Văn học Bồ Đào Nha:
Jorge de Sena (1919-1978)
Nhà thơ Bồ Đào Nha
PortugalTiểu sử
Jorge de Sena (2/11/1919 - 4/6/1978) tên đầy đủ là Jorge Cândido de Sena. Ông là nhà thơ, nhà văn, tiểu thuyết gia, nhà phê bình, nhà viết kịch, dịch giả và giáo sư đại học Bồ Đào Nha. Ông sinh ở Lisboa. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Porto với tấm bằng kỹ sư, ông phục vụ quân đội trong thời chiến. Sau chiến tranh, ông hoạt động trong phong trào đòi quyền dân sinh, dân chủ và bị bắt đi đày trong trại tập trung. Ông trốn trại và sang Brazil, sống lưu vong và dạy học ở São Paulo. Năm 1965, ông sang dạy đại học ở Mỹ. Ông đã xuất bản trên chục tập thơ.
Jorge de Sena qua đời vì bệnh ung thư, thọ 58 tuổi. Ngày 11/12/2009 hài cốt của ông được chuyển đến Santa Barbara, California (Mỹ), cho Nghĩa trang Prazeres ở Lisbon, sau nghi lễ tôn vinh ở Nhà thờ Thánh Estrela, với sự hiện diện của gia đình, bạn bè và các tổ chức xã hội.
Tác phẩm
Đúc kết theo thần học
Người thương ơi, anh không xuất hiện ở chỗ em không tới được
Và khi anh sinh ra, chẳng có con tàu nào gặp tai ương trên khắp nẻo trùng khơi
Cũng không gặp gì oái oăm. Chỉ ngoại trừ chiến tranh
Cứ tiếp diễn làm bánh mì tăng giá
Cũng không thấy gì tức cười. Chỉ ngoại trừ các nhà thơ
Cứ đau khổ theo nhau vì tình yêu không giải mã
Và không có gì buồn hơn, ngoại trừ vô số con người
Cứ bí ẩn già đi từng khoảnh khắc
Rồi đến tận hôm nay, người thương ơi, anh không sao biết
Có phải phần nào do lỗi của anh không
Mà lại có bao người, sinh cùng giờ khắc như anh
Cứ mơ mộng như anh mà không sao khác được!
Bằng Việt dịch (từ tiếng Nga)
Nguyên tác:
Suma Teológica
Não vim de longe, meu amor, nem sossobraram
navios no alto mar, quando nasci.
Nada mudou. Continuaram as guerras;
continuou a subir o preço do pão;
continuaram os poetas, uma vez por outra,
a perguntar por ti.
É certo que, então, imensa gente
envelheceu instantânea e misteriosamente.
Mas até isso, meu amor, se não sabe ainda
se foi por minha causa,
se por causa de outros que terão nascido
ao mesmo tempo que eu.
Thiên đường nhân tạo
Trên mảnh đất này không có đất, chỉ có bê tông, hè phố
Không có đồi hoang vu, chỉ có đồi đã bán đã mua
Đã đổi chủ nhiều lần, vì lý do tiền bạc!
Trên mảnh đất này, không tìm được cây nào trổ hoa
Hoa là của hiếm trong ban công, trong chậu cảnh
Bù lại, chỉ thấy khói phun từ xe, từ máy chặt của cành
Trên mảnh đất này, không nghe được tiếng chim rừng
Trừ con sáo ở tầng ba, con vẹt ở tầng năm bẻm mép
Và âm nhạc là gió sầm sầm va trên mái tôn
Trên đất này không còn lều quán rạ rơm
Không còn những ngôi nhà bé xinh cổ tích
Ở những xứ thần kỳ như Trung Quốc, Ba Tư
Chỉ duy nhất cuộc đời không biến thành nhân tạo
Với những số phận người - khác biệt đến thần kỳ
Với mọi nỗi thăng trầm không một ai đoán định!
Bằng Việt dịch (từ tiếng Nga)
Nguyên tác:
Os paraísos artificiais
Na minha terra, não há terra, há ruas;
mesmo as colinas são de prédios altos
com renda muito mais alta.
Na minha terra, não há árvores nem flores.
As flores, tão escassas, dos jardins mudam ao mês,
e a Câmara tem máquinas especialíssimas para desenraizar as árvores.
Os cânticos das aves - não há cânticos,
mas só canários de 3º andar e papagaios de 5º.
E a música do vento é frio nos pardieiros.
Na minha terra, porém, não há pardieiros,
que são todos na Pérsia ou na China,
ou em países inefáveis.
A minha terra não é inefável.
A vida da minha terra é que é inefável.
Inefável é o que não pode ser dito.
Hạnh phúc
Hạnh phúc suốt ngày ngồi bên cửa sổ
Hạnh phúc có cái nhìn đăm chiêu, hờn dỗi
Của trẻ em
Khi không có ai yêu nó!
Vì mãi ngồi không như thế
Nó thỉnh thoảng lại cù một sợi tóc con vào mũi mọi người
Nhưng dẫu sao, còn là trẻ con
Nó vẫn tìm ra những bí mật vĩ đại!
Bằng Việt dịch (từ tiếng Nga)
Nguyên tác:
A Felicidade
A felicidade sentava-se todos os dias no peitoril da janela.
Tinha feições de menino inconsolável.
Um menino impúbere
ainda sem amor para ninguém,
gostando apenas de demorar as mãos
ou de roçar lentamente o cabelo pelas faces humanas.
E,como menino que era.
achava um grande mistério no seu próprio nome
Nguồn: Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX, Bằng Việt, NXB văn học, 2005