Bộ não già dần, nên sống thế nào?

Đông Tỉnh

Năng lực của bộ não thường lên tới đỉnh cao ở độ tuổi 22 và chỉ kéo dài 5 năm sau đó, trước khi bắt đầu suy thoái mà biểu hiện rõ rệt là quên dần nhiều việc và phản ứng chậm hơn trong ứng xử hàng ngày... Tham khảo website Termlifeinsurance.org, ta thấy lộ trình của bộ não có diễn tiến như trong minh họa dưới đây.

Xuân Diệu [1] khi còn rất trẻ đã từng viết tặng Vũ Đình Liên [2] bài thơ “Vội Vàng” in năm 1938, trong đó có hai câu:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già

Dù lão hóa bộ não là một quá trình tất yếu xảy ra ngay từ tuổi đôi mươi, chúng ta vẫn có thể giữ cho nó tỉnh táo và sáng suốt lâu dài hơn bằng cách không ngừng hoạt động trí tuệ và thể lực xen kẽ với nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, tránh xa những nơi ô nhiễm nặng và cố gắng làm giảm sự căng thẳng không mong muốn trong cuộc sống.

Thực tiễn đúc kết qua thống kê khoa học trong khoảng hai trăm năm gần đây đã cho thấy những người lao động chăm chỉ thường sống lâu hơn tuổi thọ trung bình rất nhiều. Bạn hãy thử quan sát và so sánh những lão nông, công nhân, bác sĩ, thầy giáo già v.v.. với những kẻ lười biếng hoặc ăn chơi phè phỡn mà bạn biết.

Cả kinh nghiệm lâu đời và các nghiên cứu của y sinh học hiện đại đều rút ra kết luận: khi rảnh rỗi bạn nên đọc sách, đến bảo tàng, đi du lịch và thăm bạn bè, họ hàng thân thích... Chỉ cần điều chỉnh sinh hoạt của mình một chút thôi, bạn sẽ nhận ra thêm các niềm vui mới và ôn lại được những kỷ niệm thú vị từ xa xưa.

Đông Tỉnh

[1Xuân DiệuXuân Diệu (1916-1985) (1916-1985): nhà thơ tình nổi tiếng của Việt Nam, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ trường phái “Tượng Trưng” của nước Pháp thế kỷ 19.

[2Vũ Đình Liên (1913-1996): một nhà thơ của phong trào “Thơ Mới” (1932-1945), bài “Ông đồ” của ông khi đó được bình là hoài cổ. Cuối đời được phong “Nhà giáo nhân dân”.