Văn học Trung Quốc

Lưu Dĩ Sưởng (1918)

Nhà văn Trung Quốc

Tiểu sử

Lưu Dĩ Sưởng 劉以鬯 (1918) tên chính là Lưu Đồng Dịch 劉同繹, tự là Xương Niên 昌年. Ông sinh ở Thượng Hải, gốc ở Triết Giang, Trấn Hải. Năm 1941 tốt nghiệp đại học tại Thượng Hải, bắt đầu tham gia công tác văn học, báo chí. Từng làm phiên dịch, thông tấn, chủ bút báo, giám đốc nhà xuất bản, tổng biên tập báo ở Trùng Khánh, Thượng Hải, Singapore, Hồng Kông. Năm 1948, định cư ở Hồng Kông. Ông sáng tác nhiều thể loại: thơ, tiểu thuyết, bình luận, dịch v.v...

Tác phẩm

Thiên đường và địa ngục

Tôi là một con nhặng xanh.

Tôi sinh từ tháng trước. Theo như loài nhặng thì tôi được coi là "Thanh niên nhặng".

Vào giữa tháng này, tôi đang sống trong một thế giới bẩn thỉu hôi thối: Ngủ trong thùng rác, dạo mát trong cống, ăn vỏ dưa hấu và đồ thải, hít thở bụi bặm và khí nóng.

Cái thế giới này quả thực là không thể chấp nhận được. Chẳng những kiếm ăn khó khăn, hơn nữa, lúc nào cũng có thể bị "người" đập chết. Nhặng không thể sống những ngày như thế được. Tôi căm giận lắm.

Nhưng một cụ nhặng bảo tôi rằng: "Thế giới này cũng không đến nỗi tồi tệ như cháu nghĩ đâu. Đấy là cháu chưa đến nơi tốt mà thôi, cho nên cháu mới coi nó là địa ngục, cũng chính vì cháu chưa biết nhiều mà thôi".

Cụ nhặng ra đời trước tôi hẳn hai tháng, theo ngôi bậc thì tôi phải gọi cụ là ông. Tôi hỏi: "Ông ơi, lẽ nào thế giới này lại có những nơi sạch sẽ hơn ư?"

— Nào đâu chỉ sạch sẽ — Ông đáp — Những nơi ấy mới là thiên đường thật sự. Ngoài ăn ngon, xem sướng mắt ra, lại còn mát lịm nữa. Cháu đã nghe "khí lạnh" bao giờ chưa? Đó là mùa xuân do con người tạo ra đấy, cứ mát rượi đi. Hễ mà gặp nó thì cháu sẽ cảm thấy dễ chịu cả người. Chỉ muốn tìm cái gì đó để ăn.
— Cháu có thể đi xem được không ạ?
— Tất nhiên rồi!

Ông nhặng liền dẫn tôi bay khỏi đống rác, lượn đến đường Hoàng Hậu, rẽ ngoặt vào phía một tòa nhà cao tầng, bay lượn vòng trước một cánh cửa thủy tinh lớn. Ông bảo: "Chỗ này gọi là tiệm cà-phê".

Cánh cửa lớn mở, tỏa ra một luồng khí mát lạnh. Một thanh niên chải đầu kiểu tàu bay loạng quạng đi vào — Chúng tôi thừa cơ bay theo.

Vào trong rồi, cụ hỏi tôi: "Sao, chỗ này được không?"

Ở đây tuyệt vời, thơm nức. Không biết hương thơm bay từ đâu ra nhỉ.

Những "người" nam ăn mặc complê chỉnh tề, "người" nữ nào cũng trang điểm như hoa, như bướm.

Trên các bàn đều bày đầy bánh ga-tô, đồ uống và đường miếng. Thật là sạch sẽ. Mà sạch sẽ quá khiến tôi cảm thấy hãi.

Không biết ông nhặng đã bay đâu rồi. Tôi đành bay đến nấp dưới cái máy "tỏa hương". Ngồi ở bàn này là một bà beo béo trông cưng cứng tuổi và một anh "người" tre trẻ, chừng trên dưới hai mươi.

Bà "người" nói: "Mấy hôm nay mình chết dấp ở đâu?"

Anh tre trẻ sáng sủa kia đáp: "Nợ người ta một món, phải đi kiếm".

Bà ta bảo: "Tôi cho anh ăn, mặc, cho chỗ ở, hàng ngày còn có tiền tiêu, thế mà anh còn nợ cái gì?"

Chàng trai thư sinh kia đáp:

— Có tiền thì cũng phải tiêu chứ!
— Thế bao nhiêu? — bà "người" hỏi
— Ba ngàn.

Bà ta rút từ ví ra sáu tờ ngân phiếu 500 đồng.

— Này, cầm lấy, lần sau đừng có tiêu nhiều thế. Giờ tôi ra đường Hoàng Hậu mua mấy thứ. Chín giờ tối nay tôi đến nhà hàng Vân Hoa chờ anh, đúng là đồ chết dẫm. — Nói xong, mụ "người" nạ dòng ấy vẻ cười cợt, đưa cho anh kia mấy tờ ngân phiếu rồi đứng lên õng ẹo đi ra cửa.

Bà ta đi rồi người thanh niên kia lập tức đổi chỗ. Bàn bên có một "người" nữ, rất trẻ, trang điểm lộng lẫy trông mê hồn, đầu cài một bông hoa bằng nhung.

Tôi liền bay đến đậu trên bông hoa để nghe trộm.

Anh chàng thư sinh bảo: "Em ơi lúc nãy em đã tin chưa. Không hề có chuyện gì đấy nhé".

— Đưa đây! — Cô gái bảo.
— Em phải hứa với anh một chuyện — Anh ta yêu cầu.
— Chuyện gì? — Cô gái hỏi.

Anh ta nhét ngân phiếu vào tay cô gái, ghé sát miệng vào tai cô gái thì thào gì đấy tôi nghe không rõ. Chỉ thấy cô gái thỏ thẻ nguýt "Quỷ ạ!".

— Được không? — Anh ta hỏi.
— Có cái gì anh nói mà không được? Anh đi trước đi, em ở đây chờ một người đã. Chừng một tiếng em sẽ tới.
— Đừng có lỡ hẹn đấy!
— Có bao giờ em lỡ hẹn với anh chưa?

Anh thanh niên ra ngoài.

Anh ta đi rồi. Cô gái đi gọi điện thoại. Tranh thủ thời cơ tôi chui vào giữa âu đường đánh chén, sau đó bay lên mép tách cà-phê, ăn chút son môi trên đó.

Đang đánh chén sướng miệng thì cô gái trở lại, định đập tôi. Tôi vội bay lên đậu trên tường.

Chừng mười phút sau, một "người" béo ị chừng trên dưới năm mươi, mặc một bộ đũi, trước ngực đeo đồng hồ vàng hình bán nguyệt đi đến.

Ông béo đặt phịch đít xuống chiếc ghế bọc da, bảo cô gái: "Đưa đây". Cô ta đưa cho ông sáu tấm ngân phiếu. Ông nhét vào túi, nói: "Đối phó với bọn trẻ ranh ấy dễ không mà!".

Cô gái bảo: "Hắn cũng lừa đàn bà để lấy tiền ấy mà!".

Ông ta đáp: "Con người ta vốn cũng là anh lừa tôi, tôi lại lừa anh ấy mà. Duy có những đồng tiền này mới thật nghiệt ngã".

Đúng lúc ấy, bà nạ dòng béo kia cắp bao túi to túi nhỏ phăm phăm bước vào. Trông vẻ hình như định kiếm anh chàng thư sinh. Có lẽ bà ta quên dặn điều gì. Nhưng anh ta đã đi mất. Bà nhìn thấy ông béo.

Bước đến chỗ ông, hai tay chống nạnh, vênh mặt lên đôi mắt thao láo như hai đồng xu, không thèm hé miệng.

Vừa thấy bà ta, ông béo vội vã đứng lên, kéo bà ta ra cửa.

Tôi vội bay theo đậu trên vai ông ta và thấy họ nói thế này:

— Con kia là ai? — Bà ta hỏi.

Lão béo mỉm cười: "Đừng cáu, nghe anh nói đã. Đó là bà giám đốc cửa hàng Kiều Quang Dương. Anh có một chuyện làm ăn đang nhờ bà ấy giúp. Tay trong ấy mà, em hiểu không? Em cầm lấy ba ngàn đồng này muốn mua sắm gì thì mua. Còn việc này để tối nay về nhà anh sẽ kể tỉ mỉ cho mà nghe. Vợ yêu của anh!".

Bà ta cầm ngân phiếu nhét luôn vào ví, nghiêm giọng nói:

"Về sớm đấy, nhà chả có ai đâu".

"Tôi đi đánh chén ở nhà Tô đấy. Tối nay có khi về muộn".

Bà ta lại tong tả đi ra.

Tôi cũng lập tức bay ra. Tôi thấy "người" ở cái thiên đường này có vẻ ngoài thật sang trọng sạch sẽ nhưng trong lòng còn bẩn hơn hố rác.

Tôi muốn trở về thùng rác để sống những ngày trong địa ngục ấy còn hơn. Cái "Thiên đường" này bẩn thỉu đến nỗi loài nhặng cũng không muốn sống thêm một giây!

Trinh Bảo dịch

Nguồn: Mũi sói (tập truyện ngắn xuất sắc Trung Quốc), NXB Văn học, 1996