Đàn Nam Giao & lễ tế Giao (VII)
P.X.P
- Ảnh chụp đàn Nam Giao ở Huế từ máy bay
Giao đàn trên đất Dương Xuân
Đàn Nam Giao do vua Gia Long cho xây tại làng Dương Xuân, phía nam sông Hương, cách Kỳ đài cỡ 3km tính theo đường chim bay. Đây là công trình lộ thiên được khởi tạo vào mùa xuân Bính Dần (25-3-1806) do tập thể thợ và lính thuộc Bộ Công và Bộ Binh thực hiện dưới sự chỉ huy của Chưởng quân Phạm Văn Nhơn / Nhân cùng Đô thống Trần Văn Năng. Ắt cuối năm đó, việc xây dựng đã hoàn tất, vì đầu năm Đinh Mão 1807, triều Nguyễn tổ chức lễ tế Giao tại nơi này.
Về sự kiện ấy, Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính bởi Đào Duy Anh – NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2002, tr. 652 – 653) lược thuật: “Tháng 2, ngày Giáp Thân, bắt đầu dựng đàn Nam Giao (…). Sai Chưởng quân Phạm Văn Nhân trông coi công việc. Thưởng cho các quân làm việc 5.000 quan tiền. Mở vào đất riêng của nhân dân và vào phần mộ phải dời đi thì chi cấp tiền cho. Rồi lấy 25 người dân xã Dương Xuân sung làm đàn phu, miễn cho dao dịch. Sai bộ Lễ bàn định về đồ thờ ở đàn Nam Giao, đưa cho Hữu ty làm theo cách thức. Lại hạ lệnh cho dinh Quảng Đức [tức ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang vốn thuộc phủ Triệu Phong, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế] chọn mua một con trâu non và tám con trâu đực nuôi ở chuồng riêng rất tinh sạch để cúng đại tế”.
Quanh việc quy hoạch và giải tỏa mặt bằng để xây đàn Nam Giao, triều đình Huế thuở xưa đã tiến hành một cách đàng hoàng, thỏa đáng, tránh để nhân dân chịu thiệt thòi mà oán thán. Trong sách Kiến trúc cố đô Huế (NXB Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 153), Phan Thuận An viết: “Nguyên lúc chưa xây [đàn Nam Giao], ở địa điểm này đã có một số khá nhiều mồ mả và đất đai của tư nhân. Sau khi có lệnh bốc dời, nếu ngôi mộ nào không có thân nhân đến thực hiện, thì triều đình cho bốc và quy về một chỗ. Những hài cốt ấy được chôn chung thành hai ngôi mộ tập thể ở gần Ba Đồn, cách đàn Nam Giao chừng 200m về phía đông nam. Đất đai của tư nhân bị xâm chiếm thì bồi thường bằng tiền bạc”.
Đàn Nam Giao trước nằm trong địa bàn xã Thủy Xuân, nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Mặt tiền di tích là giao lộ của các trục đường Điện Biên Phủ (tên cũ lần lượt theo thời gian: Nam Giao tân lộ – avenue Nam Giao – đường Nam Giao – đường Lam Sơn), đường Phan Bội Châu (tên cũ lần lượt theo thời gian: Nam Giao cựu lộ – rue Parallèle d’Est – đường Phan Bội Châu – đường Nguyễn Hoàng), đường Lê Ngô Cát và đường Ngự Bình. Đôi bên Giao đàn là đường Minh Mạng và đường Tam Thai. Cứ xem tên đường cũ cũng đủ thấy rằng dù Huế có hai di tích đàn tế trời thuộc hai vương triều đối lập, song ngay cả người dân xứ Huế lâu nay nếu nói “Nam Giao” thì cốt chỉ những gì liên quan đến công trình xây dựng từ niên hiệu Gia Long thứ V trên đất Dương Xuân.
Theo nguồn tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 22-7-2004, TS. Nguyễn Hồng Kiên – công tác tại Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin – đã phát biểu:
–Đàn Nam Giao ở Hà Nội hiện không còn gì. Đàn Nam Giao ở Huế ra đời rất muộn (triều Nguyễn), đã bị phá huỷ và được khôi phục lại.
Vấn đề đặt ra: phải chăng đàn Nam Giao nhà Nguyễn “đã bị phá hủy và được khôi phục”? Nếu có thì mức độ phá hủy thế nào, vì sao, bao giờ?
Vì lợi ích 10 năm
Đàn Nam Giao cùng đại lễ tế Giao thời Nguyễn từng được miêu tả khá chi tiết qua nhiều tài liệu bằng chữ Hán, chữ Pháp cùng chữ Việt / chữ quốc ngữ. Chỉ riêng Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ) đã dành nhiều số trong giai đoạn 1914 – 1936 để đăng tải loạt bài của Léopold Cadière, Henri de Pirey, Richard Orband, Nguyễn Đình Hòe, Léon Sogny về đề tài này. Loạt phim ảnh tư liệu ghi nhận khung cảnh đàn Nam Giao và lễ tế Giao triều Nguyễn do các tay máy người Pháp quay chụp trong giai đoạn đầu thế kỷ XX hiện nhiều nhà sưu tập đã thu gom với số lượng phong phú. Thời gian qua, bao ấn phẩm đề cập đến Huế xưa lẫn triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam cũng ít nhiều nhắc tới đàn Nam Giao lẫn lễ tế Giao. Lại có cả luận văn cao học cùng luận án tiến sĩ đã, đang và sẽ chọn đề tài liên quan Nam Giao để thực hiện.
Về cấu trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (sđd, tập I, tr. 25) cho biết:
“Ở địa phận xã Dương Xuân về phía nam Kinh thành, dựng từ năm Gia Long thứ V, hằng năm cứ đến tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) bói được ngày tốt thì cử hành lễ đại tế. Quy chế của đàn chia ra làm ba tầng.
“Tầng thứ nhất [tầng cao nhất], đàn đắp hình tròn [Viên đàn], có 5 án thờ: án chính giữa thờ Hiệu thiên thượng đế [trời] và Hoàng địa kỳ [đất]; án phối hưởng thứ nhất phía tả thờ Thái Tổ Gia Dụ hoàng đế [chúa Tiên – Nguyễn Hoàng]; án phía hữu thờ Thế Tổ Cao hoàng đế [Gia Long]; án phối hưởng thứ hai phía tả thờ Thánh Tổ Nhân hoàng đế [Minh Mạng], án phía hữu thờ Hiến Tổ Chương hoàng đế [Thiệu Trị]. Đàn cao 6 thước 5 tấc [nếu tính mỗi thước mộc tức mộc xích / kinh xích tương đương 14,2cm thì Viên đàn phải cao 2,75m; song số đo thực địa là 2,8m], chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc [đường kính hiện đo được 40,5m; tính ra chu vi hơn 127m], tô màu xanh, bốn mặt có thềm: ngọ giai (bậc phía nam) 15 bậc; đông, tây, bắc đều có 9 bậc.
“Tầng thứ hai, đàn vuông [Phương đàn, tên khác là Tùng đàn], có 8 án tòng tự: phía tả, án thứ nhất thờ thần Đại minh [mặt trời], án thứ nhì thờ các vì sao trong bầu trời, án thứ ba thờ thần mây, thần mưa, thần gió và thần sấm, án thứ tư thờ thần Thái tuế [thần các năm] và thần Nguyệt tướng [thần các tháng]; phía hữu, án thứ nhất thờ thần Dạ minh [mặt trăng]; án thứ nhì thờ thần núi, thần biển, thần sông và thần chằm [đầm phá], thần các núi Triệu Tường, Khải Vận, Hưng Nghiệp và Thiên Thụ [bốn “linh sơn” là nơi táng các vị tiên vương, tiên đế vừa kể] đều tòng tự ở án này; án thứ ba thờ thần giữ lăng tẩm và phần mộ; án thứ tư thờ các thần kỳ trong nước. Đàn cao 2 thước 5 tấc [số đo thực địa xấp xỉ 1m], vuông 72 trượng [mỗi cạnh hiện đo được 83m, suy ra diện tích 6.889m²], bốn mặt thềm đều 5 bậc.
“Tầng thứ ba, đàn cao 1 thước 9 tấc [số đo thực địa già 0,84m], vuông 130 trượng 7 thước [thực tế mỗi cạnh 165m, suy ra diện tích hơn 27.225m²], bốn mặt thềm đều 4 bậc. Góc đông nam là lò phần sài [chứa củi], góc tây bắc là huyệt ế mao huyết [chôn máu và lông các con vật hiến tế]. Ba tầng đàn, xung quanh đều xây lan can, tầng thứ nhất tô màu xanh, tầng thứ hai tô màu vàng, tầng thứ ba tô màu đỏ. Khoảng đất vuông ngoài đàn đều trồng cây thông. Ngoài khoảng đất vuông, xây tường bằng đá, chu vi 152 trượng 9 thước [nay tường không còn, đang rào tạm bằng lưới thép như sẽ đề cập ở đoạn dưới], bốn mặt đều mở ba cửa rộng. Phía đông bắc ngoài tường là Thần khố [nhà kho], Thần trù [nhà bếp], kho tế khí và nhà sát sinh; phía tây nam là Trai cung; xung quanh xây tường gạch, mở hai [?] cửa trước sau, trong tường và ngoài tường trồng nhiều cây thông”.
Thuyết Tam tài được thể hiện rõ ở đây: đàn Nam Giao gồm ba tầng xây chồng lên nhau với các dạng thức và màu sắc khác biệt. Trời tròn biểu hiện bằng Viên đàn, với lan can quét vôi màu xanh (thiên thanh), triều đình cho dựng tại đây một cái nhà dã chiến hình nón lợp vải xanh mỗi dịp tế Giao và gọi là Thanh ốc. Đất vuông biểu hiện bằng Phương đàn, với lan can quét vôi màu vàng (địa hoàng), là nơi dựng Hoàng ốc – nhà vuông lợp vải vàng mỗi dịp tế Giao. Tầng dưới cùng cũng hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ biểu hiện cho người (xích tử: con đỏ), dịp tế Giao dành cho văn sinh cùng vũ sinh múa Bát dật. Tổng chiều cao ba tầng đàn hiện đo được 4,65m.
Có lẽ do thiếu khảo sát kỹ càng nên vài tài liệu viết về đàn Nam Giao không đúng thực tế. Chẳng hạn bên cạnh lắm thông số chưa chính xác, từ điển Địa danh thành phố Huế do Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết hợp soạn (NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2001, tr.249) còn mô tả sai lệch: “Toàn bộ khu vực đàn chính nằm trên một khoảnh đất trồng thông hình vuông mỗi cạnh 611,60m”. Nếu xem xét bình đồ hoặc không ảnh, ai cũng đồng ý rằng khuôn viên di tích đàn Nam Giao gần giống hình chữ nhật. Ví chịu khó đo đạc, sẽ biết thêm: mặt bằng ấy có chiều rộng (cạnh bắc và nam) 265m và chiều dài (cạnh đông và tây) 390m, dễ dàng tính ra chu vi 1,25km và diện tích 103.350m².
Khuôn viên đàn Nam Giao vốn được phân định bởi tường rào hình chữ nhật, bốn mặt có trổ cổng và chắn trước từng cổng là bức bình phong. Mỗi bình phong rộng 12,5m, cao 3,2m, dày 0,8m, được xây bằng đá, nay chỉ còn ba bức ở các phía đông, nam, tây. Tường cũng được xây bằng đá, bị triệt phá từ lâu. Bên ngoài khuôn viên, thuở xưa còn có nhiều hạng mục công trình phục vụ tế Giao được xây kiên cố bằng vôi gạch hoặc dựng tạm thời bằng tranh tre, bao gồm: Trai cung (nơi vua giữ mình trong sạch trước khi tế Giao), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Quan cư (nhà dành cho các quan tạm trú), Khoản tiếp (nhà đón khách nước ngoài). Giờ đây chỉ còn Trai cung, chứ tất cả hạng mục vừa kể đều đã bị xóa nhòa bởi các hộ dân hoặc công sở. Chẳng hạn trên nền nhà Khoản tiếp, một thời cất lên trụ sở Ủy ban xã Thủy Xuân, nay mọc chình ình trạm phân phối xăng dầu!
Trong lẫn ngoài khuôn viên Nam Giao, thuở xưa xanh rậm một rừng thông, loài cây tượng trưng người quân tử. Chính sách “vì lợi ích 10 năm” do triều đình Huế áp dụng tại đây từng được Nguyễn Đình Hòe và L. Cadière ghi lại trên tờ BAVH 1914 là những mẩu chuyện rất đáng để hậu thế suy gẫm.
Theo đó, từ khởi công xây dựng đàn Nam Giao, vua Gia Long đã ra lệnh “trồng cây gây rừng” quanh công trình được xem vĩ đại và uy nghiêm. Thoạt tiên là trồng cụm thông về hướng nam, phía trong tường rào, biểu thị cho bậc khôn ngoan tài trí đã kiên nhẫn nếm mật nằm gai và dũng cảm vào sinh ra tử mà sáng lập vương triều. Xung quanh là các cây thông, mỗi cây đều gắn một tấm biển nhỏ bằng đồng hay bằng đá khắc tên từng vị khai quốc công thần. Mùa xuân Giáp Ngọ 1834, đến Trai cung chuẩn bị tế Giao, Minh Mạng đích thân trồng 10 cây thông rồi tự tay buộc biển đồng có khắc bài minh do vua ngự chế. Vua Thiệu Trị nối ngôi cũng noi gương, trồng 11 cây thông như thế. Hàng ngũ hoàng thân quốc thích cũng như đại thần được vinh dự trồng mỗi người một cây thông quanh đàn Nam Giao, trên cây có buộc thẻ bài khắc họ tên mình. L. Cadière bình luận: “Tấm biển cài trên cây đảm bảo đời sống cho cây. Đố ông quan nào chịu nổi tấm biển tên mình treo trên một cây khô héo vào dịp tế Giao? Nếu điều ấy xảy ra và đức vua lỡ trông thấy, thì ông quan nào đấy không chỉ chịu tủi nhục mà rất có thể sẽ đón nhận những hậu quả tai hại! Thật ra, qua việc ngỡ chừng nhỏ nhặt ấy, vua Minh Mạng đã thể hiện tầm chính trị nhìn xa trông rộng. Với sự thận trọng nhằm duy trì và phát triển cây xanh, vấn đề ngài từng quan tâm thể hiện hẳn đem lại những hướng dẫn thực tiễn quý báu cho các cơ quan nông lâm nghiệp ngày nay”.
Đến đời Tự Đức, quyền được trồng thông tại khu vực Nam Giao nới rộng tới quan văn tứ phẩm lẫn quan võ tam phẩm. Rừng thông Nam Giao vì vậy cũng mở rộng, lấn dần sang phần đất sau Trai cung, vượt khỏi giới hạn tường rào cả quãng xa. Tính đến năm Ất Dậu 1885, tức từ đời vua Hàm Nghi trở về trước, mỗi quan lại vào triều diện kiến đức vua để được thăng chức, nâng bậc, ngay sau đó phải lên Nam Giao tự tay trồng một cây thông với sự chứng kiến của phái đoàn đặc biệt gồm các thành viên đại diện Bộ Lễ và Bộ Công. Tuy nhiên, niên điểm 1885 trở về sau, tục lệ tốt lành bị biến tướng cực kỳ… khôi hài: sau khi ông quan nào đó được lên chức, tăng phẩm trật, nhân viên bảo vệ đàn Nam Giao liền tìm tới tư dinh bẩm rằng đã trồng thông và gắn biển tên giúp quan đúng theo quy định. Thế là quan khoan khoái thưởng công 3 lạng bạc!
(Còn nữa)