HS Phan Cẩm Thượng:

Cần một trung tâm bảo hộ bản quyền mỹ thuật

Thị trường mỹ thuật dù mở ra sớm nhất trong các ngành nghệ thuật, nhưng lại chậm được luật pháp bảo vệ. Cho đến nay, phần lớn họa sĩ đành bó tay trước việc tranh của mình bị sao chép và bán tràn lan trên thị trường

Hàng thật và hàng giả là hai mặt tất yếu của nền kinh tế thị trường non trẻ. Khi văn học nghệ thuật cũng tham gia vào quá trình sản xuất và là một phần của nền kinh tế, hàng giả trên lĩnh vực này cũng xuất hiện.

Nếu như đối với văn học và âm nhạc, việc in sách lậu, làm băng lậu làm thiệt hại về kinh tế cho những doanh nghiệp, nhưng về căn bản không phương hại nhiều đến nội dung nghệ thuật (một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, một bài ca đã thu âm phát hành), thì trong hội họa và điêu khắc việc làm tranh giả và tranh nhái vừa gây thiệt hại kinh tế cho các cá nhân nghệ sĩ, vừa làm suy thoái thẩm mỹ.

Những hoạt động kinh doanh nghệ thuật của nhà xuất bản, xưởng phim, đoàn kịch... thực chất là những doanh nghiệp (nếu tham gia kinh doanh), thiệt hại kinh tế do hàng giả và ăn cắp bản quyền mang tính chất tập thể, tập đoàn , nên được chú trọng nhiều hơn về xử lý luật pháp.

Thị trường mỹ thuật dù mở ra sớm nhất trong các ngành nghệ thuật, nhưng lại chậm được luật pháp bảo vệ. Những tranh giả, tranh nhái chủ yếu gây thiệt hại cho cá nhân nên cho đến nay vẫn không được chú trọng giải quyết và đại bộ phận họa sĩ đành bó tay trước việc tranh của mình bị sao chép và bán tràn lan trên thị trường.

Các quy định về xử phạt hành chính đối với việc vi phạm bản quyền mỹ thuật chưa thật hiện hữu. Có lẽ bởi những lý do: 1. Thiếu những chuyên gia có chuyên môn về quản trị kinh doanh nghệ thuật, nên soạn thảo quy định chưa sát với thực tế. 2. Nếu bị xử phạt mà vẫn có lãi thì người ta vẫn cứ làm.

Hiện tại dù rất nhiều quy định, quy chế đã ra đời nhưng những cửa hàng sao chép tranh vẫn hoạt động công khai trong các thành phố lớn, đấy là chưa kể các gallery.

Việc sao chép tranh cũng phong phú về hình thức, nên nhiều trường hợp không dễ chứng minh là đã vi phạm bản quyền.

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ bị sao chép tranh nhiều nhất, đến mức một người chơi tranh nước ngoài nhận xét: "Khi sống Phái vẽ nhiều bao nhiêu thì khi chết ông vẽ nhiều bấy nhiêu".

Tình hình có thể là tệ hơn , khi số lượng tranh giả Bùi Xuân Phái đã gấp nhiều lần tranh thật và có nguy cơ làm mất giá trị toàn bộ tranh thật. Tác phẩm của những danh họa khác bị "chuyển thể một cách có chất lượng" thành nhiều chất liệu. Thí dụ bức tranh chính là sơn dầu được vẽ thêm thành tranh sơn mài, lụa, các ký họa, phác thảo sinh thời họa sĩ chưa sử dụng được dựng thành chất liệu quan trọng. Họa sĩ có sống lại cũng phải bái phục. Những họa sĩ hiện tại thuộc loại bán chạy bị sao chép đại trà, có chiều sâu và được kinh doanh nhiều năm qua.

Nhiều họa sĩ trẻ lấy thẳng một phong cách bán chạy làm lối vẽ của mình, đàng hoàng ký tên mình với những bố cục khác. Đây là trường hợp khó xử và tế nhị nhất khi xem xét về vấn đề vi phạm bản quyền.

Nhiều người được thuê vẽ (từng công đoạn) thành một loại tranh nào đó rồi người ta cũng tổ chức triển lãm, cũng có khai mạc, tặng hoa cho một "họa sĩ ảo". Có người đóng vai vài họa sĩ cùng một lúc, lúc thì là phong cách A, lúc là phong cách B, lúc vẽ trừu tượng, lúc vẽ hiện thực.

Hiện tượng "họa sĩ ảo" có lẽ chỉ có ở Việt Nam, là hệ quả tất yếu của việc kinh doanh không có pháp luật và việc cấp phép triển lãm căn cứ thuần túy vào nội dung. Những phức tạp của kinh doanh nghệ thuật nên được giải quyết từ gốc. Thí dụ buộc các sinh viên theo học các trường nghệ thuật phải ký cam kết không tham gia sao chép tranh, vì đây là lực lượng lao động chính cho các nơi làm ăn bất chính. Về lâu dài các chủ gallery phải có bằng quản trị kinh doanh nghệ thuật và cũng phải cam kết như vậy. Cũng như các nghệ sĩ cần đăng ký hành nghề chuyên nghiệp.

Trong khi chờ đợi việc xử lý hành chính của các cơ quan quản lý văn hóa, có lẽ giới mỹ thuật trước tiên nên tự lo cho mình, như giới âm nhạc, là thành lập một trung tâm bảo hộ bản quyền.

Cơ quan giám định nghệ thuật cũng nên xuất phát từ đây, hơn là những hội đồng nghệ thuật tạm thời vừa thiếu quyền lực vừa thiếu chuyên môn.

Đương nhiên là trung tâm bảo hộ bản quyền mỹ thuật không thể thay thế cho các cơ quan pháp luật, nhưng nếu được Nhà nước ủng hộ tích cực thì việc tiến hành bảo hộ bằng danh dự cũng rất có giá trị, khi mà các nghệ sĩ công bố trên trang web của trung tâm rằng tranh tượng của mình chỉ có ở đâu, ở đâu là không phải, đại diện của giới mỹ thuật nhận định họa sĩ nào tham gia làm tranh giả, thì có nghĩa là sự nghiệp của anh ta đi đứt. Việc trừng phạt về danh dự hiệu quả hơn rất nhiều việc xử phạt hành chính.

Đương nhiên một trung tâm như vậy cần có ít nhất một người có kinh nghiệm và chuyên môn mỹ thuật, một luật sư và một chuyên gia giỏi về quản trị kinh doanh nghệ thuật. Tiền hoạt động sẽ do các thành viên (những nghệ sĩ có nhu cầu được bảo hộ bản quyền) đóng góp và về lâu dài sẽ thu nhập bằng những giám định nghệ thuật và phần trăm do xử lý các vụ việc.

Cần học tập kinh nghiệm của giới âm nhạc và mỗi nghệ sĩ cũng nên ý thức về quyền lợi của mình trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào sự ra đời của một trung tâm như vậy.

PHAN CẨM THƯỢNG

Báo Thể thao và Văn hóa