Nguồn gốc người Việt (1) : NHẬP ĐỀ

Đ.N.Giao

Việt Nam

Nguồn gốc người Việt, muốn tìm hiểu điều này phải để cho những ông bà nào có bằng Ph.D. trong môn nhân chủng học mới đúng, ngoài ra cần có tiền nữa; tiếc là ở Việt Nam (viết tắt "VN") chưa có ai như vậy được cấp đủ tiền để làm chuyện như vậy. Những người quan tâm chỉ còn cách tự mình đi tìm hiểu lấy. Trong đám này, trước 1975, đáng kể hơn hết hẳn là Bình Nguyên Lộc với cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Cuốn này nói gì?

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

Cách đây lối 5.000 năm, chủng Anh-Đô-Nê-Diêng, tức cổ Mã Lai, từ đâu không biết, và không biết vì lẽ gì, di cư đến Triều Tiên, đến Nhựt Bổn, đến Đài Loan, đến Cổ Việt và đến đảo Célèbes ở Nam Dương. Đồng thời họ cũng di cư sang Đông Ấn Độ rồi từ Đông Ấn Độ họ đi sang Đông Dương…

Cách đây lối 2.500 năm chủng Cổ Mã Lai từ cực Nam Hoa Nam đi thẳng xuống bán đảo Mã Lai Á, rồi từ đó sang Nam Dương quần đảo và từ Nam Dương sang Madagascar và Phi Luật Tân…

…bọn trước được đặt tên là Austro-asiatiques để phân biệt với bọn sau…

…tên bọn sau là Austronésiens…

…tổ tiên ta là hai ba đợt Mã Lai nhập lại với nhau…

Tác giả đã viết 300 trang sách để nói cho rõ những ý trên, và khi coi xong, trong đầu người ta chỉ còn lại một chữ: “chạy”. Cuốn sách cho rằng tổ tiên người VN ra đời đâu đó phía Himalaya, đi lên miền bắc Trung Quốc (viết tắt "TQ"), ở chưa ấm chỗ, rồi bắt đầu chạy. Chạy bằng đường bộ, chạy bằng đường biển, chạy qua sông. Chạy xuống tới miền bắc VN bây giờ thì thôi không chạy nữa, ở lại.

Một nhóm người khi bị lấn chẳng biết làm gì mà chỉ biết chạy và chạy, thì có lẽ mãi mãi sẽ chạy hoài chớ không bao giờ chọn đại một nơi nào đó để mà cố ở lại cho bằng được. Nếu nhóm người nào ở TQ cũng chạy như vậy thì bây giờ bên TQ chỉ còn rặt một sắc dân Hán chứ không phải có hơn năm chục sắc dân vẫn đang ở đó cả ngàn năm nay.

Vì sao cứ phải cho rằng người VN gốc ở phía TQ chạy xuống? Vì sao không nghĩ rằng người VN vốn ở miệt này, miệt Đông nam Á này, từ xưa đến nay? Phải có cái gốc ở đây, thì mới có ý muốn ở đây cho bằng được, thì mới có ý chí giữ lấy cái đất vốn là của mình.

Ngoài ra, Austroasiatic (Nam Á) và Austronesian (Nam Đảo) là tên gọi hai “họ” tiếng nói khác nhau, chứ không phải tên gọi hai nhóm người nào. Tiếng Austroasiatic thì người VN đang nói và đếm trên 2 bàn tay như trong bảng sau:

một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười
ciek duo tigo ampek limo anam tujuah salapan sambilan puluah

Tiếng Austronesian thì người Indonesian đang nói và đếm như trong bảng trên.

Bẵng đi bốn năm chục năm, bây giờ khoa học nói chung và nhân chủng học nói riêng đã tiến xa lắm, những người quan tâm hẳn sẽ cho ta biết được nhiều điều mới hơn. Nào ta xem thử.

(1) Nguyễn Văn Tuấn, Cung Ðình Thanh, Nguyễn Ðức Hiệp:

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

…Khởi thủy, người hiện đại (Homo sapiens sapiens) từ Đông Phi đến Đông Nam Á; rồi từ đó họ tiến lên phía Bắc.

Đây là cái mới, học được ở đây.

…Sau vì có sự phối hợp với chủng từ Tây Bắc xuống,…

Ở trên đã nói là “người hiện đại từ Đông Phi đến Đông Nam Á rồi từ đó họ tiến lên phía Bắc” vậy còn chủng nào từ Tây Bắc xuống và ở đâu ra chủng đó? Nếu thực là có thì tại sao 2 cái “chủng” đó phải “phối hợp”? Chuyện “phối hợp” coi vậy đâu phải dễ: khi hai nhóm người có hình dáng khác nhau, tiếng nói khác nhau, mà gặp nhau, hẳn là mỗi nhóm sẽ tìm một nơi riêng để ở, chớ đâu phải nhào vô “phối hợp” liền; ngay cả thời nay, theo lẽ thường, người Nhựt cũng đâu ai sẵn sàng chịu “phối hợp” với người Congo, dù họ đều biết nói tiếng Anh, thí dụ như vậy.

…họ hợp thành cái cốt lõi của dân sống ở Trung Quốc ngày nay.

Cái “cốt lõi của dân sống ở Trung Quốc ngày nay” có thể nói khơi khơi và dễ dàng như vậy sao?

…Đó là giai đoạn Nam lên Bắc. Giai đoạn này khoảng từ sau 40.000 năm cách ngày nay cho đến 3.000 năm cách ngày nay thì Trung Hoa bắt đầu có loạn Xuân Thu Chiến Quốc. Đến khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhất là từ khi nhà Hán cai trị Trung nguyên, những dân thuộc Đại tộc Bách Việt ở các nước lưu vực sông Dương Tử xuôi về Nam, không chịu sự đồng hóa của người Hoa Hán đã di dần về phương Nam.

“Những dân thuộc Đại tộc Bách Việt” từ đâu thình lình hiện ra?

…Một số những người thuộc nhóm này đã sát nhập với dân Lạc Việt.

Dân Lạc Việt này là ai mà đùng một cái đã có ở đó lúc đó? Còn một số khác không “sát nhập với dân Lạc Việt” thì thành ra cái gì?

…Giai đoạn này kéo dài cũng cả ngàn năm, nhưng những thiên di từ đời Tần đến đời Đông Hán (khoảng 300 năm trước CN đến 100 năm sau CN) có lẽ là quan trọng hơn cả. Chúng tôi tin rằng đó là một phần của kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Vậy sao?

(2) Hà văn Thùy:

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

Từ những dữ kiện nêu trên, có thể nhận định về cội nguồn người Việt như sau: Sau khi từ Đông Phi thiên di tới Trung Đông, người Homo sapiens rời Trung Đông vượt qua Pakistan, Ấn Độ rồi theo bờ biển Nam Á đặt chân đến miền Trung và miền Bắc Việt Nam khoảng 60 đến 70.000 năm trước… Trong khoảng 10.000 năm dừng chân tại đây, hai đại chủng người tiền sử là Mongoloid và Australoid đã hòa huyết...

Tác giả xài lại một ý niệm lỗi thời là “chủng” (race). Không hiểu hai chủng Mongoloid và Australoid từ đâu ra, sao lại thình lình cùng có mặt một chỗ để “hòa huyết”? Chuyện “hòa huyết” cũng như “phối hợp” ở bài trên, xin nhắc lại, sao mà dễ dàng với người xưa đến vậy?

…tạo thành hai nhóm loại hình Indonesien và Melanesien cùng một số loại hình chuyển tiếp giữa chúng đồng thời mở rộng địa bàn cư trú ra khắp lục địa Đông Nam Á.

Cái gọi là “nhóm loại hình Indonesien và Melanesien” và "một số loại hình chuyển tiếp giữa chúng" là gì vậy ta?

…Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, một nhóm người Mongoloid sống biệt lập tại phía Tây Bắc Đông Nam Á, không có sự hòa huyết với người Australoid, di cư lên phía Bắc theo con đường qua đất Ba đất Thục lên sống ở miền Tây Bắc Trung Quốc thành chủng Mongoloid phương Bắc.

“Một nhóm người Mongoloid” trở thành “chủng Mongoloid phương Bắc”: hai cái này khác nhau chỗ nào?

…Có thể hình dung kịch bản sau: Người Đông Nam Á di cư lên phía bắc làm nhiều đợt trong suốt thời gian dài.

Ở trên nói đã mở rộng địa bàn cư trú ra khắp lục địa Đông Nam Á, vì sao bây giờ người Đông Nam Á lại phải di cư lên phía bắc xa xôi? Để làm gì? Khi mới bắt đầu từ châu Phi thì người ta cứ đi nhưng đến một chỗ nào rồi cũng phải dừng lại chớ. Không lý gì đã quen với khí hậu nóng nực mà phải bỏ đi đến một nơi lạnh lẽo tuyết rơi, biết ở đó có ở được hay không, có kiếm được đồ ăn hay không. Ngay cả thời nay, theo lẽ thường, cũng đâu ai bỗng dưng bỏ nơi mình đang ở để dọn tới một nơi lạ hoắc?

…Người Lạc Việt, nhóm chủ đạo trong dòng Bách Việt lấy vùng Thái Sơn tỉnh Sơn Đông làm trung tâm. Người Bách Việt bắt đầu hình thành quốc gia lỏng lẻo và tôn Thần Nông là ông vua dạy họ trồng ngũ cốc.

Mấy nhân vật hoang đường như Hoàng Đế, Thần Nông, Phục Hy, ít ai ngờ rằng đó có thể là “sản phẩm” của người Tocharian, một nhóm người Âu (Europoid) đã sống và còn để lại vết tích ở Trung Á, phía nam Siberia và vùng Sơn Đông miền đông bắc Trung Hoa từ xưa, ít ra cũng từ thời chalcolithic cách nay 7000 năm, mà người Tàu đã lấy xài. Nay ông tác giả này cũng nhào vô giành!

...Tiếp đó con cháu Thần Nông như Đế Minh, Đế Nghi dẫn dắt họ tổ chức cuộc sống, lập nước Xich Quỷ chuẩn bị đối đầu với dân du mục phương Bắc.

Cái “dân du mục phương Bắc” có phải là “chủng Mongoloid phương Bắc” nói ở trên? Tại sao phải “chuẩn bị đối đầu” với đám này?

…Vào khoảng năm 2800 TCN, người Hán vượt sông Hoàng Hà xâm chiếm lãnh thổ của người Bách Việt.

Cái “người Hán” này ở đâu ra? Hẳn là từ cái “chủng Mongoloid phương Bắc” nói ở trên?

…Trong trận quyết chiến Trác Lộc trên sông Hà, lãnh tụ người Bách Việt Đế Lai hy sinh...

Nghe như trận này mới xảy ra hôm qua hay tuần rồi. Nếu có ông sử gia nào biết rõ như vậy, thì ắt là ổng cũng biết luôn hai bên đang đánh nhau là người gì, nói thứ tiếng nào, sao không kiếm trong sách của ổng mà coi, việc gì phải đặt giả thuyết này nọ cho cực.

...Một bộ phận người Việt chạy về Nam, tới nương náu tại nước Xích Quỷ phía nam Trường Giang, quanh dải Ngũ Lĩnh. Đây là thời kỳ thứ hai trong lịch sử người Việt sống trên lục địa Trung Hoa quần tụ tại lưu vực sông Dương Tử. Trong thời gian hàng ngàn năm tiếp xúc, người Bách Việt Indonesien, Melanesien có sự hòa huyết với người Hán Mông cổ…

Lại một con ma hiện ra: cái “người Hán Mông cổ” này là gì bỗng dưng có mặt ở đó? Hán là Hán, Mông cổ là Mông cổ, muốn nói cái nào? Sau “trận quyết chiến” hai bên lại thản nhiên “hòa huyết” với nhau?

… tạo ra người Bách Việt mới mà khoa học gọi là nhóm loại hình Đông Nam Á hay Mông Cổ phương nam.

“Mông Cổ phương nam” với “chủng Mongoloid phương Bắc” khác nhau chỗ nào? Nhà khoa học nào đã gọi như vậy?

…Khoảng cuối thiên niên kỷ thứ II TCN, do sự truy đuổi dữ dội của người Hán…

Mới “hòa huyết” đó sao giờ lại “truy đuổi dữ dội”?

…một bộ phận lớn người Bách Việt Mông Cổ phương nam di cư ồ ạt trở lại lục địa cũng như vùng hải đảo Đông Nam Á. Người H’mông-Dao, người Thái-Tày, người Tạng- Mianma... đã trở về như vậy. Người Lạc Việt cũng không ngoài số phận này. Do mối liên hệ sẵn có, nhất là qua tiếng nói mà con cháu của những người di cư hàng vạn năm trước lại tìm về đúng nơi tổ tiên họ đã ra đi. Người Thái tìm về đất Thái gặp lại bà con xa xưa của mình. Người Việt trở về đất Việt với dòng tộc.

Ủa sao ở trên nói là “người Đông Nam Á di cư lên phía bắc làm nhiều đợt trong suốt thời gian dài”, tức là đâu còn ai ở lại mà bây giờ lại có “bà con xa xưa” và “dòng tộc” ở đó? Nếu còn thì sao qua hàng vạn năm vẫn nhận ra tiếng nói?

…Những người Mông Cổ phương Nam trở về tạo nên cuộc hòa huyết…

“Hòa huyết”! Bắt đầu thấy ghét cái chữ này.

…làm loại hình Indonesien, Melanesien bản địa chuyển nhanh sang loại hình Đông Nam Á.

“Chuyển nhanh” là trong mấy năm? Rồi “loại hình Đông nam Á” nào nữa?

…Sư chuyển hóa đó diễn ra tập trung trên toàn bộ Đông Nam Á. Chính điều này là nguyên nhân chủ yếu tạo nên bản đồ nhân chủng Đông Nam Á hiện đại.

Ai xác nhận điều đó?

…Các nhà khảo cổ Việt Nam đã tìm ra nhiều địa điểm chứng tỏ có sự cộng cư như vậy mà tiêu biểu là di chỉ mộ táng Mán Bạc Ninh Bình vừa phát hiện đầu năm 2005. Tiến sĩ Marc Oxenham của Đại học Quốc gia Uc, người tham gia khai quật di chỉ ghi nhận: “Người Việt từ trước thời Đá mới đã có biểu hiện của giống người Uc châu (Nam Đảo) hay Đa đảo Melanesian, nhưng người Việt từ thời Đồng thau đã có biểu hiện đặc trưng của giống người Đông Nam Á. Sự hiện diện của cả hai nhóm sắc tộc này sát cánh nhau trong khu mộ táng cho thấy đã có sự hỗn hòa giữa hai chủng ở mức độ đáng kể, có thể là đánh dấu những nguồn gốc sớm nhất về dân cư Việt Nam hiện thời, vốn đã từng ổn định khoảng 2000 năm TCN.”

Thì ra bài viết của tác giả là để giải thích cho cái “ghi nhận” của ông Ph.D. kia, rằng có hai nhóm kêu bằng “người Việt”, dù khác nhau nhưng ở cùng một chỗ.

…Như vậy là một cách ngắn gọn, tôi đã trình bày một phần về CỘI NGUỒN TỔ TIÊN.

Bài này nghe giống như kịch bản của một vở tuồng cải lương dựa theo sách Tàu, có nhiều nhân vật bỗng dưng hiện ra như ma, có hai lớp diễn nhiều nhứt là “di cư” và “hòa huyết”.

(3) Phạm Trần Anh: Kết quả mới nhất thuyết phục nhất về cội nguồn phát tích của Việt tộc, 2012

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

Việt Nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất có đủ 4 Haplotype chính gồm A, B, C, D.

Chà, có phải tác giả muốn nói đàn ông VN gôm 4 Y-DNA haplogroup (viết tắt hg) là A, B, C, D? Dạ thưa hg A và hg B chỉ có ở châu Phi vì hai hg này không có di cư. Đàn ông VN thuộc mấy hg sau đây:

n C D K N O1 O2 O3 Q J
70 4.3 2.9 0 2.9 5.7 32.9 40.0 7.1 2.9

Trong bảng trên, cột n là số người khảo sát, cột C là số người thuộc hg C,… đông nhứt là subclade O3 của hg O: 40% người.

Đàn ông VN, chắc mỗi mình tác giả là ở hg A hoặc hg B.

…Chính vì vậy, Việt Nam là trung tâm của nền văn hoá Hòa Bình ảnh hưởng bao trùm Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Trung Cận Đông và cả châu Mỹ nữa.

Bằng chứng?

…Mực nước dâng cao dần khiến cư dân Hoabinhian mà chúng tôi cho là những người Tiền-Việt Protoviets ở lưu vực 2 con sông lớn là sông Hồng và sông Cửu Long phài thiên cư theo hướng Tây Bắc lên miền cao sơn nguyên giữa 2 dãy núi Hi Mã Lạp sơn và Côn Luân. Họ mang theo đặc trưng của văn hoá Hoà Bình lên địa bàn mới vùng cao nguyên giữa hai rặng núi cao nhất là Hi Mã Lạp Sơn và cổ nhất là Côn Luân ở Tây Bắc và vùng núi cao Thái Sơn ở Sơn Đông.

Cái “kỹ nghệ đồ đá” Hòa Bình không phải chỉ có ở VN, xem những đốm đỏ trong bài này.

Hình đó cho thấy những người xài đồ Hòa Bình ở nhiều môi trường khác nhau, từ bờ biển vô đất bằng, từ rừng sâu lên núi cao. Đó là những sắc dân khác nhau, có bà con với nhau hổng chừng. Và cũng chẳng ai đem đồ Hòa Bình lên Hi Mã Lạp Sơn hết.

Khi mực nước biển hạ xuống, những vùng biển nước mênh mông nước rút dần để lộ ra những vùng đất màu mỡ phì nhiêu. Tiền nhân chúng ta đã từ vùng cao nguyên Hi Mã Lạp sơn tiến xuống vùng đồng bằng, nước rút đến đâu từng đoàn người tiến tới đó để lập làng định cư khai phá đất đai. Chính sự kiện tiến về vùng sông nước này được truyền thuyết diễn tả qua việc mẹ Âu cùng 50 con ở lại vùng cao, Bố Lạc dẫn 50 con xuống “Thủy Phủ” miền sông nước.

Vậy ai ở lại Hi Mã Lạp Sơn, và bây giờ thành ra người gì?

...Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng truyền thuyết khởi nguyên dân tộc là hoang đường huyền hoặc và huyền thoại Rồng Tiên chỉ là sự hư cấu để điểm tô cho lòng tự hào dân tộc thì ngày hôm nay, tất cả đã sáng tỏ qua các công trình nghiên cứu, những kết quả khoa học thuyết phục nhất.

Kết quả khoa học nào?

…Thực tế này xác định Việt tộc là một đại chủng lớn nhất của nhân loại và Việt nam là một dân tộc có lịch sử lâu đời nhất của nhân loại.

Bằng chứng?

Tóm lại

  • Trước hết ta thấy đang có nhiều người quan tâm tự mình mày mò đi tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, vậy là hay rồi (còn hơn chẳng ma nào quan tâm).
  • Sau đó ta thấy tiếc rằng chưa ai đi được tới đâu. Gần như tất cả đều lấy một vài ý niệm mới mẻ trong nhân chủng học (thí dụ haplogroup, di cư từ châu Phi) mà chưa kịp “tiêu hóa”, đem trộn với một vài ý niệm cũ kỹ (thí dụ Bách Việt, Lạc Việt) mà không chịu gạn lọc, thành ra một mớ hằm-bà-lằng rồi gọi là “kết luận về nguồn gốc dân tộc Việt Nam”, hay là na ná như vậy.
  • Phải chi mấy tác giả đó trước khi lên đường, học thuộc lòng bài viết dưới đây. Bởi vì đường đi nước bước đã ở trong đó.

(4) Nguyễn văn Tuấn: Tìm về nguồn gốc dân tộc Việt Nam qua di truyền học: Một vài phát hiện ban đầu và đường hướng nghiên cứu,

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

…Do đó, vấn đề quan trọng trước mắt là cần xác định mối liên hệ di truyền (genetic relationships) giữa các nhóm dân trong vùng Đông Nam Á (và Việt Nam), các nhóm dân miền Nam và Bắc Trung Quốc, cũng như các nhóm dân thuộc Nam Đảo, Polynesians, v.v... Với những kết quả này cộng với các dữ kiện trình bày trong kho tàng khảo cổ và nhân chủng học cũng như trong cuốn “Eden in the East” chúng ta sẽ có một phối cảnh rơ ràng hơn về quá khứ. Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến một nghiên cứu di truyền học và cộng tác với các nhà nghiên cứu khác trên thế giới để nhằm tìm một câu trả lời cho vấn đề này. Chúng tôi dự tính sẽ thu thập và phân tích dữ kiện di truyền (chủ yếu qua phân tích DNA với khoảng 50 gien và các nhiễm sắc thể Y) trong khoảng 200 đến 300 người Việt, và sẽ dùng kết quả này để so sánh với các dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á cũng như người Hoa để xác định xu hướng di cư của các nhóm dân này. Chúng tôi sẽ dùng những dữ kiện DNA để tiến hành một phân tích phát sinh chủng loại nhằm thử giả thuyết giả thuyết “Bắc tiến” (người Hoa có nguồn gốc từ phương Nam) hay “Nam tiến” (người phương Nam xuất phát từ người Hoa). Hy vọng trong tương lai, chúng tôi sẽ có các dữ kiện di truyền học để đi đến một so sánh có ý nghĩa và có thể phát biểu một cách có cơ sở khoa học hơn.

  • Nhưng trước khi ngưng, ta xem ý kiến sau đây, cho rằng người VN không phải từ phía bắc chạy xuống:

Bàn về cội nguồn và hai cuộc mở cõi của người Việt

Ghi lại vài đoạn (nguyên văn):

…chúng ta không còn cách nào khác là thừa nhận vùng Nghệ Tĩnh nói riêng và khu Bốn cũ nói chung là cái nôi, là nơi phát sinh đầu tiên của người Việt. Lập luận này tưởng chừng như võ đoán nhưng lại là hợp lý. Bởi vì không ở nơi nào lưu giữ, bảo tồn được nếp sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ của một dân tộc bằng chính nơi đã phát sinh ra dân tộc đó….

Chúng ta hãy quay trở lại khoảng 5.000 năm về trước ở nơi đã phát sinh ra những cộng đồng người Việt đầu tiên. Đó là vùng sông Mã, sông Cả (tức sông Lam). Lúc này cư dân sống rải rác theo các triền núi, các gò đồi thấp bằng nghề phát nương đốt rẫy. Còn ở vùng đồng bằng là đất sình lầy, chua mặn, hay bị ngập lụt nên chưa được khai phá (việc khai phá vùng đồng bằng được tiến hành muộn hơn so với vùng gò đồi). Từ vùng gò đồi của khu Bốn cũ, cư dân phát triển, tiến dần ra phía Bắc…

Gặp điều kiện thuận lợi, người Việt phát triển mạnh và dẩn dần quần tụ ở đây đông đúc hơn, thành một bộ tộc hùng mạnh…

Cuộc thiên di này kéo dài khoảng vài ngàn năm và là thời kỳ mà Lĩnh Nam chích quái đã ghi lại (theo truyền thuyết): Cư dân sống ven rừng… lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ tranh làm chiếu, lấy nước cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối. Phát nương đốt rẫy, đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm, bắc cây làm nhà tránh hổ sói …

Từ vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú), người Việt dần dần phát triển xuống đồng bằng (phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc đều bị ngăn cản bởi rừng núi hiểm trở). Lúc này kỹ thuật canh tác đã khá hơn, cư dân đông đúc hơn. Đồng bằng là vùng sình lầy, ngập lụt, chua mặn, việc cải tạo khó hơn, nhưng khi đã cải tạo được thì lại mở ra hướng phát triển mạnh cho nghề nông. ..

Chúng tôi gọi đây là cuộc thiên di thứ hai. Như vậy, vùng Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú) là điểm cuối cùng của cuộc thiên di thứ nhất và là điểm khởi đầu cho cuộc thiên di thứ hai. ..

Các nhà nho của ta xưa (và một số nhà nghiên cứu hiện nay) chỉ nhìn thấy cuộc thiên di thứ hai. Vì vậy, họ cho rằng người Việt của ta từ phía Bắc tràn xuống. Vì không giải thích được trước thời các vua Hùng, người Việt đã từng ở đâu, họ bèn suy luận theo lôgíc thông thường cho rằng trước thời vua Hùng, người Việt đã từng ở phía Bắc của vùng Phong Châu – Việt Trì (Vĩnh Phú). Nhưng vì từ Vĩnh Phú ngược trở lên phía Bắc toàn rừng núi hiểm trở, không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của dân cư, họ bèn đẩy nguồn gốc người Việt lên tận hồ Động Đình (Trung Quốc). Động Đình cũng là tên vùng đất tả ngạn sông Hồng từ ghềnh Ngọc Tháp đến ngã ba Hạc. Đây là một vùng đất có nhiều đầm hồ. Có lẽ từ cái tên Động Đình này mà các nhà nho xưa đã hiểu nhầm, tưởng tượng ra vùng hồ Động Đình bên Trung Hoa rồi đồng nhất người Việt của ta với các nhóm cư dân Bách Việt của Trung Hoa chăng? Chính vì vậy, họ “sáng tác” ra việc Kinh Dương Vương làm vua ở châu Kinh, châu Dưỡng bên hồ Động Đình. Chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm hết sức lớn của các nhà nho mà trong nhiều bài báo, chúng tôi đã phân tích. Một số nhà nghiên cứu hiện nay của ta cũng đi theo lối mòn của những quan điểm sai lầm này...

Cư dân Việt cổ làm sao có thể vượt qua được vùng rừng sâu núi hiểm của Thập vạn Đại sơn của Trung Hoa và vùng núi Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang của ta để chạy dài xuống tận Việt Trì, Phong Châu (Vĩnh Phú)? Trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, dân tộc ta vẫn bám trụ trên đất đai của mình, vậy thì trước đấy hàng ngàn năm sao có thể xảy ra cuộc thiên di ồ ạt như thế? Có ai đuổi chúng ta đâu mà phải bức bách, mạo hiểm vượt qua bao rừng núi hiểm trở như thế. Trong quá trình làm ăn sinh sống, các cộng đồng tộc người có ý thức đi tìm những chỗ tốt hơn, thuận tiện hơn để canh tác. Việc di cư đó tiến hành một cách tự phát với tốc độ rất chậm. Việc các cộng đồng tộc người thiên di là theo lẽ tự nhiên, theo kiểu đất lành chim đậu và kéo dài hàng mấy ngàn năm chứ đâu phải một sớm một chiều...

06-May-2012
Đ.N.Giao