Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Thể thao > Võ sư Nguyễn Xuân Dũng

636 Karatedo

Võ sư Nguyễn Xuân Dũng

Thứ Sáu 8, Tháng Sáu 2007, bởi CTV

Số phận khác thường đã chạm vào gót chân bé Dũng từ lúc chào đời. Khi tóc còn để chỏm, chưa kịp cắp sách đến trường, bé đã vào... chùa và trở thành chú tiểu nhỏ. Như trong chuyện cổ tích, có chú bé mỗi sáng sớm quét lá trước sân chùa Diệu Đế, để ban ngày học chữ và dùi mài kinh, luật, đợi tối về rèn luyện võ công...

Vị Trưởng tràng uyên thâm

Năm mười ba tuổi, Dũng xin thụ giáo môn Karate với thầy Choji Suzuki tại võ đường Linh Trường Không Thủ Đạo (Huế). Đó là những ngày tháng đẹp đẽ của quãng đời hoa niên. Dưới sự chỉ dạy của thầy, các môn đồ từ từ vỡ vạc thấm dần cái đạo của võ. Gần mười năm say mê đeo đuổi luyện võ, từ môn Thiếu Lâm đến võ Ta và sau cùng là Karate, ngày nhận đai đen đệ nhị đẳng cũng là lúc Dũng nhận trọng trách Trưởng tràng đời thứ 2 võ phái Linh Trường Không Thủ Đạo.

Rồi chàng thanh niên 22 tuổi làm một cuộc "hành phương nam" vào mở võ đường Bảo Quốc tại Tân Phú - Gia Định. Môn sinh trên cả trăm người mà phần lớn là sinh viên, học sinh nghèo, nhiều anh chị từ Sài Gòn cũng lặn lội trên mười cây số về đây theo học.

Chỉ sau hai năm, từ số tiền một trăm ngàn đồng bán bản quyền quyển sách Huyền đai Karate cho Nhà xuất bản Khai Trí, anh mạnh dạn thuê ngay một mặt bằng lớn ở 193 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn mở võ đường Champion Karate, thu nhận môn sinh lên đến hơn ngàn.

Trong đó có nhiều người Mỹ, Nhật làm việc ở Sài Gòn đến học, và ngay cả sứ quán Nhật Bản cũng mời anh làm cố vấn võ thuật và huấn luyện cho nhân viên của họ.

Chàng samurai trên... thương trường

Biến động lớn của đất nước khiến bao số phận trôi giạt nơi xứ người. Nguyễn Xuân Dũng cùng vợ con lưu lạc nơi chân trời nước Mỹ. Sức mạnh của tinh thần võ đạo đã giúp anh đứng vững trong những tháng ngày đầy sóng gió. Để có thể vừa làm vừa học, Dũng đăng ký làm ca ba tại một xưởng sản xuất điện tử. Ca ba mà những người Việt đi làm ở Mỹ thường gọi là ca "nghĩa địa" graveyard shift, có giờ sản xuất bắt đầu từ 23 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau.

Kiên trì trong bốn năm liên tục mà mỗi ngày chỉ dành cho giấc ngủ khoảng ba tiếng đồng hồ, cuối cùng anh đã tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Nhờ vừa học có bài bản vừa làm việc thực hành đúng chuyên môn, nên gần như anh nắm bắt và tiếp thu tường tận công nghệ cao điện tử của Mỹ trong giai đoạn này.

Bước đầu thử thời vận anh lập một hãng nhỏ để nhận hàng gia công, đến lúc đơn đặt hàng ngày càng nhiều anh quyết định thành lập một công ty có tầm cỡ, đó là sự ra đời của Công ty Quantek, có văn phòng tại Huntington Beach. Tháng 9.1984 anh cùng nhóm bạn đã thiết kế thành công hệ máy tính AT Computer sử dụng CPU 80286 đầu tiên trên nước Mỹ, dần dần thay thế hệ máy tính XT cũ. Đây là bước đột phá lớn và sản phẩm máy tính của Công ty Quantek được xem là tiên tiến nhất, nhận được nhiều đơn đặt hàng cùng nhiều đề nghị hợp tác.

Say mê trong việc nghiên cứu anh đã thành lập tiếp Công ty Power Circut Inc. chuyên sản xuất bản mạch in điện tử nhiều lớp. Chỉ riêng công ty này (tại Croody Way, Santa Ana) đã có trên hai trăm công nhân làm việc, doanh số trên 30 triệu đô la mỗi năm. Sản phẩm do các công ty quốc phòng của Mỹ đặt mua, phần còn lại phục vụ cho các hãng lớn như Boeing, Sony, AST, Toshiba, Gateway...

Không dừng lại với thành công trên đất Mỹ, năm 1994 anh đã quay về đất nước với hành trang là một hệ thống dây chuyền hiện đại SMT (Surface Mount Technology) - đây là công nghệ hàn dán linh kiện điện tử mới nhất, đầu tiên có mặt tại Việt Nam... Dấu chân cuối cùng...

Bước qua tuổi "tri thiên mệnh", Nguyễn Xuân Dũng giao công việc kinh doanh cho các con và cộng sự để "rửa tay gác kiếm" lui bước ra ngoài thương trường. Bằng uy tín và đẳng cấp huyền đai đệ bát đẳng Karate quốc tế, anh được mời làm Chủ tịch Hội nghiên cứu võ học thế giới. Cũng trong thời gian này anh lặng lẽ nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành quản trị.

Trong một lần về Việt Nam, nghe lời khuyên của nhiều bè bạn, anh ngồi tại khách sạn mà viết một mạch hồi ức Gió về Tùng môn trang được bạn đọc đánh giá cao và xếp hạng tác phẩm best seller trong năm. Anh cũng đã dịch và chú giải xong bộ Ngũ đại thư của tác giả Miyamoto Musashi được xếp vào hàng kỳ thư và đang chờ xuất bản.

Thầy Thâm Triệt, một chân sư truyền thụ pháp môn thiền cho anh đánh giá rất cao năng lực tâm linh của anh và đặt cho anh pháp danh Tuệ Hải. Có vẻ như anh đang dấn bước xa trên con đường văn hóa. Thế nhưng anh vẫn còn nặng nợ với đời khi "tái xuất giang hồ" bằng việc mua lại một công ty tài chính và đang có những dự án mới đầu tư tại Brazil và Việt Nam.

Cho đến cái ngày định mệnh (25/5/2007), anh ngã xuống ngay lúc chuẩn bị lên đường về nước. Bước chân của samurai Nguyễn Xuân Dũng từ nay không còn ngang dọc chốn võ lâm và thương trường. Nhưng dấu ấn để lại nơi người samurai từng đi qua vẫn còn đó...

Nguyễn Ngọc Thạo (VNN)