Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Nghệ thuật > Âm nhạc > TRĂN TRỞ VỀ NGƯỜI VIỆT - NHẠC VIỆT...

TRĂN TRỞ VỀ NGƯỜI VIỆT - NHẠC VIỆT...

Thứ Sáu 4, Tháng Ba 2016, bởi Kim Thanh

Ngày tôi học ở Kyiv, thầy đàn Gennadi Markovich Liubimov biết tôi có bộ LP “Tiếng hát quê hương” (vốn là bộ đĩa nhựa mà Nhà xuất bản Melodya của Liên Xô thực hiện dành cho lưu học sinh và cán bộ Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Liên Xô cũ) bèn mượn. Một tháng sau, ông trả lại và nói: "Sao mà Việt Nam lại có thể nghèo đến thế. Tôi chưa thấy một dân tộc nào lại nghèo đến như vậy". Tôi hơi ngạc nhiên, hỏi lại cho chắc: "Ông căn cứ vào đâu để có nhận định này?". "Thì đất nước của các anh không hề có một điệu nhảy nào đó thôi!" - ông chỉ tay vào chồng đĩa quả quyết rồi giải thích rằng những dân tộc có ăn, được mùa thường có nhiều lễ hội và đi liền với các lễ hội là ca hát, nhảy múa... "Đất nước của các anh thiếu ăn đến nỗi không tổ chức nổi những lễ hội có khiêu vũ...". Tôi cứng họng... Đúng thế. Người Việt có dân ca nhưng không có dân vũ. Một số dân tộc ít người có dân vũ chứ người Việt thì không. Mà người Việt đã và đang rồi sẽ có vai trò quan trọng trong giữ gìn và phát triển nền âm nhạc Việt...

Người Việt có (một số dòng) nhạc cổ truyền nhưng chưa phong phú và ít sức sống, chỉ mới du nhập tân nhạc vào đã có nhiều dòng mai một, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng vì hầu chỉ hết được truyền khẩu từ đời trước qua đời sau. Đã thế, có một số dòng còn từng bị cấm đoán cho nên chắc chúng sẽ chết mất hoặc khó bảo toàn được nguyên gốc. Trong khi đó, nếu tính thời điểm công bố bài hát "Kiếp hoa" dựa trên tân nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên - vốn được coi là bài hát tân nhạc Việt Nam đầu tiên - là thời điểm bắt đầu dòng tân nhạc thì cũng đã đến ba phần tư thế kỷ, nền âm nhạc Việt Nam cũng đã trải qua những thời kỳ phát triển rất khác nhau với một kết quả khá nghèo nàn, trừ dòng ca khúc vốn là thế mạnh duy nhất của nền văn hóa âm nhạc Việt. Dù là nhạc đỏ, nhạc vàng hay nhạc hải ngoại, người Việt cứ hễ định làm nhạc sĩ thì phải bắt đầu, duy trì và kết thúc bằng các ca khúc. Cả nước lăn ra viết ca khúc... Không thể chối cãi rằng Việt Nam có nhiều ca khúc hay nhưng nếu chỉ dựa vào ca khúc thì không thể có nền âm nhạc đầy đủ, trọn vẹn và khỏe mạnh được. Suốt 3 phần 4 thế kỷ tân nhạc ấy, Việt Nam cũng hầu như chưa có thêm một điệu nhảy nào, mặc dù, cũng có một giai đoạn dù ngắn, mọi người đua nhau đi học nhảy đầm, có vài điệu nhảy đi kèm các ca khúc như valse với bài "Con kênh xanh xanh"...

Sức lực, trí tuệ và tình cảm của biết bao thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đổ vào ca khúc đã khiến cho âm nhạc đất nước rất thiếu và yếu ở các mảng còn lại. Nhạc Việt nghiêm túc chủ yếu phát triển ở phía Bắc, nơi tập trung nhiều thế hệ nhạc sĩ được Nhà nước cử đi châu Âu học tại các nhạc viện danh tiếng thế giới. Có một số nhạc sĩ đã có sáng tác trong lĩnh vực giao hưởng thính phòng, ví dụ ngợi cai chiến thắng Điện Biên và cũng có nhạc sĩ đã sáng tác opera cách mạng (Cô Sao) nhưng nền âm nhạc Việt Nam là một nền âm nhạc đã có một quá trình phát triển quá lệch, chỉ chú trọng tiểu phẩm dễ viết, dễ thể hiện và dễ nghe; chú trọng những nhu cầu trước mắt hơn là đáp ứng những nhu cầu của lịch sử. Nếu lấy âm nhạc làm mốc soi rọi tiến trình lịch sử nước nhà, chúng ta có thừa các ca khúc nhỏ lẻ nhưng chưa có đủ số tác phẩm lớn đủ tầm cỡ để chỉ cần qua chúng có thể thấy được tầm vóc lịch sử và thời đại. Chúng ta đã có hàng nghìn nhạc sĩ nhưng chưa có một nhạc sĩ đại diện cho cả nền âm nhạc Việt như Tchaikovsky đại diện cho nền âm nhạc Nga hoặc Shostakovich đại diện cho nền âm nhạc Nga - Xô viết...

Bao năm đau đáu về điều này, tôi xin mạo muội chia sẻ đôi điều như sau.

Thứ nhất, về tính “thích của dễ”, người Việt tư duy trừu tượng rất kém, không thích những câu văn dài. Những câu văn chặt chẽ “không thể xuyên tạc được” kiểu như vẫn được sử dụng phổ biến trong tiếng Nga là hoàn toàn xa lạ với văn Việt. Mọi người cố tình bắt người khác phải đơn giản hóa các vấn đề phức tạp khiến cho việc hiểu các vấn đề này méo mó thậm chí sai lệch. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mọi người chỉ muốn nghe đến ca khúc, và phải là ca khúc mùi mẫm, dễ hiểu, dễ hát, hàng triệu người có thể hát nó sau một vài lần nghe… Thử hỏi, làm sao có thể sáng tạo được trong một điều kiện nghiệt ngã như vậy. Chả trách, mỗi nhạc sĩ có được vài ca khúc rút ruột rồi đuối cả, không có nhạc sĩ nào đi được đường dài, đường khó. Cũng xin thừa nhận là Việt Nam cũng có những nhạc sĩ sáng tác được hàng trăm ca khúc, thậm chí hàng nghìn nhưng giữa những tác phẩm của họ luôn là một thứ hình tượng ủ ê hoặc đơn giản đến trần trụi.

Thứ hai, người Việt bình dân không coi âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật, càng không coi âm nhạc là một bộ môn có đầy tính khoa học và triết lý mà chỉ đơn giản cho rằng âm nhạc là bộ môn… giải trí. Người Việt không thể tưởng tượng ra âm nhạc lại là thứ phải đọc, phải học mất rất nhiều thì giờ rồi mới nghe được. Ở một đất nước mà mỗi một ai đó coi việc kiếm được mảnh bằng kiếm cơm là đủ thì việc học thêm những kiến thức nào đó để được nghe nhạc đúng mức sẽ là quá viển vông và khôi hài. Người Việt có thể bỏ ra khá nhiều thời gian nghiên cứu về các cầu thủ bóng đá và các đội tuyển để xem các trận cầu cho thú vị hơn nhưng rất ít người đọc hiểu để nghe nhạc cho ngấu. Cho nên, dù có thành tích thế nào thì âm nhạc ở Việt Nam vẫn chưa so được với bóng đá vốn cũng là môn còn yếu so với thế giới.

Thứ ba, từ ngày chuyển sang cơ chế thị trường, âm nhạc vốn là bộ môn của thượng tầng kiến trúc cũng đã bị thị trường hóa. Hoạt động âm nhạc của đất nước phần lớn do các nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ thị trường nói chung đảm nhiệm. Tôi cứ ngỡ là mình rơi xuống Mặt Trăng khi biết một thanh niên muốn trở thành ca sĩ có thể chỉ cần tham gia các khóa đào tạo từ A-Z, từ luyện thanh đến di chuyển trên sân khấu với mức học phí lên đến nửa tỷ đồng. Họ bảo trong số tiền đó có cả tiền họp báo để các báo biết mà đưa tin về sự xuất hiện của mình… Nửa tỷ đồng chưa phải là một khoản tiền lớn so với cát sê của các ca sĩ “thành danh” trên thương trường. Giá trị âm nhạc bây giờ quy hết về tiền??? Tôi còn nhớ có đọc một bài trên báo Tiền Phong, ông Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam hiện tại có nói đại ý là âm nhạc của chúng ta đang bị buông xuôi, rằng thì ông muốn có Luật Âm nhạc tựa như Luật Điện ảnh vậy… Không biết có cần đến Luật Âm nhạc không chứ âm nhạc của chúng ta bây giờ không có được định hướng và giá trị như ngày nào. Ngay cả các sáng tác của dòng nhạc vàng hay dòng nhạc hải ngoại bấy lâu từng bị ngăn cản cũng ít khi dễ dãi đến như dòng nhạc thị trường hiện tại. Đó chính là điều đáng ngại hơn cả.

Tôi đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để nghe nhạc Việt Nam. Ví dụ, tôi có ít nhất 5 năm nghe chăm chú dòng nhạc mà người Nam Bộ thích. Những tác phẩm đôi khi tôi vẫn huýt sáo có Chiều vàng, Hạ trắng… Tôi biết vì sao mọi người vẫn chỉ thích những điều đơn giản như vậy. Người nghe nhạc phía Nam rất bướng, họ bảo “tôi chỉ nghe cái tôi thích!!!”. Nếu nhạc sĩ không sáng tác ra bài hát mà người nghe muốn nghe thì chắc chắn nhạc sĩ phải cất bài của mình vào xó tủ ngay. Người dân thơ ngây đến mức đó đấy! Họ không biết rằng tính cách của họ là do cha sinh mẹ đẻ và họ luôn muốn bảo toàn tính cách trong khi xây dựng nhân cách (là việc quan trọng hơn) thì hầu như không ai nghĩ tới. Muốn có nhân cách, mọi người phải rèn luyện. Từng người đáng lẽ phải là tổng hòa các quan hệ xã hội, từng người đáng lẽ phải đại diện cho bản thân và trào lưu xã hội thì đa phần người dân phía Nam chỉ muốn là cái tôi như tự thuở lọt lòng…

Về phía nhạc sĩ, tôi nghĩ cũng có đôi điều phải bàn. Một lần, tôi gặp một nhạc sĩ nổi tiếng và ông nói với tôi… “Cái bài đó (bài tủ của ông ấy) ở nước ngoài là có thể mang lại cho người sáng tác cả một ngôi nhà…”. Tôi hỏi: “Vậy bây giờ anh đã có nhà chưa?”. Anh ta mất cảnh giác, đáp: “Không có nhà thì tôi với vợ con biết sống ở đâu?!”. “Đấy, đấy là ngôi nhà vận vào bài đó của anh đó. Còn các bài khác và việc vặt mà anh vẫn làm ở đời thì vào rốn cả rồi nhé”. Nhạc sĩ tự nhiên thấy quê, không muốn nói chuyện nữa.

Về phía người chơi, các cuộc thi âm nhạc quần chúng nhằm tìm kiếm nhân tài âm nhạc mọc lên như nấm hiện nay khiến tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Chẳng lẽ, mọi người lại có thể tin rằng những cuộc thi đó sẽ mang lại cho đất nước một thế hệ diễn viên mới?? Các nhạc viện và trung tâm đào tạo âm nhạc tồn tại hay không tồn tại và tồn tại thì đang có những chức năng gì?? Trải qua vài vòng huấn luyện cấp tốc là ca sĩ có thể vụt lên thành sao ư?? Cá nhân tôi còn gặp những người muốn tập đàn truyền tay trong tình trạng không cần biết mặt nốt nhạc vì học các nốt nhạc sẽ lâu…

Về phía người nghe, không ít người ao ước có nhạc hay để nghe, dàn tốt để hưởng thụ. Thế nhưng khi đụng đến các vấn đề đau đầu như đầu tư, cân đối các nguồn lực, cân bằng các mối quan hệ xã hội giữa người mua - kẻ bán… thì họ đều dễ khùng. Mua một cây đàn hay một đôi loa không dễ như mua quạt máy hay tủ lạnh nhưng ít người hiểu được như thế. Người ta không muốn học nhạc mà muốn nghe nhạc như những người đã trả giá rất đắt cho việc học nhạc. Nghe cũng phải học. Không đâu mà cái tôi của con người lại thể hiện rõ như trên Audio. Người ta chỉ cần nói một câu: “Tôi thích thế” là tất cả phải im. Thật đáng sợ… Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết bằng cách nào mà âm nhạc nước nhà có thể lấy lại phong độ và phát triển đúng để “Âm nhạc Việt Nam” có thể là một từ khóa lớn trong các bách khoa thư…

Nguyễn Như Dũng