Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Tạp bút > Gia tộc: sức mạnh hàng đầu

Gia tộc: sức mạnh hàng đầu

Thứ Tư 13, Tháng Năm 2015

Trăm năm ly hợp đã miêu tả và lý giải thật sắc nét, sống động v sức mạnh lớn nhất của người Việt trong lịch sử tồn tại bi tráng của mình, đó là sức mạnh gia tộc.

Theo quan niệm của học giả Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương, công trình sách nghiên cứu đầu tiên về lịch sử văn hóa Việt Nam, xuất bản năm 1938, NXB Quan Hải tùng thư Huế, thì “nông dân thực là nền móng của dân tộc ta mà nông nghiệp là nền móng của văn hóa ta”. Khi tìm ra năm đặc tính cốt yếu của văn hóa nông nghiệp Việt Nam, ông Đào đã đưa đặc tính “xã hội lấy gia tộc làm cơ sở” lên hàng đầu và khẳng định “đời nào gia tộc cũng làm bản vị cho xã hội”. Và “ở xã hội ta, cá nhân chìm đắm trong gia tộc cho nên nhất thiết các luân lý đạo đức chế độ văn vật, chính trị pháp luật đều lấy gia tộc chủ nghĩa làm gốc”. Và ông Đào khẳng định, đã phàm là “những dân tộc lấy nông nghiệp làm sinh kế là dân tộc định cư; vì định cư mà dân tộc nảy nở đông đúc, cho nên thực hành gia tộc chủ nghĩa”. (tr. 645, cuốn Việt Nam Văn hóa sử cương, trong tổng tập Nghiên cứu văn hóa và ngữ văn của Đào Duy Anh. NXB Giáo dục, 2005).

Vì thế, trong sự soi chiếu tự nhiên từ nghiên cứu của Đào Duy Anh, tôi thấy có một dòng chảy văn hóa gia tộc cuồn cuộn, tràn bờ, hàm nghĩa cả chính kịch và bi kịch trong Trăm năm ly hợp (NXB Lao động 2013) của đại gia đình họ Lê Khắc, được tác giả Lê Khắc Hoan dựng lại trong tác phẩm văn xuôi gần 450 trang, thấm đẫm tình cảm tự hào gia tộc riêng tư của người viết, với tư cách là một thành viên trong chính gia tộc của mình. Và, cũng vì thế, xuyên suốt từ đầu đến cuối sách chính là một tâm thế, một cách dựng gia phả (giống như cách đạo diễn sân khấu ứng xử với kịch bản) đầy văn chương, biến hóa tinh tế về ngôn từ của Lê Khắc Hoan (trong sách tác giả xưng danh Văn Trí): từ chọn lựa chữ nghĩa đến cấu trúc sách, dựng tính cách nhân vật và khai thác chi tiết, với phân tích kỹ lưỡng của một cái tôi trần thuật của thể loại ký sự… đã chứng tỏ “công trình kể biết mấy mươi” của tác giả, dành cho chính gia tộc mình, cho mình và cho bạn đọc.

Có lẽ hiếm khi trên thị trường sách Việt đã và đang khá là nhiễu loạn, phức tạp bộn bề như thập niên đầu thế kỷ XXI hôm nay lại xuất hiện một cuốn “gia phả” lạ biệt và hấp dẫn người đọc đến thế, về văn chương.

Lạ biệt nhất chưa phải là sự đồ sộ của chất liệu viết mà tác giả đã gom góp, thu lượm, nhọc công tìm kiếm, mà chính là thái độ nhập cuộc thiết tha và kỹ năng viết “gia phả” tộc họ mình theo cách riêng đầy nhiệt huyết và sự thẩm thấu văn hóa dòng tộc, vốn là sức mạnh hàng đầu của dân tộc Việt Nam, được liên kết từ sức mạnh dòng tộc, huyết thống của bao gia tộc Việt, đã thắng thế qua bao cuộc chiến vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại bang của mình, nói như cụ Hồ là “toàn đế quốc to”, từ phương Bắc: đế quốc Hán, từ phương Tây: Pháp, Mỹ…

Sách của Lê Khắc Hoan, vì thế, đặt ra và giải quyết vấn đề dòng tộc, một vấn đề văn hóa cốt lõi, đã được Đào Duy Anh phát hiện và nâng cấp thành triết lý “gia tộc chủ nghĩa” tích cực, hàm chứa lòng yêu nước vô hạn, yêu nước như yêu nhà của người dân Việt, trong sự chuyển động đặc thù của lịch sử Việt Nam, vốn dĩ coi việc đánh giặc ngoại xâm như là việc nhà, của chính gia đình, gia tộc mình, nên, khi đi đánh trận, đã đối đãi tử tế với nhau, như người trong một nhà. Bởi vậy Nguyễn Trãi từng thấu hiểu gan ruột cái tình này trong Bình Ngô đại cáo: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Rõ ràng cuốn sách đạt được hai phẩm chất văn hóa, cả vật thể lẫn phi vật thể. Vật thể là ở chỗ nó ghi lại lịch sử riêng tư của một dòng họ trong hình thái “gia phả” truyền thống. Phi vật thể là ở chỗ nó đạt đến phẩm chất văn chương phi-thể-loại trong chính vóc vạc tiểu thuyết lịch sử của mình, dù ngoài ý muốn và không phải ý đồ mạnh nhất của người viết.

Bởi vậy, bằng trực giác, linh giác của tình cảm “tự hào gia tộc” luôn đong đầy từng trang của người viết, cuốn sách đã mặc nhiên đạt được cùng lúc hai phẩm chất văn hóa trên. Và nhìn rộng ra, sách đã miêu tả và lý giải thật sắc nét, sống động cái sức mạnh lớn nhất của người Việt trong lịch sử tồn tại bi tráng của mình, đó là sức mạnh gia tộc. Vắng thiếu sức mạnh này, người Việt Nam không thể chiến thắng trong các cuộc kháng chiến lớn lao nhất trong chính lịch sử chống ngoại xâm dài dặc và ngoan cường của mình.

Ấy là chưa nói đến điều thú vị: ngay trong sáng 20.2.2014, khi câu lạc bộ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Tọa đàm giới thiệu sách Trăm năm ly hợp, đã có hàng chục tham luận phân tích, đánh giá và bình luận nồng nhiệt, cho rằng cuốn sách này có giá trị văn chương, rất đáng/nên đọc.

Trong sách gia phả này, Lê Khắc Hoan còn bộc lộ một cái tôi rất báo chí, thậm chí khá là hài hước, tinh quái, hay mỉm cười, như muốn “giã từ quá khứ một cách vui vẻ” (Karl Marx), trong vai cái tôi trần thuật và bình luận rất độc đáo về các nhân vật, sự kiện của dòng họ Lê Khắc trong Trăm năm ly hợp. Điều này chẳng hề ngẫu nhiên. Lê Khắc Hoan (sinh năm 1937), là nhà giáo và là nhà báo lâu năm về giáo dục, đã viết về thầy trò trong môi trường giáo dục Việt Nam, từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, từng được người đọc yêu thích: Chân trời xa xôi, Mái trường thân yêu

Xin chúc mừng ông và xin thể hiện sự tri ân và tri âm của tôi với ông bằng bài viết này, vì tôi từng cộng tác với tạp chí Thế Giới Mới do ông phụ trách gần chục năm trường, khi tôi còn định cư ở Sài Gòn từ thập niên 90 thế kỷ XX, thời huy hoàng nhất của tạp chí này tại TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Minh Thái