Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Cảnh báo độc tố trong nem chua, giò tai
Cảnh báo độc tố trong nem chua, giò tai
Thứ Năm 26, Tháng Chín 2013
Không nhãn mác, mập mờ về hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là những miêu tả “cô đọng” nhất về món nem chua bán trong rất nhiều quán nhậu, quán bia.
Có hạn sử dụng nhưng... không ngày sản xuất
Tại Hà Nội có đến hàng nghìn quán nhậu lớn nhỏ, mỗi ngày tiêu thụ hàng tấn thực phẩm, trong đó, món nem chua là món được dân nhậu ưu thích. Hầu như quán nào cũng có món nem chua để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Tuy nhiên trên vỏ ngoài của các sản phẩm này gần như không có một thông tin gì chứng minh độ an toàn của nó đối với người sử dụng. Đa số nem chua được các nhà hàng lấy từ các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Phùng (Hà Nội)… và hầu hết số nem này đều không có tem nhãn. Một số loại nem có nhãn mác thì lại không ghi đầy đủ ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản...
Tại một quán nhậu trên đường Xuân Thủy (Hà Nội), phóng viên gọi một tá nem chua, nhân viên đem ra 1 bọc nem được cột lại bằng dây thun, không hề có thông tin gì về xuất xứ sản phẩm. Khi phóng viên hỏi cô nhân viên rằng “nem này ở đâu sản xuất?”, thì nhận được câu trả lời “nem chua Thanh Hóa chính hiệu đấy ạ”. PV thắc mắc tại sao không thấy có thông tin gì về xuất xứ và hạn sử dụng đính trên sản phẩm, cô nhân viên này phẩy tay: “Nem này quán em đặt mua lâu năm, là cơ sở nhỏ nên không có nhãn mác. Các anh chị yên tâm, nhà em bán toàn nem xịn…”.
Anh Đào Ngọc Huyên, một thực khách cho biết: “Tôi rất khoái nhậu với món nem chua. Song thật lòng, tôi cũng không biết thời hạn sử dụng của nem chua như thế nào. Nghe người quen nói mua về một hai hôm là ăn được. Vào quán nhậu mấy anh em cũng ít để ý xem món này xuất xứ từ đâu, còn hạn sử dụng hay đã quá date. Bởi thế, trên bàn nhậu thỉnh thoảng tôi cũng gặp phải những chiếc nem cứng queo, khô như đá, có hiện tượng nấm mốc và có mùi hôi khó chịu”.
Anh Hùng - chủ một quán bia trên đường Láng cho biết: “Hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất và cung cấp nem chua trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh nhưng độ “chuẩn” của món này ra sao, chúng tôi cũng không thể biết được. Ngay cả nguyên liệu để làm món này có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, tôi cũng không dám chắc. Để hạn chế rủi ro có thể, chúng tôi luôn yêu cầu loại nem mới, và lấy với số lượng ít, để làm sao có thể tiêu thụ hết trong vòng 2 đến 3 ngày”.
Cũng theo anh Hùng, tại khu vực này có vài chục quán nhậu, lúc nào cũng đông khách, nhất là vào ngày cuối tuần hoặc những buổi chiều nóng bức. Trung bình mỗi ngày các quán tiêu thụ vài chục nghìn cái nem là bình thường. Tất cả số nem này đều do các mối quen cung cấp, chủ yếu là nem chua Thanh Hóa, giò nem Ước Lễ, nem Phùng...
Anh La Văn Cường (Xã Đàn) - một khách hàng chuyên mua nem chua, cho biết: “Thật lòng, tôi cũng không biết thời hạn sử dụng của nem chua như thế nào. Nhưng nghe một người quen nói mua về một hai hôm là ăn được. Để ý tên nhãn hiệu Ước Lễ mà anh thường xuyên mua về mới thấy trên vỏ bao bì có dòng ghi “hạn sử dụng: 3 ngày ” nhưng bị bỏ trống ngày sản xuất. Đo đó không thể xác định ngày sản xuất là ngày nào và như vậy rõ ràng là đánh đố người tiêu dùng”.
Bởi thế, trên bàn nhậu thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những chiếc nem cứng queo, khô như đá, có hiện tượng nấm mốc, và có mùi hôi khó chịu.
Tiềm ẩn nhiều mầm bệnh…
Theo kinh nghiệm của những người làm nem chua thì nem chua đến độ chín là lúc nem chắc, có vị chua là ăn được. Sự hấp dẫn của nem chua là ở chỗ “ngon - bổ - rẻ”. Có lẽ vì thế mà trong các điểm nhậu, món này vẫn đông khách thưởng thức. Và các dân nhậu vẫn vô tư "chén chú chén anh" mà không hề nghĩ đến việc mồi nhắm đó có nguồn gốc từ đâu, có bảo đảm vệ sinh hay không?
Dù được chế biến, bảo quản kỹ càng đến mức nào đi chăng nữa, thì bản thân nem chua vẫn là món ăn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao. Đây không phải là những món ăn đã được đun nấu chín diệt hết mầm bệnh. Thịt trong nem chua được làm “chín" bằng phương pháp lên men nên không thể diệt được các vi khuẩn, vi-rút gây bệnh và các kí sinh trùng đường ruột. Trong quy trình chế biến, nếu không bảo đảm được vô trùng, các món ăn này cũng rất dễ bị nhiễm bẩn, nhiễm khuẩn do nhiều nguồn khác nhau như bàn tay người sản xuất, dụng cụ, nơi sản xuất bẩn, không bảo đảm vệ sinh, các loại lá không sạch... nên dễ trở thành một trong những nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, có thể gây ngộ độc thực phẩm tức thời… Trong khi đó, chưa kể đến việc nhiều nơi sản xuất nem còn dùng chất phụ gia như phẩm màu, men chua. Đây là những chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Xác nhận điều này, GS.TS Y học Trần Đáng cho biết: “Nem chua theo nguyên tắc là phải có thời hạn. Thời hạn sử dụng của nó thường chỉ từ 3 đến 7 ngày, tùy loại nem và tùy điều kiện bảo quản. Nếu không ghi rõ thời hạn là vi phạm pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm. Về cơ bản, nếu làm tốt, thì nem chua vẫn là món ăn ngon, bổ dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nếu làm không đúng quy trình, thì vẫn có thể gây ra những thiệt hại nhất định cho người sử dụng. Đặc biệt, trong nem chua quá hạn, luôn tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh và các kí sinh trùng có hại, tuy bị ức chế không hoạt động được nhưng chúng không chết mà sẽ sinh sôi nảy nở khi gặp điều kiện thuận lợi, gây bệnh nguy hiểm cho sức khoẻ người tiêu dùng, trong đó có những loại độc tố nấm mốc, độc tố vi khuẩn có thể gây ung thư”.
Cũng theo TS Y học Trần Đáng, thì nem làm từ thính, và thịt tươi, nếu để quá hạn và gặp môi trường ẩm rất dễ tạo ra nấm mốc và vi khuẩn độc hại. Đó là chưa kể nếu người sản xuất nem “thiếu lương tâm” sử dụng nguyên liệu từ những những con lợn bị bệnh để làm nem. Như thế thì vô cùng nguy hiểm. Và vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho các dịch bệnh, như: dịch tai xanh, dịch tiêu chảy cấp… có cơ hội hoành hành.
(Theo NĐT)