Trang nhà > Công nghệ > Bảo tàng CNTT > “Người đẹp nhất thế giới”
“Người đẹp nhất thế giới”
Thứ Sáu 9, Tháng Mười Một 2018, bởi
BBT—Năm 2017 một bộ phim tài liệu tiểu sử đã ra mắt tại Tribeca Film Festival, có tên “Bombshell: The Hedy Lamarr Story” do Alexandra Dean làm đạo diễn kiêm viết kịch bản và sản xuất.
Phái đẹp thường đôi khi bị lãng quên vì là phụ nữ, mà cũng đôi khi vì quá đẹp. Hôm nay 09/11 là ngày sinh của “Người đẹp nhất thế giới” Hedy Lamarr. Và vì bà quá nổi tiếng với vai trò diễn viên nên mọi người đã quên mất tài năng kỹ thuật của bà.
Hãy thử tưởng tượng bây giờ chúng ta sẽ sống thế nào nếu thiếu Wifi, Bluetooth và GPS. Và nghệ thuật thế giới sẽ như thế nào nếu thiếu “Cảnh nóng”. Vâng, Hedy Lamarr là diễn viên đầu tiên diễn cảnh nóng trên màn ảnh trong phim Extase (Ectasy) năm 1933. Các bạn có thể xem full bộ phim tại đây, và nếu không có thời gian thì có thể tua đến phút 30 và 48 nhé.
Vào thời điểm đấy thì như thế là quá táo bạo rồi, phim làm năm 1933 nhưng phải đến năm 1940 ở Mỹ mới duyệt cho chiếu. Sau đấy thì Lamarr được đóng nhiều bộ phim lớn và trở thành ngôi sao đắt giá hàng đầu ở Hollywood. Nhưng giới phê bình không ưa cô lắm, một phần cũng vì cô đẹp quá, nên mọi người thường có ý cho rằng cô chỉ được đóng phim do đẹp và dám phô mình chứ không phải do diễn xuất, nhưng xem lại phim Extase phút 48 thì rõ ràng biểu cảm khuôn mặt của cô khiến nhiều người phải bàng hoàng.
Hedy Lamarr sinh ra trong một gia đình Do Thái thuộc tầng lớp tư sản nên có được tri thức khá tốt. 5 tuổi bà đã tháo hộp nhạc ra để nghiên cứu, và lên 10 tuổi thì đã nói được 4 thứ tiếng. Bà kết hôn với Frirz Mandel là một người buôn vũ khí nên học được nhiều kiến thức và vũ khí. Và lúc rảnh rỗi cô thường tự học mày mò phát minh.
Cô đọc được tài liệu và biết rằng ngư lôi điều khiển bằng vô tuyến có thể bị đánh chặn bằng cách làm nhiễu tín hiệu. Lamarr đã đưa ra giải pháp: chuyển đổi tần số liên tục giúp chúng không bị nhiễu loạn bởi tác nhân bên ngoài. Điểm khó khăn nhất của kế hoạch là việc dịch chuyển giữa các tần số phải diễn ra trong một thời gian nhất định và đồng bộ với máy phát vô tuyến dẫn đường cho ngư lôi, nếu không nó sẽ bị hỏng và ngư lôi sẽ chệch hướng ngay sau khi được bắn.
Sau khi thảo luận với bạn mình là nghệ sĩ dương cầm George Antheil, ông nghĩ đến việc dùng tín hiệu nhảy tần để tránh bị làm nhiễu. Antheil đã phác thảo ý tưởng và sử dụng băng giấy đục lỗ trên các đàn piano để thay đổi tín hiệu bằng 88 tần số (tương ứng 88 phím đàn). Lamarr đã hiện thực hoá ý tưởng này và thuê luật sự đăng ký bản quyền sáng chế dưới tên của cả hai.
Tuy nhiên là ý tưởng này không được sử dụng do các lực lượng Hải quân trên thế giới không dùng ngư lôi điều khiển bằng vô tuyến, và các thiết bị cơ điện như thế này đã sớm trở nên lỗi thời bởi các điều khiển hoàn toàn bằng điện tử. Và trước họ đã có nhiều người đề xuất công nghệ nhảy tần trong đó có Nikola Tesla.
Dù Hải quân Hoa kỳ không áp dụng công nghệ này cho đến năm 1962 trong cuộc chiến tên lửa với Cuba, nhưng các nguyên tắc hoạt động trong phát minh này đã được ứng dụng cho Bluetooth và GPS cũng như Wifi và CDMA.
Một phụ nữ xinh đẹp và tài năng như thế thường lại có tình duyên trắc trở. Trước 35 tuổi bà ly hôn 5 lần chỉ vì luôn vương vấn với nam tài tử trong phim “Cuốn theo chiều gió” – Clark Gable. Cuối cùng bà sống một mình và mất năm 85 tuổi.
Năm 2006, Châu Âu đã kêu gọi lấy ngày 9 tháng 11, ngày sinh của Hedy Lamarr, làm “Ngày của các nhà phát minh”.
Vì bằng sáng chế đã hết hạn trước khi được đem ra sử dụng, nên các phát minh sau này dựa trên patent của Hedy đã không trả tiền cho bà.
N.H.Việt