Trang nhà > Giáo dục > Đào tạo > Bàn tròn trực tuyến về chương trình học và sách giáo khoa
Bàn tròn trực tuyến về chương trình học và sách giáo khoa
Thứ Hai 21, Tháng Tư 2014
Hôm qua, GS Ngô Bảo Châu và nhóm Học Thế Nào đã tổ chức thảo luận bàn tròn trực tuyến về chương trình - sách giáo khoa. Thảo luận đã nhận được khoảng 160 lượt ý kiến với nhiều kiến nghị phong phú, đa dạng.
Tại sao phải thay chương trình và SGK?
Như đã giới thiệu, để khơi mào cho cuộc thảo luận, GS Ngô Bảo Châu đã có một bài viết trong đó trình bày sáu quan điểm về đổi mới chương trình học và SGK.
Với quan điểm “không có lập luận thực sự thuyết phục cho việc đổi SGK định kỳ 10 năm một lần”, cuộc thảo luận bàn tròn nhận được nhiều ý kiến trái chiều thú vị.
Theo nhà báo Nguyễn Vạn Phú (Thời báo Kinh tế Sài Gòn), căn cứ vào thực trạng giáo dục hiện nay và nhiệm vụ chuẩn bị cho giới trẻ vào đời, nhất là cuộc đời nhiều biến động của thế kỷ 21 mà giáo dục phải đảm nhiệm thì thay đổi chương trình, SGK và phương pháp giảng dạy là yêu cầu bức thiết.
TS Nguyễn Huỳnh Mai (Bỉ) cho rằng việc cập nhật SGK là bình thường bởi khoa học tiến bộ không ngừng, trong đó có khoa học sư phạm. Nhưng không hẳn 5 hay 10 năm một lần mà chỉ thay đổi khi cần, và có thể thay đổi từng phần chứ không nhất thiết phải thay đổi toàn bộ. TS Lương Hoài Nam cũng đồng ý cần đổi mới chương trình SGK nhưng trước đó cần phải làm rõ và thống nhất các vấn đề quan trọng: Mục đích, triết lý, phương pháp, mô hình… giáo dục.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác bày tỏ nghi ngại liệu chất lượng giáo dục có đi lên nếu như chỉ tập trung vào việc đổi mới chương trình - SGK, đặc biệt khi đã có nhiều lần thay đổi chương trình - SGK rất tốn kém mà chất lượng vẫn không như mong đợi.
Còn GS Ngô Bảo Châu nhận xét: “Tôi thấy một việc quan trọng mà chúng ta chưa làm được là lấy ý kiến của giáo viên và học sinh về SGK. Vì thiếu đánh giá đầy đủ, khoa học, nên khi phải bảo vệ việc thay đổi SGK lập luận vướng lắm, cứ như gà mắc tóc”. Theo GS Ngô Bảo Châu, lập luận nghiêm túc nhất được đưa ra là phải thay đổi hoàn toàn SGK vì thay đổi quan niệm về giáo dục, thay vì học để có kiến thức thì bây giờ học để có năng lực. Lập luận này nghe thì khá hợp với hơi thở của thời đại nhưng thực ra cũng khá tù mù, bởi thay đổi như thế nào cũng có thể coi là vì “năng lực” chứ không phải vì “kiến thức”.
Cần thay đổi gì nhất trong chương trình và SGK hiện hành?
Khi đề cập vấn đề một hay nhiều bộ SGK, hầu hết ý kiến đều cho rằng Bộ GD&ĐT chỉ soạn chương trình khung, còn SGK cần phải có nhiều bộ do các nhóm tác giả, các NXB khác nhau biên soạn. Bạn Thanh Hải (Đức) chia sẻ cách làm của các nước tiên tiến: Bộ GD của họ chỉ đưa ra một chương trình khung, với tinh thần gạch đầu dòng chứ không liệt kê phải dạy và học sách nào của tác giả nào. Một số nơi, các trường được tự do chọn sách, giáo viên được tự do bổ sung kiến thức bài giảng, miễn là phù hợp với chương trình khung.
Thảo luận về việc nếu cần phải thay đổi chương trình, SGK, nhiều ý kiến đồng ý với GS Ngô Bảo Châu, sách trong các lĩnh vực ngoại ngữ, nhân văn, sức khỏe - lối sống - đạo đức… cần phải thay đổi trước tiên. Theo nhà thơ Phạm Tường Vân, thiết kế chương trình môn văn phải mở, SGK môn văn phải “mỏng” để còn dành khoảng hở cần thiết cho những tư tưởng văn học đương đại len vào.
Còn ông Bùi Trần Hiếu (ĐH New South Wales) cho rằng chương trình phải giúp ích được cho việc phát triển các năng lực cơ bản và quan trọng liên quan tới tư duy và học tập, hướng tới giúp người học trở thành người có khả năng học tập suốt đời một cách hiệu quả ở các giai đoạn tiếp theo. “Các năng lực tư duy và học tập của thế kỷ 21 được một số nơi xác định gồm các năng lực: critical thinking (tư duy phản biện), creativity and innovation (sáng tạo và đổi mới), cooperation and communication (hợp tác và giao tiếp). Theo những gì tôi đã trải nghiệm qua 12 năm học phổ thông tại Việt Nam, thì chương trình giáo dục phổ thông và SGK đã không thành công trong việc giúp người học hình thành các năng lực và kỹ năng nêu trên”, ông Bùi Trần Hiếu nhận xét.
GS Ngô Bảo Châu cũng đồng tình với quan điểm trên, ông viết: “Tôi nghĩ rằng học và “thực hành” nhân văn một cách tích cực là cách duy nhất để rèn luyện những năng lực này. Những vấn đề trong triết học không có câu trả lời duy nhất, cũng như không có một cách nhìn duy nhất về những sự kiện lịch sử. Để có ý kiến riêng của mình, học sinh phải tìm hiểu, nghiên cứu, suy xét và phản biện. Để bảo vệ ý kiến của mình, học sinh sẽ phải học được cách trình bày khúc chiết, lập luận kín kẽ. Ngoài ra học sinh còn học được cách tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác với ý kiến của mình mà nhiều khi phải chấp nhận lật lại toàn bộ những gì mà mình đã nghĩ”.
Quý Hiên, TG
Xem online : Chương trình - SGK dưới góc nhìn của GS Ngô Bảo Châu