Văn học Iraq

Anwar Shaul (1904-1984)

Nhà văn Iraq

Tiểu sử

Anwar Shaul (1904-1984) là nhà thơ và nhà văn Iraq. Ông chào đời trong một gia đình Do Thái ở thành phố Hilla. Ông đã rời Iraq trong những năm bảy mươi và đến nước Anh, nơi ông sống một mình và sau đó đến Israel, và qua đời tại đó, Ông có nhiều tác phẩm văn học bằng tiếng Ả Rập, trong đó có tác phẩm "Bình minh mới" được xuất bản vào năm 1983.

Tác phẩm

Lời nói và...

Đúng lúc tôi chuẩn bị đi thì thằng con tôi giữ tôi lại và nó đòi tôi phải kiểm tra bài tập làm văn cho về nhà của nó. Bài tập làm văn có chủ đề luân lý đạo đức: "Hãy giúp đỡ người nghèo". Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ. Tôi chợt nhớ lại: cách đây hơn một phần tư thế kỷ, lúc đó tôi trạc tuổi thằng con tôi bây giờ, tôi coi trường học và sách vở là điều chủ yếu nhất và những người có uy tín nhất bao giờ cũng là người cha và người thầy trên lớp. Ngày ấy, tôi cũng được làm một bài tập làm văn như sau: "Hãy chăm sóc trẻ mồ côi, nhường cơm cho người đói và xẻ áo cho kẻ rách". Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in những lời thầy giảng giải:
—Các em ạ, chủ đề này sẽ giúp cho mỗi người khám phá ra sự phong phú về mặt phẩm chất của tâm hồn mình. Thầy không thích nghe những lời nói suông. Các em phải biết kết hợp lời nói với việc làm.

Ngay hôm đó, từ trường trở về nhà, tôi bắt gặp một thằng bé chừng mười tuổi đang ngồi vật vờ bên vỉa hè. Với vóc người gầy gò, tiều tụy, da dẻ nhợt nhạt, nó lẳng lặng đưa mắt nhìn những người qua đường và không hề xin xỏ gì. Tôi lại gần nó và nó nhìn tôi với vẻ buồn rầu, tha thiết. Trong óc tôi bỗng liên tiếp dội về tất cả những lời răn dạy của thầy giáo về sự cần thiết phải kết hợp lời nói với việc làm và tôi bèn nói với thằng nhỏ:
—Hãy đi theo tôi. Chúng tôi sẽ nuôi em. Em sẽ ở với chúng tôi, em sẽ được ăn no và được chơi bời.

Thằng bé bất hạnh há hốc mồm, không tin vào tai mình, tuy vậy, nó vẫn đứng lên lật đật bước theo tôi, miệng cứ lúng búng câu gì đó. Tôi chỉ nghe được thế này: "Thánh Ala sẽ phù hộ cho ông sống dai".

Thế là chúng tôi về nhà và tại đây tôi đã gặp cha tôi. Tôi liến thoắng:
—Đây là thằng bé lang thang đói rách. Cha cho phép nó ở nhà mình ít lâu được không?

Cha tôi ngạc nhiên và nhìn tôi âu yếm nói:
—Nhưng con cũng biết đấy, con trai yêu quý ạ, nhà ta vốn đã chật lắm rồi. Vả lại, việc chăm sóc bọn trẻ lang thang đâu phải bổn phận của nhà ta.

Nói đoạn, ông rút hầu bao ra một nắm tiền, đưa cho thằng bé bất hạnh rồi bỏ đi luôn.

Câu chuyện xoay chuyển quá bất ngờ khiến tôi thất vọng ra mặt, song tôi vẫn không nản lòng và quyết định: "Vì sao mình không dẫn thằng bé lang thang này đến nhà ông thầy tốt bụng của mình nhỉ? Nhà thầy ở ngay đường phố bên cạnh, chắc chắn thầy sẽ cưu mang nó, vì thầy là người có lòng tự trọng. Ngay sáng nay thôi, thầy đã nói như đinh đóng cột về bổn phận của mỗi người trong việc chăm sóc những kẻ nghèo hèn". Thế là tôi dẫn thằng bé đi tiếp, đến nhà thầy giáo, tôi hồi hộp gõ cửa. Không có ai trả lời. Tôi gõ mạnh hơn, cửa sổ được mở ra. một người phụ nữ ló ra hỏi:
—Anh cần gì?
—Cháu cần gặp thầy Đaút ạ.
—Thầy đang bận chấm tập làm văn. Có việc gì cần kíp không?

Tôi đáp lại một cách nhã nhặn:
—Kíp lắm ạ. Bà làm ơn nói hộ là có học trò đến gặp.

Cửa sổ được đóng lại. Lát sau thầy giáo của tôi trong bộ đồ ngủ thùng thình xuất hiện. Tôi chào thầy và nói:
—Em bắt gặp thằng bé này lang thang trên đường phố. Em muốn cho nó ở nhà em, nhưng cha em không đồng ý. Thưa thầy, thầy có thể cho thằng bé nương nhờ nhà thầy một thời gian ngắn, chờ em thuyết phục cha em, được không ạ?

Gương mặt thầy giáo lộ vẻ sửng sốt. Sau khi nuốt nước bọt đánh ực, thầy nói ngắc ngứ:
—Một đề nghị hay đấy... Và em thật xứng đáng được thầy khen thưởng. Nhưng hôm nay nhà thầy cơ man nào là khách, mà toàn những khách bất chợt thôi.

Một cơn gió mạnh nổi lên và thầy giáo vừa đóng cửa lại vừa nói:
—Bữa nay trời lạnh. Hãy mau trở về nhà đi kẻo cảm hàn đó, con ạ.

Cổ tôi nghẹn lại. Tôi có cảm giác cả thế giới đang đổ vỡ. Tôi gắng hết sức để giữ điềm tĩnh, lôi từ túi quần ra tất cả số tiền tôi dành dụm được và sau khi dúi cho thằng bé, tôi lúng túng nói:
—Này, cầm lấy tiền rồi đi đi, trời vẫn còn sáng.

Thằng bé nghèo khổ lắp bắp điều gì đó, chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui, còn tôi thì bỏ về nhà, loạng choạng như chìm trong một giấc mơ nặng nề.

Nguyễn Văn Toại dịch

Nguồn: Quỷ đưa đường (tập truyện ngắn thế giới chọn lọc), NXB Văn hóa thông tin, 1997