Kiềm chế lạm phát có nguy cơ bất thành

Trước xu hướng tăng đột biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng gần đây, đặc biệt là trong tháng 8 năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% của chính phủ sẽ khó đạt được.

Sau khi giảm và tăng nhẹ từ tháng 3 đến tháng 6/2013, CPI 6 tháng đầu năm nay tăng 2,4%. Đây là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ trong 9 năm trước đó. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, CPI bắt đầu có xu hướng tăng nhanh và biểu hiện rõ nhất vào tháng 8 với mức tăng 0,83% so với tháng trước, vượt xa dự báo tăng 0,3-0,5%.

Lý giải về đà tăng của CPI trong tháng 8, ông Đỗ Thức - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – thừa nhận nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá điện và xăng dầu. Cụ thể, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của TP. Hà Nội đã khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế cả nước tăng 4,11% so với tháng trước, đồng thời đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,23%. Bên cạnh đó, quyết định tăng giá xăng dầu 2 lần liên tiếp diễn ra trong tháng 6 và tháng 7 khiến giá nhóm xăng dầu tăng 2,5% so với tháng trước, đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,1%. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng đã làm giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8 cao hơn so với CPI chung. Đó là chưa kể giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã “vượt trước đón đầu” quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/8.

Điều đó cho thấy, giá cả hàng hóa trong nhóm hàng hóa tiêu dùng tính CPI tăng không phải do sự thay đổi của quan hệ cung – cầu mà chủ yếu nằm ở các quyết định chủ quan của nhà quản lý, làm biến dạng thị trường. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn kiên quyết lạc quan rằng CPI vẫn nằm trong ngưỡng an toàn – một cách nói đã được áp dụng nhiều lần mỗi khi nói về những chỉ số “xấu” tăng đột biến như nợ xấu, nợ công... Không những vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - quả quyết từ nay đến cuối năm, chỉ còn TP.HCM chưa tăng giá dịch vụ y tế, nếu có tăng thì cũng không tác động quá lớn tới CPI chung của cả nước.

Trái ngược với nhận định lạc quan trên, nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại rằng khó có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 6-6,5%. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trả lời báo Dân Việt nhận định: “Dư địa kiềm chế lạm phát theo nghị quyết của Chính phủ có thể chưa bị phá vỡ nhưng tôi cho rằng chúng ta không thể chủ quan về tốc độ tăng của lạm phát hiện nay.”

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, thông thường lạm phát của các năm thường giảm vào cuối quý I và tăng trở lại vào cuối quý III. Nhưng năm nay, lạm phát đã tăng trở lại từ rất sớm, ngay từ cuối quý II với mức tăng mỗi tháng là gấp đôi so với tháng trước. Trong khi đó, thường những tháng cuối năm, lạm phát cuối năm chỉ có tăng chứ không thể xuống thấp. Vì vậy, TS Phong cho rằng nhiều khả năng lạm phát cả năm nay có thể đạt mức 7,3-9,6%. Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chỉ tiêu kiềm giữ lạm phát dưới 7% là không thể.

Không chỉ gây hoài nghi đối với các chuyên gia trong nước, Việt Nam cũng đang đánh mất sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Châu Âu (EuroCham), khoảng 20% doanh nghiệp châu Âu phản hồi đã cân nhắc việc chuyển công việc kinh doanh sang một thị trường ASEAN khác trong vòng 6 tháng vừa qua cũng với lo ngại về lạm phát và triển vọng kém lạc quan của cả nền kinh tế.

Thực tế, trước đó, ngay sau những thông tin về đà tăng trở lại của lạm phát trong tháng 6, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo về lạm phát cho Việt Nam trong năm 2013 có thể lên tới mức 8,2%, vượt xa mục tiêu mà Chính phủ đặt ra ở 6-7%.

Theo lý giải của Ngân hàng Thế giới, con số mà Chính phủ đặt ra có tính chất “mong muốn” nhiều hơn là “dự báo”. Còn Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát tăng dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cả tác động của việc tăng lương tối thiểu lên nền kinh tế, chứ không chỉ riêng việc tăng giá trong lĩnh vực giáo dục, điện. Bên cạnh đó, theo mùa vụ, về cuối năm lạm phát cũng sẽ thường cao hơn. Điều này lại càng đẩy con thuyền kinh tế Việt Nam có nguy cơ trôi ra xa khỏi mục tiêu ban đầu.

Vân Du tổng hợp, SM