hát, học thổi kèn pỏ le, học múa sư tử. Đến hôm nay, tròn hai mươi tuổi, mới lại được gặp một bậc sư nữa. Thủ trưởng đúng là bậc sư của em. Em xin tuân chỉ!

Một thông báo lập tức được phát ngày ba buổi trên đài truyền thanh của thị trấn: Những ai là người đã tham gia Hội sư tử của thị trấn trước chiến tranh, hãy đến họp mặt tại trụ sở Huyện ủy.

Nhưng mà lạ chưa! Con người chứ đâu có phải bóng chim, tăm cá! Chẳng lẽ, thời gian và cuộc chiến đã biến tất cả thành hư vô? Nhưng mà, chả lẽ là sau chiến tranh, cuộc sống đã sang một bước ngoặt, tất cả những gì đã có chỉ còn là bóng hình vang lộng một thời? Chả lẽ tất cả đã một đi không trở lại, giống như thời thơ ấu của nhân loại, vàng son chỉ còn lại thấp thoáng ánh hào quang trong tâm khảm mấy người già? Thông báo phát đi một tuần nữa, vẫn chưa thấy hồi âm, bí thư Dương lại tìm đến nhà Đam.
- Đam này, bây giờ phải đi vào cụ thể từng khâu đoạn công việc đi. Đầu sư tử, trống, chiêng, thanh la, não bạt, trang phục võ sĩ... còn không?
- Báo cáo anh, còn đủ.
- Múa đầu sư tử là cậu. Còn ai phất đuôi? Người phất đuôi sư tử gọi là gì?
- Tài tào phật! Tài tào phật là bà Quây, giờ bán sữa đậu nành. Tôi đã bảo bà, bà nhiệt tình lắm!
- Thế ai đóng Mã Lỗ Chinh?
- Mã Lỗ Chinh là biến danh của Tề thiên đại thánh trước đây do ông Dậu cắt tóc đảm nhiệm, giờ đã có tuổi, không hiểu cụ có hưởng ứng không? Tôi sẽ đến nhà cụ. Cụ này chơi thân với ông Lừ đóng vai Siềng Pao tức Chư Bát Giới.
- Được rồi. Còn ông Địa?
- Người đóng ông Địa đã chuyển nhà đi ra tỉnh rồi. Tôi sẽ cho thằng Bảo em tôi thay thế.
- Thủ trống? Rồi các võ sĩ nữa? —Ngửa người ra sau, Đam kêu ồ một tiếng rồi gật gật:
- May quá! Suýt quên! Ông Sển đồ tể ở ba toa! Ông này mà không còn thì bó tay đấy. Chà! Trống ông đánh thì người không biết võ thuật cũng dậm dật chân tay, đòi nhảy ra đấu võ tức thì. Đánh ngày mồng một vang đến tận hôm rằm. Đánh một tiếng, cả bầy hạc cổ đỏ từ xa cất cánh bay về. May rồi. Ông Sển say trống lắm! Còn các võ sĩ thì các ông Phón, ông Tuần, ông Xín ở ngay cạnh nhà tôi, tất nhiên các ông này ông nào cũng có mắc mớ, buồn phiền, căm giận vì bị đối xử bạc bẽo, bị lũ cường quyền chiếm đoạt đất đai nhà cửa, nhưng tôi tin là tôi sẽ thuyết phục được. Thủ trưởng Dương yên tâm đi. Tôi tiếp thu tư tưởng của thủ trưởng, tôi có bửu bối trong tay rồi: Ta chủ động tạo ra cách sống yêu đời! Nội nhật tuần này, Hội sư tử sẽ ra mắt bà con thị trấn.
- Vậy là tĩnh mãi rồi chẳng lẽ không đến lúc động? Đúng thế. Nhưng mà thật tình sáng ấy ở trấn Phong Sa thoạt đầu thì cũng chỉ là bầu không khí phẳng lặng mịt mờ, vô thanh vô sắc như mọi ngày thôi. Thoạt đầu chỉ là buổi sơ thuỷ của cõi giới không hình tướng, là cái phẳng lặng mênh mông, không đường biên. Rồi tiếp đó, vào quãng trời tan sương, nghe trong không gian như có tiếng gió vi vu thổi, như tiếng con chuồn chuồn vẫy cánh, tiếng con rùa thở hí hóp. Rồi lát sau những âm thanh đó rõ dần, rõ dần. Ta phân biệt được cường độ mỗi tiếng nặng nhẹ bập binh, như tiếng đập của trái tim cô đơn trong lồng ngực mình. Và cuối cùng thì ta có cảm tưởng, cả bầu không khí quanh ta cùng lúc vỡ òa.
- Kìa! Trong tiếng trống rung rộn ràng, một chúa sơn lâm mắt lồi, lưỡi lè đỏ hỏn, lõng thõng râu bờm trắng xoá đã hiện ra trong nhịp nhẩy chờn vờn cùng những tiếng hú dài vô cùng rùng rợn; bên cạnh là chàng Mã Lỗ Chinh, mình khoác bộ tế pào, tấm lưới đính các tua vải đen, với cây thiết bổng chứa đủ phép lạ; đối diện là chàng Siềng Pao, biến hoá từ gã Chư Bát Giới béo phệ, nghênh ngáo cái đầu lợn, trên vai nghềnh ngàng cây bồ cào dài ngoẵng. Kìa, làm nhiệm vụ quẫy đuôi chúa sơn lâm là Tài Tào Phật, một người đàn bà vận quần áo đỏ chót. Kèm hai bên chúa tể rừng xanh là hai cô phụ nữ đóng vai Sèng Lình, áo đen nẹp đỏ, tay liên tục huơ thanh long đao bằng gỗ, lưỡi trắng màu vôi, làm nhiệm vụ mở đường, vô cùng bận rộn vì lũ trẻ bất chấp lề luật cứ xô tới, nhất là khi xuất hiện ông Địa phe phẩy quạt mo, khệ nệ cái bụng to xệ nổi rõ hình cái rổ độn bên trong tà áo xa tanh xanh. Một cơn bão của những tiếng reo hò bốc lên ngùn ngụt khi chú khỉ họ Mã bất thình lình hét to ai ây a, tung chân lộn liền hai vòng trên không và tiếp đó lăn tròn trên mặt đất, đến trước mặt mãnh sư khi chúa sơn lâm vừa chồm tới. Chà! Mã Lỗ Chinh, xuất thân nòi hầu dẻo như kẹo. Chẳng bù với Siềng Pao như một cây thịt, hắn cứ rung rinh tấm thân béo ú và ngoác miệng cười hè hè vô tư hết mực.

Tùng cheng! Tùng cheng!’
Tùng cheng! Tùng cheng!
Trống giật nhịp hai, cùng với tiếng hét ây à, một hiệp sĩ thon gọn như thân báo, áo quần đen tuyền, đuôi mắt dài vút, nhọn hoắt như mũi tên, phắt cái đã nhẩy vào giữa vòng người. Nghe động, chúa rừng lập tức phất đuôi, quẫy đầu, há miệng phụt một lưỡi lửa dài vàng khé ra oai. Nhanh như cắt, hiệp sĩ nọ đã ngoắt đầu, tránh đòn, búng mình lên cao, rồi vung côn đi bài bát quái tít mù. Trống nổi cắc cắc chuyển nhịp.

Trống dồn rùm rùm, rụp rụp, như gió thổi, mây bay, như nước cuốn, như triều dâng, thác đổ. Gươm tuốt trần trên tay, một trang võ sĩ hùng khí xung thiên vừa vào cuộc với bài kiếm Huynh long đúng lúc con mãnh sư vừa rạp đầu làm một lễ lạy và dựng bờm hất chân trong tư thế vồ mồi. Vòng người lúc này đã giãn rộng với tiếng thét ran dậy một góc trời của ba võ sĩ tay không. Khúc giao đấu càng trở nên quyết liệt vì lúc này trong tiếng trống thúc, trận thư hùng còn được điểm xuyết bằng tiếng hú vọng ngân dài của các trang nghĩa hiệp nơi sơn lâm. Các bài võ Lão hổ thượng sơn, Hùng kê quyền, Lạc long quyền trong nhất quán, tề chỉnh, vừa náo hoạt vừa biến huyền, khiến cả người trong cuộc lẫn người đứng xem đều ngơ ngẩn như bị thôi miên, hút hồn: Là trần thế hay là ảo mộng đây? Là thực hay là hư đây, giây phút này. Ôi! Hội hè! Cái diệu cảnh hoành tráng, cái hình tướng lớn lao để phô diễn những xúc cảm phi thường, thuần khiết. Nơi con người chìm vào sự vật, nơi con người gặp phép lạ, nơi mỗi cá thể đều tan biến, trở thành một thành tố của cộng đồng. Hội hè, thiên cổ sự không chút tà ý, dục niệm, không ý đồ giáo huấn, tấm kính trong suốt, phản chiếu cái khí phách thanh nhã, cái hùng lực can trường, cái tinh thần siêu thoát hồn nhiên của con người!

Lúc này Lý đang ở nhà Yến. Vừa chơi trò Lộn cầu vồng bà ngoại dạy xong, hai đứa lăn ra hai góc buồng, cười đến chảy cả nước mắt. Lộn cầu vồng nước trong nước chảy. Có chú mười bảy lấy chị mười ba. Hai chị em ta ra lộn cầu vồng. Động tác uốn dẻo thì hay thật, nhưng bài hát thì buồn cười quá. Cười lăn cười lóc. Cười đến mức Lý đỏ văng cả mặt, rồi gục xuống không ngẩng dậy được nữa. Thì ra Lý cười đến đứt cả cái khuy áo con mẹ khâu cho. Cười chán hai đứa quay ra chơi Đánh chuyền.

Trong các trò chơi bà ngoại dạy, thì Nu na nu nống dành cho trẻ lên ba, còn Thả đỉa ba ba, Rồng rắn lên trời, Chồng nụ chồng hoa... muốn chơi phải có nhiều người. Trong khi đó Lộn cầu vồng, Rải ranh, Ô ăn quan... nhất là Đánh chuyền chỉ cần hai đứa là chơi được. Một nắm mười que tre nhỏ như chiếc đũa một . Một hòn sỏi cuội làm cái. Khó là tung hòn cái lên, mắt phải nhìn theo, trong khi bàn tay lại phải quơ xuống đất , nhón cái que lên đúng lúc chính bàn tay ấy lại xòe ra để bắt trúng hòn sỏi cái rơi từ trên cao xuống. Phải công nhận là Yến rất khéo tay, nhanh mắt. Đấy! Mẹ Lý rất thương Yến, thường gọi Yến đến để dạy khâu vá thêu thùa, lại còn thay mẹ Yến mất sớm dạy Yến những điều con gái cần biết. Chỉ hướng dẫn qua mà Yến đã tự may được áo con rồi đấy. Còn bây giờ, mới nghe Lý phổ biến cách chơi Đánh chuyền thôi, mà vừa rải bàn một, vừa bắt hòn cái choanh choách vừa lầm nhầm đếm: Que mốt. Que mai. Con trai. Con hến. Con nhện. Chăng tơ. Quả mơ. Quả mận. Quả đào...Yến đã chuyển sang bàn đôi. Lại vừa mới: Đôi tôi. Đôi chị. Đôi cái bị. Đôi cành na... nhoáng cái đã sang bàn ba. Rồi tiếp đó là bàn tư, bàn năm...Nhưng đến bàn bảy thì Yến bắt trượt hòn cái.” Bây giờ đến lân tớ!” Lý vừa nói vừa hăm hở vơ đám que trên đất, mồ hôi lấm tấm gò mũi, kêu tớ sẽ lên bàn mười cho cậu xem thì đúng lúc tiếng trống của đám hội sư tử dội đến căn nhà.
- Thôi, để chốc nữa chơi! Giờ chúng mình đi xem hội sư tử đi!

Không hiểu nghĩ thế nào Lý liền vứt tạch bó que chuyền xuống đất, đứng phắt dậy. Yến cũng vội vơ tóc, cặp lại ở sau gáy, hưởng ứng liền.

Hai đứa dắt tay nhau chạy tới phố thì đám sư tử đang múa ở trước cửa hàng mậu dịch quốc doanh.Vòng trong vòng ngoài người chen chúc đông ken , nói cười reo hò ồn ồn ĩ ĩ.
- Bà Quây múa dẻo quá, bà Quây ơi!
- Ông Dậu cắt tóc đóng Mã Lỗ Chinh đấy. Còn anh Đam, kìa! Trong cái đầu sư tử ấy! Đúng là bố tướng rồi!
- Nhà nhiếp ảnh Đông Dương ơi. Bác chụp cho cháu một pô nào!
- Ai đóng võ sĩ ấy nhỉ?

Ồn ồn ào ào ầm ầm ầm ĩ ĩ, tiếng người tiếng trống tiếng thét trộn lẫn vào nhau thành một hỗn âm náo nhiệt. Lý và Yến chen vào đám đông. Nhiếp ảnh gia Trần Hậu đang gò lưng, tay xoa xoay ống kính, chĩa máy ảnh vào con sư tử. Phen này dứt khoát phải có được pô ảnh nhất Bắc kỳ nhì Đông Dương chứ còn gì!
- Ai thế kia, Lý à?
- Tớ trông như cậu Bảo. Bảo ới!

Đúng rồi, ông Địa chính là Bảo. Trông lạ hẳn đi. Cao lớn, áo thụng xanh. Bụng độn cái rá xề xệ cứ như là sắp tụt ra ấy. Đầu chụp trong cái mặt nạ. Nghe tiếng Yến và Lý gọi, Bảo hé cái mặt nạ lên, cười khì một tiếng rồi lại nhún nhẩy tay phe phẩy cái quạt ba tiêu.

Nghe tiếng cười hà hà phía sau, Lý quay lại. Thì ra, ông Thòn, bà ngoại, bà Pham đã đến , đang kiễng chân ngấp nghển ở đằng sau. Ông Thòn nhận ra ông Phón, ông Tuần, ông Xín đóng vai các võ sĩ múa côn. Chà! Ông Phón sử dụng có đến bốn loại côn gỗ, gậy tre, có đến cả ngàn thế công thủ trong các bài Lôi côn, Thiết côn, Vân vũ. Còn múa cây cu liêm, cây chạc ba và trang phục đầu chít khăn, mình trần, đóng khố là ông Xín và ông Tuần. Tài thật, họ sử dụng cả quyền thuật, binh khí, ám khí.

Cheng sập! Cheng sập!
Tùng cheng! Tùng cheng! Cắc tùng cheng!

Giờ thì đã nghe thấy cả tiếng dùi gỗ gõ vào tang trống khô đanh, cả thanh trầm của chiếc chiêng tay và tiếng rung rè của hai cái chũm chọe dập theo nhịp giật đều đều của tiếng trống cái. Giờ thì đã nhận ra âm thanh phát ra từ chiếc trống cái chỉ thình thịch thình thịch mà đâu có đơn điệu, mà rộn ràng cả con tim ta, mà vang động như sấm ran cả một góc trời. Thật không hổ danh là cái khí cụ đầu đàn oai hùng, tiếng trống cái lúc này đang dần dần mở rộng đường biên của không gian, xoá bỏ hết cách ngăn, quyến mọi người vào một chí nguyện, một cơn nhiệt hứng, cố kết mọi người thành một cộng đồng, thúc giục họ cùng hành động.
- Tài thật đấy! —Bà Quế ghé tai bà Pham, rồi tiếp:
- Em không ngờ các chú trên này lại khéo thế. Quê em chắc cũng chả bằng đâu! Em nghe bà dạy cháu Lý các trò chơi như Đánh chuyền, Lộn cầu vồng, Thả đỉa ba ba, Chồng nụ chồng hoa ... mà em thích quá. Chỉ muốn mình bé lại bằng cháu Lý thôi!
- Chà chà...
- Ai nói gì thế nhỉ?
- Chà chà... chẳng lẽ không có ai ngắm nhìn người thủ trống đám hội sư tử này à!

Ông Thòn vừa ngắm nhìn ông Sển, người đánh chiếc trống cái của đám hội vừa lẩm nhẩm như nói thầm trong miệng:
- Chà chà...Quả là không ngoa, nghe trống ông này đánh, bầy hạc từ xa phải vỗ cánh bay về. Còn tôi thì cũng muốn vờn nhảy theo cái đầu sư tử đấy. Nhưng mà, nói cho cùng thì người khới ra cái chuyện này mới thực là chân tướng đây. Dà dà, ai bầy đặt ra cuộc vui này? Ắt hẳn là lúc hỗn loạn mới xuất hiện nhân tài. Người tài này tay trái vẽ được hình vuông, trong khi tay phải còn vẽ được hình tròn đây.

- Nghe ông Thòn lầm nhầm lẩm nhẩm nói vậy, bà Pham biết là ông anh mình nói ai rồi. Mải mê theo dõi bài côn của ông Phón, lát sau bất giác, bà quay lại, định bảo ông anh trai đứng dịch lên mà xem cho rõ, thì chẳng thấy ông đâu.

Bà Quế nói. Bà Pham đăm đăm:
- Mấy hôm nay ông anh em kêu mệt. Chập tối đã đi nằm. Hôm nay chắc nghe trống chiêng vui quá mới đi đấy.
- Chiều nay, thấy vào bữa ông chỉ nhấp có lưng chén rượu, cơm nửa bát vẫn còn nguyên.
- Mà sao hồi này hay nói gở thế - Bà Pham chép miệng - Hôm nọ, nói với bà thì bảo tuổi trời cho đã hết. Hôm qua lại nói rằng: Năm nay có sao cô thần chiếu mệnh, khó qua khỏi!
Tùng tùng tùng cheng!
Tùng cheng tùng cheng tùng cheng!
Tiếng trống của đám hội sư tử từ thị trấn Phong Sa cách năm cây số đường chim bay vọng về thôn Thèn Phàng Một đánh thức Nhu. Chị tỉnh dậy còn vì bỗng nhận ra một làn hương thơm vừa bốc tỏa quấn quýt ở gian giữa căn nhà, nơi chị đặt bàn thờ anh Khánh. Ở đó, lúc này, trong bóng đêm mờ mờ, có bóng một người đàn ông đang thắp hương và chắp tay tưởng niệm chồng chị. Chị biết người đàn ông này. Hôm rồi Lý đi học về nói đã nhìn thấy anh. Chị cũng đã đoán ra, anh là người đã về quê chị theo lời nhắn nhủ của anh Khánh, gặp mẹ chị, nói cho mẹ biết chuyện chị, chuyện cái Lý và chỉ đường cho bà lên đây. Linh tính mách bảo, chị biết anh đã trở về, đã có mặt ở thị trấn này mấy tháng nay rồi. Chị biết là anh đang rất bận. Moi việc đều đang ở điểm khởi đầu, ở bước khởi động. Nhưng chị nghĩ, rồi thế nào anh cũng đến với chị. Em có nghe thấy tiếng trống của đám hội ngoài thị trấn không?
- Em có nghe thấy!
- Trống hội hè mừng em khỏe lại đấy.<
- Em khỏe lại thật rồi, anh à.
- Nghe tiếng em nói, anh biết em đã khỏe trở lại rồi!
- Em cám ơn anh.
- Anh nghe rõ!<