Trần Chiến

Vườn táo lặng lẽ

Hà Nội

Mấy chục năm trước, trong bài vở của nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá cổ, nhất là của vùng Hà Nội, thấy không ít đoạn ghi “theo Tảo Trang Vũ Tuân Sán”. Kí ức của người lớn tuổi từng ở Sở Văn hoá về cụ Sán thường “kèm” chiếc xe đạp cọc cạch, đi khắp nơi lọ mọ đọc văn bia, nối phả, tìm những giá trị còn bị khuất bóng đem ra cho thiên hạ biết. Gần như là chỉ có thế. Đến nỗi mà dịp Hà Nội 1000 tuổi nhà văn hoá Hữu Ngọc thốt lên buồn buồn: “… công chúng ít biết đến, nhưng trong giới thức giả văn hoá, ai cũng biết anh…, hiểu biết sâu cả văn hoá phương Đông lẫn phương Tây”. “Anh say mê, âm thầm làm việc, nên ít nổi danh”.

Vũ Tuân Sán (1915-2017)

Vũ Tuân Sán sinh năm 1915, giáp những kì thi Nho học cuối cùng của đất nước. Ngôi nhà ở Đại Từ của cụ - trên đất quận Hoàng Mai - lui hẳn vào trong ngõ, ngôi hoa đình có chữ “Tĩnh tâm trai” đang dựng lại. Tĩnh tâm, thoáng đãng thật, chỗ đàm đạo có tầm nhìn ra những lựu, đào, đỗ quyên, hẳn rất hiếm ở thời buổi này. Giữa những đục đẽo ngổn ngang, ông già bé nhỏ đắm chìm trong đám thư tịch cổ, xung quanh bừa bộn sách vở. Bừa bộn thật đấy, nhưng có trật tự cả, cần tra cứu, so sánh chỉ với tay là có. Ở tuổi 95, cụ vẫn như con ong cho mật đều đặn. Thi thoảng là một học giả cần tầm chương giải điển (tích), một phóng viên muốn dựng lại không khí xưa tìm đến. Ai cũng sẽ được thoả mãn, cái ông cụ thảo tính biết gì đều xẻ cho.

Còn ngoài viện Hán Nôm, những chuyên viên cỡ gần gần tuổi hưu chỉ vào một chỗ làm việc, bảo “mấy chục năm cụ ngồi đấy, chúng tôi cần gì lại xuống. Từ hồi cụ không đạp được xe thì đành chịu, nhưng cái thói ấy thì không quên được”.

*
Tuổi hoa niên của Vũ Tuân Sán trải đến là lắm đỗi. Nhà có nhưng không phải khá giả hẳn, theo nếp thi thư, cậu Sán được ăn học đàng hoàng, qua tú tài vào hẳn trường Luật. Thời ấy, bác sĩ đã được gọi “quan đốc”, còn tấm bằng cử nhân luật là cánh cửa vào quan trường, đặng có danh, có lộc. Nhưng Vũ Tuân Sán lại đèo bòng mộng chữ nghĩa, cộng tác với Vũ Đình Long – một trong vài tác giả viết kịch nói đầu tiên, gửi Tiểu thuyết thứ bẩy truyện ngắn “Huớng về mặt trời”, “Chiếc bào thai”, “Tắt lửa lòng” với bút danh Tảo Trang (Vườn táo), in “Hoa mai của phương Đông” trên Tri tân. Đang đường đường tri huyện Mỹ Lộc - Hà Nam - thì cách mạng nổ ra, ông liêm quan ấy đón nhận hồ hởi, không biết rằng những chìm nổi (chữ của Hữu Ngọc) của mình đang bắt đầu. Chìm nổi là phải, khi anh thuộc tầng lớp trên, không ít người trong đấy sẽ là mục tiêu tranh đấu của đám đông.

Với chủ trương dùng thân sĩ, người trong bộ máy chính quyền cũ vào guồng máy mới của Cụ Hồ, Vũ Tuân Sán làm việc trong ngành tư pháp. Nền hoà bình ngắn ngủi chấm dứt, theo kháng chiến ra vùng tự do, ông cử nhân luật làm trong bộ máy kinh tế, dạy trường thiếu sinh quân, xê dịch liên tục trong vùng Khu Bốn cũ. Đến năm 1951, gia đình trong vùng tạm chiếm gieo neo quá, ông trở vào thành, hành lại nghề luật ở Hải Phòng. Hết 9 năm, không di cư vào Nam như vài người thân, Vũ Tuân Sán chọn đường ở lại, bắt đầu đoạn đời “do những thành kiến ấu trĩ, anh không được đặt vào hoàn cảnh thuận lợi để phát huy hết khả năng của mình”, như lời Hữu Ngọc.

Sáu năm đầu hoà bình, Vũ Tuân Sán được sử dụng ở chân thẩm phán toà án thành phố, tư cách công chức lưu dụng. Ngày lại ngày tra xét, luận tội danh theo điều này ý nọ, đêm về chữ nghĩa nó lại “cắn”, rằng văn bản Hán Nôm này chưa được hiểu đúng, nhân vật nọ bị đặt nhầm chỗ. Hẳn là thế, nên đến năm 1961, ông về sở Văn hoá làm chân bảo tồn bảo tàng. Kho kiến thức cổ được tận dụng, làm đầy thêm qua những chuyến đi, những cuộc tra cứu, đề tài. Hà Nội đầy ắp gia phả, tộc phả, truyền thuyết, chiếc xe đạp lăn bánh từ vị trưởng họ này ở Thanh Trì đến tấm bia, huyền tích nọ bên Đông Anh, Gia Lâm. Túi dết đựng đồ ăn, bút sổ, sách tra cứu, phả tộc họ, ông ăn ở “dầm dề” giữa những “tàn dư phong kiến”. Đấy là thời kì bia tượng đập bỏ, sắc phong đem đốt, đình miếu không phá thì thành kho hợp tác. Di sản đấy chứ đâu, nhưng “chúng” cứ gắn liền với mê tín dị đoan, thói tục cổ hủ phải loại trừ. Những người nhặt nhạnh giá trị của quá khứ như ông đã làm việc vất vả, âm thầm vô cùng. Không yêu, không tiếc “của giời”, không làm được.

Cứ thế, đến 1975 là đủ tuổi hưu. “Gừng càng già càng cay”, bên viện Hán Nôm lại vời sang làm chân nghiên cứu. Đấy là cái kho chữ nghĩa, thoả sức lòng yêu quốc học, nơi có những bậc túc Nho hiểu biết, tôn trọng nhau. Ông thoát khỏi việc sự vụ, dịp này dịp nọ thành phố hay đây đó cần, để mà chăm chăm đèn sách. Những đề tài, những bài báo viết thêm bên đồng lương hưu giúp gia đình đỡ túng quẫn. Và đàn con đông đúc đã lớn lên, kiếm ra tiền. Ngoài sáu chục, Vũ Tuân Sán thấy mình đã có thể chuyên tâm vào cái nghiệp ông hằng yêu mến, đỡ bị cơm áo ngày thường, những yêu cầu phục vụ sát sạt của cơ quan chủ quản chi phối. Có thể đây là thời kì ông toả ảnh hưởng nhiều nhất chăng? Làm từ điển, tra cứu, hệ thống lại những vấn đề đã đặt ra, đi lại những nơi đã đến, cứ miệt mài thân già.

* *
Hà Nội có lẽ là vùng đất thâm canh của Vũ Tuân Sán. Càng thâm canh, nhà nghiên cứu càng thấy nó mênh mông. Đứng chung trong chi chít ấn bản, đến năm 2007, ở tuổi 93, cụ mới ra sách riêng “Hà Nội xưa & nay” 500 bản ở nhà xuất bản Hội Nhà văn, với sự giúp sức của Trung tâm nghiên cứu Quốc học.

Dầy ngót nghìn trang, tập hợp những bài báo, khảo cứu quãng sáu chục năm qua, đây là một công trình rất có hệ thống. Mấy năm gần đây, nhất là vào dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong các bài báo, bộ sách ấn hành, cứ “lấp lánh” những ý tứ, tư liệu của Vũ Tuân Sán, đa phần không xuất xứ.

Phần “Sử Địa” gồm những bài về việc định đô Thăng Long, gốc tích Lý Thường Kiệt, Thăng Long thời Lý Trần, văn bia, hội Hướng thiện, xác định địa điểm Đông Bộ Đầu…

Phần “Di tích” cho ta biết thêm về những vùng đất hằng được nhắc đến, tưởng tất cả đã rõ. Đó là miếu Đồng Cổ, chùa Sét, chùa Đại Bi, Thập Tam Trại… “Núi Nùng, núi Khán hay núi Sưa” làm tường minh một nhận thức phổ biến, đã vào cả bản đồ năm 1962 của thành phố, nhưng lại sai. Về núi Nùng, ngọn núi vẫn được coi là tiêu biểu của kinh đô xưa, Vũ Tuân Sán trích tới ba tác giả Phan Huy Chú, Doãn Kế Thiện, Trần Bá Lãm để thấy nó nằm trong thành, gần điện Kính Thiên. Bài về khu phố Hoàn Kiếm ngày nay là một khảo cứu công phu, xuyên suốt từ xa xưa đến giai đoạn trước năm 1930, với những giá trị kinh tế, văn hoá nghệ thuật, chính trị. Nhiều làng nghề nay không còn được “lôi” ra đến tiên sư, tổ sư, nơi thờ phụng, như nghề tráng gương, khắc ván in, khảm xà cừ. “Tại đình Lò rèn 32 Lò Sũ mọi bàn thờ đều bị dẹp lại biến thành nhà ở. Một đôi câu đối bị đóng vào bao lan cầu thang để làm chỗ tựa kê chiếc chạn. Phải đánh đu cầu thang mới đọc nổi, chữ viết và khắc khá đẹp…”. Chưa nói đến tấm lòng với quá khứ, phải công phu thế nào mới viết được một câu như thế này.

Hai phần “Danh nhân” và “Văn học” cho thấy Vũ Tuân Sán nặng lòng nhất với Cao Bá Quát (3 bài), Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Chu Văn An (đều 2 bài), Thiều Chửu. “Hồ Xuân Hương và Freud” in từ năm 1953, vẻn vẹn 7 trang, bật mí một Vũ Tuân Sán đã có thể khác: tranh luận, bộc lộ đến quyết liệt, không quá kín đáo hay nghiêng về tư liệu. Giọng văn cũng rành rẽ kiểu khoa học mà vẫn đắm đuối: “Các bài thơ của nàng (Hồ Xuân Hương), tinh nghịch có, ma mãnh có, nhưng trong đó, bố cục nghiêm minh, khiếu quan sát tinh tế, tình cảm đúng mực không quá buông thả: tất cả các bằng chứng của một tinh thần sáng suốt mà thăng bằng. Không thể nói rằng cái “ám ảnh tình dục” chính là một triệu chứng của bệnh thần kinh đã khiến tâm trí không lúc nào thoát được một ý tưởng thiên chấp (idée fixe). Vì thực ra, ở đây chỉ là một thái độ tinh thần, dùng sự liều lĩnh như một phương tiện được coi là hiệu nghiệm để chế riễu, trêu cợt, chống đối với những quan niệm đạo đức quá khe khắt về chữ “dâm”.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm nằm lòng của nhiều nhà nghiên cứu, tưởng đã được khảo cứu cả. Rất lọ mọ, Vũ Tuân Sán tìm ra tấm khắc bài thơ chữ Nôm treo chỗ “rất cao, phía trên xà nhà”. Đối chiếu với một bức khác trong Đại Mỗ, Từ Liêm, ông “tồn nghi” là của chúa Trịnh Doanh. Những dòng “thống khoái” bò ra: “Nó quý ở chỗ đã giới thiệu sự có mặt của thứ chữ viết riêng biệt của dân tộc tại nơi mà chữ Hán của kinh thánh truyện hiền vẫn là thứ chữ được chính thức coi trọng” (trang 601).

Bài “Đọc “Lược truyện các tác gia Việt Nam” tập 1 – tác gia các sách Hán Nôm” ở phần cuối - “Các đề tài khác” - cho thấy một Vũ Tuân Sán với kiến văn quảng bác, thái độ trân trọng, thành thật với đồng nghiệp nghiên cứu. Dẫn từ các tác giả phương Tây như Gaspardone tới Phan Huy Chú, Dương Quảng Hàm của ta, ông khen cặn kẽ và góp ý: “Một điều đáng tiếc khác là các soạn giả không ghi rõ những tài liệu đã được dùng trong việc viết các tiểu sử tác gia hoặc liệt kê tác phẩm”. Đây là lời phê rất nặng thể hiện trong một thái độ cẩn trọng, cho thấy ông coi trọng vai trò sách tra cứu thế nào. Và về mặt phương pháp (đằng sau là đạo đức), bài viết từ 50 năm trước này chả hề lạc hậu trong thời buổi ra ngõ gặp tiến sĩ hôm nay - những tiến sĩ xào nấu, cắt dán.

* * *
Vũ Tuân Sán đã trải nhiều biến cố, về xã hội là các chế độ chính trị, về văn hoá là Nho tàn, Tây học, “học thuật Liên Xô” rồi lại ồ ạt Âu Mỹ hôm nay. Xuất thân Khổng học, đào tạo trường Tây rồi “trở về” với Quốc học, thế là cụ đã “vắt” qua thế kỉ XXI được 10 năm. Đủ chưa? Và người đời đánh giá cụ đã đúng vị trí? Con người tri túc ấy hẳn đã có câu trả lời, để mà “yên hưởng”, cho thanh thản. Cái thái độ bình tĩnh đã ngấm tới kết cấu từng bài, cả cách chọn chữ.

Lạ, là đến thăm ngôi nhà yên tĩnh ở Đại Từ, nơi ngày xưa có vườn táo thơm thảo, khách vẫn thấy ông già bé nhỏ ấy lụi cụi tra cứu, tiết ra những giọt mật tri thức, nghe nói về tư tưởng của một tác giả rất mới. Hành trình dài và đáng trọng ấy, đã mấy người “thủng”?

T.C. 2011