Cộng đồng kinh tế ASEAN:

Doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Indonesia và Myanmar như thế nào?

Năm 2015 là thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN, đồng thời cũng là mốc thời gian thực thi đầy đủ nội dung của nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết, mở ra giai đoạn mới với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Do đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước đi đúng đắn và chiến lược phù hợp để khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như Indonesia và Myanmar.

Tại buổi Hội thảo bàn về vấn đề làm ăn với Indonesia và Myanmar do Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại thành phố ngày 17/9, ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty Trương Đoàn nhấn mạnh: Indonesia là một trong những thị trường hấp dẫn thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhờ vào lợi thế dân số đông và tăng nhanh, mức độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng lớn; đồng thời người dân Indonesia cũng cảm nhận lạc quan và tin rằng nền kinh tế đất nước đã cải thiện khá nhiều so với những năm trước. Mặc dù phân khúc thị trường tiêu dùng tại Indonesia được chia làm 7 nhóm, nhưng thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều điểm chung, trong đó dành khoảng 50% thu nhập cho việc ăn uống; khi mua sắm thường quan tâm đến giá cả phù hợp với chất lượng; thích những sản phẩm có trọng lượng nhỏ; thực phẩm tươi sống, sản phẩm sạch…

Theo đánh giá của các doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp nước ta có nhiều thuận lợi khi xâm nhập vào thị trường Indonesia, Myanmar vì các thị trường này đòi hỏi chất lượng sản phẩm ở mức độ khá cao, không ưu chuộng những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, các nước này đang chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng thị trường, có chính sách khuyến khích khu vực tư nhân phát triển ngoại thương và hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng và sức mua của thị trường này rất lớn, trong đó có nhiều ngành đang là thế mạnh của Việt Nam như thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, chế biến thủy sản, thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp, phân bón, dịch vụ…

Cũng như những đất nước đang phát triển khác trong khu vực, tỉ lệ người dân chọn các kênh bán lẻ hiện đại để mua sắm ngày càng tăng đáng kể, dẫn đến nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… đang phát triển nhanh chóng ở Myanmar và Indonesia nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Tuy nhiên, để thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng, một số doanh nghiệp có kinh nghiệm ở 2 thị trường này cho rằng cần phải đưa ra những sản phẩm trọng lượng nhỏ với giá thấp hơn, nhiều nhãn hàng phổ thông, đặc biệt là với sản phẩm thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn…

Riêng về phương thức thâm nhập thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác, liên kết với nhà phân phối nội địa, nếu triển khai độc lập thì sẽ khó đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, các doanh nghiệp không nên cạnh tranh về giá mà áp dụng phương châm chất lượng đồng hành cùng với giá bán mới mong hấp dẫn được người dân ở các thị trường này.

Ông Lê Đức Duy, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Vinamit cho biết, hiện nay Myanmar là quốc gia đất rộng người thưa, đất đai màu mỡ, nhiều lĩnh vực có nền tảng vững chắc như nông nghiệp, giáo dục… Một trong những yếu tố quyết định thành công khi thâm nhập thị trường Myanmar có thể kể đến là sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh và phát triển tốt hệ thống phân phối.

Ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Tp. Hồ Chí Minh cũng nhận định: Myanmar vẫn là một thị trường mới, yếu tố cạnh tranh không nhiều, tiềm năng kinh tế lớn, nhưng nền kinh tế nước này vẫn mang nặng cơ chế quản lý hành chính tập trung, cơ chế thuế quan chưa thông thoáng và vẫn còn bao cấp giá đối với một số sản phẩm hàng hóa thiết yếu.

Với hạ tầng còn yếu (thiếu điện, viễn thông kém, giao thông khó...) nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường này còn nhiều hạn chế nhất định. Do đó, khi khai thác những thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam nên vào thị trường theo từng nhóm, tương tác hỗ trợ nhau, cùng làm nổi bật hình ảnh thương hiệu của Việt Nam thì dễ gây chú ý hơn. Đồng thời, doanh nghiệp phải quyết tâm đeo bám thị trường, kiên nhẫn đầu tư chu đáo cho thị trường từ bao bì, thiết kế mẫu mã, quy cách, chiến lược truyền thông phù hợp.

Theo các chuyên gia, đây là thời điểm thích hợp để thâm nhập thị trường Myanmar và Indonesia, vì khu vực bán lẻ đang tăng trưởng rất nhanh, người tiêu dùng đang có nhu cầu cao với nhiều mặt hàng khác nhau, trong khi điều kiện thị trường cũng thuận lợi cho việc xây dựng thị hiếu tiêu dùng, nhưng doanh nghiệp cần có cái nhìn thực tế về quy mô thị trường, các thách thức hiện tại đối với việc tiếp cận thị trường, chủ động về khả năng linh hoạt và có cam kết phát triển thị trường lâu dài…

Chiến lược thâm nhập thị trường tốt nhất có thể áp dụng là thông qua đại lý để tăng độ phủ cũng như tiến hành các hoạt động truyền thông, tác động vào sự nhận biết của người tiêu dùng đối với sản phẩm mới. Riêng với các sản phẩm cao cấp, doanh nghiệp nên bán trực tiếp cho siêu thị hoặc chỉ định siêu thị làm nhà phân phối độc quyền, đồng thời trực tiếp đến gặp gỡ với các đại lý tiềm năng và nhà phân phối chủ chốt nội địa để tìm hiểu thêm về thị trường trước khi xuất hàng./.

PVMP, TNN