Trần Chiến

Số phận biệt thự

Mỗi ngôi nhà đều có tâm hồn người ở trong đó, nhất là của người ở đầu tiên, đã xây cất, đã toan tính, trông đợi những gì nhà phải thỏa mãn.Vậy thì, hồn cốt những ngôi biệt thự ra sao?

Xuất hiện ở Hà Nội sau khi cuộc thực dân hóa hoàn thành, biệt thự chủ yếu nằm ở khu nhượng địa, phía nam đường Tràng Thi, nay thuộc các phố ngang Lí Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, phố dọc Hàng Chuối, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông... Vài nghìn cái, chủ yếu cho chủ Tây, và công chức có của để, người Việt giàu có. Thay thế cho tranh tre nứa lá, nhà tư, dinh cư quan lại - đều bằng vật liệu dễ cháy, không được lâu bền, biệt thự hẳn phải xử lí móng rất kĩ, vì vùng đất phía nam thành phố sông hồ đầu thế kỉ còn rất lầy thụt. Kết cấu chịu lực bằng gạch, lợp ngói tây, biệt thự có quy mô không lớn, thường chỉ gồm tầng hầm, nhà ở chính, có thể thêm tầng áp mái. Nhiều ông thông ông phán dùng tầng áp mái làm nơi thờ phụng. Bên ngoài nhất thiết phải có vườn, rồi nhà bếp, nhà bồi, nhà xe. Nghĩa là giữa ông chủ và người hầu có khoảng cách rất rõ. Hố xí máy đã thay cho đổ thùng, nhưng thường mỗi nhà một cái chung. Cây trồng chủ yếu lấy bóng mát, nhiều giống mang từ châu Phi, “chính quốc” sang. Nhà chủ Nam thi thoảng có gốc roi gốc vối, hàng cau, gợi lại chút gì cảnh quê. Hàng tháng thợ làm vườn đến cắt tỉa, dọn dẹp. Đa, si, gạo nói chung không có chỗ, mà ra ở chỗ thờ phụng chung, nhưng đại, đề có thể nhúc nhắc.

Đó là một không gian thanh tĩnh, có thể lãng mạn, sinh thành ra những sản phẩm trí tuệ. Hẳn là nhà Thạch Lam ven hồ Tây kì thú lắm, để cho ông viết ra được những câu văn trong sáng, tinh tế đến vậy.Trừ những anh xe, anh bếp, chị sen còn bấp bênh, các cậu mợ, ba me, cô cậu sống trên nhà chính không phải lo ăn từng bữa. So với nhịp sống bây giờ, thì đời ấy thư thả, giản dị quá. Cái cảnh chủ đánh đập người ở có lẽ không phổ biến. Người ta đọc sách, viết, vẽ, thả hồn vào cây piano. Những dàn ti gôn, bóng hoàng lan. Những làn khói ban thờ. Hình như đây là một cái nguồn cho văn chương lãng mạn, vừa rất “Tây” vừa đậm hồn dân tộc.

Dòng đời êm ả cứ trôi đi. Rồi cách mạng. Rồi chiến tranh. Câu “Thăng Long phi chiến địa “ rơi lả tả.

Rồi năm năm tư về. Thực dân không còn. Chế độ hữu sản chấm dứt. Di sản của kiến trúc thuộc địa đổi chủ. Ông bà cô cậu ra đi, vì nhà đã thành của Nhà nước, đến chỗ lụp xụp hơn, có nền văn minh gác xép. Thảng hoặc được ở lại, thì co vào, lấy chỗ cho người mới từ kháng chiến về, hoặc dưới quê lên. Dăm ba vị được giữ lại cả ngôi nhà thì đều là nhân sĩ, mang một biểu tượng gì đấy...

Thêm chủ, đổi chủ, thì đổi cả nề nếp sống. Sự tận dụng, nếp tạm bợ chen vào. Ban công, hành lang quá phí phạm, phải quây giấy dầu, làm chuồng cọp để đặt được bếp dầu, bếp than, trạn bát. Ống máng sành nứt vỡ, những chỗ đục ra cho nước thoát chẩy tong tỏng xuống đầu người ở dưới. Bởi nhà chung, kinh phí sửa chữa có hạn, sự quản lí bê trễ, nên xập xệ, cũ nát dần. Nhiều ngôi chen chúc người tứ xứ. Người ta có thể tự quét vôi lại những căn phòng riêng lẻ, chứ mặt ngoài biệt thự thường long lở vì tróc vữa, rêu bám dọc ống máng đen xì.

Tuy vậy, chiến tranh và cái nghèo còn giữ cho biệt thự những hình nét chủ yếu. Vào một số nhà ,ít nhất còn thấy được đâu là vườn, đâu là nhà bồi, nhà bếp. Thảng hoặc, là những túp lều vẩy thêm, những nhà tạm lợp giấy dầu. Nhưng người đổ về, người sinh ra nhiều quá, nếp yên ả không còn. Phải cãi nhau vì cửa sổ, khói bếp, lối đi, vì nhà này vừa mua mỡ nước cắt ô số 43 mà không chịu cho nhà kia vay. Lối cộng khổ đồng cam sinh ra những quan hệ rất rách việc, có lẽ không được đầm ấm như ở các khu tập thể mới, nơi mọi người đều là nhân viên Nhà nước, chung một “giai cấp”.

Hai mươi năm gần đây là giai đoạn cấu trúc biệt thự bị phá vỡ khủng khiếp nhất. Nhà nhà làm thương nghiệp, người người bung ra mặt phố, dạng vi - la tan tành. Cả Quang Trung biến thành “phố xa lông, phô tơi”. Vì có những quy định hạn chế làm nhà trong khu phố “Tây”, ban đầu, người ta rón rén làm tạm chỗ bán hàng bằng tường mỏng, lợp mái nhựa màu. Giai đoạn sau là kiên cố hóa. Nhà bê tông, thường chỉ được một tầng, vẫn che lấp căn nhà chính, khiến nó trở nên ngột ngạt, bức bối. Cây cối, thường già hơn chủ mới vài chục tuổi, nhà bồi nhà bếp đằng sau biến mất, nhôm kính cao tầng mọc lên thoải mái không phải “tắc lẻm” du kích như phía trước. Ngõ Hạ Hồi, một thiên đường trong kí ức của nhiều người Hà Nội có tuổi, nơi có những ngôi nhà theo kiểu nông thôn Pháp - biến dạng nhiều nhất. Gần như không có chỗ cho cây mọc. Căn biệt thự xưa nhỏ bé, thảm hại, thiếu tiện nghi giữa những nhà nhôm kính ba bốn tầng rất hiện đại, nơi một gia đình hai thế hệ có thể sống thoải mái. Đôi chỗ, không hiểu vì cái gì,bên ngoài còn giữ nguyên được dáng xưa, như số 11, 13 Trần Hưng Đạo, 18 Lê Thánh Tông. Cà phê phố 15 Lí Thường Kiệt vẫn cót két cầu thang, sàn gỗ lim, những cánh cửa nặng có tay nắm kiểu cổ. Cạnh đấy là những căn nhà do công ti khai thác nhà mua lại, sửa sang theo kiểu cũ. Và dĩ nhiên, khu vực cao cấp Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, các sứ quán thì dáng hình biệt thự không thể bị suy suyển. Đó là những không gian trọn vẹn, không pha trộn, có thể suy tư, mơ mộng, tuy tiện nghi bên trong đã làm lại cho mới toanh.

Biệt thự đang trèo ra ngoại thành. Đông đảo nhất là ven hồ Tây, nơi môi trường trong trẻo. Quảng Bá, Tây Hồ lớp lớp kiến trúc cho Tây thuê, có cây cối. Ông chủ, người làng hoa, kiêm luôn chân làm vườn. Nhiều người giầu có lên mua vài sào đất bên kia sông Hồng, thuê kiến trúc sư vẽ kiểu. Quả là thích mắt khi lại được ngắm những ngôi nhà thanh tĩnh thấp thoáng sau dàn ti gôn, những tường rào sắt phủ hồng leo. Đó là không gian cho người thích thanh tâm. Với họ, những hoạt động làm ăn huyên náo ở lại ngoài phố, về đây là không gian riêng, rất riêng rồi .

Biệt thự đang trở lại và sẽ phát triển với tầng lớp hữu sản đang nhiều và mạnh hơn. Hà Nội đã có những "làng biệt thự" ở Quảng Bá, chủ yếu do dân bán đất xây cho người nước ngoài thuê, ở Gia Lâm thì nhiều nhà của người ta hơn. Nhưng vẫn lốm đốm, lác đác. Sự không tập trung ấy là do không thể có cả một quy hoạch bề thế như Tây ngày xưa. Giàu ở lẫn với nghèo, kẻ làm liên doanh kề kề anh suốt ngày tìm vận may trong đề đóm, thì không thể có sự nhất quán trong tâm trạng, để mà mơ mộng, dành “một trăm phần trăm” trí lực cho sáng tạo được. Thành thử hồn cốt biệt thự vẫn cứ lắp ghép, không nguyên vẹn thế nào ...

Trần Chiến
Hà Nội 2001