Cho “về vườn” 100.000 công chức “vác ô” là quá ít

Dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản 100.000 biên chế sẽ gây ra những xáo trộn nhất định trong hệ thống công chức. Ai đi, ai ở, vẫn là bài toán khó. TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Làm thật đấy!

  • Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản 100.000 biên chế để lấy ý kiến người dân. Theo ông, việc giảm đến 100.000 biên chế có gây "sốc" cho những người đang là công chức hiện nay?

Việc tinh giản biên chế đợt này nhằm vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, số lượng trên 2,5 triệu người (ước tính: 535.000 cán bộ, công chức; 1,7 triệu viên chức; trên 200.000 cán bộ, công chức cấp xã).

Khi biết thông tin về việc đề xuất tinh giản biên chế của “Bộ Lại”, không ít người trong bộ máy nhà nước quả thực thấy “sốc”, một bộ phận khác thấy “là lạ”, số còn lại thì cho là chuyện thường ngày rồi, khi nào chả nói thế, rõ là “khổ lắm, biết rồi, nói mãi”.

  • Số người “sốc” là vì sao?

“Sốc” bởi vì đề xuất tinh giản biên chế lần này có phạm vị rộng, các đối tượng chỉ ra cụ thể và đặc biệt là có nhiều các con số minh họa cho lộ trình 7 năm từ 2014 đến 2020.

Như vậy người ta nghĩ rằng việc này sẽ triển khai “thật”, tinh giản thật, không chỉ làm cho có phong trào, cứ hô lên cho to rồi làm thế nào thì làm.

  • Việc tinh giản biên chế đâu có gì lạ?

“Lạ” bởi vì công tác quản lý công vụ, công chức chưa thật chặt chẽ, các chính sách chưa đồng bộ, một số công việc chính để thực hiện cải cách chế độ công vụ đang dở dang, mà lại tinh giản biên chế một cách ”mạnh mẽ” như thế này thì không biết cái công cuộc này sẽ đi đến dâu? Có kết quả như mong muốn không?

  • Và trước nay, năm nào cũng nói giảm, nhưng biên chế cứ tăng?

“Lại là chuyện khổ lắm biết rồi nói mãi”, bởi vì người ta đã nghe nhiều, người ta nói nhiều đến chuyện này rồi. Nhiều đơn vị hô hào tinh giản nhất lại là đơn vị nhận thêm biên chế nhất. Người ta thường cho rằng việc này là loại việc “đánh trống bỏ dùi”, thỉnh thoảng khua lên tý chút, rồi đâu lại vào đấy.

Giảm người, công việc thêm hanh thông

  • Ông đánh giá thế nào về giải pháp lần này?

Thời gian này, chúng ta đang triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có triển khai đề án cải cách chế đô công vụ công chức. Như vậy, xét về thời điểm thì hợp lý, phải nói là thời điểm thích hợp để triển khai tinh giản biên chế.

Nhưng thời điểm này có một số vấn đề chưa thuận để triển khai tinh giản biên chế 100.000 người. Một loạt công việc liên quan đến cán bộ, công chức viên chức còn chưa sáng rõ, như, chưa làm xong bản mô tả công việc của cán bộ, công chức viên chức, chưa phê duyệt được các vị trí việc làm và cơ cấu công chức, chưa phê duyệt được số biên chế chính thức từcác vị trí việc làm do các đơn vị xây dựng.

Tôi thấy khó thực hiện được giảm biên chế đối với những người năng lực làm việc chưa cao, bởi con số này không ít và thường là những người có khả năng “chạy” hoặc là loại “nhiều cờ - con cháu các cụ cả”. Nếu đơn vị nào mà sếp cũng thuộc loại này thì nhân viên cũng thế thôi. Nhưng không thể để tình trạng cán bộ, công chức viên chức “ăn không ngồi rồi”, làm việc không hiệu quả kéo dài mãi được.

  • Liệu khi giảm như thế thì hệ thống cơ quan sự nghiệp có hoạt động được bình thường?

Xét về con số thì số 100.000 người thì không phải là lớn so với tổng thể trên 2,5 triệu. và so với con số 30% công chức cắp ô, không làm được việc thì cũng không phải là lớn. Bởi vì, con số này chỉ chiếm khoảng 4% số cán bộ, công chức viên chức nhà nước. Hơn nữa con số này lại được thực hiện trong khoảng 7 năm từ 2014 đến 2020.

Ta biết rằng, các cơ quan nhà nước có nhiều người không làm được việc, làm việc không hiệu quả, nên có giảm số người ít làm được việc thì cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến công việc. Nếu không muốn nói đến một số nhân sự làm ít, nói nhiều, hay kiện cáo, thích chọc ngoáy, thuộc loại “nhàn cư vi bất thiện” mà giảm được thì lại làm cho công việc thêm hanh thông.

Ai đi, ai ở?

  • Tác động của việc này sẽ như thế nào, cả về mặt tích cực và tiêu cực?

Bất cứ một chính sách nào ban hành đều có những mặt tích cực và tiêu cực của nó, nhưng thông thường, mặt tiêu cực không nhiều. Điều không hay trong công cuộc tinh giản này mà ai cũng có thể biết chắc chắn là gây ra những xáo trộn trong đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; gây ra những nghi ngờ, săm soi nhau xem ai đi ai ở; gây khó khăn trong điều hành của nhà quản lý vì giải quyết tinh giản; có nhiều khiếu nại, tố cáo, nhiều kiện tụng, có cả những việc nói xấu, chơi xấu nhau.

Cũng có thể có những trường hợp tranh thủ tinh giản để loại trừ nhau, gạt bỏ những người có năng lực nhưng không cùng phe cánh, không chịu chạy chọt.

  • Có khi nào sẽ xảy ra tình trạng "loạn"? Kiểu giống như mất cả trăm triệu đồng chạy được 1 suất công chức, chưa kịp thu hồi vốn đã bị "đuổi" thì nguy?

Chắc chắn sẽ có những vụ việc không hay xảy ra. Người có năng lực làm việc nhưng không chịu chạy chọt, không phe cánh, bè phái có thể bị “đuổi”. Bởi vì, các cụ có nói rằng: trước ta làm như thế nào thì sau chắc chắn ta phải chịu hậu quả như thế thôi. Chắc thanh tra nhà nước có nhiều việc để làm.

  • Nếu tinh giản được thì ngân sách sẽ giảm được khoảng bao nhiêu tiền?

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức trong 6, 7 năm lên tới 8.000 tỉ đồng.

Ngân sách nhà nước sau khi thực hiện tinh giản sẽ giảm được nhiều khoản vô bổ cho những người không có năng lực, cho những công việc không hiệu quả của họ và cho những thất thoát do cán bộ, công chức viên chức không năng lực gây ra. Những khoản này khó tính toán một cách chi ly, nhưng cái lớn hơn mà nó mang lại là sự thành công của chính sách.

Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều

  • Dự thảo mới chỉ đang đưa ra lấy ý kiến, theo nhìn nhận cá nhân của anh thì chúng ta có làm được không? Có làm được triệt để hay không?

Câu hỏi này hay, nhưng quả là tế nhị và nhạy cảm đây (cười). Những người nhìn theo cách tiêu cực sẽ thấy u ám và khó có thể thực hiện thành công việc tinh giản biên chế vì nền công vụ của chúng ta đang trong thời điểm có nhiều mặt suy thoái, rối ren.

Có nhiều vụ việc xảy ra trong công vụ làm suy giảm lòng tin của dân chúng vào thể chế, người làm trong công vụ có nhiều người chưa đạt chuẩn, “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”. Muốn trôi chảy công việc với các cơ quan công thì phải bôi trơn, phải chạy chọt, “sờ đâu cũng thấy tham nhũng”.

  • Muốn làm được thành công một cách triệt để phải làm gì?

Phải xác định các vị trí việc làm, mỗi cán bộ, công chức viên chức phải có bản mô tả công việc, phải xây dựng được hệ thống cơ cấu công chức. Phải xây dựng được hệ thống đánh giá cán bộ, công chức viên chức khách quan, không phải kiểu đánh giá của loại cơ quan đoàn thể hướng rất không phù hợp với các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Xác định rõ vai trò của người đứng đầu, của người thủ trưởng cơ quan, không bị chi phối bởi các loại quyền lực khác chen vào trong công tác điều hành của họ. Cải cách quy trình tuyển dụng, quy trách nhiệm, loại bỏ triệt để cách làm “theo đúng quy trình” nhưng kết quả không chuẩn, là “chạy chọt”, không phản ánh đúng năng lực người được tuyển so với tiêu chuẩn đề ra.

  • Nhưng loại bỏ những người yếu kém có dễ không? Bởi hiện nay trong các cơ quan nhà nước, có lẽ nếu dựa trên bằng khen, dựa trên bình bầu xếp loại thì không ai là không làm được việc. Vậy thì sẽ loại ai đây?

Đây là vấn đề phức tạp. Khi làm chính sách người ta khó có thể bao hàm được hết các trường hợp cụ thể phức tạp. Sau rất nhiều năm, chúng ta có những chỗ hổng để lọt vào đội ngũcán bộ, công chức viên chức nhiều người yếu kém về năng lực thực thi công vụ, nhưng không yếu kém về quan hệ.

Do đó cách làm để tinh giản biên chế phải xuất phát từ khảo sát đánh giá tổng thể thực trạng, xây dựng hoàn thiện các vị trí việc làm và hoàn thiện hệ thống đánh giá năng lực làm việc. Cần có ở mỗi tỉnh, mỗi bộ một đội đặc nhiệm về tinh gian biên chế, gồm những người giỏi được bồi dưỡng chuyên môn và không chịu bất cứ áp lực nào của bất cứ loại cơ quan nào.

  • Ở góc độ bài toán xã hội thì giải quyết những người được cho nghỉ việc này như thế nào? Còn gia đình, con cái, cuộc sống của họ nữa.

Đây là vấn đề lớn mà các nhà chính sách phải tính đến. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ các cuộc giảm biên chế trước đây. Nhiều người quen làm cho Nhà nước ở thế bị động, trông chờ ỷ lại cấp trên, đồng nghiệp nên khi có thay đổi gặp nhiều khó khăn, bế tắc, nghĩ quẩn không lối ra.

Các nhà làm chính sách dự kiến phí bình quân cho một người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, một người thôi việc khoảng 90 triệu đồng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức lên tới 8.000 tỉ đồng. Đây là một chính sách khá hấp dẫn đối với những người nằm trong diện giải quyết về hưu trước tuổi.

Điểm nổi bật của dự thảo nghị định này là những người có hai năm liên tiếp được xếp mức hoàn thành nhiệm vụ, nhưng còn hạn chế về năng lực sẽ bị tinh giản. Hoặc, có hai năm liên tiếp, trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp cũng sẽ bị tinh giản.

Ở các cơ quan nhà nước, đuổi việc một người là chuyện “động trời”. Người nhà nước như con nhà nước, đuổi ai cũng khó, trừ phi bị kỷ luật rành rành. Còn bình thường, dù họ làm việc làng nhàng, thậm chí chẳng làm được gì, cũng không dễ xử lý. Động đến họ là động dến hàng loạt quy định, không khéo chưa đuổi được họ mà nhọc thân vì chuyện thưa kiện.

Với một số quy định mới vừa bổ sung trong dự thảo, các nhà quản lý đã có “cây gậy” pháp lý để xử lý thành phần “ăn không ngồi rồi”. Tất nhiên là phải công bằng, công tâm, loại trừ chuyện phe cánh, trù dập.

Còn ý kiến của nhân dân về dự thảo, dứt khoát là có sự đồng thuận cao. Dân rất muốn đuổi những công chức vô tích sự ra khỏi bộ máy nhà nước để bớt oằn lưng nuôi họ, nhưng dân bất lực.

  • Nếu như có sự không đồng tình thì đó là sự tinh giản quá ít so với số công chức “sáng vác ô đi, tối vác về” hiện nay. Đuổi 100.000 người trong 6 năm, vậy trong 6 năm đó có tuyển thêm 100.000 người khác không, hay có thể sẽ tuyển dụng số lượng cao hơn số tinh giản?

Đuổi 100.000 người là quá ít so với bộ máy công chức cồng kềnh, có số người vô tích sự lên đến 30%. Mất 8.000 tỉ đồng để mời 100.000 người “về vườn”. Nếu mời được 30% các ông bà cô bác “vác ô” (khoảng 800.000 người) thì phải mất 64.000 tỉ đồng. Thế mới hay, tạo ra một bộ máy công chức kém chất lượng để rồi phải bỏ hàng chục ngàn tỉ đồng để xử lý hậu quả.

Hoa Kỳ - nền kinh tế số 1 thế giới với hơn 315 triệu dân nhưng bộ máy chính phủ chỉ có 2,1 triệu người, chưa đến 700.000 công chức trên 100 triệu dân. Việt Nam là nền kinh tế tụt hậu, với 90 triệu dân lại có đến 2,8 triệu công chức.

Chỉ cần so hai con số này cũng đủ thấy chúng ta còn lâu mới đạt được trình độ văn minh hành chính của thế giới hiện đại. Và tất nhiên sẽ còn lâu mới giàu có, thịnh vượng, bởi vì tiền của làm ra không đủ nuôi bộ máy công chức dư thừa và xử lý các hậu quả khác do chính nó gây ra.

(Theo LĐ)