Xuất khẩu chính ngạch bị ‘lép vế’ trước tiểu ngạch

Dù xuất khẩu tiểu ngạch không phải là hoạt động bất hợp pháp, song nếu một quốc gia quá phát triển về mảng này thì cũng đồng nghĩa với việc kinh tế nước đó chỉ mãi quẩn quanh với kiểu làm ăn cò con, chộp giật và bị chèn ép. Vậy nhưng, một thực tế đáng buồn hiện nay là chính hoạt động giao thương tiểu ngạch này lại đang được tung hô như thể vị cứu tinh cho tổng thể ngành xuất khẩu chung của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là gạo và nông sản.

Cái hại của xuất khẩu tiểu ngạch thì ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Tính ổn định thấp, giá trị giao dịch nhỏ, cho nên mặt hàng cũng chủ yếu là gạo hay nông sản, mang tính mùa vụ, thay đổi theo thời tiết. Dù cũng phải đóng thuế, song thuế suất tiểu ngạch thường thấp hơn chính ngạch, thủ tục sơ sài, nên đây cũng là con đường thường bị lợi dụng để “né” thuế, từ đó rất dễ hình thành nên một hệ thống kinh tế ngầm không thể kiểm soát được. Nhất là khi không có hợp đồng được xác nhận bởi dấu đỏ, “đau bụng” thì cũng chẳng biết kiện ai.

Thế nhưng, câu chuyện mỗi ngày có hàng chục chuyến hàng với đống hàng hóa cao chót vót nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản chạy qua chạy lại tại các tuyến đường dọc biên giới, gần các cửa khẩu mà báo Nông nghiệp phản ánh lại chỉ mở ra một góc rất nhỏ bức tranh thương mại lệch lạc của Việt Nam, khi tiểu ngạch vô cùng sôi động, trong khi chính ngạch thì ảm đạm đi nhiều. Nhưng nhờ các hoạt động xuất khẩu bên nhóm ngành khác, chủ yếu là những lĩnh vực doanh nghiệp FDI hoạt động mạnh, mà Việt Nam vẫn cứ nhảy bậc trên bảng xếp hạng xuất khẩu của WTO như thường. Song đằng sau cái thứ bậc đó là mồ hôi, nước mắt của bao nông dân ngày đêm cày cuốc mà chỉ có thể hưởng vỏn vẹn 30% “thành tích” Việt Nam đạt được.

Đáng lý ra khi những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines hay Malaysia đều giảm nhập gạo Việt Nam, do cung lớn, gạo Thái có chất lượng tốt hơn lại đang giảm giá, thì phải có một lượng lớn hàng tồn kho. Vậy mà, điều này lại hoàn toàn không xảy ra, khi gạo Việt “tham bát bỏ mâm” đã chảy theo “lỗ” khác thoát ra ngoài. Trong khi VFA ước chừng xuất khẩu gạo cả năm chỉ vào khoảng 6,6-6,7 triệu tấn thì riêng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc 11 tháng qua đã lên tới 1,4 triệu tấn, gấp 3,5 lần so với con số 400 nghìn tấn năm 2012. Nếu tính thêm cả chính ngạch thì có khoảng 3,4 triệu tấn xuất sang Trung Quốc, chiếm hơn 51% tổng sản lượng cả năm. Một khi trao cho Trung Quốc vai trò “bạn hàng lớn nhất của Việt Nam” thì cũng là lúc thế độc quyền mua dần hình thành, gây bất lợi cho bên bán và tổn thất cho xã hội. Chẳng đâu như ở Việt Nam khi doanh nhân "nước bạn" lại tha hồ thao túng giá cả thị trường , chủ động điều tiết dòng chảy xuất nhập lẫn "chơi xỏ" cả nông dân trực tiếp sản xuất lẫn đầu độc người mua mà không bị trừng phạt với lý do muôn thuở là... không đủ lực lượng quản lý!

Con đường xuất ngoại nhỏ lẻ nhộn nhịp thì cũng là lúc phải đánh đổi một lượng lớn xuất khẩu chính ngạch. Như ông Ngô Quang Bình - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương Kiên Giang – chỉ ra một thực tế rằng: Trong khi không khí trao đổi mua bán hàng hóa dọc biên giới đang ngày càng nhộn nhịp thì các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung qua các cửa khẩu Hà Tiên và Giang Thành đã giảm mạnh. Chẳng hạn việc xuất khẩu sang thị trường Campuchia đã giảm từ 47,11 triệu USD hồi tháng 10 xuống còn 41,39 triệu USD vào tháng 11. Hay theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2013, lượng gạo xuất khẩu chính ngạch chỉ khoảng 5,8 triệu tấn, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng, lượng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía bắc đã tăng từ 5.000 tấn/ngày hồi đầu tháng 10 lên 8.000 - 10.000 tấn/ngày với giá gạo ở cửa khẩu là 9.000 đồng/kg.

Chẳng thể trách người nông dân, khi họ sống với cái lỗ, cái thiệt đã quá lâu, nên chỉ cần một sợi dây, dù biết đằng sau là bao rủi ro rình rập, họ cũng đành phải níu kéo để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Một thực tế đáng báo động, song những gì đến nay mà cơ quan quản lý có thể đưa ra là… sự lo ngại. Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Công Thương - có tỏ ra lo lắng “xuất khẩu tiểu ngạch tăng mạnh sẽ gây áp lực về giá cho doanh nghiệp chính ngạch và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc vì 2 nước đã ký kết hợp tác đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời xuất khẩu tiểu ngạch ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ không đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dẫn đến bị chi phối về giá xuất khẩu”. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức này mà thôi. Với những tuyên bố lập lờ theo kiểu “bắt cá hai tay” như “Cần xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng cũng cần phải tăng cường chính ngạch để đảm bảo lợi ích cho các bên”, rồi cứ đi mãi trên con đường “dễ dãi” thì đến cuối cùng, hạt gạo Việt Nam vẫn cứ dẹp lép bên cạnh gạo Thái mẩy căng, mười hạt như mười.

Hải Băng, SM