Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Trung đại > VỀ ĐÔNG KINH KÝ SỰ CỦA TAVERNIER (1)

Samuel Baron

VỀ ĐÔNG KINH KÝ SỰ CỦA TAVERNIER (1)

Thứ Bảy 14, Tháng Chín 2024, bởi Cong_Chi_Nguyen

Sách "Relation nouvelle et singulière du Royaume de Tunquin" (Tập du ký mới và kỳ thú về Vương quốc Đàng Ngoài) của Jean-Baptiste Tavernier (1605-1689) là một trong những tác phẩm đầu tiên của phương Tây viết về Việt Nam và từng được trích dẫn rất nhiều. Nó được xuất bản lần đầu vào năm 1681 tại Paris và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tác giả chưa bao giờ đến Đàng Ngoài nên chỉ dựa trên những ghi chép của em ruột là Daniel Tavernier (1610-1648), một người đã tới Đông Kinh nhiều lần trong những năm 1639-1645. Tavernier bị phê bình mạnh mẽ bởi Samuel Baron, con lai của Hendrick Baron, một nhân viên của Công ty Đông Ấn Hà Lan có vợ Việt. Sau đây BBT xin lược dịch bài phản biện của Samuel Baron, người đã sinh ra và sống cả thời niên thiếu ở Đông Kinh.

CHƯƠNG I

Vương quốc Đàng Ngoài đã được khám phá bởi người Bồ Đào Nha vào khoảng 120 năm trước, và những ghi chép đầu tiên là của Padre Martin và Alexandre de Rhodes [1], cả hai đều là tu sĩ dòng Tên, nói chung họ đều chân thực hơn Tavernier; bởi những điểm mâu thuẫn mà ta thấy trong đó có thể quy cho những biến đổi sau một thời gian dài.

Tavernier viết về 11 hay 12 chuyến du hành của Daniel là em ông ta đã đến Đông Kinh từ Acheen, Batavia và Batam [2] với sự tin tưởng vào những chuyện kể của các vị sư dòng Tiểu thừa hay tu sĩ Nam tông mà ông ta đã gặp ở Batam có thể giúp ông ta hoàn thành cuốn sách đầy tính hoang đường và ngớ ngẩn gớm ghiếc đến từng dòng.

Trước hết, Đàng Ngoài không có các sư Tiểu thừa hay tu sĩ để cho họ có thể đến Batam hay Batavia, và ông ta còn nói người Đàng Ngoài đưa vợ con theo mình khi đi xa. Tôi cho rằng ông ấy đang nói đến những chuyến đi của họ trên những dòng sông ở Đàng Ngoài, từ làng này tới làng khác. Nhưng tất cả bọn họ đều hoàn toàn xa lạ với những chuyến du hành ra ngoại quốc, trừ một vài người hầu nghèo được đi cùng, hoặc bị bắt buộc hay sao đó mà phải sống chung với người nước ngoài. Tavernier nói những quý tộc Đàng Ngoài tỏ lòng ngưỡng mộ khi ông ấy cho họ xem tấm Atlas và một vài bản đồ khác về vị trí và địa hình của Trái Đất với các vương quốc và thành phố mà họ nghe như là thế giới trên mặt trăng. Tôi chưa từng nghe có một Tavernier đã du hành 11 hay 12 lần đến Đông Kinh trên danh nghĩa của ông ấy, quá lắm thì tôi cũng chỉ nghe được rằng có một Tavernier đã từng một lần làm quản lý ở Đông Kinh cho người Hà Lan.

Tôi chẳng thể nói gì khi Tavernier viết rằng em của mình là một người can đảm và khôn ngoan; nhưng tôi có thể nói ông ấy đã dùng quá ít sự chân thành, và ít hơn nữa lòng trung thực, bất kể những cam kết của ông ấy, trong những mô tả về Đàng Ngoài. Ông ấy phóng đại số tiền khổng lồ em mình đem theo trên các chuyến du hành đó, nhưng ai cũng biết một viên quản lý của công ty Hà Lan có thể làm gì và được phép làm gì, luật buôn bán cá nhân nghiêm khắc thế nào.

Ông ấy nói đến món quà to lớn dành tặng cho Đức Vua và Hoàng tử, cùng với cuộc đón tiếp long trọng và chuyện trò thân mật cùng họ; nếu đó là sự thật thì tôi có thể nói họ đã bị thoái hóa quá nhiều. Mặc dù không thể chối cãi rằng người Đàng Ngoài đã từng đối xử tốt hơn là trong thời điểm hiện giờ với những vị khách lần đầu đến lãnh thổ của họ; nhưng cũng không đến mức cho phép coi mình như đồng bạn với những người ngoại quốc. Vào thời đó, họ giữ khoảng cách với tất cả khách ngoại quốc vốn ghi nhận rất ít về họ. Hôn tay nhà Vua không phải là nghi lễ của Đàng Ngoài, đừng nói là họ cho phép người ngoại quốc làm thế. Và nếu Tavernier nói tiếng Mã Lai trôi chảy, ông ấy cũng có thể nói tiếng Pháp với bọn họ, dù sao thì họ cũng chẳng hiểu đến một từ của cả hai thứ tiếng này. Khi ông ấy giao lưu với những Đức Ông, tôi tự hỏi đó là trò chơi gì đã khiến Tavernier mất hàng ngàn đồng tiền như ông ấy bảo. Đáng khâm phục nhất là chỉ cần một con bê và hai bình rượu Đàng Ngoài, sự rộng rãi hàng ngày của nhà Vua đã đủ tương xứng món tiền thua cuộc to lớn của ông ta. Nhờ mối quen thuộc của em trai ông ấy ở triều đình và chuyện kể về những người Đàng Ngoài (những kẻ chẳng hề ló đầu ra khỏi đất nước, thế mà ông ấy nói đã gặp họ ở Batam và Batavia), ông ấy tạo ra nền tảng cho những ghi chép của mình. Không có cách nghĩ nào khác: ông ấy đã đi xa hơn là nói ra sự thật nào đã khiến ông ấy nhận viết cuốn sách này. Tất cả trở thành những mâu thuẫn rõ ràng, loại chuyện cổ tích giả tạo, đáng xấu hổ, tất nhiên là tác giả còn dở hơn thế.

Tác giả của chúng ta, như tất cả người châu Âu, tự định nghĩa và định danh các tướng lĩnh hoặc Vua, Chúa; vì ông ấy tự tạo ra vương quốc này theo ý muốn của mình, bằng cách góp nhặt những điều nghe được về những triều đình khác, ngoại trừ Trung Hoa. Tuy nhiên, đây là một sai lầm, vì Đàng Ngoài có Đức Vua hay Đức Bua, dù ông ta bị coi chẳng hơn một con số không, như sẽ đề cập đôi chút trong bản tường thuật này.

Tavernier không chỉ khoác lác về những bức hình ông ta nói là được vẽ trên cung điện, mà còn tán dương đó là tấm bản đồ của đất nước này. Thật là chẳng có gì giả tạo hơn khi so với hình họa của chúng tôi. Rõ ràng là câu chuyện hoang đường được tạo ra bởi niềm vui thích của ông ấy chỉ khiến những kẻ khờ khạo vui thích. Hầu như tất cả những độc giả thông thái rồi sẽ oán trách ông ta đã hứa hẹn quá nhiều và sử dụng quá ít tính trung thực trong ghi chép của mình.


Xem online : VỊ TRÍ VÀ PHẠM VI CỦA XỨ ĐÀNG NGOÀI (2)


[1Alexandre de Rhodes (1593–1660): tác giả của cuốn "Tự điển Việt-Bồ-Latin" và "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ năm 1627 tới năm 1646".

[2Những địa danh nay thuộc đảo quốc Indonesia.