Trang nhà > Tư duy > Dự báo > Quyết định khó khăn
Quyết định khó khăn
Chủ Nhật 13, Tháng Mười 2013, bởi
Nhiều khả năng, tại Kỳ họp thứ Sáu dự kiến khai mạc ngày 21.10, Quốc hội Khóa XIII sẽ xem xét và biểu quyết đề xuất của Chính phủ tăng bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% để tăng trưởng GDP đạt 5,5%. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa bao giờ khó khăn như năm nay và chưa thấy cơ may cải thiện, quyết định về mức bội chi phải dựa trên nguyên tắc chi tiêu ngân sách cân bằng, bởi chỉ có như vậy, kinh tế mới phát triển trong ổn định.
Đề xuất nới mức bội chi ngân sách trong năm 2014 lần đầu xuất hiện tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế ngày 28.9 vừa qua. Trong Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ KT - XH năm 2013 và kế hoạch năm 2014, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 lên 5,3%.
Một ngày sau đó, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nhu cầu đầu tư là rất lớn. Để kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý khoảng 5,5%, nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu lên đến 255.000 tỷ đồng. Vì vậy, buộc phải đề nghị tăng bội chi. Mức nâng bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP (tăng 0,5 điểm phần trăm) khoảng 20.000 tỷ đồng và sẽ được dành toàn bộ cho đầu tư phát triển, tức các dự án đầu tư hạ tầng KT - XH...
Nhưng tiền đâu để tăng chi?
Ngân sách nhà nước đang ở trong thời kỳ suy giảm tăng trưởng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tổng thu ngân sách giảm từ 30% GDP giữa những năm 2000 xuống mức thấp nhất lịch sử 22,8% GDP năm 2012. Nguy cơ hụt thu ngân sách năm nay còn đáng lo hơn vì nền kinh tế quá khó khăn, sức chịu đựng của doanh nghiệp gần như đã tới hạn sau thời gian dài cầm cự. Trong ngắn hạn, khả năng tăng thu là rất khó. Nguồn thu chỉ có thể tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại. Đặc biệt, ngân sách ngày càng phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững. Do các khoản thu từ dầu thô, viện trợ, bán nhà, giao đất có nguồn cung hữu hạn và đang giảm dần, nên nguồn tăng thu phải là các khoản thuế và phí. Nhưng, tỷ lệ huy động thuế và phí trên GDP của nước ta đang cao gấp 1,2 - 1,8 lần so với các nước trong khu vực – theo một kết quả nghiên cứu gần đây của Ủy ban Kinh tế. Điều này cho thấy việc tăng thu thuế và phí là không dễ, và nếu thực hiện sẽ chất thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp và người dân, và có nguy cơ làm giảm tiếp tốc độ tăng trưởng và hậu quả là nguồn thu lại giảm.
Nếu không thể tăng thu, việc gia tăng phát hành trái phiếu Chính phủ và vay nợ nước ngoài sẽ được nghĩ tới. Giả sử những giải pháp này xuôi chèo mát mái, (mặc dù thực tế không phải màu hồng như vậy), và chúng ta có đủ tiền để bội chi thì nợ công chắc chắn sẽ tăng, kinh tế vĩ mô chắc chắn sẽ bất ổn, trong khi nền kinh tế có phục hồi hay không lại chưa rõ bởi hiệu quả đầu tư công vẫn là nút thắt. Tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn bởi lượng vay nợ bằng trái phiếu của Chính phủ (chưa tính tới nợ vay chính phủ hay ngân hàng nước ngoài) ngày một tăng vọt. Theo thông tin của Ngân hàng Châu Á (ADB), năm 2011 nợ trái phiếu của nước ta chỉ tăng 1,6 tỷ USD nhưng nhảy vọt thêm 8,7 tỷ vào năm 2012, và trong 3 tháng đầu năm 2013 lại tăng thêm 5 tỷ nữa. Tính ra, số nợ tăng thêm từ đầu năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 đã hơn 11 tỷ USD trong khi số nợ tối đa mà Chiến lược vay nợ của Chính phủ đã đề ra cho giai đoạn 2011 – 2015 là 225 nghìn tỷ đồng, tức là 10,6 tỷ USD. Và, vẫn còn hơn 2 năm nữa mới hết thời hạn kế hoạch.
Có lẽ ai cũng biết nguyên nhân của tình trạng bất ổn định kéo dài từ năm 2008 cho tới nay. Chi tiêu ngân sách quá đà, cùng với việc sử dụng chính sách đẩy mạnh tín dụng cho tập đoàn quốc doanh không hiệu quả và các nhóm lợi ích bám quanh đã dẫn tới hậu quả: đầu tư và phát triển thiếu chất lượng, nợ nước ngoài tăng, lạm phát cao, nợ xấu tăng, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ và nhiều ngân hàng trên bờ phá sản, còn tốc độ tăng GDP thì lại trên đà suy giảm.
Có nên dùng bội chi ngân sách để kích thích đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng hay không là câu hỏi không dễ trả lời, Ts Phan Minh Ngọc, Ngân hàng Sumitomo chi nhánh Singapore bình luận. “Vấn đề là chúng ta có nên chấp nhận đánh đổi lòng tin vào chính sách, vào các cam kết ổn định vĩ mô bước đầu đã ra hình hài, có nên hy sinh những nỗ lực ổn định hóa trong suốt 2 năm qua trong khuôn khổ của một nỗ lực lớn hơn, bao trùm lên trên hết – tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế - để đổi lấy sự phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ là mong manh, ngắn hạn, nếu có?”.
Quan trọng nhất trong việc bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế là thông qua ngân sách nhà nước và chỉ tiêu phát hành tiền tệ và tín dụng phù hợp. Bởi vậy, mọi quyết định của Quốc hội liên quan ngân sách và tài chính, tín dụng đều phải mang tính kiểm soát và cân bằng - Ts Vũ Quang Việt, nhà kinh tế gốc Việt, từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc nhấn mạnh. “Dù định hướng thế nào thì chi tiêu ngân sách phải cân bằng để nền kinh tế có thể phát triển trong ổn định”. Mặc dù cho rằng chỉ tiêu tăng GDP mang tính pháp lệnh là điều không có trong bất cứ một nền kinh tế thị trường nào nhưng ông cũng lưu ý: khi GDP tăng thấp thì nên xem xét các chính sách hiện hành, đánh giá xem chúng có hỗ trợ sự vận hành của người sản xuất trong nền kinh tế không chứ không phải lại điều chỉnh chi tiêu và tín dụng nhà nước nhằm đạt chỉ tiêu.
[Tiểu Phong, SGTT]