Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (VI)

P.X.P

Núi Bân tháng 8-2009. Ảnh: P.X.P

Nơi Quang Trung tế trời rồi xuất chinh

“Song, từ trước đến nay, những người đến tham quan Huế và ngay cả những người từng sống ở Huế chỉ biết đến một đàn Nam Giao nhà Nguyễn ở phía nam Kinh thành hiện ở thôn Bình An [làng Dương Xuân, trước thuộc xã Thủy Xuân, nay thuộc phường Trường An], Gia Long cho lập năm 1806”. Đỗ Bang viết vậy trong sách Tây Sơn – Thuận Hóa: những dấu ấn lịch sử (Bảo tàng tổng hợp Bình Trị Thiên ấn hành, 1986, tr.154) trước khi “giới thiệu một đàn Nam Giao lâu đời và có giá trị lịch sử to lớn hơn, đó là đàn Nam Giao Tây Sơn”.

Kỳ thực, vấn đề địa điểm tế Giao của vua Quang Trung ở miền Hương Ngự từng được đặt ra ít nhất cũng từ… thế kỷ XIX và gây bao tranh cãi – nhất là trong học giới gần xa – từ đầu thế kỷ XX.

Qua hồi ký Souvenirs de Hué (Những kỷ niệm xứ Huế) công bố năm 1867 tại Paris (Pháp) rồi được tái bản năm 1941 tại Thượng Hải (Trung Hoa), Michel Đức Chaigneau đã cho rằng Ngự Bình là nơi nhà Tây Sơn tế trời. Không ít tác giả sau này cũng lặp lại nhận định kia. Ví dụ trong cuốn Nguyễn Huệ, con người và sự nghiệp (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1965, tr.129), Văn Tân viết: “Tây Sơn lập đàn Nam Giao ở núi Ngự Bình”.

Thế nhưng, trên BAVH 1917, với bài Le Vieux Hué d’après Đức Chaigneau: le Nam-Giao (Huế xưa qua mắt Đức Chaigneau: đàn Nam Giao), thừa sai H. de Pirey phản bác: “Đức Chaigneau đã nhầm khi bảo Tây Sơn từng dùng Ngự Bình làm nơi tế trời. Thật ra, không phải núi Ngự mà lại là ngọn đồi ở phía tây núi Ngự và cùng góc độ (núi Bân). Đó mới chính là nơi nhà Tây Sơn chọn để tế trời. Người Việt đặt tên đồi là Hòn Thiên và họ còn kể rằng xưa, trước khi đàn Nam Giao được xây như bây giờ [ở Dương Xuân] thì lễ tế Giao từng được cử hành trên đồi đó. Cần lưu tâm rằng đồi đó có đường từ đỉnh chạy xuống đúng theo bốn hướng. Ngay trên đỉnh và xung quanh nền chính có bốn mô đất tròn, chứng tỏ đây là chỗ tế lễ. Nếu đến đồi đó kiểm tra kỹ, sẽ bắt gặp gạch đổ rải rác”. Xem xét thư tịch cổ cũng như khảo sát thực địa, hậu thế hẳn sẽ đồng tình với ý kiến của H. de Pirey.

Hoàng Lê nhất thống chí do Ngô gia văn phái biên soạn vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch (NXB Văn Học, Hà Nội, 2001, tr.372) có thuật chuyện Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đang ở Phú Xuân thì nghe tin 29 vạn quân Mãn Thanh tràn sang xâm lược nước ta và đã chiếm Thăng Long: “Bắc Bình vương bèn cho đắp đàn ở trên núi Bân, tế cáo trời đất cùng các thần sông thần núi; chế ra áo cổn mũ miện, lên ngôi hoàng đế, đổi năm thứ XI niên hiệu Thái Đức của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc làm năm đầu niên hiệu Quang Trung. Lễ xong, hạ lệnh xuất quân. Hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788)”. Nhiều tư liệu khác lại ghi thời điểm nọ là 25 tháng 11 Mậu Thân, tức 22-12-1788.

Cuộc tiến công thần tốc từ núi Bân đã đạt kỳ tích vang dội muôn đời: chỉ trong vòng 5 tuần lễ và chỉ bằng đôi chân trèo đèo lội suối băng sông, nghĩa quân Tây Sơn vượt non 700km, dũng cảm và mưu trí lấy ít địch nhiều, quét sạch sành sanh bè lũ cướp nước lẫn bầy đàn bán nước văng khỏi cõi bờ.

Các thư tịch mang niên đại thế kỷ XIX gồm Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng như Lê Quý kỷ sự của Nguyễn Thu đều xác định nơi Quang Trung lập đàn tế trời và tung quân Bắc tiến là Bân sơn. Địa danh núi Bân / Bân sơn còn được bảo lưu trong cặp câu đối chữ Hán trước tòa miếu cổ do nhân dân xây cất chưa rõ từ thuở nào để âm thầm thờ phụng Quang Trung đại đế bên chân núi Liên Phong, gần cửa Bạng – thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa – như sau:
Anh hùng thanh sất Bân sơn cổ
Miếu mạo quang lưu Bạng hải kim.

Tạm dịch:
Non Bân trước, anh hùng vùng dậy
Biển Bạng nay, miếu mạo sáng ngời.

Bí ẩn Hòn Thiên

Lạ một điều là Quốc sử quán triều Nguyễn không thống nhất khi ghi vị trí mà nhà Tây Sơn tế Giao tại Huế. Nếu bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng nhà Tây Sơn tế trời tại Bân sơn thì Đại Nam chính biên liệt truyện lại ghi rằng địa điểm đó nằm ở phía nam núi Ngự. Có lẽ chịu ảnh hưởng từ sử liệu thứ hai nên rất nhiều sách báo sau này đều ghi y hệt. Chẳng hạn các cuốn Quang Trung – Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc của Hoa Bằng (NXB Bốn Phương, Sài Gòn, 1958), Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Phan Quang (quyển 2, tập II, giáo trình Đại học Sư phạm, Hà Nội, 1965), Hùng khí Tây Sơn của Lam Giang (NXB Sơn Quang, Quy Nhơn, 1971), v.v.

Phía nam núi Ngự đâu phải Bân sơn? Nếu lấy Ngự Bình làm mốc định vị, thì thực tế núi Bân cách 620m về phía tây.

Núi Bân có nhiều tên gọi khác nhau. Cũng Hoàng Lê nhất thống chí, song bản dịch của Ngô Tất Tố (Phong trào Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.304) thì ghi là núi Sam. Còn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (sđd, tr. 397) và Vua Quang Trung của Phan Trần Chúc (NXB Chính Ký, Sài Gòn, 1957, tr. 159) lại ghi là Bàn sơn. Dân chúng quanh vùng lâu nay gọi là Độộng Tầng, Tam Tầng hoặc Ba Vành. Địa danh phổ biến nhất đối với người Huế vẫn là núi Ba Tầng và núi Bân. Chữ Bân được Hán – Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Trong và ngoài đều hoàn mỹ cả”. Gắn sự kiện vào bối cảnh lịch sử cuối năm Mậu Thân 1788, Đỗ Bang (sđd, tr.159) nêu câu hỏi hợp lý: “Điều đó có nghĩa là Nguyễn Huệ muốn thu phục lòng người, giang sơn quy về một mối, để đủ sức mạnh chống lại nạn ngoại xâm đang đe dọa, bảo vệ sự sống còn của dân tộc. Có phải Nguyễn Huệ đã đặt tên núi Bân cho quả đồi, nơi làm lễ lên ngôi và xuất quân, để biểu thị long mong muốn đó chăng?”. Thế rồi Đỗ Bang luận giải tiếp: “Sách Hoàng Lê nhất thống chí, bản chép tay của Ngô Thời Chí chép nhầm từ chữ Bân qua chữ Sam. Cũng có thể do nhầm lẫn âm nôm, hoặc thấy quả đồi phẳng như mặt bàn mà nhiều tác giả đã đổi từ chữ Bân sang chữ Bàn cho phù hợp địa thế [?]. Với Hòn Thiên, tên gọi này hiện không thấy dân địa phương nhắc đến”. Điều mà Đỗ Bang vừa nêu cần phải kiểm chứng. Bởi cho tới nay, địa danh Hòn Thiên vẫn tồn tại trong khẩu ngữ cũng như văn tự. Ví dụ Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (NXB Văn Học, Hà Nội, 2004) ghi nhận Hòn Thiên khi giải thích mục từ “núi Bân”. Tuy nhiên, do ngữ âm vùng Huế không phân biệt phụ âm cuối n với ng, nên có sách chép nhầm Hòn Thiên ra Hòn Thiêng. Chẳng hạn từ điển Địa danh thành phố Huế của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết (NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2001, tr. 36 & 284) đã mắc lỗi chính tả như thế. Thiên đây là trời. Hòn Thiên là nơi tế trời. Đời Minh Mạng, thấy núi Bân “chầu rìa” bên phải núi Ngự, vua ban tên mới là Hữu Bật, núi Tam Thai bên trái thành Tả Phù, song tên ấy chẳng mấy thông dụng.

Cũng tương tự núi Ngự, núi Bân không phải là… núi! Thực chất, đấy chỉ là gò đồi nho nhỏ với độ cao “hơi bị” khiêm tốn: 41m – bằng 2/5 chiều cao Ngự Bình – và choán diện tích 69.952m². Theo tư liệu của khoa Địa lý địa chất trường Đại học Sư phạm Huế thì đồi này nằm ở tọa độ 16º26 vĩ bắc và 107º35 kinh đông, được cấu tạo chủ yếu bằng sa phiến thạch, vốn hình thành cách nay 350 triệu năm.

Xem xét dấu vết còn lại trên thực địa, hậu thế thừa nhận đấy là đàn Nam Giao có đủ Ba Tầng y hệt tên gọi, nhờ người xưa triệt để khai thác tự nhiên. Chứ không thể nhất trí rằng cái đàn tế dã chiến này “đảm bảo tiêu chuẩn một đàn Nam Giao điển hình” như Đỗ Bang (sđd, tr. 163) đã đánh giá hơi quá mức! Từ điển lịch sử Thừa Thiên – Huế của nhiều soạn giả (NXB Thuận Hóa, Huế, 2000, tr. 535) ghi nhận các thông số trắc đạc cụ thể về đàn tế ở Bân Sơn: “Đàn được xây dựng [đúng ra là cải tạo gò đồi] thành ba tầng đồng tâm tạo thành ba khối hình nón cụt chồng lên nhau theo chiều cao: tầng dưới cùng cao 37m, chu vi mặt trên 220m; tầng giữa cao 1,65m, chu vi 122,5m; tầng trên cùng đắp thành một hình nón cụt có thân khá tròn, cao 1,2m, đường kính rộng 18,6m, chu vi 52,7m. Các tầng nối với nhau bằng 4 con đường dốc thoai thoải để lên xuống, tỏa ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc”. Chúng tôi nghĩ rằng nếu tiến hành khai quật tại đây, hy vọng các chuyên gia khảo cổ học sẽ phát hiện những di vật quý đang ẩn dấu trong lòng đất.

Ngày 18-11-1988, núi Bân được nhà nước công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 288/QĐ-VH của Bộ Văn hóa – Thông tin. Mười năm sau, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Thừa Thiên mới dựng biển đề chữ rõ to: “Di tích lịch sử – văn hóa núi Bân NGHIÊM CẤM xây cất lăng mộ và mọi hành vi xâm phạm di tích”. Thế nhưng, thật khó hiểu vô vàn khi ai ai cũng thấy ngay sau biển cấm kia ken dày hàng nghìn lăng mộ cũ có, mới có! Hay đó là một… bí ẩn khác của Hòn Thiên?

Ai mua… đàn Nam Giao?

Nghiên cứu các nguồn sử liệu, cần chú ý thêm chi tiết: núi Bân được vua Quang Trung cho tạo thành đàn tế Giao quá gấp rút – chỉ một ngày đêm. Khảo sát điền dã càng hay: người xưa khéo chọn núi Bân vì nhiều yếu tố, trong đó có lý do là dễ lợi dụng tối đa địa hình, địa vật, địa thế, hầu kịp cải tạo thành đàn Nam Giao dã chiến trong thời hạn tối thiểu mà vẫn đáp ứng quy chuẩn một cách tương đối, đảm bảo tính uy nghi cần thiết. Chung quanh lại sẵn mặt bằng đủ rộng để huy động hàng vạn binh sĩ khẩn trương hợp sức nắn sửa núi Bân. Rồi chính họ ngay sau đấy dàn đội hình, đón chủ soái tới đọc Chiếu lên ngôi sang sảng, đoạn hùng tráng phát lệnh xuất chinh.

Tham khảo Đại Việt quốc thư của Quang Trung Nguyễn Huệ (Trung tâm học liệu Bộ Quốc gia giáo dục ấn hành, Sài Gòn, 1972 – NXB Thuận Hóa in lại, Huế, 1995, tr. 204), hậu thế còn bắt gặp Tờ kê của vị quan công đồng viết ngày 28 tháng 7 niên hiệu Quang Trung thứ II (Kỷ Dậu 1789), truyền cho Lễ bộ lang trung tước Bá Thanh Xuyên: “Nay kính vâng đại lễ sách phong, chiếu lệ từ trước, thời điện Kính Thiên, điện Cần Chánh đều có bài trí để khoản tiếp quan khâm sứ, mà điện Nam Giao cũng có lễ để cáo trời đất, đã sai chức tham luận tước Bá Hòa Đức, chiếu sao điển lệ đời trước, để dự bị chỉnh biện, vậy sai cai viên cùng với viên tham luận vâng làm công vụ. Đó là việc quan trọng, cẩn thận chớ bỏ qua”. Vậy có khả năng sau khi đại thắng Mãn Thanh, vua Quang Trung trở về kinh thành Phú Xuân, đã cho tu bổ và chỉnh trang núi Bân, dựng thêm ngôi điện trên đỉnh để tiếp tục làm lễ tế Giao thường niên chăng?

Trước thời Nguyễn, nơi đây thuộc xứ Cồn Mô, ấp Tứ Tây, xã An Cựu, huyện Hương Trà. Khoảng giữa thế kỷ XX, xứ Cồn Mô bị gọi trại thành Cồn Mồ, âu cũng có lý do: cả vùng cỏ áy bóng tà kia đã ngổn ngang gò đống kéo lên, toàn mồ với mả. Đỗ Bang (sđd, tr. 161-162) phản ánh: “Bân sơn hiện nay phong cảnh địa lý đã đổi thay nhiều, cánh đồng trước mặt giờ biến thành khu nhà ở của dân làng Tứ Tây, xung quanh núi Bân đã trở thành khu nghĩa địa rộng lớn nhất của thành phố Huế, mồ mả đã bít kín các ngõ ra vào khu di tích. Ngay ở đỉnh đồi, dựa trên những vùng nền di tích hiện nay đã trở thành những khoảnh đất tăng gia của dân làng gần đó”. Ấy là bức tranh ảm đạm của di tích cuối thập niên 1970 và trong những năm 1980. Còn bây giờ thì…

Bây giờ, núi Bân thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế (1). Tên xóm đã thể hiện rõ nghề nghiệp của cư dân sở tại: chuyên trồng hành, ngò, cùng bao loại rau củ quả gia vị. Song đấy là nghề cũ, chứ từ năm 1975 tới nay dân xóm Hành chuyển dần sang nghề mới khá “độc chiêu”: bán đất cho người ta đào huyệt để mai táng hay cải táng thân nhân quá vãng. Xóm Hành trở thành… chợ Huyệt. Nghĩa là nơi bán mộ phần, kèm theo các dịch vụ liên quan hậu sự. Thời giá hiện nay, mỗi huyệt éc (huyệt đơn) từ 500.000 đến 2 triệu đồng tùy vị trí. Huyệt đôi, giá gấp ba, gấp bốn. Xây lăng tẩm thì phụ thuộc khả năng và sở thích của chủ đầu tư nên mức độ giá cả dao động khá lớn: dăm bảy triệu cho tới vài ba chục triệu đồng hoặc hơn.

Đất đâu mà bán thoải mái vậy? Thì đất ngay trên… núi Bân! Hóa ra chợ Huyệt là chợ… đen, vì chính quyền không cho phép. Cái “mánh” của dân địa phương nghe ra “khỏe mà rẻ” khó ngờ: vác cuốc lên đàn Nam Giao nhà Tây Sơn, thấy chỗ nào còn trống thì vun thành nấm và gọi là mả gió, rồi ung dung chờ khách tới trả giá. Bán xong, lấy tiền “tươi” mà chẳng tốn giọt mực nào, lại hưởng thêm bao khoản phát sinh: tiền công đào huyệt, đắp mộ, xây lăng, dựng bia, chạp mả, v.v. Nghề không vốn, bốn lời ấy tồn tại “ngoài vòng pháp luật” một cách bán công khai, kể từ lúc… biển cấm xuất hiện bên chân Hòn Thiên. Cán bộ thôn, xã biết tỏng, song chả có biện pháp gì!

Được biết cố đô đã có phương án biến núi Bân thành khu du lịch trong quần thể danh thắng Ngự Bình – Bân sơn. Theo đó, trong khu vực Hòn Thiên sẽ dựng tượng đài vua Quang Trung. Sau một thời gian phát động, UBND thành phố Huế đã nhận được 17 phác thảo cùng 11 phương án của 8 nhóm tác giả và tác giả trên toàn quốc tham gia. 4 mẫu được chọn vào vòng chung kết. Rốt cục, tháng 1-2003, Hội đồng nghệ thuật đã xét trao giải nhất cho mẫu tượng đài của điêu khắc gia Lê Đình Quỳ. Trong vòng một tháng, từ ngày 16-3-2003, mẫu tượng kia được trưng bày tại Huế để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Khoan bàn tới mẫu tượng và địa điểm dự kiến dựng tượng liệu phù hợp chưa. Trước mắt, bao người tâm huyết cứ day dứt khi thấy núi Bân vẫn đang bị “tùng xẻo” để chế biến thành “mặt hàng lậu độc quyền” của chợ Huyệt. Trên trang web Tuổi Trẻ Online ngày 10-1-2004, chủ tịch xã Thủy An là ông Nguyễn Thiến phát biểu về hiện trạng núi Bân: “Xã chỉ quản lý về mặt địa chính. Còn quản lý di tích là trách nhiệm của Bảo tàng tổng hợp Thừa Thiên – Huế. Hai đơn vị đã phối hợp với nhau để quản lý, song công tác này vẫn chưa thường xuyên. Hơn nữa, lực lượng cán bộ xã lại mỏng, muốn nắm cũng khó nắm được!”.

Tháng 6-2004, khách thập phương về cố đô dự Festival Huế, ai có dịp dạo ngang núi Bân thảy đều ngỡ ngàng khi tận mắt trông thấy toàn bộ đàn Nam Giao nhà Tây Sơn nay đã hóa nên… phố xá: “thị tứ cõi âm”. Càng giật thót mình nếu bạn rẽ vô chợ Huyệt và nghe lời “tiếp thị” rất ấn tượng, vì được cải biên thơ Hàn Mạc Tử và hát theo giai điệu Trần Thiện Thanh:
- Ai mua Bân, tôi bán Bân cho?!


Ghi thêm: Hiện nay, tại khu vực núi Bân (rộng 9,5ha gồm núi Ba Vành và độộng Trọc), mồ mả đã dời hết để tạo lập khu tưởng niệm vua Quang Trung với các hạng mục: quảng trường, tượng đài bằng đá xanh Thanh Hoá cao 21m (tượng và phù điêu bệ tượng của hoạ sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Đình Quỳ, phù điêu phía sau tượng đài của điêu khắc gia Nguyễn Quyết Thắng), nhà thờ, nhà trưng bày tư liệu, hệ thống cây xanh cùng một số công trình phụ trợ, v.v. Riêng tượng đài do Công ty TNHH Mỹ thuật Hà Nội thực hiện với kinh phí đầu tư là 19,8 tỉ đồng, khởi công ngày 9-2-2009, khánh thành tối 9-1-2010.

(Còn nữa)