Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > Chuyện tù tội của một nhà báo để bảo vệ nguồn tin

Chuyện tù tội của một nhà báo để bảo vệ nguồn tin

Thứ Năm 9, Tháng Năm 2013

Nếu hành nghề báo chí đúng nghĩa, có lương tâm và sự say mê đến tận cùng, nhà báo phải nhập thân vào nhiều vai, có lúc phải hoạt động ngầm... Họ làm tất cả để có một tác phẩm báo chí nghiêm túc và thuyết phục công chúng. Dù rằng, có lúc chỉ là một bản tin ngắn.

Một đặc thù nghề báo là nguồn tin và người cung cấp thông tin chiếm hết hơn một nửa giá trị của một tác phẩm báo chí.

Chính vì vậy bảo vệ nguồn tin, người cung cấp thông tin là phẩm chất đạo đức hàng đầu của nghề nghiệp, bởi nghề báo là nghề nguy hiểm nhất.

Sự an toàn cho những nhà báo chân chính, cho người đứng về phía họ phải được pháp luật quan tâm nghiêm túc và đầy trách nhiệm.

Bây giờ, chúng ta hãy lắng nghe một câu chuyện dũng cảm khác của một nhà báo ở Hoa Kỳ.

Nữ nhà báo Jana Winter của hãng tin Fox News, Mỹ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ ngồi tù vì quyết bảo vệ nguồn tin của mình trong vụ xả súng kinh hoàng tại rạp chiếu phim ở Colorado hồi năm ngoái.

Câu chuyện của Winter khiến nhiều người nhớ lại rất nhiều vụ án mà trong đó, các nhà báo thà chịu ngồi tù còn hơn là tiết lộ nguồn tin của mình. Nếu không thể bảo vệ cho các nguồn tin của nhà báo, thế giới sẽ không chứng kiến những sự thật rúng động phanh phui từ vụ Water Gate, hay rất nhiều vụ tham nhũng, bê bối kinh hoàng khác.

Nhà báo Taricani

Tháng 2/2001, nhà báo kỳ cựu Jim Taricani ở Providence của WJAR - mạng lưới truyền hình hãng NBC, gây nên chấn động trong làng báo Mỹ.

Ông đã quyết định ngồi tù cùng với trái tim đáng ra phải được thay để bảo vệ nguồn tin của mình đến cùng.

Vụ việc mà Taricani theo đuổi khi đó là một cuộc điều tra kéo dài của liên bang có tên Chiến dịch Plunderdome khiến ít nhất 9 quan chức thành phố Providence bị kết án, trong đó có Thị trưởng Vincent A. Cianci Jr. với 64 tháng tù vì âm mưu gian lận tiền bạc.

Nhân viên thân tín của ông Cianci là Frank E. Corrente cũng bị kết tội tham nhũng vì nhận số tiền hối lộ 1.000 USD từ một doanh nhân giấu mặt. Trên thực tế, doanh nhân này chính là một mật vụ của FBI đóng giả, và cũng là người bí mật ghi hình vụ nhận hối lộ.

Taricani đã nhận được bản sao của đoạn video này và cho đăng tải vào tháng 2/2001. Sau khi thông tin được phát đi, Thẩm phán Torres chỉ định một công tố viên đặc biệt điều tra xem ai đã cho rò rỉ đoạn băng trên.

Sau khi công tố viên thẩm vấn 14 người, tất cả trong số họ đều phủ nhận là người đã cung cấp đoạn băng cho Taricani.

Thẩm phán Torres đã cho là Taricani cưỡng lệnh tòa. Taricani bị phạt 1.000 USD mỗi ngày cho đến khi nào ông chịu khai ra tên nguồn tin.

Hãng truyền hình quyết định chi trả số tiền 85.000 USD cho Taricani, Thẩm phán Torres nâng mức tội của Taricani từ ‘cưỡng lệnh tòa’ thành ‘khinh mạn quan tòa’.

Luật sư của Taricani bào chữa rằng thân chủ của ông được bảo hộ trong Tu chính án thứ Nhất, và nói rằng việc phát đi đoạn băng này không ảnh hưởng tới việc bị đơn phải được xét xử trong một phiên tòa công bằng.

Thẩm phán Torres nói rằng phán quyết của ông có thể sẽ dao động tùy thuộc vào việc nhà báo Taricani sẽ trả lời câu hỏi: ông ta có biết rằng người cung cấp đoạn băng làm như vậy là rất bất hợp pháp hay không. Taricani đáp lại ông và các luật sư chưa quyết định xem có nên trả lời câu hỏi đó hay không.

Đến tháng 11, Taricani bị kết tội ’kinh mạn quan tòa’ và một tháng sau đó, ông bị quản thúc tại nhà trong sáu tháng liền. Nhưng ông được thả sớm hơn dự kiến 2 tháng.

“Khi trở thành nhà báo vào 30 năm trước, tôi chưa từng hình dung là tôi lại phải đứng trước phiên tòa và đối mặt với việc ngồi tù chỉ đơn giản vì công việc của mình” – Taricani nói bên ngoài tòa án sau khi bị kết tội.

Taricani không phải là người đầu tiên bị bắt giam vì muốn bảo vệ nhân chứng của mình. Nhưng Lucy Dalglish – giám đốc của Ủy ban Tự do báo chí của các Nhà báo – cho biết, vụ việc của Taricani rất bất thường ở chỗ ông ngồi tù không phải vì bị buộc phải cung cấp nguồn tin, mà là bị trừng phạt nếu như từ chối cung cấp nguồn tin.

Là nhà báo thuộc hàng ‘lão làng’ đã 55 tuổi, Taricani đã giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có 4 giải Emmy. Ông nói: ‘Tôi ước sao có thể công khai tất cả các nguồn tin của mình, nhưng khi mọi người cảm thấy sợ hãi thì một lời hứa về sự cẩn mật có lẽ là cách duy nhất để đưa thông tin đến với công chúng, và trong một số trường hợp, để bảo vệ chính nguồn tin đó. Tôi đã hứa với nguồn tin của tôi, và tôi sẽ giữ lời”.

Trước khi ngồi tù, Taricani đã chịu 2 cơn đau tim trong suốt 18 năm. Ông đã từ chối ca phẫu thuật thay tim vào năm 1996. Trước khi vào tù, vấn đề khiến ông lo ngại nhất chính là sức khỏe.

Một ngày, Taricani được hỏi về việc ông cảm thấy thế nào khi ngồi tại bàn bào chữa của bị cáo trong chính phòng xử án mà ông từng đưa tin về những vụ việc tương tự.

“Đó không phải là nơi hay ho gì để ngồi vào” – Taricani nói. Nhưng khi được hỏi về quyết định của mình, nhà báo này khẳng định: “Tôi không hối tiếc về bất cứ điều gì hết”.

Ở Việt Nam, năm ngoái, tại một hội thảo về bảo vệ nguồn tin báo chí, cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc khá bức xúc trước nguồn tin của báo chí có nguy cơ bị xâm hại.

Bản thân ông đã từng lên tiếng phản đối việc cơ quan điều tra yêu cầu một phóng viên công khai nguồn tin.

“Khi thấy một thông tin trên báo chưa rõ đúng sai, cơ quan điều tra đã triệu tập, yêu cầu cung cấp nguồn tin là chưa có căn cứ pháp lý. Muốn triệu tập thì phải có quyết định khởi tố vụ án vì khi đó mới có thể áp dụng Bộ Luật Tố tụng hình sự. Việc xác minh thông tin là việc riêng của cơ quan điều tra, sẽ hợp lý hơn khi họ phải tự xác minh lấy thông tin”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng phòng Pháp luật chính sách, Cục Báo chí) cũng bày tỏ: “Do tính chất đặc thù của nghề báo, nhà báo có trách nhiệm xã hội cao hơn. Mỗi bài viết của họ có tác động nhất định trong xã hội. Chính vì vậy các cơ chế bảo vệ nhà báo là hết sức cần thiết, trong đó bảo vệ nguồn tin là một trong các cơ chế đó để nhà báo làm tốt công tác của mình”.

Bà Hà Kim Chi (Hội Nhà báo Việt Nam) còn đề nghị cần coi nhà báo tác nghiệp là hoạt động thi hành công vụ, đặc biệt là đối với các nhà báo chuyên làm điều tra, chống tiêu cực.

Dư luận phản ứng mạnh kể từ khi Bộ Công an có ý định cho biết cơ quan này sẽ kiến nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 7 Luật báo chí, cho phép thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp yêu cầu cơ quan báo chí và nhà báo cung cấp nguồn tin.

Nhà báo Mai Phan Lợi, phó tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP HCM nói với Người đưa tin, nếu điều này diễn ra trên thực tế thì ’nó sẽ thành một sự kiện chấn động với các nhà báo’.

Thủy Thanh tổng hợp (NĐT)