Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Con người > Hiếu kỳ > Vì sao dân Nam Bộ thích sắm và đeo vàng?

Vì sao dân Nam Bộ thích sắm và đeo vàng?

Thứ Sáu 14, Tháng Ba 2014

Nhiều người miền Bắc, miền Trung khi dự đám cưới ở Nam Bộ thường rất ngạc nhiên về mức độ đeo vàng của cô dâu và khách tham dự. Họ ngạc nhiên vì biết trong nhiều trường hợp đó, những người đeo nhiều vàng ấy không thật sự giàu có. Rồi một số tiết lộ tế nhị cho biết có khi số vàng mà thân chủ đeo không phải vàng thật hoặc do mượn của người thân.

Đặc biệt, trong nhiều đám cưới ở Nam Bộ, số nữ trang làm sính lễ đôi khi không hoàn toàn là của nhà trai mà là của nhà gái gửi qua nhà trai trước đó, để khi trình lễ có mặt quan khách bà con hai họ, nhà gái thêm nở mày nở mặt. Nắm bắt nhu cầu này nên ở Nam Bộ xưa nay khá phổ biến dịch vụ cho thuê nữ trang để phục vụ cho các dịp đám tiệc.

Một cô gái ăn bún riêu tại chợ Mỹ Hội, Cao Lãnh, Đồng Tháp đeo 6 bộ vòng, tất cả 42 chiếc, tương đương 2 cây vàng. Ảnh: Văn Bảy, 2/2014

Truyền thống sắm vàng và đeo vàng nói trên không chứng tỏ được rằng dân Nam Bộ giàu có, vì trái ngược với sự chưng diện bản thân như thế, ngôi nhà của họ thường xập xệ, tạm bợ theo quan niệm “Khôn cất trại, dại cất nhà”. Bởi vậy mà trước đây ở Nam Bộ rất phổ biến loại nhà tạm bợ gọi là “nhà đá”, “nhà đạp”, tức chỉ cần co giò đá, đạp một cái là sập!

Năm 1939, học giả Nguyễn Hiến Lê đi du khảo Đồng Tháp Mười, đã ghi lại trong hồi ký Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười một cuộc trao đổi thú vị giữa ông và người bạn tên Bình như sau:

“Anh Bình bảo tôi:
— Dân miền này nghèo quá. Hầu hết nhà nào cũng chỉ là một cái chòi chừng 8 thước vuông, kê một hai cái chõng tre, bàn ghế chẳng có gì cả. Và họ ở dơ lắm: Heo ở lẫn với người…
Tôi hỏi:
— Nghèo có bằng dân quê Bắc Việt không?
— Nghèo hơn nhiều. Ngoài Bắc, dân quê nào cũng có một cái nhà lá ba gian và gian giữa có bàn thờ hẳn hòi chứ.
— Anh lầm rồi đấy. Miền này nhà cửa tồi tàn thật, vì dân gần như vô định cư, nay ở mai đi, thì sửa sang nhà cửa làm gì? Muốn biết rõ tình cảnh họ ra sao, phải xét cách ăn mặc của họ. Nghèo tới mấy, suốt năm họ cũng được ăn cơm với cá hoặc mắm, chứ không phải ăn khoai, ăn ngô (bắp) như ngoài Bắc;… trong những chòi lá đó, một vài phụ nữ bận quần bằng tơ và đeo những đồ tế nhuyễn bằng vàng Tây…”

Quả thật, cuộc sống của lưu dân ban đầu còn vô định cư, phải lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào thiên nhiên và tình hình chiến tranh. Đôi khi ruộng lúa chín vàng, chuẩn bị gặt thì chỉ qua một đêm, chim chuột phá hại sạch sành sanh; hoặc là chiến tranh bất ngờ nổ ra, phải bỏ của lo chạy tản cư. Đời sống không có gì bảo đảm an toàn bền vững nên trôi giạt là chuyện thường tình:
Tới đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ xanh cây hãy về.

(Ca dao)

Tuy trong lịch sử ở Nam Bộ ít có những cuộc chiến ác liệt như miền Bắc, miền Trung, nhưng nhiều mâu thuẫn đối kháng vẫn âm thầm dai dẳng và chiến cuộc vẫn thường xuyên diễn ra, buộc người dân phải có tâm lý đối phó.

Từ việc chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế tại Sài Gòn và Bến Nghé năm 1623 tới việc nhóm Hoa kiều Trần Thương Xuyên và Dương Ngạn Địch xin tị nạn chính trị tại Biên Hòa và Mỹ Tho vào năm 1679 rồi Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên (Kiên Giang và Cà Mau ngày nay) vào năm 1714, từ việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược và sắp đặt bộ máy hành chính ban đầu vào năm 1698 đến cái mốc cuối cùng vua Chân Lạp dâng đất Tầm Phong Long (An Giang) vào năm 1759 là cả một thế kỷ rưỡi đấu tranh liên tục để mở mang bờ cõi. Trong suốt thời gian đó chúa Nguyễn áp dụng chính sách “Tàm thực” (tằm ăn lá dâu) nên người Việt, Hoa sống chung đụng với người Khmer. Khi chế độ chính trị còn khác nhau thì đương nhiên các tộc người sử dụng đồng tiền khác nhau. Trong hoàn cảnh đó chỉ có vàng đóng vai trò là “vật ngang giá chung” tiện lợi nhất.

Thêm vào đó, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, ở Nam Bộ có rất nhiều thương cảng mà thuyền buôn ngoại quốc được tự do vào buôn bán như: Hà Tiên (Kiên Giang), Bãi Xàu (Sóc Trăng), Cù lao Phố (Biên Hòa), Bến Nghé… Trong các giao dịch này, nếu không áp dụng phương cách hàng đổi hàng thì vàng vẫn là vật ngang giá tiện lợi nhất.

Khi chúa Nguyễn vừa thu nhận toàn cõi Nam Kỳ (1759) được vài năm thì nội chiến giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn nổi lên gần hết nửa sau thế kỷ XVIII. Yên ổn được vài mươi năm thì xảy ra loạn Lê Văn Khôi, do tình thế mà cả Nam Kỳ lục tỉnh phải đứng về phía Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Kế đến là thực dân Pháp xâm lược (1859), Nhật nhảy vào Đông Dương (1940), liền sau đó cả ba biến cố lớn chỉ diễn ra trong vòng 6 tháng (từ tháng 3 tới tháng 9/1945): Nhật đảo chính Pháp, Cách mạng Tháng Tám thành công rồi thực dân Pháp và Anh quay lại tái chiếm Nam Bộ. Sau đó chế độ thân Pháp (Quốc gia Việt Nam, 1949 - 1955) được dựng lên rồi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (1960) song song tồn tại với chính thể Việt Nam Cộng hòa cho tới năm 1975.

Trong suốt ba thế kỷ đó, vùng đất Nam Bộ hầu như liên tục thay chủ đổi ngôi hoặc là các thế lực đối kháng cùng song song tồn tại, giành qua giựt lại, không ít địa bàn bị chà đi xát lại nhiều lần.

Đối kháng không chỉ diễn ra giữa các thế lực mà có khi còn xảy ra giữa một thế lực với phe ly khai của nó, như trường hợp phó tướng Huỳnh Tiến/Hoàng Tấn làm phản và giết chủ tướng Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, tàn quân Đông Sơn chống lại Nguyễn Ánh khi chủ tướng Đỗ Thanh Nhơn bị hại, quân Bình Xuyên ly khai khỏi liên minh các lực lượng chống Pháp và sự phân liệt giữa lực lượng các giáo phái trong kháng chiến chống Pháp… Tình thế bất an đó khiến người dân luôn nằm trong tư thế chuẩn bị tản cư để tránh các cuộc đụng độ. Và tất nhiên khi tản cư chỉ có mang vàng theo là tiện lợi nhất. Hoặc giả nếu không thì chôn giấu vàng cũng khá dễ dàng để khi quay lại thì tài sản của họ không bị mất mát nhiều.

Chính vì vậy mà trong ngôn ngữ Nam Bộ, hũ vàng thường được nhắc tới để chỉ sự giàu có: “Một hũ vàng chôn không bằng cái l… con heo nái”. Vẫn biết rằng “Sắm vàng thì lỗ, sắm thổ thì lời” nhưng hầu như ai ai cũng lo sắm vàng, gọi là để “hậu thân”, đề phòng có biến cố. Do đó mà vàng chính là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của dân Nam Bộ:
Thông ngôn ký lục bạc chục không màng,
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

(Ca dao)

Nhà giàu có nhiều tiền để sắm vàng đã đành, dân nghèo làm mướn làm thuê cũng chỉ mong mỏi điều đó:
Nhổ bàng đươn đệm cho siêng,
Anh đi chuyển lúa sắm kiềng em đeo.

(Ca dao)

Một người chồng khóc vợ sụt sùi mà vẫn không quên lo cho sở thích đeo vàng của vợ lúc sinh thời:
Đến bữa cơm qua đơm ba chén, đũa hai đôi,
Đồ ăn đủ vật, hương thắp một cây, đèn chong một ngọn,
Vọng bái linh hồn em có vui chơi nơi đất Kinh Châu hải ngoại hay Biển Hồ lai láng, về đây thọ lãnh giấy tiền vàng bạc đặng về nơi quê kiểng sắm vàng đeo chơi!

(Hò Trà Cú)

Có một điều đặc biệt là ở Nam Bộ người ta ít dùng từ “nữ trang” mà cứ gọi thẳng là “vàng”, có lẽ bởi vì những thứ này không phải chỉ dùng trang sức cho phụ nữ mà còn cho cả đàn ông:
Thấy anh áo lược xênh xang,
Đồng hồ quả quýt, nhẫn vàng đeo tay…

(Ca dao)

Chính vì vậy mà ngày trước, khi nạn “hùm tha sấu bắt” còn phổ biến, nhiều trường hợp khi bắt được sấu, mổ bụng ra người ta thường thu được vòng vàng của nạn nhân còn sót lại.

Trải mấy trăm năm nhưng truyền thống sắm vàng và đeo vàng của dân Nam Bộ hiện vẫn còn cho tới ngày nay, đủ nói lên tâm lý và thói quen/cá tính của lưu dân ở vùng đất mới.
Lê Công Lý, TTVHCT