Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ IV)

HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ IV)

Thứ Năm 5, Tháng Chín 2013, bởi Cong_Chi_Nguyen

15. TAM HỮU MƯỜI NĂM SAU

Bạn tôi Hoàng Đình Cường vẫn nhớ như in cuộc vượt biên năm 1951 của đoàn xe chở vợ con các thầy đi Thuỷ Khẩu, sang đến đất Trung Quốc rồi mà máy bay Pháp còn rượt theo, phải chạy vào rừng trú ẩn. Bốn năm qua, lần này trở về Tổ quốc, tôi được nằm trên chiếc giường đệm êm ái của đoàn tàu liên vận sang trọng chạy rất nhanh. Rời Nam Ninh, qua Bằng Tường, rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Mở mắt ra đã nghe tiếng loa báo "Đoàn tàu đang tiến vào ga Hàng Cỏ", ôi cái tên thân yêu quen thuộc tự bao giờ.

Tàu điện Hà Nội thời bao cấp

Không kịp nghỉ ngơi thăm thú Thủ đô vừa giải phóng, Ba được lãnh đạo Bộ Giáo dục phân công ngay làm hiệu trưởng trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội, hồi ấy coi như một nơi khá xa nội thành. Mợ đưa tôi lên tàu điện từ bờ hồ Hoàn Kiếm rồi xuống bến cuối cùng ở Cầu Giấy, còn phải đi xích lô tiếp đến cột cây số thứ 8 trên đường quốc lộ Sơn Tây mới nhìn thấy chiếc cổng trường có hàng trụ xây gạch rất to, nhưng bên trong hầu như chỉ là những dãy nhà lợp lá gồi đơn sơ. Ba đã chở đồ đạc đến trước bằng một chiếc xe thồ với chú ngựa bé tý so với ngựa Quảng Tây.

Cả nhà dọn vào sống trong một căn buồng nhỏ nằm bên góc tây-nam khu tập thể, lưng quay ra đường, chỉ cách hàng rào nứa và con mương bảo vệ sơ sài. Từ trong trường nhìn ra xa, trước cổng là làng Dịch Vọng Hậu, mé phải là làng Mai Dịch. Bốn phía toàn đồng không mông quạnh, Mợ nói ban đêm nghe ếch nhái kêu buồn bã thật khó ngủ.

Vài tháng sau thì xảy ra vụ trai làng vào trêu chọc nữ sinh, dẫn đến đánh nhau với nam sinh, Mợ lo lắm. Rất may, Ba được trường cấp cho một cái xe đạp công. Ngày chủ nhật tiếp theo Ba đạp xe về nội thành liên lạc ngay với bác Long Điền trong nhóm “Tam hữu” (Ba người bạn thân) hình thành từ hồi ở Hải Phòng và được bác đồng ý cho chúng tôi tạm trú ở trong căn phòng trên gác của ngôi nhà chỗ góc phố Bà Triệu giao cắt phố Hồ Xuân Hương. Ba Mợ và tôi đã sống tại đây trong khoảng gần một năm.

Ngôi nhà Quảng Vạn Thành, góc phố Bà Triệu-Hồ Xuân Hương (ảnh NCCông 4-2013)

Về sau Ba cho biết: bác tên thật là Nguyễn Văn Minh, một nhà tư sản dân tộc yêu nước theo chủ trương “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Bác còn là tác giả bộ Việt ngữ tinh nghĩa từ điển, Quảng Vạn Thành là tên nhà xuất bản tư nhân của bác. Một số cuốn sách của Ba được in dưới dạng bình dân không lấy lãi vào thời trước 1945 đã do hiệu Quảng Vạn Thành làm tổng phát hành.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bác Long Điền cùng gia đình tản cư ra vùng tự do để tránh giặc, rồi do không có nguồn sống nên vợ chồng phải quay về vùng tạm chiếm, nhưng bất hợp tác với địch. Năm 1954 bác bị mất gần hết tài sản, lại không được chính quyền mới trọng dụng. Ba được bác nhường tạm cho căn phòng to như thế này là nhờ ở tình bạn vô tư và chung thuỷ của nhóm Tam Hữu vốn đã ra đời từ khoảng 20 năm trước.

Lúc đầu Ba Mợ rất bận đi tìm lại người thân, họ hàng, cho nên chỉ cho tôi thăm vài thắng cảnh như Hồ Gươm, Hồ Tây... Tôi thường xuyên được căn dặn không đi đâu một mình, sợ bị lạc đường. Nếu đi vắng lâu, Ba Mợ lại gửi tạm tôi ở với bác Long Điền hoặc sang nhà một người bạn cũ của Mợ sống ngay ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, gọi là bà phán Huyên, có cô con gái út rất xinh cùng tuổi tôi và một giàn trầu xanh mướt leo lên bức tường dọc ngõ.

Bây giờ bác Long Điền yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng đã lâu lắm, nhưng hình ba chữ Hán đắp nổi "Quảng Vạn Thành" vẫn uy nghi trên bức tường vôi màu vàng nhìn ra ngã năm phố Bà Triệu. Mỗi lần qua đây tôi lại vẩn vơ tự hỏi không biết sử sách chính thống có còn nhắc đến bác hay chăng? Gần đây truy tìm được trên mạng một hình ảnh duy nhất có bút tích và chữ ký của bác trong cuốn Việt ngữ tinh nghĩa từ điển gửi tặng cựu bộ trưởng thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu, tôi đã lưu lại. Tình cờ tôi có biết con trai bác Liệu là nhà văn Trần Chiến nên chờ dịp sẽ hỏi kỹ hơn.


Người thứ ba trong nhóm Tam Hữu là bác Nguyễn Sơn Hà, nhiều tuổi nhất nhưng trông lại tươi trẻ nhất. Một buổi tối, bác Hà tự lái một chiếc xe du lịch sang trọng sáng loé ánh đèn vàng đến phố Bà Triệu thăm hai bạn. Sau đó bác chở Ba và tôi về một vườn trại nhỏ nơi làng hoa Ngọc Hà giáp với phố Đội Cấn. Xuống xe bước qua cổng vườn tôi đã thấy có sẵn một bàn tiệc với các món thơm ngon và hoa quả, bánh trái bày rất đẹp mắt. Tối hôm đó bác Hà mặc bộ áo lụa trắng ngà, khéo léo pha cocktail rượu Tây mời Ba, trông bác thật phong độ và hào hoa như tài tử xi nê, nhưng thân mật không chút khách sáo.

Tôi biết hai người đã gặp nhau vài lần trước đó nhưng chưa có dịp nào nói dài được. Cuộc chuyện bắt đầu từ thời sự, trao đổi tin tức thế giới, rồi tình hình thi hành hiệp định Geneva tiến tới thống nhất hai miền Bắc-Nam,... loanh quanh một hồi thế nào lại quay trở về quá khứ. Bác Hà cho những người giúp việc ra về, trừ một anh nhỏ ở lại gọt táo cho tôi ăn và dắt đi xem các thứ bình thuỷ tinh đựng chất lỏng đủ màu xanh trắng vàng đỏ đang bốc hơi nhè nhẹ, nối với nhau qua những chiếc ống hình xoắn lạ lùng. Thì ra đây là các dụng cụ thí nghiệm công nghiệp hoá chất của bác Hà.

Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, hai người bạn già hàn huyên biết bao kỷ niệm từ thủa tôi chưa ra đời. Tới lúc Ba ngà ngà say, bác Hà pha cà phê nóng cho Ba uống, rồi chở chúng tôi quay lại phố Bà Triệu. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy Ba vui vẻ nói chuyện và ăn uống thoải mái đến thế.

Nhóm Tam Hữu Hải Phòng (1938-1945)

Sau Ba cho tôi biết bác Hà là một nhà đại tư sản - kỹ nghệ gia, du học trở về từng phát minh ra một loại sơn có thể cạnh tranh về chất lượng và giá cả với sơn ngoại. Sản nghiệp của bác ngoài ở khu vực Hải Phòng còn rải rác khắp nơi trong nước. Anh Sơn Lâm con trai cả của bác đã hy sinh anh dũng ngay khi quân Pháp quay trở lại đánh chiếm miền Bắc nước ta. Bác Hà đã hiến gần hết tài sản cho nhà nước và tham gia kháng chiến trong các công xưởng ở chiến khu. Nay bác trở về sống chủ yếu tại Hải Phòng, Hà Nội và vẫn tham gia Quốc hội. Mợ cũng kể bác Hà gái rất đẹp, quí phái và tốt bụng. Ngày 4-9-1945, bác cùng con gái lớn đến dự buổi quyên góp đầu tiên trong Tuần lễ vàng và đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình nặng hơn 14kg để ủng hộ Cách mạng.

16. SÁCH CỦA BA

Hồi 1955-1956, Ba thường dắt tôi leo ngược dốc phố Bà Triệu rồi rẽ vào phố Lý Thường Kiệt, đến một cái quán mang tên “Học sinh” ở gần trường Nguyễn Trãi để tìm đọc và mua sách cũ. Nhờ vậy, Ba đã chuộc lại được một số cuốn sách của mình từng có trước 1945, chữ ký còn rõ rành rành. Lòng yêu sách của Ba có lẽ đã thấm dần sang tôi từ những ngày đó. Mợ bảo Ba muốn tiết kiệm đủ mọi thứ để dành tiền mua sách, song biết bao giờ mới lại có một thư viện to như hồi ở Hải Phòng?

May sao rồi sau đó Cửa hàng Ngoại văn phố Tràng Tiền có bán các ấn phẩm với giá rẻ nhờ được in tại những nước xã hội chủ nghĩa và Ba đã mua khá nhiều sách mới. Năm 1973 khi tôi hỏi chuyện về thư viện thì được Mợ kể: vì phải bỏ đi sơ tán tránh máy bay Mỹ ném bom Hà Nội nên ở quê hương xóm Trại sách bị mối xông nhiều, trừ một số lớn đã tặng cho trường ĐHSPHN ngay sau khi Ba mất. Anh em tôi chỉ còn thừa hưởng được vài chục cuốn sách văn học có bút tích hoặc chữ ký của Ba, chủ yếu bằng Trung văn và Pháp văn [6]. Nhờ đó tôi mới phát hiện ra rằng Ba đã đọc nguyên bản các tác phẩm có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam đầu thế kỷ trước. Trong một bức ảnh lưu tại trường Ngô Quyền (Bonnal) Hải Phòng, Ba đứng giữa với đồng nghiệp Hoàng Ngọc Phách (người râu dài) tác giả “Tố Tâm” -tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Bắc Kỳ cách nay đã 90 năm- vây quanh là các trò cũ với Thế Lữ (người tóc bạc) một bậc tiên phong của trào lưu “thơ mới”. Tôi nghĩ hoá ra mình không lãng mạn bằng thế hệ cha anh, có lẽ một phần là vì từ nhỏ chúng tôi đã phải học quá nhiều về dòng văn “hiện thực xã hội chủ nghĩa”.

Thế Lữ và bạn bè bên 2 thầy N.H.Tảo, H.N.Phách. 1964

Nhớ lại Hải Phòng năm 1955, thực dân Pháp sắp rút hết, có hàng vạn người muốn bán nhà để di cư vào Nam, phần lớn đi bằng tàu thuỷ, thành phố cảng trở nên rất nhộn nhạo. Mợ kể chuyện ngôi nhà ở đường Cầu Đất nơi gia đình từng sống gần 20 năm, dù nhiều lần Mợ xuống thương lượng cũng vẫn bị bắt ép cho thuê với giá vài đồng bạc mỗi tháng, chưa đủ nuôi tôi. Sau này khoản tiền ấy không còn và quyền sở hữu cũng bị mất.

17. HÀ NỘI SAU TIẾP QUẢN

Hình ảnh Hà Nội mùa hè 1955 trong mắt tôi rất sạch và đẹp, ban ngày hoa phượng vĩ nở đỏ rực, ve sầu gõ mõ hàng tràng dài vọng từ phố này sang phố khác, đêm đêm hoa sữa thơm lừng. Tôi bắt đầu khám phá vùng nội thành văn minh. Vùng này không lớn, hầu hết đường phố đều ngắn, nhưng có xe điện, xích lô, có nhiều cửa hiệu đầy ắp hàng hoá và quán ăn nhỏ nhắn xinh xắn, khác xa Nam Ninh đơn điệu. Các cụm quang cảnh tuyệt đẹp: sông Hồng - cầu Long Biên, Hồ Tây - đường Cổ Ngư, vườn hoa Canh Nông - Cột Cờ, Hồ Gươm - đảo Ngọc Sơn v.v. đã gây ấn tượng rất mạnh cho đứa trẻ lần đầu được sống ở thủ đô. Chính tình yêu Hà Nội đã nảy sinh trong tôi từ đấy và mãi đến nay tôi vẫn hoài cổ.

Chỉ ít lâu sau thì tôi đã phân biệt được hai kiểu khu phố khác nhau rõ rệt. Khu phố cổ dường như toàn những ngôi nhà thấp hẹp nhô ra thụt vào với vỉa hè chật chội, nhưng dân cư đông vui, náo nhiệt. Khu phố Tây tĩnh lặng, vuông vắn, có nhiều biệt thự xinh đẹp và công sở hoành tráng với những hàng cây cao to đều đặn và vỉa hè rộng rãi.

Không chỉ tham quan, tôi còn được Ba và Mợ kể cho nghe về những sự tích kỳ lạ như chuyện trâu vàng Hồ Tây, Tháp Rùa, chuông Quy Điền, chùa Một Cột v.v.. Một lần, Ba dẫn tôi vào thăm Văn Miếu, ngày ấy hoang vu lắm, trâu bò cứ thản nhiên gặm cỏ, ao cạn, tường vỡ, các bia không có mái che. Ba giải thích gia tộc mình đời Lê có cụ hoàng giáp Nguyễn Trù từng làm Tế tửu tức hiệu trưởng Quốc tử giám, văn khắc trên bia đá còn đây ; tôi nghe chỉ hiểu lõm bõm mà rất tự hào. Văn Miếu - Quốc tử giám đã nhiều ần được trùng tu rất tốn kém nhưng không hiểu sao ấn tượng ngày ấy vẫn cứ mạnh mẽ hơn và làm tôi nghi ngờ giá trị những thứ màu mè sau này đắp lên.

Vào năm học mới 1955-1956, mỗi sớm Ba phải đạp xe 9km mang theo chiếc cặp da trâu cũ nặng chịch vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chiều muộn lại lọc cọc quay về. Mợ thỉnh thoảng cũng phải đi xa, còn tôi thì thiếu mấy tháng chưa đủ tuổi và cũng không có hộ khẩu đúng tuyến để được nhận vào học ở các trường công lập gần đó, hoàn cảnh thật éo le. Ba đành sang hỏi thử giáo vụ của ngôi trường tư thục nằm đối diện ngay phía bên kia ngã năm Bà Triệu thì ông hiệu trưởng hoá ra là học trò cũ của Ba, nhận ngay tôi vào học lớp một.

Căn phòng gác 2 với cửa sổ lớn từng là lớp học của tác giả (ảnh NCCông 4-2013)

Trường rất nhỏ, không có sân, giờ nghỉ chúng tôi phải ra hè phố chơi. Chính ở đây lần đầu tiên tôi bị mất cặp sách vì mải đánh quay, mà cái cặp ấy đẹp và mới mua nên Mợ tiếc lắm. Ba không phạt gì cả, chỉ nhắc nhở tôi phải cẩn thận hơn. Nhưng chỉ vài tháng sau đó khi có vụ một cô giáo cấu tai tôi bật máu thì Ba Mợ dứt khoát bắt tôi nghỉ học, chờ chuyển sang trường khác.

Vị trí ngôi nhà ở ngã năm phố Bà Triệu thật thuận tiện. Đi thẳng lên phía bắc sẽ đến bờ Hồ Gươm, lúc đó rải rác có những quầy gỗ nhỏ bán nước dừa mát lạnh. Nếu chọn hướng nam thì sẽ đến một địa danh khá nổi tiếng nhưng nay không còn, đó là Chợ Đuổi. Mợ thường đi về phía đông theo phố Nguyễn Du đến chợ Hôm liền với chợ Đức Viên và có bến tàu điện đi chợ Mơ, chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi...

Tôi và lũ bạn mới thì lại thích rủ nhau đi về phía tây để câu cá ở hồ Thiền Quang mà hồi đó quen gọi là Ha-le (Hallais). Tại đoạn phố Nguyễn Du dọc theo bờ hồ phía bắc có nhiều biệt thự kiểu Pháp xinh đẹp và tôi nhớ nhất một ngôi nhà nghe nói có "ma", xây đi xây lại vẫn cứ hỏng, không ai dám đến ở. Những hôm sương mù vắng vẻ, nếu có việc phải đi qua tôi cứ lo sợ ngoái cổ liên tục và tưởng tượng ra những cặp mắt rình mò sau mỗi gốc cây, hàng rào.

Bên cạnh những thay đổi căn bản về chính quyền, cuộc sống trong thành phố Hà Nội vẫn diễn ra dường như đều đều theo từng tiếng rao hàng rong rất dễ nhận biết, vang lên chính xác vào giờ nào đó mỗi buổi sáng, trưa, chiều, tối, quanh năm suốt tháng chỉ trừ dịp Tết. Thường phải thức đêm làm việc, Ba hay gọi món cháo trai hoặc cháo lươn của một chú gánh cái bếp tối tối vẫn đi qua. Tôi thì thích bánh mỳ và sữa bò tươi, sáng nào cũng có người đổi cho chiếc chai nhỏ Mợ đặt sẵn trước cửa. Đáng ngạc nhiên là Mợ rất ít khi vào hàng quà, nếu có mua cũng hay chọn sắn dây, ngô, khoai luộc, bánh gio rồi lại chia cho tôi hoặc để phần cho Ba.

Một lần Mợ cho tôi đi xe điện theo lên Hồ Tây, vào ngôi trường Chu Văn An đẹp tuyệt vời và rộng mênh mông để thăm người chị ruột. Chồng bác là Thạch Quang Tuấn, xưa kia tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm cùng với Ba. Bác Tuấn sang Lào dạy ở trường Hoàng gia Louang Prabang. Năm 1947 bác cũng đi kháng chiến, dạy học ở trường Hùng Vương Phú Thọ, bây giờ về làm hiệu trưởng ở đây. Bác gái mang ra một tập album có ảnh chụp bác vận trang phục cô gái Lào, rồi kể cho Mợ biết các tin tức về bà chị cả vẫn sống ở thị xã Bắc Ninh, ông anh trai di cư vào Nam và ông em út đi kháng chiến rồi định cư luôn tại Thái Nguyên.

Tôi tranh thủ quan sát mỗi khi được theo người lớn ra ngoài ; dần dà nhận ra trong thành phố hầu như ngoài vài chục chiếc tàu hoả, xe điện, ô tô thì chỉ có toàn người đi bộ, xích lô và xe đạp, ai cũng tỏ vẻ lịch lãm, ăn nói nhẹ nhàng, chuyện lớn thì "đóng cửa bảo nhau". Ồn ào nhất có lẽ chỉ ở nơi chợ búa, rạp hát và xưởng máy, hoặc xung quanh vòi nước công cộng. Trời hè nóng kinh khủng, nhà ai cũng phải có sẵn quạt nan, quạt giấy và những chai nước tự lọc bằng bông. Buổi tối mọi người thường đưa nhau ra các bờ hồ hóng mát, nhà khá giả mới chạy quạt điện.

Tháp Diệu Quang chùa Liên Phái. Ảnh tư liệu TK 20

Hồi mới về Hà Nội tôi chưa biết bàn thờ là gì, trước đây ở Khu Học xá không hề có. Bây giờ loa đường phố đang tuyên truyền “đời sống mới”, rất nhiều thứ bị coi là lạc hậu, cần vứt bỏ như thói cúng lễ mê tín, hút thuốc phiện, ăn uống mất vệ sinh trong đám ma, đám cưới v.v.. Một lần Mợ dẫn đi thăm người quen, tôi mới nhìn thấy chiếc bàn thờ nhỏ có che màn điều ẩn sâu trong chỗ tối thui. Mợ cũng cho tôi đi vãn cảnh các nơi thanh vắng như chùa Láng, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, chùa Bà Đá, v.v.. Đặc biệt Mợ hay đến chùa Liên Phái mua tương vì quen sư bà trụ trì, và chùa Quán Sứ, nơi có ban thờ chú Hai (Thiều Chửu) và anh Ba Đường đệ tử của chú. Tôi còn được thăm các nơi đông đúc như đền Bạch Mã, Voi Phục, Quán Thánh, Bích Câu, Ngọc Sơn, Bà Kiệu, Đồng Nhân... Tại những nơi này thường có các ban thờ cực to và đầy ắp hương khói, hoa quả. Có thể nói sự quan tâm về văn hoá tâm linh đã được Mợ nhen nhóm trong lòng tôi từ thủa đó.

Hiến Chi - Nguyễn Hanh. Hà Nội 1956

18. PHỐ THỢ NHUỘM

Khoảng cuối năm 1956, chúng tôi chuyển đến nhà chị Chi ở phố Thợ Nhuộm. Chị vừa sinh thêm cháu Minh Hà, chăm nuôi hai đứa con nhỏ rất vất vả, lâu lâu mới được chồng ghé qua nhân có những chuyến công tác từ miền núi xa xôi về. Tôi thấy chiếc xe con cũ nát chở anh rể thường dính đầy bùn đất tất cả mọi phía. Ba nói đường Hà Nội - Lai Châu lắm vực sâu đèo cao nguy hiểm, thổ phỉ vẫn còn rình trên núi và đất đá có thể lăn xuống bất cứ lúc nào.

Anh Hanh người cao lớn, khoẻ mạnh, tóc rất đen và cũng cắt ngắn như Ba. Tính anh hiền lành, ít nói nhưng nói rất khéo. Anh kiên nhẫn dạy tôi hai tay đập hai quả bóng tennis trên sàn nhà. Mỗi lần có mẹ anh từ Bắc Ninh sang thăm, buổi tối Mợ lại nằm cạnh bà thông gia -một nông dân thuần phác- rì rầm trao đổi đủ mọi thứ chuyện đến tận khuya. Sau này tôi thấy Mợ vẫn thế, luôn luôn thân mật với mọi người, không hề phân biệt nguồn gốc.

Ngày ấy chị Chi vừa được chuyển từ Lai Châu về Hà Nội dạy học tại trường cấp 2 Lý Thường Kiệt. Trường này xây theo kiểu Pháp rất to đẹp và vừa được Bộ Giáo dục CHDC Đức tặng cho một số vật dụng hiện đại. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy ở trong lớp có những chiếc ghế liền bàn có thể gấp lại gọn gàng và loại phấn viết hình vuông lạ mắt. Cầm thỏi phấn này viết rất thích vì nó không dễ bị gãy như loại phấn tròn.

Ba Mợ có tặng chị Chi một chiếc xe đạp nữ mới toanh, sơn màu xanh lục. Chị thỉnh thoảng vẫn đạp xe đèo tôi đi chơi và cho ăn quà Hà Nội. Lúc ấy chị cắt tóc ngắn uốn xoăn, thỉnh thoảng khoác thêm một chiếc áo gi-lê len mỏng tự đan trông rất hiện đại. Các anh chị khác thường tới đây thăm Ba Mợ, thỉnh thoảng xum họp lại kéo nhau đi chụp ảnh tại hiệu Quốc tế phố Hàng Khay, hoặc hiệu Khánh Ký phố Tràng Thi.

Bà có đứa cháu đầu tiên. Hà Nội 1955

Cuộc sống diễn ra thật vui vẻ, ngoại trừ nhà chật người đông cũng bất tiện. Căn phòng chị Chi được ngăn làm đôi, ngủ trên sàn gỗ lim nghe rõ tiếng lũ chuột chạy rào rào bên dưới. Nó thuộc về một biệt thự ở phố Thợ Nhuộm, chủ nhà đã bỏ đi Nam từ 1954, có mấy hộ dân chiếm tất cả các phòng của nhà trên, nhà dưới. Họ phải chung nhau buồng vệ sinh, căn bếp, chiếc cổng sắt và cái sân con, ngôi biệt thự trở thành một kiểu xóm tập thể thu nhỏ nhưng lại thua xa Khu học xá vì không ai bảo được ai. Tình trạng nông thôn hoá như thế và cả nạn hôn nhân đa thê đang phổ biến ngay tại nội thành Hà Nội. Hay cãi nhau nhất ở xóm tôi là hai bà vợ của một ông lái xe khách liên tỉnh. Xe của ông ta có một cái lò than to, khi cháy cứ như sắp nổ, kinh khủng lắm, nhưng chở khách mang lại thu nhập rất khá.

Bọn trẻ trong sân nhà quen tôi rất nhanh và cho chơi chung. Một buổi tối bỗng có ai đó đi chiếc xe mô tô Java rất lớn đến thăm, tôi được cho ra ngoài chơi để Ba Mợ lấy chỗ tiếp khách. Chẳng hiểu sao khi tôi và lũ bạn nhỏ đang tranh nhau trèo lên yên xe thì nó đổ đến uỳnh, người lớn ùa ra cứu, may mà chẳng có đứa nào bị sứt mẻ gì hết.

Phố Thợ Nhuộm chẳng hề có hiệu nhuộm nào. Đầu con ngõ sâu hình thước thợ ăn thông sang phố Dã Tượng có một ngôi nhà bí ẩn, cửa đóng then cài suốt ngày, lại nuôi chó béc-giê dữ tợn. Nhưng tại đó còn có một gốc đa lớn, cho nên dù sợ hãi chúng tôi vẫn cứ đến nhặt lá đa và búp đa làm đồ chơi. Công trình hoành tráng gây cho tôi ấn tượng lớn nhất của phố Thợ Nhuộm chính là khu nhà tù tường xây cao vút, dây thép gai nhằng nhịt, cổng lớn ở phố Hỏa Lò nhìn sang Toà án luôn luôn có công an đứng gác trông rất uy nghiêm. Lũ trẻ chúng tôi thích chơi trên bãi cỏ rộng cạnh sân Toà án. Bên phải Toà án là nghĩa trang Liệt sĩ ở phố Lý Thường Kiệt, lúc ấy người ta đào bới khắp những nơi quân tự vệ Thủ đô từng đánh nhau với giặc Pháp để tìm hài cốt chiến sĩ ta và mang về chôn ở đây.

Trời ấm lên, tôi được phân công chiều chiều đẩy chiếc xe inox bốn bánh bọc cao-su chở bé Hà đi dạo dọc theo hè hai phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo rộng thênh thang vào bậc nhất Hà Nội. Chị Chi nuôi con mát tay, cháu rất bụ bẫm và ngoan ngoãn. Một lần tôi để cháu Hà trong vườn cỏ mát rượi của Toà án, mải chơi cùng bạn để người lạ bế mất. Tình cờ đúng lúc Ba đi ngang gặp ngay ông kia và lấy lại được. Cả nhà lại thêm một phen kinh hồn vì tôi.

Tôi bắt đầu được Ba Mợ sai đi mua những thứ lặt vặt gần nhà, từ tờ báo, giấy bút cho đến bát phở, mớ rau, chưa bao giờ bị ai lừa. Quy củ văn minh lấp ló khắp nơi, thí dụ mọi lợn thịt đều phải có dấu kiểm dịch xanh mới được xẻ bán, mua gì có giá trị lớn đều thấy kèm đủ giấy bảo đảm và hoá đơn, nhỏ như quầy bánh mỳ cũng treo biển hiệu với tên và địa chỉ rõ ràng, v.v..

Khi lên cơn đau dạ dày, Ba thường bảo tôi đến hiệu Gia Long bên phố Trần Hưng Đạo mua bánh mỳ, bánh ở đó không cần kẹp pa-tê chỉ rắc muối rang ăn cũng ngon lắm. Thỉnh thoảng Mợ lại dắt tôi đến rạp Majestic (tức rạp Tháng Tám sau này) ở phố Hàng Bài không xa mấy, lúc đó còn chiếu nhiều tác phẩm điện ảnh cũ nhưng mê ly như Người rừng Tác-giăng, rồi loạt phim câm trắng đen với hề Sác-lô và xê-ri phim màu hoạt hình Walt Disney có nhạc và lời thoại rất hay.

Bỗng trong thành phố rộ lên tin đồn về phong trào chống Nhân văn - Giai phẩm đã được phát động trong giới văn nghệ sĩ nay đang lan sang các trường Đại học Tổng hợp và Sư phạm Hà Nội. Mợ và chị Chi thì thào bàn bạc rất kín đáo với vẻ sợ hãi. Hình như Ba đã phải kiểm thảo nội bộ nhưng không bị đấu tố công khai. Hồi đó Ba đôi khi vẫn giao du với vài văn nghệ sĩ, trong đó có những học trò cũ như Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao. Một lần mưa nhỏ Ba khoác áo che kín mặt, dắt tôi đi đến gần hồ Bảy Mẫu thì gặp chú Văn Cao, hình như hai người có hẹn trước, thấy Ba trao cho chú một gói nhỏ và đi ngay. Nhưng rồi sau đó không lâu Ba ít gặp lại những người quen cũ, Ba đã lo điều gì đó bạc cả mặt, dạ dày đau tái phát dữ dội không đạp xe đi xa được. Cuối cùng, Ba rời vị trí hiệu trưởng và trở thành Chủ nhiệm Bộ môn Tâm lý - Giáo dục học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, phải rời phố Thợ Nhuộm, trở lại căn phòng tập thể từng được trường cấp cho trước kia để sống gần các lớp học, và Mợ cũng đi theo để săn sóc.

(còn nữa)

CHÚ THÍCH

[6] Qua số sách tiếng Pháp còn lại này có thể phỏng đoán những tác gia văn học và triết học Pháp mà Ba yêu thích là George Sand, G.Flaubert, Balzac, Victor Hugo, Jules Verne, Anatole France, R.Rolland, Voltaire, Molière, Racine, Montaigne, J.-J.Rousseau, Montesquieu, Lamartine, Corneille, Mme de Sévigné...


Xem online : HAI TIẾNG THÂN YÊU (Kỳ V)