Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Cảnh báo thạch tín trong bia Đức
Cảnh báo thạch tín trong bia Đức
Thứ Tư 5, Tháng Sáu 2013
Dù không nêu đích danh nhãn hiệu bia nào nhưng báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) cho biết hàm lượng thạch tín trong 140 mẫu bia đang bán ở thị trường Đức vượt quá ngưỡng cho phép.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả kiểm tra các mẫu bia cho thấy thạch tín bắt nguồn từ một vật liệu lọc có tên là đất tảo cát (kieselguhr) hay đất mùn (đất diatomit), loại nguyên liệu được dùng rộng rãi trong thanh lọc bia và quá trình sản xuất một số sản phẩm khác. Mặc dù các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu này trấn an rằng hàm lượng thạch tín phát hiện trong bia bán tại Đức “mới chỉ cao hơn ngưỡng cho phép một chút, khó có thể gây bệnh ở người dùng”, nhưng cũng không khỏi làm dư luận lo ngại. Đặc biệt là khi các loại bia Đức xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường VN, như bia Oettinge, Bermania, Flensburger, Dab, Erdinger…
Tiếp xúc với Thanh Niên, một đại lý bia rượu ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) xác nhận hiện có bán nhiều loại bia Đức. “Do còn khá lạ nên nhiều người mua uống thử”, vị này nói. Giá bia Đức cũng vừa phải, mức tiêu thụ không cao lắm. Theo đại diện hệ thống siêu thị LOTTE Mart, siêu thị này cũng đang kinh doanh khoảng 5 nhãn hiệu bia nhập khẩu từ Đức. Hệ thống siêu thị Big C cũng đang bán 3 nhãn hiệu bia Đức là Bitburger, Oettinger và Kostriger, giá khoảng từ 25.000 đồng/lon (hoặc chai 330 ml) đến 100.000 đồng/lon (hoặc chai 330 ml). “Khi nhập hàng Big C đều yêu cầu nhà cung cấp phải có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm”, phía Big C cho biết.
Việt Nam chưa có chỉ tiêu kiểm tra
Theo các nhà khoa học, thạch tín có tên hóa học là asen, thuộc nhóm kim loại nặng. Trong công nghiệp, nó được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu, thủy tinh, thuốc rụng lá, thuốc pháo... Ở dạng hợp chất vô cơ, thạch tín rất độc nếu sử dụng liều lượng cao. Chỉ 0,06 gr thạch tín vào cơ thể cũng đủ gây ngộ độc. Với liều lượng gấp đôi có thể gây tử vong. Viện Hàn lâm khoa học Mỹ cảnh báo, chất thạch tín trong nước uống, dù rất ít cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế cộng đồng (Bộ Y tế), cho biết: “Thạch tín là 1 trong 5 chất độc cấm sử dụng (cùng với chì, thủy ngân, cadimi... - PV). Người ta thường dùng thạch tín để đầu độc, giết người. Chất này có mặt khắp nơi, có trong tự nhiên, nguồn nước, đất đai, không khí… từ đó đi vào chuỗi thực phẩm. Dù nhà sản xuất không cho vào nhưng thạch tín vẫn xuất hiện trong thực phẩm, thức uống. Cơ thể con người có cơ thế đào thải, một ít thạch tín vào sẽ bị thanh lọc, khử độc, thải ra ngoài. Nếu hàm lượng thạch tín vào cơ thể quá nhiều sẽ tích tụ lâu ngày, gây bệnh, gây hư gan, hư thận...”. Cũng theo bác sĩ Mai, cấm hẳn chất thạch tín xuất hiện trong thực phẩm là bất khả thi nên chỉ còn cách kiểm soát ở hàm lượng cho phép.
Đặt vấn đề này với đại diện Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) thì được biết, thời gian qua trung tâm rất ít tiếp nhận kiểm tra bia nhập từ Đức. Theo quy chuẩn VN, mặt hàng bia hiện chỉ kiểm tra 2 chỉ tiêu, là chì và thiếc, chưa có chỉ tiêu kiểm tra thạch tín. “Tôi hơi nghi ngờ thông tin này, vì có khi các nhà khoa học Đức thực hiện nghiên cứu trong điều kiện nhất định nên kết quả chưa chính xác. Tuy nhiên, nước ngoài đã cảnh báo thì chúng ta nên rà soát, xem hàm lượng thạch tín có trong các loại bia này là bao nhiêu? Hàm lượng độc tố như thế nào? Đánh giá xem đã đến mức nguy hiểm cho sức khỏe chưa? Nếu có phải kiểm tra xử lý, đồng thời nên bổ sung chỉ tiêu thạch tín vào quy chuẩn VN”, đại diện Quatest 3 nói.
...“Nước ngoài đã cảnh báo thì chúng ta nên rà soát, xem hàm lượng thạch tín có trong các loại bia này là bao nhiêu? Hàm lượng độc tố như thế nào? Đánh giá xem đã đến mức nguy hiểm cho sức khỏe chưa? Nếu có phải kiểm tra xử lý, đồng thời nên bổ sung chỉ tiêu thạch tín vào quy chuẩn VN” -- Đại diện Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.
- Hoàng Việt (TN)