Nham Duong Pagoda
Chùa Nhẫm Dương (Hải Dương)
Thánh Quang Tự
Nguyễn Chí CôngChùa Nhẫm Dương có từ thời Trần, từng là đạo tràng Tào Động của sư Thủy Nguyệt, sơ Tổ ở miền Bắc. Tên chữ: Thánh Quang Tự. Xếp hạng: Khu di tích khảo cổ học quốc gia (2003). Vị trí: 2GQQ+J9 xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương. Cách BĐX Bờ Hồ: 97km (hướng 3h)
Khu di tích khảo cổ học
Núi Nhẫm Dương có gần 30 hang động lớn nhỏ, tạo thành một vùng du lịch tuyệt đẹp với những rừng cây xanh và hai dòng sông Đá Vách, Kinh Thầy chảy về Bạch Đằng. Viện Khảo cổ học và Viện Nghiên cứu địa chất Việt Nam đã khảo sát, nghiên cứu vùng này trong giai đoạn 2000 - 2001 và phát hiện rất nhiều hoá thạch của 27 loài động vật như: voi, tê giác, hổ, báo, nhím, lợn rừng, đười ươi... từng sống tại đây cách nay gần 5 vạn năm, cùng các di vật của người cổ đại thời đồ đá và thời đồ đồng như rìu đồng có vai, thạp đồng, lưỡi xéo đồng.
Ngày 29-10-2003, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 59/QĐ-BVHTT xếp hạng Khu di tích khảo cổ chùa Nhẫm Dương và các hang động thuộc xã Duy Tân là Di tích quốc gia. Trong đó quy định khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích bao gồm 45% diện tích núi (15ha) với chùa Nhẫm Dương, hang Thánh Hóa, động Tĩnh Niệm, hang Hố Lờ, hang Đình (hang Thóc), toàn bộ núi đá và cảnh quan ở sườn đông. Khu vực núi còn lại được UBND tỉnh Hải Dương giao cho Công ty Xi măng Phúc Sơn quản lý.
Đầu năm 2015, CTXM Phúc Sơn đã liên tục cho nổ mìn tại vùng chồng lấn, gây thiệt hại lớn. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị, nhưng việc khai thác đá vẫn tiếp diễn, bất chấp pháp luật. Các hạng mục thuộc khu di tích cần phải bảo vệ như hang Ma, hang Bà Điền đã biến mất không còn dấu tích; hang Dơi bị phá sập; hang Đình, hang Thóc đã bị hư hại; động Tổ, động Tĩnh Niệm cũng đang chịu sự đe dọa rất xấu.
Từ lưng núi Nhẫm Dương. Panorama NCCong ©2015
Tổ đường Tào Động đầu tiên
Chùa Thánh Quang Tự tọa lạc dưới chân núi Nhẫm Dương, tương truyền có từ thời Trần. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đến nay ít nhất chùa đã qua bốn lần trùng tu. Ban đầu chùa được dựng trên một gò đất cao, xung quanh toàn đầm lầy và cây dại. Muốn lên chùa, người dân phải dùng thuyền nhỏ chèo vào. Văn bia còn lưu giữ được từ thời xưa ghi rõ, chùa là ngôi cổ tự được đích thân nhà vua ra chiếu chỉ dựng nên, trong chùa từng có tòa cửu phẩm liên hoa, có khánh đá, chuông đồng... vào loại lớn nhất nhì vùng Đông Bắc.
Sư thầy Thích Đàm Mơ trụ trì chùa, cho biết đây là nơi khai sinh Thiền phái Tào Động ở nước ta. Hòa thượng Thủy Nguyệt có pháp danh Thông Giác Đạo Nam thiền sư, ngài sinh năm Đinh Sửu đời vua Lê Thần Tông (1637), sau trở thành Đệ nhất tổ của Nam Tông Tào Động. Truyền thuyết kể rằng năm 34 tuổi, ngài và hai đệ tử hành hương sang phương Bắc tìm được hòa thượng Thượng Đức tu trên núi Phượng Hoàng để học đạo. Khi trở về ngài đã khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, trụ trì chùa Hạ Long (Hải Dương), hoằng dương Phật pháp và độ tăng ở Côn Sơn, Quỳnh Lâm, Yên Tử, Đông Sơn….
Hòa thượng Thủy Nguyệt cũng là tổ đời thứ 36 của Bắc Tông Tào Động và Tổ khai sáng chùa Hoè Nhai (Hồng Phúc Tự) ở 19 phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày 6 tháng 3 âm lịch năm Giáp Thân niên hiệu Chính Hòa thứ 20 đời vua Lê Huy Tông (1704), ngài viên tịch ở tuổi 68. Tương truyền khi sư tổ đắc đạo Kim Cương đã đội đầu, đạp chân, lưu lại vết lõm ở động đá sau lưng chùa Nhẫm Dương, cho nên có tên gọi hang Thánh Hoá. Mộ của ngài an táng trong một ngọn tháp đá 7 tầng ở trên triền núi bên cạnh ngôi chùa.
Sân chùa Nhẫm Dương. Panorama NCCong ©2015
Kiến trúc
Năm 1952, chùa từng bị quân địch tàn phá nặng nề trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Đông Triều. Dáng dấp ngôi chùa hiện nay chủ yếu mới được định hình sau đợt đại trùng tu mấy năm trước đây. Từ cổng đi vào du khách nhìn thấy ngay cuối sân lớn là tòa tam bảo xây trên nền cao và dựa lưng vào núi. Tiền đường 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, cùng với thiêu hương, thượng điện tạo thành hình “chữ Công”. Tiền đường làm theo kiểu 2 tầng 8 mái, còn hậu cung 3 tầng 12 mái. Bên tả cạnh cổng chùa là Tổ đường liền với nhà Ni và nhà khách, gồm 2 nếp nhà dài hình “chữ Nhị” xây trên nền cao với 7 gian 2 dĩ, cửa bức bàn.
Di sản
Lễ hội chùa Nhẫm Dương xưa có tên là Trũng Nhẫm, được tổ chức hàng năm vào các ngày 5, 6 và 7 tháng 3 âm lịch.
Hiện nay trong Tổ đường đã bày đầy đủ hệ thống tượng tròn, đặc biệt có pho tượng đá tạc sư tổ Thủy Nguyệt; ngoài hiên đang đặt tạm 3 tấm bia đá cổ chữ đã mòn và 1 tấm bia thời Nguyễn còn đọc được. Trong động Tĩnh Niệm thì có 4 pho tượng Phật giáo nhỏ bằng đá, trong đó có pho Quan Âm tọa sơn đeo tràng hạt rất lạ. Cửa động Thánh Hóa cũng có vài bức tượng nhưng không rõ tạc ai. Phía bên hữu tòa tam bảo là một cây thị rất to cao và tươi tốt, ước chừng hơn 700 năm tuổi. Nhà chùa còn nuôi khỉ để thả vào rừng. Đứng ở lưng núi bạn có thể ngắm phong cảnh giang sơn thơ mộng và cả nhà máy xi măng đang đe dọa phá hủy môi trường.
Bản đồ trực tuyến
Di tích Hải Dương
Bài và ảnh: Đông Tỉnh NCCong