Việt Nam sẽ thịnh vượng như Nhật, Hàn Quốc?

Việt Nam

Đó là một trong những vấn đề nêu trong báo cáo 428 trang "Đông Á phục hưng - ý tưởng phát triển kinh tế" của TS Homi Kharas nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và TS Indermit Gill, quyền chuyên gia kinh tế trưởng của cơ quan này.

Tránh vết xe đổ của châu Mỹ Latin

Các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và sắp tới là VN liệu sẽ tiếp tục thành công và trở nên thịnh vượng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan? TS Homi Kharas, hiện là nhà nghiên cứu tại Học viện Brookings, dẫn chứng ví dụ của khu vực châu Mỹ Latin.

Khu vực này đã từng tăng trưởng ấn tượng liên tục trong 50-60 năm liền, đặc biệt Brazil đạt mức tăng trưởng trung bình 6% trong suốt 100 năm từ 1890-1990, nhưng đến nay khu vực này đang giậm chân tại chỗ. “Rõ ràng điều này mang lại một thông điệp là không có gì bảo đảm một nước sẽ thành công dù từng tăng trưởng mạnh trong quá khứ - ông Kharas nói - Các nước châu Mỹ Latin khi mở cửa cho hàng hóa và các luồng tài chính đã không thành công trong việc hội nhập với khu vực và hội nhập ngay trong chính quốc gia của mình”.

Hai nhà kinh tế đặc biệt lưu ý bài học này cho VN. Theo ông Kharas, VN hiện có mức thu nhập tương tự Indonesia năm 1990 và một bộ phận của nền kinh tế đã biểu hiện những đặc tính của một nước có thu nhập trung bình trong khi cả nước chưa được như vậy. Ngoài ra, việc khoảng 1 triệu người ở nông thôn chuyển ra thành phố mỗi năm cho thấy VN cũng đang đi theo xu hướng thiết lập các thành phố đầu tàu về kinh tế làm đòn bẩy cho cả nước. Tuy nhiên, chính điều này đang làm mức độ bất bình đẳng ở VN gia tăng. Người có bằng đại học ở VN ngày càng được trả lương cao hơn rất nhiều lần so với người chỉ trải qua giáo dục phổ thông, trong khi tại các nước giàu hơn VN mức chênh lệch lương này lại ít hơn. “Điều này cho thấy hệ thống giáo dục ở VN rất thiếu linh hoạt và chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp” - ông Kharas bình luận.

Còn theo TS Indermit Gill, VN cần nhận thức rõ các áp lực của bất bình đẳng, đô thị hóa và tham nhũng đối với việc duy trì tăng trưởng. Ông cho rằng chênh lệch giữa nông thôn và thành thị tại VN sẽ còn gia tăng hơn nữa khi các TP như Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng đang tăng trưởng nhanh hơn. Ông Gill nói: “Giải quyết bài toán hội nhập giữa các vùng miền là việc cần thiết trước khi VN gia nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới”.

Rất cần công nghệ mới

Điều đáng lo ngại với VN, theo ông Kharas, là VN chưa tham gia chuỗi cung ứng các linh kiện và phụ tùng trong khu vực mà mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp máy móc và xuất khẩu các mặt hàng dựa trên ưu thế dồi dào nhân lực như giày dép, quần áo... Trong khi đó, tỉ lệ đăng ký các phát minh sáng chế ngày càng tăng cao ở Trung Quốc, còn các nước Đông Á ngày càng gia tăng xuất khẩu các loại máy móc, dược phẩm, phụ tùng. Bên cạnh đó Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong đang gia nhập đội ngũ các nước và lãnh thổ đi đầu về công nghệ của thế giới.

Cả hai nhà kinh tế đều khuyên VN cần nhanh chóng khuyến khích các sáng kiến, thúc đẩy việc hấp thu các công nghệ mới thông qua thu hút đầu tư nước ngoài. Ông Kharas gợi ý rằng VN cần xác định và lựa chọn một số ngành công nghiệp chủ chốt, ví dụ như cung cấp phụ tùng ôtô chẳng hạn, kết hợp với việc tạo ra các hệ thống sáng tạo để có thể cạnh tranh khi VN đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu.

CẨM HÀ, TTO 08/06/2007