Trang nhà > Lịch sử > Cận đại > Về giáo dục lịch sử ở Đông Kinh nghĩa thục
Về giáo dục lịch sử ở Đông Kinh nghĩa thục
Thứ Tư 6, Tháng Sáu 2007
(Trích báo cáo tham dự Hội thảo về Đông Kinh nghĩa thục tại ĐHQGHN ngày 23-5-2007)
... Trong hoạt động của mình, Đông Kinh nghĩa thục đã chú trọng việc biên soạn, giảng dạy lịch sử dân tộc, bên cạnh các môn “Cách trí”, “Toán pháp”, “Văn chương”, “Địa lý”, “Công dân giáo dục”. Trong những sách giáo khoa mà Đông Kinh nghĩa thục biên soạn, dùng làm tài liệu dạy học, các sách về lịch sử chiếm một tỷ lệ không nhỏ, với những quyển “Nam quốc giai sự”, “Nam quốc vĩ nhân”, “Quốc sử giáo khoa”… Đó là không tính tới những kiến thức lịch sử trong các sách Địa lý, Văn học, Luân lý, như “Nam quốc địa dư”, “Bài ca địa dư”, “Luân lý giáo khoa (tân đính)”.
Chúng tôi trình bày một số vấn đề chủ yếu về việc biên soạn và giảng dạy lịch sử của Đông Kinh nghĩa thục và qua đây rút ra một số bài học, kinh nghiệm cho việc giáo dục lịch sử hiện nay ở nước ta.
Trước hết, vì sao Đông Kinh nghĩa thục chú trọng nhiều đến việc giáo dục lịch sử như vậy ? Muốn hiểu rõ vấn đề này cần xác định nội dung, tính chất, khuynh hướng hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục.
Như đã trình bày, vào đầu thế kỷ XX phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân đã có một chuyển biến lớn - từ phong trào Cần vương chuyển sang phong trào dân chủ tư sản. Ngọn cờ Cần vương thực chất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân dưới ngọn cờ “Ủng hộ nhà vua” (nhà vua yêu nước chống Pháp), đã sụp đổ. Những chuyển biến trong nước - hệ quả của chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp - cùng với luồng gió mới về tư tưởng phương Tây, qua tân thư, tân sách từ Trung Quốc tràn vào và gương duy tân của Nhật Bản khiến cho phong trào yêu nước chống Pháp phải mang một nội dung mới. Song những người đề xướng, lãnh đạo phong trào đấu tranh chống Pháp lúc này lại là những sĩ phu yêu nước, cùng chí hướng với Phan Bội Châu nên chưa dứt hẳn với tư tưởng phong kiến để tiếp thu triệt để tư tưởng dân chủ tư sản, dù tư tưởng dân chủ của giai cấp tư sản phương Tây đến đây đã lỗi thời, bộc lộ không chỉ những điểm lạc hậu mà còn phản động về chính trị, xã hội.
Các sĩ phu yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành…, sáng lập và tổ chức Đông Kinh nghĩa thục trong bối cảnh như vậy, cũng khó tránh khỏi những lúng túng về tư tưởng, nhận thức. Tuy nhiên, điều chủ yếu bao trùm trong suy nghĩ và hành động của các nhà sáng lập, tổ chức Đông Kinh nghĩa thục, cũn như hầu hết sĩ phu Việt Nam lúc bấy giờ là lòng yêu nước nhiệt thành, căm thù giặc Pháp đô hộ và mong muốn giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập. Đây là điều đáng quý, chi phối mục đích, hướng phát triển, nội dung hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục.
Qua tài liệu, sách vở và hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục chúng ta nhận thấy rõ mục đích, tính chất của nhà trường như sau:
— Đứng trước cảnh đất nước bị xâm lăng, bị đô hộ, qua kinh nghiệm của tổ tiên và truyền thống dân tộc, không có con đường nào khác con đường đấu tranh chống kẻ thù. Muốn cho cuộc đấu tranh được thắng lợi thì phải khơi dậy, nâng cao lòng yêu nước cho nhân dân. Các sĩ phu, tuy khí phách có thừa, song “tay trói gà không chặt”, chưa biết dựa vào đâu, chưa tìm thấy con đường đi rõ rệt đúng thì hãy nhận lấy trách nhiệm: nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù, sẵn sàng và quyết tâm đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là mục đích chủ yếu, bao trùm và chỉ đạo mọi hoạt động của nhà trường.
— Để giáo dục lòng yêu nước thì nhà trường phải nâng cao dân trí bằng cách truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới, một nếp sống văn minh tiến bộ. Khi nhân dân có tri thức, nếp sống mới thì càng hiểu rõ không thể cam lòng làm nô lệ, sống kiếp tôi đòi mà phải vùng lên đấu tranh. Đây là việc nâng cao dân trí, trang bị kiến thức, nếp sống để có sức mạnh, bắt nguồn từ lòng yêu nước được bồi dưỡng nâng cao. Mục đích được xác định này cũng là nhiệm vụ chủ yếu của Đông Kinh nghĩa thục, được hoạt động trong thế công khai, hợp pháp, khéo léo để thực hiện mục đích cao cả là hành động cứu nước, phù hợp với thế và lực của mình.
— Về mặt hợp pháp, Đông Kinh nghĩa thục, theo giấy phép của nhà cầm quyền Pháp, là “cơ quan trung tâm của xu hướng cải cách ở ngoài Bắc” 3, theo đường lối “tân học” để nâng cao trình độ học vấn của nhân dân. Song là một tổ chức yêu nước, lấy danh nghĩa một trường học, nên những người tổ chức, lãnh đạo Đông Kinh nghĩa thục đã bí mật, khôn khéo thực hiện mục tiêu chính của mình là “Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông du của Phan Bội Châu và phong trào Duy tân đang phát triển trong cả nước” 4. Điều này được thực hiện lâu dài, trước mắt sẽ sử dụng tài liệu văn thơ của những người tham gia các phong trào yêu nước này để giảng dạy cho học viên.
Ba mục tiêu trên thể hiện tính hợp pháp, công khai trong hoạt động nhưng lại có ý đồ sâu xa to lớn; có tính chất trước nhất, song xét cho cùng lại mang tính lâu dài… Tất cả đều nhằm mục đích cứu nước, giành độc lập.
Với mục tiêu khơi dậy lòng yêu nước, giáo dục ý thức dân tộc, noi gương, tiếp bước tổ tiên thì không có môn học nào có sức hấp dẫn và tạo nên sức mạnh to lớn như môn Lịch sử. Vì qua môn học Lịch sử, mọi người hiểu rằng: “Nước Nam ta, từ khi họ Hồng Bàng dựng nước, lập biên cương, cai trị lãnh thổ này, đời nọ kế tiếp đời kia, nhân dân ta thấm nhuần ơn sâu của Tổ quốc, lần lên đến tận ngọn nguồn ai mà không tỏ lòng tôn kính”5 Tư tưởng của Đông Kinh nghĩa thục về vai trò, ý nghĩa của sử học là nhấn mạnh tư tưởng độc lập, tự chủ của nhân dân ta trong quá trình dựng nước, giữ nước truyền dạy cho con cháu các thế hệ kế tiếp nhau, như “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” đã nói về mục đích chép sử: “Nước Đại Việt ta dựng bờ cõi ở minh đô thủ trời, định rõ núi sông, nên đất đúc nên văn vật, vua chúa đời sau thay đời trước, phong khí ngày càng mở mang, thời đại không giống nhau, quy mô mỗi thời một khác, song mọi việc xảy ra ở nước mình, trên đất mình do nước mình với tinh thần độc lập, tự chủ”.6
Xác định đúng vai trò, chức năng của việc giáo dục lịch sử, Đông Kinh nghĩa thục đã biên soạn nhiều sách lịch sử, trong đó chú trọng đề cao truyền thống dựng nước, giữ nước của nhân dân Việt Nam. Lấy một vài ví dụ. Mở đầu quyển “Lịch sử Việt Nam”, Phạm Tư Trịu - một viên chức làm việc ở phủ Thống sứ Bắc Kỳ, có lòng yêu nước và cộng tác viên tích cực của Đông Kinh nghĩa thục -, đã gióng lên một hồi trống cảnh tỉnh nhân dân, hãy nhìn lại quá khứ mà tự hào với dân tộc, khinh ghét kẻ phản nước và đương nhiên ngầm kêu gọi đồng bào hãy học sử, làm theo gương ông cha, đấu tranh cho độc lập, tự do:
“Ngô chủng bản phi di,
Ngô tộc diệc phi ti.
Bạch Đằng phá Nguyên binh,
Chi Lăng tẩu Minh si
Phụ xà giảo gia Kê
Tích nhân sở thâm bỉ !”
Dịch:
Giống ta chẳng phải mọi
Dòng ta chẳng phải hèn.
Bạch Đằng phá quân Nguyên,
Chi Lăng đuổi tướng Minh.
Cõng rắn cắn gà nhà,
Người xưa rất khinh bỉ !”7
Trong “Bài ca Địa dư và Lịch sử nước nhà”, Ngô Quý Siêu đã giới thiệu rất ngắn gọn, song khá đầy đủ, chính xác (theo trình độ khoa học lúc bấy giờ) những thông tin về địa lý và những hiểu biết cần thiết về quá trình dựng nước của Việt Nam. Qua đó, người học nhận thức rõ rằng về công sức, xương máu của cha ông đã đổ ra để có một giang sơn gấm vóc nhường này. Từ đó, bài ca dẫn dắt người đọc, người học suy nghĩ về bổn phận của mình trước hiện tình đất nước:
“Dấu thơm dài để muôn đời,
Làm gương cho chúng ta ngồi mà soi.
Sinh ta cũng giống con nòi,
Cũng trong đất nước là người đồng thân.
Phải thương phải xót cho gần,
Một gan một ruột quây quần lấy nhau.
Phú cùng hưởng, hoạ cùng đau,
Chữ đồng cùng đúc chung nhau một lò.
Gió thu phảng phất song hồ,
Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây.
Đôi lời mượn bút sẵn bày,
Trông người trong nước non này cùng xem” 8
Trong nhiều sách khác, như “Quốc dân độc bản”, “Quốc văn tập độc”, người học, người đọc cũng tìm thấy nhiều kiến thức lịch sử nói về “Nguồn gốc xã hội”, “Nước ta lập quốc từ xưa”, “Nước ta khai hoá rất sớm”, “Nỗi bi thảm của quốc gia không được độc lập”..
Phương pháp giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục cũng rất tiến bộ, chống lại lối học thuộc lòng, “tầm chương, trích cú” mà người giảng cung cáp những kiến thức thật cơ bản, ngắn gọn, rồi để cho người đọc, người học tự suy ngẫm, trình bày ý kiến của mình, trao đổi, tranh luận… Điều chủ yếu là cách học luôn hướng về, xoáy vào mục đích giáo dục lòng yêu nước, đấu tranh chống những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội. Vì vậy, mà các hoạt động giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục, người dự rất đông vui, hào hứng:
“Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn, khách tới như mưa”.
Thành tựu mà Đông Kinh nghĩa thục đạt được không chỉ có ý nghĩa, tác dụng tích cực lúc bấy giờ, khiến cho thực dân Pháp phải hoảng sợ, đóng cửa ngay nhà trường, mà còn ảnh hưởng về sau, để lại nhiều bài học, kinh nghiệm cho chúng ta, trong đó có việc giáo dục lịch sử.
Ở đây, chúng tôi không đề cập đến những đóng góp của Đông Kinh nghĩa thục đối với nền sử học nước nhà, song cũng nhấn mạnh rằng, Đông Kinh nghĩa thục đã góp phần xây dựng và củng cố những quan niệm tiến bộ về lịch sử dân tộc, vào việc phổ biến rộng rãi tri thức lịch sử vào đông đảo nhân dân, thức tỉnh lòng yêu nước. Vì vậy, cần quan tâm nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục ở lĩnh vực lịch sử sử học.
Hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục ở lĩnh vực giáo dục lịch sử làm chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc về sự sa sút trong việc hiểu lịch sử nói chung, đặc biệt là lịch sử dân tộc của thế hệ trẻ ngày nay. Tình trạng “mù lịch sử” của thanh thiếu niên đã được xã hội gióng lên hồi chuông báo động. “Mù lịch sử” khôgn phải chỉ khôgn biết hay biết sai kiến thức lịch sử mà còn đáng lo hơn là không hiểu lịch sử, không nhận thức được vai trò, ý nghĩa của việc học tập lịch sử để “ôn cố nhi tri tân”, để biết “lấy xưa phục vụ ngày nay”. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường làm cho nhiều người - chủ yếu là phụ huynh học sinh - nghĩ rằng, trong cuộc cách mạng công nghệ - khoa học đang diễn ra như vũ bão, trí thức lịch sử trở thành vô nghĩa trong cuộc sống, nó không có khả năng “sinh lợi”, càng khôgn đem lại cho người học “tiền đồ” (theo nghĩa đen) sáng lạn. Thật là nguy hai cho đất nước, nếu các thế hệ trẻ không hiểu biết, quên quá khứ huy hoàng, anh dũng và đau thương của dân tộc.
Để nâng cao chất lượng lịch sử cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngoài việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học mà nhà trường có trách nhiệm chủ yếu, cần phải tạo một không khí cho toàn xã hội, trước hết là phụ huynh học sinh, bản thân thanh thiếu niên học sinh, những người lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp có một nhận thức đúng về lịch sử và giáo dục lịch sử, tạo mọi điều kiện cho công tác giáo dục lịch sử tiến hành tốt, có hiệu quả. Các lực lượng khoa học chuyên ngành và bổ trợ, văn học, nghệ thuật, công nghệ thông tin, báo chí, truyền hình, truyền thanh… tích cực đóng góp vào việc giáo dục lịch sử.
Trong những hoạt động này, bài học, kinh nghiệm của Đông Kinh nghĩa thục về giáo dục lịch sử sẽ rất bổ ích cho chúng ta.
THÍCH DẪN
(1): Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, Tập 1, Nxb KHXH, Hà Nội, 1974, tr. 208.
(2): Phan Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Cơ (đồng chủ biên): Lịch sử sử học Việt Nam, Nxb ĐHSP Hà Nội, 2003, tr. 175
(3): Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1997, tr.9
(4): Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (đồng chủ biên): Đại cương Lịch sử Việt Nam Toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr. 627.
(5): Trích theo Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1997, tr. 15.
(6): Quốc sử quán triều Nguyễn: Việt sử thông giám cương mục, Nxb KHXH, 1986, tập I, tr.37
(7): Trích theo Chương Thâu: Đông Kinh nghĩa thục, Nxb Hà Nội, 1982, tr.224 - 225.
(8): sđtr, tr.212 - 213.
PGS TS Nguyễn Đình Lễ
Trường ĐHSP Hà Nội