Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > Dhandapani Jayakanthan (1934)

Văn học Ấn Độ

Dhandapani Jayakanthan (1934)

Nhà văn Ấn Độ

Thứ Năm 26, Tháng Chín 2013, bởi Hong Ha

Tiểu sử:

Dhandapani Jayakanthan (1934) là nhà văn, nhà báo, nhà viết tiểu luận, nhà làm phim và nhà phê bình Ấn Độ viết bằng ngôn ngữ Tamil.

Tác phẩm

Người ta không lãng quên các anh hùng

Bà lão Pon-nam-man tự mình kiếm sống. Bà dọn dẹp nhà cửa cho bốn gia đình, quét sân, tưới hoa và vẽ các hình hoa văn ở cạnh cửa ra vào. Bà còn kịp rửa bát đĩa trong hai nhà khác nữa. Suốt ba mươi năm trời kể từ ngày chồng mất, bà chỉ biết trông cậy vào đôi bàn tay của mình. Ông Tri-na-xa-mi của bà đã hi sinh trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập và chẳng để lại cho bà được chút gì. Bà Pon-nam-man vẫn cứ sống thế thôi. Bà làm công cho những đầy tớ trung thành của chính phủ nước Ấn Độ tự do.

Khoản tiền cỏn con bà kiếm được cố lắm mới đủ cho bà và ba đứa nhỏ. Nhưng hai thằng bé đã chết khi còn nhỏ xíu, còn đứa con gái thì đi lấy chồng được mười năm rồi và đã theo chồng đi xa. Chồng nó là Ran-ga-xa-mi, làm chân chạy giấy cho một công ty nào đó. Đó là tất cả những gì con gái của người cha yêu nước được hưởng.

Nhưng thôi, cho qua những chuyện ấy.

Mà sự cống hiến của chồng bà thì đã thấm gì so với những đóng góp của một chiến sĩ đấu tranh cho tự do hiện còn đang sống trong thành phố này. Ông ta phải sống trong tù những sáu tháng và giờ đây đang la hét về chuyện đó trên từng ngã tư đường. Và ông ta đã không uổng công la hét. Ông ta là ủy viên hội đồng thành phố. Mới đây người ta đã bầu ông ta vào nghị viện.

Lại còn một người yêu nước khác trong đợt bầu cử vừa qua trúng vào nghị viện nữa. Giờ đây con người quyền uy ấy nổi tiếng khắp Ấn Độ. Bệnh viện địa phương, công viên và thư viện thành phố được vinh dự mang tên ông. Quả là các bạn chiến đấu của chồng bà Pon-nam-man đã được lĩnh lợi tức không nhỏ cho lòng yêu nước của mình!

Còn Tri-na-xa-mi của bà là gì? Trên cái nền ấy, lại trong phạm vi thành phố và hơn nữa, trong cả nước thì chiến công của ông chỉ là một cái gì đó rất nhỏ nhoi, không đáng kể. Lòng yêu nước của những người dân thường ở đây sao mà khó thấy, và bị đẩy vào sau hậu trường, cũng như chính bản thân họ vậy... Mà thực ra giờ đây, thử hỏi chứa những ý nghĩ tầm phào ấy trong đầu thì được ích gì? Nhân dân đã giành được cái lớn nhất - tự do, và chính phủ độc lập đang bận bịu với hàng ngàn trách nhiệm thực sự trọng đại. Thực ra thì hàng ngàn người đã ngã xuống - dành lại tự do đâu có dễ! Nhưng những người đã sống, trời cũng không quên phú cho họ đầu óc sáng suốt.

Bà Pon-nam-man cũng chẳng cần gì đến những triết lí dớ dẩn ấy. Đằng nào bà cũng có hiểu gì đâu. Thời gian đầu bà cũng có phàn nàn đôi chút vì số phận thật không công bằng đã lấy mất người chồng và người cha của các con bà. Nhưng rồi bà tự trả lời mình: Mình không có quyền đòi hỏi, quấy rầy chính phủ.

Xung quanh bà, người ta nói không biết chán về nền tự do mới giành được. Phố xá đông nghịt những người reo hò hồ hởi. Từ khắp nơi vang đến tai bà Pon-nam-man những tiếng hô:

- Những bằng hữu không thể nào quên của chúng ta... Họ đã đổ máu vì tự do... Biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống cho tự do!

Rồi bà còn nghe bao nhiêu câu chuyện xúc động về cái đề tài cứ ngày càng trở nên thân thuộc và tầm thường ấy. Nhưng bà chẳng bao giờ góp giọng mình vào dàn hợp xướng chung đang ca tụng các tử sĩ. Và khi người ta ca ngợi những chiến công của ông Tra-na-xa-mi trước mặt bà thì bà chỉ lặng lẽ tự hào. Nhưng cái gì đã qua có bao giờ trở lại.

Bây giờ bà đã sáu mươi rồi. Năm tháng đã lấy đi cả sức lực của bà. Và càng ngày bà càng hay nghĩ về cái chết.

Mà không phải vô cớ. Chân yếu lắm rồi. Nói gì đến chuyện đi lại, đứng cũng không nổi nữa là. Bà lão Pon-nam-man buộc phải thôi việc. Đó là một đòn ác nghiệt.

"Thôi thì, - bà nghĩ thầm, - biết làm sao được, chỉ còn ngồi chờ chết mà thôi. Chỉ cần một nhúm gạo, ngoài ra chẳng cần gì khác nữa."

Nhưng muốn có gạo, phải có tiền. Lấy đâu ra tiền bây giờ? Ở đây không thấy ai nói gì đến tiền trợ cấp! Một người vợ góa của người chiến sĩ yêu nước cũng chẳng nghi ngờ gì về chuyện ấy.

Tin cuối cùng về con gái bà nhận được cách đây hai năm. Con bà báo tin bà lại có thêm thằng cháu nữa. Gia đình chúng nó còn chưa phải đói. Cái đó là chính, ngoài ra mọi cái không quan trọng. Nhưng đến thăm bà thì chúng không thể. Trong thư không nói gì về chuyện mời bà đến chơi.

Bà lão Pon-nam-man chỉ ước làm sao kiếm được mấy hào mua tờ giấy, nhờ ai đó biết chữ viết hộ lá thư cho con gái.

"Nó đi đâu được với đứa con còn đang bú? Mình còn có thể đến với chúng nó... Trời ơi, nghĩ mà kinh hoàng, mười năm ròng không được trông thấy con gái... Ở đấy nó sống thế nào nhỉ? Giá có được chục rupi để mua vé thì... Được, giả sử mình sẽ đến đấy... Thế rồi sao? Bọn nó lại bận bịu thêm ra... Ước gì được ở với con gái vài ngày. Ở lâu thì không tiện. Tất nhiên nó sẽ không giục mình đi, thậm chí nó còn nài mình ở thêm... Ôi, con gái tôi, con gái yêu quý của tôi... Con có mạnh giỏi không? Còn mẹ, mẹ già nua rồi, bắt đầu quên cả khuôn mặt mày rồi... Ôi chao! Làm sao đếm được bao nhiêu ngày mẹ con mình xa nhau!... Con còn đang bé dại mẹ đã gả cho người ta rồi... Bây giờ mày đã là người đàn bà trưởng thành, bà chủ gia đình rồi. Chồng con, công việc nội trợ... Chắc cũng chẳng có phút nào mà nhớ đến mẹ nữa. Ôi, con gái tôi..."

Suốt ngày dài bà lão ngồi một mình và lẩm bẩm với mình những câu chuyện buồn rầu bất tận...

Một hôm bà nhận được thư con gái. Cô viết là cô đã sinh đứa thứ sáu, rằng cô rất nhớ mẹ."Nhưng con đi đâu được với một lũ con, lại phải bế thêm đứa bé nhất còn đang bú trên tay, - con gái bà viết. - Mẹ hãy đến chỗ con thì hơn. Chẳng phải suy tính gì dài dòng. Mẹ cứ đến đây. Mẹ sẽ ở bên con những năm tháng cuối cùng".

Bà lão sung sướng đến tột đỉnh.

- Con gái tôi nó viết thư, - gặp ai bà cũng hãnh diện khoe. - Nó mời tôi đến đấy. Nó nói tôi đến ở với nó.

Chẳng bao lâu cả vùng đều biết chuyện ấy.

- Phải đấy, bà ạ, ở tuổi bà sống một mình sao được? Đúng đấy, bà đến ở với con gái là phải lắm, - hàng xóm khuyên bà.

- Vâng, vâng, - bà lão gật đầu. - Nhất định tôi phải đi thôi.

Trở về căn phòng nhỏ của mình, bà Pon-nam-man luẩn quẩn mãi mà không nhớ ra bà định làm gì. Rồi bà vội vã trải chiếu đi nằm, đầu óc vẫn tiếp tục suy tính.

"Nó vẫn còn bé bỏng, - bà lẩm bẩm. - Thế mà viết lá thư chín chắn quá... Nó mời mình đến ở... Nó nói mình sống với mẹ con nó. Phải rồi, đến đấy mình cũng chẳng ngồi không. Thế nào mình cũng tìm được việc để làm... Trời ơi, làm sao nó sống được với đồng lương của chồng nó nhỉ? Làm chân chạy giấy thì có được bao nhiêu đâu? Sống ở thành phố mà không có tiền thì khổ quá! Mình lại còn đến thêm nữa thì quả là cái vạ trên trời rơi xuống. Thế mà nó vẫn mời "Mẹ cứ đến đây!". Ôi con gái của tôi, con bé bỏng đáng yêu của mẹ."

Bà lão kéo vạt áo lấy ra lá thư đưa lên môi hôn.

"Ôi, giá được trông thấy đàn cháu, chưa bao giờ mình được thấy mặt chúng cả. Không sao, mình vẫn còn kịp, chỉ có ông ấy, - không hiểu sao bà nghĩ đến chồng, - ông ấy chẳng còn được thấy ai nữa hết".

Bà lão ngồi dậy. Bà đưa mắt tìm tấm hình chồng treo trên tường giữa ảnh những người danh tiếng trong thành phố. Hồi con gái còn ở nhà, cô thường thắp hương thờ và cắm hoa quanh ảnh bố.

Bà lão Pon-nam-man lau bụi trên mặt kính khung ảnh. Tri-na-xa-mi của bà hiện ra. Ông đội chiếc mũ calô trắng của những người dự đại hội, áo sơ mi bỏ ngoài quần. Tay ông khoanh trước ngực, bộ ria kiêu hùng vuốt vểnh lên. Ngọn lửa tự do cháy rực trong mắt.

Trong giây lát, bà lão tưởng như trước mắt bà là tấm ảnh những đứa con trai đã chết. Phải, giá như chúng còn sống thì chắc cũng đã trở thành những chàng trai đẹp như thế này.

Bà thở dài: "Giá như chúng còn sống.... khi mình đã già nua, không còn làm việc được nữa... Chúng sẽ nuôi mình, nâng đỡ, chăm sóc mình...".

Ý nghĩ ấy làm tăng lên trong lòng bà ước muốn được đi thăm con gái và các cháu.

Nhưng ngoài ý muốn còn cần phải có tiền nữa.

"Trời đất ơi, mười rupi, cả thảy phải có mười rupi!".

Và cái hăng hái của bà lão tan biến mất...

*
* *

Tuy đất nước và cả thành phố đã quên Tri-na-xa-mi, nhưng những đồng hương còn sống vẫn nhớ tới người anh hùng của mình. Nhiều người trong họ đã chứng kiến trận đánh cuối cùng của ông và biết rõ nơi ông đã ngã xuống trước những viên đạn của quân thù.

Trên miếng đất ấy, họ dựng lên câu lạc bộ và định ngày khánh thành.

Con người danh tiếng của thành phố nhỏ quê hương họ, cái ông được bầu vào nghị viện, được mời đến với tư cách là khách danh dự. Ông ta đồng ý sẽ có mặt tại buổi lễ tuy thực ra mới nghe đến tên Tri-na-xa-mi lần đầu.

- Cần phải lấy tấm ảnh Tri-na-xa-mi chỗ bà vợ ông ấy, - một trong những người có sáng kiến đề nghị.

Ý định ấy được các thành viên ban tổ chức nhiệt liệt hoan nghênh.

Đến ngày đã định, một chiếc ô tô đỗ xịch trước cửa nhà bà Pon-nam-man trong lúc bà lão chẳng hay biết gì và còn đang bận bịu với những suy tính về chuyến đi thăm con gái.

Bà cụ đã hai ngày dũng cảm chống lại cái đói. Cuộc vật lộn đã lấy hết của bà chút sức tàn, và bà không còn đủ sức đứng dậy bước ra đường được nữa. - Am-ma, Am-ma! - Giọng ai đó từ bên ngoài vọng vào.

Bà Pon-nam-man lê bước ra mở cửa.

- Vâng, thưa ông.

- Thưa Am-ma, chúng tôi có mở câu lạc bộ ở vùng này để tưởng nhớ người anh hùng Tri-na-xa-mi. Chúng tôi mời bà đến dự buổi lễ. Xin bà nhớ mang theo tấm ảnh chồng bà. Khoảng bốn giờ chiều, chúng tôi sẽ đến đón bà.

Bà Pon-nam-man không hiểu gì cả. Khách đi rồi, bà lại chìm đắm trong suy nghĩ về chuyến đi thăm con gái.

Bốn giờ chiều, chiếc ô tô lại đỗ trước cửa nhà bà Pon-nam-man. Bà lão xấu hổ với chiếc xari cũ kỹ nhàu nát của mình, bẽn lẽn ngồi lên xe. Hàng xóm đổ ra đường há hốc mồm xem chuyện lạ, kinh ngạc và ghen tị với bà lão già nghèo khổ tự nhiên lại có vinh hạnh lớn lao này.

Tại buổi lễ, khách đến dự đông nghịt. Những người sáng kiến tổ chức buổi lễ chạy đến bên xe trân trọng đón bà Pon-nam-man, kính cẩn đưa bà lên lễ đài, mời bà ngồi vào chỗ tốt nhất. Thấy bên cạnh mình toàn những vị tai to mặt lớn của thành phố, những người thường thuê bà rửa bát đĩa, bà Pon-nam-man mất tự chủ hoàn toàn và toan đứng dậy. Nhưng một người trong bọn họ nghiêm giọng nhắc bà ngồi xuống. Bà lão sợ hãi phục tùng, ngồi cố thu mình cho nhỏ lại, sợ chạm phải những người ngồi cạnh.

Ngồi bên bà là chủ tịch danh dự của buổi lễ, chính cái ông mới được bầu vào nghị viện. Rõ là ông ta đang chán ngấy và buồn bã nhá những cánh hoa hồng héo vặt từ dây hoa trang trí lễ đài. Những người phát biểu trong bài nói của mình đều tán dương và ca ngợi Tri-na-xa-mi đến mức bà Pon-nam-man đâm ra nghi hoặc: "Đây là họ nói về chồng mình sao?".

- Các bạn thân mến! - Một trong những người diễn thuyết nói đầy nhiệt huyết. Tôi vô cùng sung sướng được báo cho các bạn biết hôm nay dự buổi lễ này có người bạn đời chung thủy vẫn còn khỏe mạnh của người anh hùng Tri-na-xa-mi của chúng ta. Chúng ta vô cùng hân hạnh được kiến diện người bạn đời dũng cảm của ông. Và càng hạnh phúc hơn nữa là người đàn bà vô cùng khả kính này, còn giữ lại cho các thế hệ mai sau tấm hình thiêng liêng của chồng bà, vị anh hùng yêu quý của chúng ta.

Đám đông đáp lại bằng tràng vỗ tay nhiệt liệt.

Bà Pon-nam-man đứng dậy gỡ tấm vải che bức ảnh ra.

Vị anh hùng đội chiếc mũ ca lô trắng của những người dự đại hội, áo sơ mi bỏ ngoài quần. Hai tay ông khoanh trước ngực, bộ ria vểnh lên oai dũng. Cặp mắt ngời lên ngọn lửa tự do.

- Còn bây giờ xin bà mẹ Pon-nam-man phát biểu vài lời, - chủ tịch đoàn đề nghị.

Người ta đưa bà đến bên mícrô.

Lập tức một cô bé chạy đến tặng hoa cho bà. Bà Pon-nam-man nhận lấy bó hoa và mất tự chủ hoàn toàn. "Nói gì bây giờ?" - Bà lão không làm sao trấn tĩnh lại được. Cơn đói lại quặn lên trong bụng... Hình ảnh trong sáng của người chồng... Mắt bà long lanhh ngấn nước. Cổ họng bà nghẹn lại.

- Chồng tôi... - cuối cùng bà lên tiếng, - ông ấy đã chiến đấu và hi sinh... Còn hai đứa con trai... chúng cũng chết rồi. Tôi không có tiền mua thuốc cho chúng. Con gái tôi sống ở thành phố khác. Đã lâu tôi không được thấy nó. Suốt mười năm ròng. Bây giờ tôi còn lại một mình. Mỗi một mình... Không nơi nương tựa...

Giọng bà run lên, ý nghĩ cũng lẫn lộn hết.

- Các ông, các bà ở đây đã nói về chồng tôi. Tôi rất sung sướng được sống đến ngày hôm nay. Các ông, các bà tốt quá... Đã dành cho tôi vinh dự này. Xin mọi người hãy sống hạnh phúc... với con cháu, cha mẹ của mình... Cầu trời đừng bao giờ bắt con cái phải chia lìa với cha mẹ... Đừng bao giờ... - Giọng bà nghẹn lại và im hẳn.

Đám đông nổ bùng tràng vỗ tay như sấm...

Khi bà Pon-nam-man bước ra khỏi ô tô với vòng hoa hồng trong tay, bà chợt nảy ra ý nghĩ: "Hay mình thử xin những ông tốt bụng này mười rupi để đi thăm con gái?"

Ý nghĩ ấy có sức quyến rũ đến nỗi bà đã suýt làm theo. Nhưng bà lại lặng im vì không dám quyết định. "Họ kính trọng gia đình mình như thế. Tất nhiên nếu mình xin, đời nào họ từ chối. Cả thảy có mười rupi... Và mình sẽ đi thăm con gái. Khi mình trở về, sẽ không ai từ chối nuôi mình đôi ba bữa. Tất nhiên, không ai từ chối".

Những người tổ chức buổi lễ lịch sự chia tay với bà và đi khỏi.

Bà Pon-nam-man đi vào phòng mình và ngay lập tức đem vòng hoa hồng trang trí bức ảnh của chồng. Rồi bà ngồi trước tấm ảnh thành kính chắp hai tay: "Xin ông tha thứ cho tôi đã có những suy nghĩ vụ lợi. Tôi không có quyền nhắc họ về những chiến công của ông để họ nuôi sống tôi. Xin ông, xin ông tha thứ". Thứ nước ngọt bà uống ở buổi lễ giờ đây làm cổ họng bà hơi lờm lợm.

"Thôi được, mai mình sẽ kiếm việc làm ở đâu đấy, may ra họ sẽ cho nắm gạo như hôm qua", - bà Pon-nam-man tự an ủi, và gấp chiếc xari lót dưới đầu, bà cố chợp mắt. "Phải, những người tốt bụng, họ không quên ai cả. Thật vinh dự quá!" - bà nghĩ thầm, mắt không rời tấm ảnh chồng.

Cơn gió thoảng làm rơi mấy cánh hoa hồng khỏi vòng hoa trang trí cho tấm ảnh.

Bà Pon-nam-man chợt nhớ đến ông lớn ban chiều ngồi cạnh bà trên lễ đài. Và bà làm theo ông ta, nhặt những cánh hoa lên ăn. Nhưng cánh hoa hồng làm sao xua được cơn đói?

Dần dần bà lão cũng chập chờn thiu thiu ngủ trong cái cảm giác hân hoan sung sướng mà bà vừa trải qua.

Bỗng một cơn gió làm vòng hoa hồng rơi xuống mặt bà Pon-nam-man.

Bà lão hoảng sợ choàng dậy. Bà ngồi dậy nhìn lên tấm hình ông Tri-na-xa-mi.

Vẫn chiếc mũ calô màu trắng may bằng vải nhà dệt lấy, vẫn đôi tay kiêu hãnh khoanh trên ngực, cặp ria vuốt vểnh lên oai dũng, và trong mắt ông vẫn không ngừng cháy lên ngọn lửa tự do.

"Nhưng tôi hiến cuộc đời tôi đâu phải vì những bông hồng này!" - Cái nhìn của ông hướng về vòng hoa như đang nói.

Và bà lão bần thần nhìn đăm đăm lên cái vòng hoa nằm lăn lóc trên mặt đất.

Hoài Nam dịch

Nguồn: Văn học nước ngoài (số 4-1996), Hội nhà văn Việt Nam


Xem online : Tiểu sử nhà văn Dhandapani Jayakanthan