Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Khau Vai - "chợ tình phong lưu"

Khau Vai - "chợ tình phong lưu"

Thứ Hai 6, Tháng Năm 2013

“Chàng ơi xuống núi cùng em/Nhớ mang theo ngựa và đi một mình/Em đây tuy chẳng còn xinh/Có ô che nắng chợ tình phong lưu”... Trong những ngày đầu tháng 5 này, hàng ngàn du khách lại đổ về Khau Vai, nơi có phiên chợ tình "độc nhất vô nhị" trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang

Chợ Khau Vai hôm 4/5/2013. Ảnh: Đỗ Bình, TTXVN

Câu chuyện tình muôn thuở

Chợ tình Khau Vai thường được bà con dân tộc thiểu số trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn gọi là "Chợ tình phong lưu". Chợ tình độc đáo này chỉ diễn ra duy nhất vào ngày 27/3 (âm lịch) hàng năm, kéo dài trong một đêm, một ngày với đúng nghĩa của nó.

Truyền thuyết Chợ tình Khau Vai đã trải qua hơn 100 năm, được bắt nguồn từ một câu chuyện tình của một đôi trai gái. Ngày ấy, mảnh đất Khau Vai (xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc - Hà Giang) có nhiều dân tộc sống thành từng làng, từng bản riêng biệt gồm người Nùng, Giáy, Mông.

Một gia đình nông dân nghèo dân tộc Nùng có ba người con đang độ tuổi đôi mươi, riêng người con thứ ba tên là chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, siêng năng chăm chỉ và có một giọng hát hay, tài thổi khèn, thổi sáo đã làm say đắm biết bao cô gái trong làng.

Ở làng bên, nhà tộc trưởng làng người Giáy lại có nàng Út xinh đẹp đã đến tuổi thích ra bờ suối soi mình. Nàng có bộ tóc dài, dầy và óng mượt, có giọng hát rất hay trong trẻo vút cao và vẻ đẹp rực rỡ của bông hoa rừng. Qua tiếng khèn, tiếng sáo và các câu hát giao duyên của từng mùa trăng, hai người đã đem lòng yêu thương nhau say đắm.

Chuyện tình của chàng Ba và nàng Út đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khau Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Già làng và bố mẹ của đôi trai gái này ra sức ngăn cản, họ cho rằng do khác ma và phong tục tập quán nên chàng trai người Nùng không được phép lấy cô gái người Giáy và ngược lại con gái người Giáy không được phép lấy con trai người Nùng. Hơn nữa, việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ, việc đôi trai gái tự tìm đến với nhau là trái với lệ làng.

Tình yêu say đắm của họ đã bị sự cấm đoán, ngăn cản của hai bên gia đình, dòng tộc nên đôi trai gái đã bỏ bản và bàn nhau trốn lên đèo Mây (nơi thờ tự miếu Ông, miếu Bà bây giờ) để được gặp nhau, thấy nhau, được hưởng thứ men say của một tình yêu đôi lứa, nhưng trong lòng họ vẫn mang nặng một tập tục cũng rất xưa là khi chưa tổ chức cưới và làm lễ nhập ma nhà thì không được sống chung trong một mái nhà. Vì vậy, chàng trai và cô gái dựng hai túp lều ở hai bên kia đồi để sáng ra lại được nhìn thấy nhau và đêm đêm họ lại say sưa trao tình cảm cho nhau qua làn điệu hát giao duyên, hát đối.

Cuộc chạy trốn của đôi trai gái lại càng làm cho mâu thuẫn giữa hai dòng tộc, hai gia đình ngày một trầm trọng hơn. Từ trên đỉnh đèo Mây nhìn xuống, đôi trai gái thấy cảnh tượng xô xát giữa hai dòng họ, hai dân tộc, hai người đành ngậm ngùi vuốt nước mắt và ghìm tình cảm riêng lại để chia tay nhau, quay về can ngăn, hàn gắn lại mối tình đoàn kết xóm làng giữa hai bên gia đình và hai dân tộc.

Lúc chia tay, đôi trai gái hẹn ước cho dù không thành vợ, thành chồng nhưng mỗi năm sẽ lại gặp nhau vào ngày này (tức là ngày 27/3 âm lịch). Thế là đến hẹn lại lên, mỗi năm chàng Ba và nàng Út lại lên ngọn núi đó để gặp gỡ, giãi bày tâm sự về cuộc sống, công việc của hai gia đình trong lao động sản xuất, con cái. Rồi cứ thế, năm tháng qua đi, tuổi già rồi cũng đến, vào cái ngày cuối cùng của cuộc đời họ tìm đến với nhau dưới gốc cây rừng, trên hòn đá thề, ôm chặt lấy nhau mà đi vào cõi vĩnh hằng cũng đúng vào ngày 27/3 âm lịch.

Cảm phục trước câu chuyện tình yêu của đôi trai gái, dòng họ và dân làng quanh vùng đã làm lễ tang ma họ và dựng lên đôi miếu thờ, nay được gọi là miếu Ông, miếu Bà và mở chợ tại ngọn núi - nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ tình Khau Vai từ đó đã được mở ra, mỗi năm chỉ có duy nhất một lần, là nơi hò hẹn của các trai tài, gái sắc đến các cụ ông, cụ bà chỉ một đêm, một ngày ngắn ngủi của phiên chợ để nhắc lại một thời yêu nhau mà không lấy được nhau.

Gọi là chợ nhưng không có người mua, người bán, chỉ tìm lại tình xưa nghĩa cũ, để chia nhau một chén rượu thề, rồi cùng thả lòng mình vào các câu hát giao duyên, trong cái men say của tình, của rượu sau chuỗi ngày xa cách. Và cũng tại phiên chợ này, đã có biết bao đôi trai gái dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn nên duyên thành vợ thành chồng.

Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", những năm qua UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng, 4 huyện vùng cao phía Bắc trên Cao nguyên đá Đồng Văn sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn. Chợ tình Khau Vai đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Chính vì thế, mỗi năm phiên chợ lại đông vui náo nhiệt hơn, Chợ tình Khau Vai càng trở nên lung linh rực rỡ của màu hoa mà không ít lứa đôi từng thổn thức đắm đuối bởi sắc thắm này.

Chợ tình Khau Vai đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn không những của người Hà Giang mà còn hấp dẫn với bạn bè cả nước và khách quốc tế. Nhắc đến Hà Giang không thể không nhắc tới Chợ tình Khau Vai. Du khách gần xa hãy một lần lên thăm Khau Vai vào ngày 27/3 âm lịch, cùng tham dự phiên chợ tình đúng nghĩa độc đáo nhất của con người xứ đá cực Bắc đầy cá tính, cùng thưởng thức một không gian văn hóa đậm nét nhân văn của mỗi dân tộc thiểu số.

Du khách sẽ được nghe những làn điệu dân ca, những câu hát đối, hát phướn của các chàng trai, cô gái người Mông, người Giấy, người Nùng; nghe tiếng sáo tỏ tình, tiếng khèn thiết tha của các chàng trai người Mông; c hiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thiếu nữ Mông, Lô Lô, Giấy, Nùng, Dao trong độ tuổi trăng rằm xúng xính với những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu.

Đến với Hà Giang, du khách được thưởng thức cảm giác ngây ngất trong men say của bát rượu ngô vùng cao và đắm mình trong các hương vị đậm đà, nóng nổi của những món ăn dân dã ẩm thực đặc trưng của bà con dân tộc vùng cao. Du khách sẽ khám phá những giá trị di sản tự nhiên, di sản địa chất và các di sản văn hóa đa dạng, độc đáo của Hà Giang như: Núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - đệ nhất hùng quan, Cột cờ Lũng Cú, Di tích nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn, Chợ tình Khau Vai... Đặc biệt, du khách cùng được thưởng thức một đêm trong "khách sạn ngàn sao" huyền ảo và hít thở khí trời... nhớ về phiên chợ tình độc đáo với những giá trị văn hóa, nhân văn tồn tại bao đời nay trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đỗ Bình, TTXVN