Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Vì sao nhiều trẻ Việt mất tích tại Anh?
Vì sao nhiều trẻ Việt mất tích tại Anh?
Sam Judah
Thứ Tư 19, Tháng Sáu 2013
Trong căn hầm ngôi nhà của Jimmy, cần sa lớn lên dưới ánh đèn sáng. Trên lầu, chiếm hơn một nửa tầng áp mái là những cây trưởng thành hơn đang nở hoa trong các khay có đèn chiếu sáng, giữa những tiếng xè xè của hệ thống phun nước tự động và cung cấp chất dinh dưỡng.
Đây là cần sa "thủy canh", phát triển mà không cần đất trong khay. Ngôi nhà của Jimmy với các bức tường và rèm cửa khép kín là một trong những "trang trại trong nhà" đã mọc lên khắp nước Anh trong những năm gần đây ...
Một hội nghị thượng đỉnh quốc tế về người mất tích đang hy vọng sẽ giải quyết vấn đề bóc lột và buôn người. Tại Vương quốc Anh, một số lượng lớn thanh thiếu niên mất tích có nguồn gốc từ Việt Nam. Vì sao vậy?
Mỗi bức ảnh trên trang web Missing Kids UK chuyên thông báo về thanh thiếu niên mất tích ở Anh là một câu chuyện riêng, nhưng khi đặt xen chúng bên nhau ta dễ nhận thấy một điều đặc biệt nổi lên, khó có thể bỏ qua.
Một số lượng lớn thanh thiếu niên mất tích có nguồn gốc Đông Á và Đông Nam Á, nếu xem xét kỹ hơn thì hầu hết những người này đều đến từ một quốc gia.
Trong số 113 trẻ em và thanh niên có trên danh sách này - không bao gồm các trường hợp mất tích ngắn hạn, hoặc những trường hợp không được đưa ra vì lý do an toàn - thì gần 1/5 mang tên Việt, mặc dù cộng đồng người Việt chiếm chưa tới 0,1% dân số Anh. Hầu hết chúng được cho là đã bị bán sang Anh bởi các băng nhóm, rồi được phát hiện bởi cảnh sát và đưa vào các trung tâm chăm sóc.
Trẻ vị thành niên bị buôn bán từ đâu?
Trong năm 2012, UK National Referral Mechanism (Cơ quan Tham chiếu Anh Quốc - một nơi hỗ trợ xác định nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người) đã nhận được 371 thông tin cảnh báo liên quan đến trẻ vị thành niên.
Đứng đầu danh sách trên là 5 quốc gia:
- Việt Nam - 96 trẻ
- Nigeria - 67
- Albania - 25
- Vương quốc Anh - 22
- Trung Quốc - 20
Nguồn: Cơ quan tội phạm nghiêm trọng có tổ chức (SOCA)
Các em rõ ràng không chạy trốn khỏi những kẻ bắt cóc mình, nhưng thường lại chạy trốn khỏi những gia đình nhận nuôi dưỡng và các trung tâm chăm sóc, trong một áp lực phải trả nợ nặng nề, và để bảo vệ gia đình của mình khỏi bị trả thù tại Việt Nam.
Văn, một cậu bé Việt 15 tuổi dường như từng xuất hiện dưới cái tên khác trên các trang web, đã xâm nhập lậu vào nước Anh bằng xe tải và buộc phải làm việc như một đầy tớ trong nhà của bọn buôn người. Sau đó cậu được đưa vào làm việc như một "thợ làm vườn" trong một số trại ttrồng cây cần sa trên toàn Vương quốc.
Với Harry Shapiro từ Drugscope (cơ quan theo dõi ma tuý), câu chuyện trên nghe rất quen. Ông nói rằng các băng nhóm người Việt đang kiểm soát một phần lớn ngành công nghiệp cần sa ở Anh.
"Ngành đó bắt đầu với băng đảng người Việt tại Canada," ông nói. "Họ không có truyền thống trồng cần sa, nhưng xảy ra chuyện một nhóm tình cờ tìm thấy thị trường béo bở và việc kinh doanh có lẽ từ khoảng năm 2004 đã lan đến Vương quốc Anh thông qua các cộng đồng tội phạm người Việt."
Các trại trồng cần sa thường được đặt ngay trong nhà dân cư, hầu như đều hoạt động với quy mô nhỏ để giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện. Đèn thủy ngân công suất lớn và hệ thống tưới nước đã giúp tăng tốc độ tăng trưởng của cây, và các lao động trẻ như cậu Văn thường bị nhốt trong nhà có cửa khóa từ bên ngoài.
Các vụ cảnh sát thu giữ cần sa đã tăng nhanh, từ 3.000 năm 2004 lên hơn 16.000 trong năm 2011. Tuy nhiên, như ông Shapiro chỉ ra, một phần nguyên nhân của sự tăng trưởng đó có thể là kết quả của việc giám sát ma tuý được tăng cường.
Hiệp hội các Cảnh sát trưởng (Association of Chief Police Officers - ACPO) từ chối bình luận về chủng tộc của những người phụ trách các trại cần sa, nhưng bà Klara Skrivankova thuộc Tổ chức quốc tế chống chế độ nô lệ (Anti-Slavery International) tin rằng có một khuynh hướng rõ rệt về chủng tộc trong vấn đề này.
"Có những người khác tham gia - như các băng đảng người Anh và người Hoa - nhưng chủ yếu là người Việt và mô hình đó là tương tự trên khắp châu Âu," bà nói.
Điều này giúp giải thích sự gia tăng số lượng người trẻ tìm đường vào Vương quốc Anh từ Việt Nam. "Các băng nhóm người Việt đang nhắm mục tiêu vào chính người dân của họ. Thường có một mối tương quan về quốc tịch giữa các nạn nhân và bọn buôn người," Skrivankova nói.
Năm ngoái có 96 thiếu niên Việt Nam được thông báo cho cơ quan theo dõi việc buôn người của chính phủ Anh, khiến Việt Nam trở thành quốc gia xếp hạng cao nhất về xuất xứ của các nạn nhân bị nghi ngờ ở độ tuổi dưới 18.
Văn cho biết thường xuyên bị đánh đập trong một trang trại, nhưng đã trốn thoát hồi đầu năm 2012. Sau khi lang thang một ngày, cậu đã tìm kiếm sự giúp đỡ trong một đồn cảnh sát địa phương, nơi họ lấy dấu vân tay của cậu và phát hiện nó liên quan với những trại cần sa. Cậu đã bị bắt vì tình nghi trồng cần sa.
Án hình sự đối với trẻ em không phải là hiếm ở Anh, mặc dù có một thách thức pháp lý đang được gắn kết để ngăn chặn việc này.
Parosha Chandran, luật sư nhân quyền, hiện đang tranh tụng một trong ba trường hợp kiểm tra tại Tòa án phúc thẩm trong nỗ lực lật lại việc kết án cậu bé Văn bị truy tố về tội trồng cần sa.
"Cần phải có một ma trận bảo vệ cho những trẻ em không có ai để bảo vệ chúng, không chỉ từ bàn tay của lũ buôn người mà cả từ hệ thống tư pháp hình sự," cô nói.
Tuy nhiên, trường hợp trên chỉ có thể hy vọng giải quyết một khía cạnh của vấn đề. Cho dù bị kết án hay không, các em sẽ được đem đến trung tâm chăm sóc, và từ đó một loạt những khó khăn mới lại bắt đầu.
Văn đã được hướng dẫn để thoát truy tố và có thể chuyển đến sống với một gia đình nhận nuôi. Cậu có vẻ hoà nhập tốt với cuộc sống mới của mình, nhưng một tuần sau đó, cậu tới lớp học tiếng Anh và không bao giờ quay trở lại.
Các nhà chức trách tin rằng cậu có thể đã bị chính bọn đưa cậu sang Anh ép buộc phải rời khỏi những người chăm sóc nuôi dưỡng của mình, và cậu hiện đã bị mất tích trong hơn một năm. Ước tính rằng hơn một nửa số trẻ vị thành niên bị buôn bán được đưa vào các trung tâm chăm sóc ở Anh đã biến mất.
Chloe Setter thuộc ECPAT của Vương quốc Anh, một tổ chức từ thiện hoạt động để bảo vệ các nạn nhân, giải thích rằng sức mạnh của mạng lưới tội phạm đã kiềm chế cả nạn nhân lẫn gia đình các em.
Các đại diện cho băng nhóm tại Việt Nam hứa hẹn rằng trẻ em sẽ được làm việc hoặc giáo dục ở châu Âu. "Đôi khi cha mẹ vay mượn hoặc bán cả đất đi để gửi con đến Vương quốc Anh."
Con cái của họ tới Anh với gánh nợ có thể lên đến 15.000 bảng, chưa kể lãi suất tích lũy theo thời gian. "Bọn buôn người nói với trẻ vị thành niên rằng nếu chúng cố trốn thoát, bọn họ sẽ làm tổn thương chúng hoặc gia đình của chúng tại Việt Nam. Đó là một mối đe dọa rất thực tế vì các băng nhóm biết nơi ở của các gia đình đó", bà cho biết thêm.
Liam Vernon, người đứng đầu Trung tâm chống buôn bán người của chính phủ Anh nói rằng đôi khi cảnh sát tìm thấy cửa ra vào trại cần sa không bị khóa, vì các băng nhóm biết nạn nhân quá sợ hãi không dám bỏ chạy.
Philip Ishola, chỉ huy Văn phòng chống buôn bán người, vừa trở về từ Việt Nam với một cái nhìn cay đắng về khả năng của mạng lưới đen. "Chúng tôi biết có ít nhất hai trường hợp gia đình đã bị nhắm đích", ông nói.
Thí dụ một cô bé bị buôn bán vào Vương quốc Anh đã được đưa vào trung tâm chăm sóc, nhưng rất lo cho cha mẹ. "Chúng tôi liên hệ với những người ở Việt Nam để xem gia đình cô có ổn không, và mặc dù không ai bị đánh đập song trang trại gia đình đã bị đốt cháy trụi," ông nói.
Việc giải quyết những vấn đề này đang được tiến hành. Các quan chức từ Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã đi cùng Ishola trong chuyến công tác gần đây tới Việt Nam, nơi mà chính phủ sở tại đang theo dõi các đường dây đưa người ra khỏi đất nước.
Tại Anh, nhiều tổ chức thiện nguyện đang làm việc cùng với các cơ quan chính phủ để nâng cao nhận thức về hiện tượng này, không chỉ giới hạn ở Việt Nam. Họ đưa ra những lời kêu gọi để tất cả các nạn nhân được xác định sẽ có giám hộ, người sẽ chịu trách nhiệm pháp lý đối với phúc lợi của nạn nhân.
"Những gì đã làm vẫn là chưa đủ", ông Setter nói, tốc độ thay đổi quá chậm. "Mặc dù có một số thực hiện tốt, chúng ta vẫn thấy trẻ bị mất tích và bị tái buôn bán."
Vernon đồng ý rằng vấn đề này là sâu rộng và phức tạp, ông không nghĩ rằng có một tổ chức nào biết tất cả các câu trả lời. "Đó là một con đường dài," ông nói, "và chúng tôi không thể một mình đạt được điều đó."
Sam Judah, BBC News Magazine
NCC dịch ©2013
Xem online : Why are so many of the UK’s missing teenagers Vietnamese?