Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Chạy trời
Trần Chiến
Chạy trời
Thứ Sáu 28, Tháng Tám 2015, bởi
Có một chút chộn rộn khi chị Niềm báo “Có khách”. Nhưng câu sau khiến Minh yên lòng ngay, thậm chí mừng: “Thầy Thiện Thanh chùa Tịnh Lâm ghé nghỉ một đêm. Thày là bậc chân tu, rất được vì nể trong đạo hữu”.
- Thế lên một mình chứ? – Minh hỏi.
- Thầy có bằng đại học rồi, lại du học tiếp bên Đài Loan nữa, kinh kệ đọc thẳng từ chữ Hán, chả phải dịch diếc gì.
- Thầy đi mấy người?
- Có ông lái xe với hai thiện nữ, chắc là những phật tử thân tín. Cô Ái bảo chả phải bếp núc gì đâu, chỉ dọn hai phòng cho thơm tho thôi. Với lại ngắt mấy quả su su về luộc.
Minh xuống bếp vớ cái cuốc, qua mảnh sân có chiếc ô tô con leo lên vườn. Đằng sau cô vẳng tiếng người chuyện, và chút chút mùi phấn thơm, rất dễ nhận ra giữa muôn vàn hương sắc của rừng.
Thị trấn nghỉ mát vắng hơ ngày đông giá. Nhà nghỉ Gió nội nằm ngoài rìa, chỗ cao nhất, chỉ thích hợp với ai ưa yên tĩnh. Một thế giới không ti vi hàng hàng lệ ướt, càng không ka ra ô kê thổn thức bờ mi, những tiếng “zdô zdô” điên cuồng. Khách nước ngoài nằm ườn sưởi nắng với trang sách, vài cặp tình nhân đi vụng trộm. Chủ nhân, cô Ái, dường như cũng không màng lắm đến doanh thu. Từ hồi đến ở, Minh thấy cô từ chối dăm ba đám đi đoàn, những công ti, cơ quan cho nhân viên xả stresse. Có lần dò hỏi, cô trả lời “Coi như cô tập tu ấy mà”. Đôi ba lần chồng cô lên, thì thấy thật kiệm lời, ngoài lúc ăn uống chả biết có chung buồng tối đến…
Ba người đàn bà, có lẽ chỉ thêm chuông mõ là thành chùa sư nữ. Chị Niềm người ngay thôn dưới, không ai hỏi thì chả mở mồm.
Minh vốn không thích yên tĩnh, nhưng giờ thì đang cần nó lắm. Cô ra trường đi làm ngay, công ty Bách Phương chuyên cung cấp mỹ phẩm từ Ý. Giám đốc K. mới ngoài ba mươi, đẹp trai, chăm thể thao, giữ một vẻ phớt đời rất quyến rũ, nhưng sau đấy là sự tận tâm với công việc và nhân viên. “Em không phải đến sớm đánh ấm chén đâu. Đấy là cái nền nếp trong cơ quan nhà nước. Anh muốn em học ngoại ngữ thông vào, thế nào cũng có dịp xuất ngoại”, K. bảo Minh, xếp cô vào bộ phận trợ lý, thực ra là tha hồ quan sát, học việc.
Những buổi pích ních cả công ty, K. ôm đàn vẻ lơ đãng, tiếng tơ rơi xuống cũng lãng đãng. Những buổi tiếp khách để giành lấy một hợp đồng, lời ra thật chậm rãi đón ý, uống quần quật, lúc về văn phòng rũ ra như manh giẻ. Vào một tối như thế, khi Minh đem cốc trà gừng vào, K. giữ cô lại. “Vợ anh chả bao giờ được thế này. Chồng say về nhà tuyền làu nhàu, có khi còn bảo sao không chết đi”. “Giờ em mới biết thương trường khắc nghiệt thật, khổ thân anh”, Minh nói, gỡ bàn tay đang nắm chặt tay mình.
Những buổi tối tiếp khách hay làm thêm cứ dài mãi ra. Những câu bâng quơ làm chùng căng thẳng, lúc còn một mình không thể không nhớ lại. Rồi hôm ấy, thế nào đó, Minh không gỡ tay anh ra nữa, để chiếc hôn rất dài trôi đi. Còn nhiều lần cô phải chống đỡ sự cám dỗ ngày càng lớn. Nhưng nghị lực có hạn, mà sự ngọt ngào lại khiến ta ngạt thở như sắp chết. So mọi nhẽ với anh, những mối tình đại học thật chỉ như mưa bóng mây.
Sự thể sau đấy giống như bao nhiêu câu chuyện Minh hằng hóng hớt, thậm chí thấy tầm thường. Khi cô báo tin mình bắt đầu nôn khan, đến kỳ chả bẩn mình, mặt K. đờ ra như bị vuột một hợp đồng. Ngày sau anh bảo tình cảm giành cho cô là mãi mãi, nhưng trước mắt chưa thu xếp được gia đình, với cả công việc còn bấn quá, nên tẩy cái thai đi là phải, lời ra khó khăn nhưng đã cân nhắc kỹ. Đến lượt Minh đờ đẫn, ngày sau nữa bảo anh cô sẽ đi, ở lại cơ quan thế nào được khi giáp mặt hàng ngày cứ hiện lên đứa trẻ bị bỏ.
“Cũng được. Không thì sẽ là sự tra tấn cho cả hai”, K. nói, đưa cô cục tiền. Hôm Minh tới chỗ nạo hút, lại nắm nữa. Cũng được, trong cái lò mổ ấy còn vài cô cũng một mình đến một mình về.
Đứa trẻ đang tượng hình biến mất, nhưng hồn vía như còn ở lại. Khốn nạn thật, những lừa lọc tỉnh rụi, đau đớn vật gập người. Không có Mý thì Minh chết mất. Mý là bạn đại học, đã chồng con, đưa Minh đi thầy lang xem mạch kê đơn. Những lá lẩu tống hết chỗ máu đọng trong người. Rồi giới thiệu Minh lên cô Ái. Minh không thể tự tử được, sẽ ra câu chuyện sến như phim Hàn Quốc, nhỡ ra K. cũng có máu sến, tự tử theo thì sao.
Công việc chỗ cô Ái không nhẹ nhàng. Dọn buồng, giặt giũ, nấu bếp, cho lợn ăn, gặp gì làm nấy, lúc rảnh lên xới su su, ngọn với tay ríu rít dưới tay mình, xung quanh mây xà xuống, bên trên nữa có bầu trời với đàn chim chao liệng. Được cái chị Niềm đỡ cho lắm việc phải mó vào nước, thứ nước từ khe xuống, người khỏe dúng vào còn buốt thót. Khí hậu khu nghỉ có lẽ hợp với đàn bà hậu sản, Minh thấy như mình tươi trở lại, ăn ngon miệng, ngủ sâu hơn. Sáng ra giếng sao giếng trong, đêm nhìn trời sao sao tỏ, con chim cứ hót, con ứ ừ thập thò sau cây chò, đầu óc trong vắt, giơ bàn tay lên soi xem có phải mình được sinh ra lần nữa. Cái ốc đảo này dần làm ta quên cả, những bụi trần, ham hố dưới kia đã ra vớ vẩn quá. Có điều khai dối đi làm xa, về nhà mẹ khám thấy những vết rạn trên mình, nhỡ ra thế.
*
Xới xáo, bỏ phân đã ủ vào gốc su su thứ ba thì trời mưa, Minh bỏ vào nhà. Chị Niềm đã dọn xong cơm, lăng xăng lên xuống khi quả chanh lúc bát muối vừng. Có độc mâm khách của bốn thầy trò thầy Thiện Thanh, vãn rồi thì cô Ái bảo Niềm với Minh dọn lên mà ăn luôn.
Thầy Thiện Thanh ngoài bốn mươi, da trắng môi đỏ, có thể là một mĩ nam tử nếu màu da sáng không lộ ra trên đầu và vận quần áo lụa nâu. Minh thấy là lạ, chả hiểu sao từ đôi môi tươi kia có thể thốt ra toàn những lời lẽ từ tốn, nghiêm cẩn. Ông lái xe chừng năm chục, và hai bà thiện nữ đang còn sồn sồn không góp lời, mùi hương Minh ngửi thấy ngoài sân lúc nẫy giờ gắt hơn. Cô cắm cúi ăn, nghe loáng thoáng những câu bên kia. Giọng cô Ái cẩn trọng:
- Bạch Thầy, còn bài văn tế soạn cho đình làng con mới trùng tu, các cụ đã làm việc ra sao ạ?
- Xong rồi. Tôi viết hợp thể cách chứ không chữ tác đánh chữ tộ như loại nho nhoe, các cụ đồng ý cả. Tôi còn cho thêm chữ làm câu đối với bức hoành trên cửa võng nữa.
- Tiếc là hôm hô thần nhập tượng con không về…
- Các cụ bảo chúng con nhà quê lỗ mỗ hỏi khí không phải, tiền thù lao nên thế nào, tôi gạt đi. Làm việc thiện, ai thù lao thù liếc gì.
- Thế cũng được. Để bao giờ nhà chùa trùng tu nhà Tổ con nói làng góp xe gỗ lim Nghệ An.
- Quý hóa quá. Cái làng chị thật lắm chuyện. Họ Đỗ đã bao năm trên dưới ổn định giờ có ông phất lên bảo mình mới là ngành trưởng, tôi dịch cho cái gia phả từ Cao Cao Tằng Tổ trở xuống mới hết loạn đấy.
- Cái thói nhà tôm cậy của, xin lỗi thầy, đội cứt lên đầu là thế. Còn là phải đội ơn thầy nhiều.
- Tôi ghét nhất cái lối tham sân si. Phật dạy chớ ái ố hỉ nộ, diệt chữ “dục” thì lòng mới thanh thản được, bằng không mọi thứ tranh giành ác độc đều từ đấy mà ra.
Những ý tứ ra đều ôn tồn, phải nhẽ quá, khiến Minh phải lắng nghe. Mình thật là cần, những lời lẽ này, cho lòng lắng xuống, để đêm đêm không phải ứa nước mắt căm hờn kẻ phụ bạc. Thốt nhiên thầy quay sang bàn bên: “Hai cô có ăn cơm nắm không? Chúng tôi mang nhiều, vứt đi phải tội, không phải là ăn thừa đâu”. Minh lý nhí cám ơn, mang cơm nắm muối vừng với cả củ cải phơi tái ngâm xì dầu về. Một lúc khẽ khọt: “Thưa thầy, nhai kỹ thấy rất ngọt. Thế mà con vẫn tưởng cơm nhà chùa khó ăn”.
Có tiếng cười rộ lên từ đám thiện nữ. “Thiên hạ đều tưởng thế”, chị tỉa lông mày bảo. Chị môi ăn giầu cắn chỉ gặng: “Trông em có vẻ từ tỉnh thành lên”. Thầy gạt đi: “Thôi để cô ấy ăn. Các cô ăn rồi hãy lấy nước, chúng tôi đợi tý không sao”. Nhưng rồi lại ra ngay lời: “Thôi tôi nói ngay. Cô này tâm bất tại, ngồi đây là vạn bất đắc dĩ chứ lửa đốt trong lòng, không thôi toan tính nên về đời hay ở ẩn tiếp. Thế là tự làm khổ mình rồi”.
- Dạ, thầy nói đúng quá. Vậy con phải làm sao?
- Phải ung dung, dẹp bỏ ham muốn, nhất là sự thù hận. Thù hận là con dao quay lại thọc chính mình. Như tôi nói lúc nãy, Phật dạy không được tham sân si, chừng nào còn ham quá tiếc quá sao lúc ấy mình không thế này mà lại làm thế kia có phải bây giờ sung sướng hơn không, tức là còn tầm thường lắm.
- Nhưng mà con chả thể quên…, Minh nói trong sự ngạc nhiên của chị Niềm.
- Dẹp hết. Từ từ rồi quên được hết. Trong Không có Sắc, trong chỗ tưởng không có gì thì có hết tất cả, ấy là cõi lòng thanh thản. “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người tới chốn lao xao”. Hay “Người đời khôn cả, một mình ta dại. Người đời đục cả, một mình ta trong”, các cụ bảo thế. Mà thôi tôi nói sằng bậy, chỗ nào không đúng thì cô quên đi nhá.
- Thưa Thầy, còn con thì sao ạ? – Chị Niềm rụt rè.
- Chị thì chả có gì. Chị là người đơn giản, chả với cao thì cứ vầy vậy thế này thôi.
*
*
Đêm ấy vằng vặc, thứ ánh sáng từ trong lòng tỏa ra, chứ ngoài kia mây dầy đặc ôm kín ông trời. Chỉ mấy câu thôi mà Thầy đã rọi cho con đường rỡ ràng, thoát hẳn vòng u mê. Mình còn trẻ, có sức và chút chút nhan sắc, nhiều cơ hội làm lại thì dại gì ôm nỗi đau đớn nó tàn hại cả cuộc đời đi. Rồi mình sẽ quên được K., thấy tội nghiệp cho anh ta, sẽ mạnh mẽ bước vào đoạn đời mới bao lung linh.
Chỉ tội là tội cho hình hài bé nhỏ kia. Con của mẹ, để sáng mai mẹ xin thầy mấy lời kệ, đặng bình an. Trong túi vải nâu của Thầy, mẹ thấy có cả chuông mõ.
Vì ngủ chập chờn, Minh dậy muộn. Chiếc ô tô không còn trong sân. Chị Niềm bảo Thầy có hẹn trên tỉnh để đặt hướng cửa cái trụ sở sắp xây.
Phòng thầy và ông lái xe trống trơn, bao nhiêu chăn gối vác sang bên hai thiện nữ cả.
Tháng 9-2011
Trần Chiến
(đăng Văn nghệ số 43 năm 2011)