Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Đình đền > Đình Ba Dân (Tứ Hiệp)

Communal House of Tu Hiep

Đình Ba Dân (Tứ Hiệp)

Đông Tỉnh

Thứ Bảy 8, Tháng Hai 2014, bởi Cong_Chi_Nguyen

Đình Ba Dân tức đình Tứ Hiệp toạ lạc ngay cạnh chùa Long Quang và đối diện trường THCS Tứ Hiệp ở gần cuối đoạn đường nối thị trấn Văn Điển với xa lộ Pháp Vân - Cầu Giẽ. Toạ độ: 20°56’47"N 105°51’9"E, cách Hồ Gươm chừng 10km về phía nam. Điểm dừng xe bus gần nhất: đoạn quốc lộ 1A cắt thị trấn Văn Điển (xe 06, 08, 12).

Lược sử

Đình Ba Dân còn có các tên gọi khác là đình Ba Xã hay đình Ba Chạ, bởi đây là ngôi đình chung của ba làng Cổ Điển, Cương Ngô và Đồng Trì, nay thuộc xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Những làng này đều thờ một số vị nhân thần có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Cổng đình Ba Dân nhìn từ đường Tứ Hiệp. Ảnh ©NCCong 2014

Tương truyền quanh đây đã từng diễn ra cuộc chiến giữa các tướng của Đinh Bộ Lĩnh với sứ quân Nguyễn Siêu đóng ở Tây Phù Liệt (nay là xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì). Trong trận chiến ác liệt năm 967 hai vị tướng Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục đã hy sinh.

Đình Ba Dân thờ hai vị tướng nói trên, đồng thời phối thờ Nguyễn Bặc và công chúa Quế Hương — con vua Đinh Tiên Hoàng. Trong hậu cung có bức tượng tướng quân Nguyễn Bồ cưỡi ngựa bạch, bên trái có tượng công chúa Quế Hương là vợ Nguyễn Bồ, tất cả đều làm bằng gỗ quý hiếm. Tại đình này còn lưu giữ được chín đạo sắc phong của các vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn.

Sau đình Ba Dân là chùa Long Quang. Photo ©NCCong 2014

Kiến trúc

Theo những văn bia còn lại thì đình Ba Dân đã từng được tu bổ vào các năm Tự Đức thứ 26 (1873), Thành Thái thứ 3 (1891), Thành Thái thứ 9 (1897) và Bảo Đại thứ 2 (1927). Đình có tam quan đồ sộ mở ra mặt đường làng ở hướng bắc, cả ba cổng đều xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Bên kia đường là một giếng to tròn tượng trưng cho nguyệt hồ, đến cuối TK 20 được xây bao và làm kè bằng gạch.

Nguyệt hồ trước cổng đình Ba Dân. Ảnh ©NCCong 2014

Đình được xây dựng trên một khu đất với khoảng sân rất rộng. Trước toà đại bái 5 gian có một phương đình. Liền sau đại bái là trung đường kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái với tả hữu mạc ở hai bên, rồi giật cấp lên tòa hậu đường 3 gian kết nối với hậu cung theo hình chuôi vồ.

Đến năm 2014, đình được trùng tu, mặt bằng kiến trúc vẫn gần như cũ. Phía ngoài có thêm chiếc cầu đá đi xuống ao sen hình trái xoan được xây bao quanh bằng một bức tường đá xanh ở bên trái phương đình.

Trung đường và hậu đường đình Ba Dân. Ảnh ©NCCong 2014

Di sản

Hội làng Cổ Điển cũng là hội chung của ba làng Cổ Điển, Cương Ngô và Đồng Trì, được tổ chức tại đình Ba Dân, từ ngày 14 đến 16-2 âm lịch, trong đó 15-2 là chính hội. Hội có tế lễ, rước kiệu các đức thánh và nhiều trò vui chơi giải trí. Múa sư tử và múa rồng là hai môn nghệ thuật từ lâu đời của 3 làng, rất nổi tiếng.

Cổng đình Ba Dân nhìn từ trong. Ảnh ©NCCong 2014

Làng Cổ Điển nay đã chia thành nhiều thôn nhưng vẫn duy trì được một số di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Ngay giữa làng có một giếng nước cổ, sâu chừng 10m, đường kính khoảng 2m, đáy giếng lát gỗ lim lõi dày. Từ đáy lên, vách giếng được xếp bằng những chiếc cối đá thủng đáy, rất vững chãi. Nước giếng này xưa kia trong mát, bao nhiêu năm từng là nguồn nước ăn dồi dào cho cả làng. Đặc biệt có ngôi đình Trung, được xây dựng sau sự phân tách hành chính, là đình riêng của 3 giáp thuộc thôn Cổ Điển Trên.

Đình Ba Dân nhìn từ vệ tinh

Hiện nay, đình Ba Dân cùng ngôi chùa Long Quang ở phía sau (đã tu bổ từ trước 2014) làm thành một quần thể di tích có chung tường gạch hoa lợp ngói vây kín vòng ngoài. Cổng chùa nhìn về hướng tây, bên trái con ngõ dẫn từ cổng này vào chùa cũng mới xây xong cầu ao và tường đá bao quanh một ao nhỏ khác. Trong chùa còn lưu giữ được 2 quả chuông quý.

Đình Ba Dân trước đợt trùng tu mới đây

Đã bao thế kỷ trôi đi nhưng những công trình kiến trúc và phong tục lễ hội cổ truyền nói trên vẫn còn lại như một minh chứng cho lịch sử nghìn năm của vùng làng quê phía nam kinh thành Thăng Long.

Di tích lân cận

Chùa Lưu Phái: thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp;
Chùa Ngọc Hồi: đường Ngọc Hồi—Yên Kiện, xã Ngọc Hồi.
Chùa Tứ Kỳ: đầu đường Linh Đường;

Đông Tỉnh